tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 10-10-2015

  • Cập nhật : 10/10/2015

Mỹ chi 100 triệu USD giúp bốn nước ASEAN tăng an ninh biển

Mỹ hôm qua tuyên bố đã tăng gấp 4 viện trợ cho Việt Nam và ba nước ASEAN khác nhằm thúc đẩy năng lực hành pháp trên biển. 
tau chien dau ven bien uss fort worth (lcs-3) cua my trong mot nhiem vu o bien dong. anh: usnavy

Tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth (LCS-3) của Mỹ trong một nhiệm vụ ở Biển Đông. Ảnh: USNavy

"Sáng kiến tại thời điểm này tạo nên hơn 100 triệu USD viện trợ của Mỹ đối với việc thực thi luật trên biển cho 4 nước này", AFP dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ William Brownfield hôm qua nói trong cuộc họp báo qua điện thoại từ Washington D.C, một tuần sau khi thăm Indonesia, Philippines và Việt Nam. 4 nước nằm trong sáng kiến gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia. 

Viện trợ dựa trên khoản cam kết 25 triệu USD ban đầu do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo hồi tháng 12/2013. "Chúng tôi không ngốc nghếch. Chúng tôi biết có những vấn đề khác nổi lên trong khu vực, nhưng sự hỗ trợ của chúng tôi tập trung vào việc thực thi luật trên biển", ông nói thêm. 

"Sự hợp tác của chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tuần duyên Việt Nam, cũng giống như tất cả các nước khác, có thiết bị thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ hàng hải", SCMP dẫn lời ông Brownfield nói. "Bạn cần khả năng để ra đó, nơi luật pháp bị vi phạm, nơi có những hành vi đánh bắt cá trái phép của những kẻ buôn lậu, hay những kẻ đang ăn cắp nguồn tài nguyên quốc gia". 

Ông Browfield cũng cho biết sáng kiến này "hoàn toàn minh bạch".


Hạ viện Mỹ hỗn loạn trước giờ quyết định chủ mới

ha vien my hon loan truoc gio quyet dinh chu moi

Hạ viện Mỹ hỗn loạn trước giờ quyết định chủ mới

 Ngay trước cuộc bỏ phiếu chọn Chủ tịch Hạ viện Mỹ,ứng viên tiềm năng Kevin McCarthy bất ngờ rút khỏi cuộc chạy đua khiến Hạ viện thêm hỗn loạn.

Hạ nghị sỹ Cộng hòa Kevin McCarthy ngày 8/10 bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc chạy đua chức Chủ tịch Hạ viện thay ông John Boehner chỉ vài giờ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.

“Để giữ đoàn kết trong Hạ viện, chúng ta có lẽ cần một gương mặt mới”, ông McCarthy phát biểu sau khi bất ngờ đưa ra quyết định rút lui. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ tiếp tục là lãnh đạo đa số tại Hạ viện, một chức vụ mà ông đã nắm kể từ tháng 8/2014. Hiện chưa rõ “gương mặt mới”mà ông McCarthy muốn nói là ai song có một điều chắc chắn đó sẽ là người phải đối mặt với những quyết định khó khăn liên quan đến nợ quốc gia và chi tiêu chính phủ.

Trước khi tuyên bố rút lui, ông McCarthy được coi là ứng viên sáng giá nhất cho chức Chủ tịch Hạ viện bất chấp sự phản đối từ phe bảo thủ. Hiện sự chú ý sẽ chuyển sang 2 ứng viên còn lại là nghị sỹ Cộng hòa Daniel Webster và Jason Chaffetz. Những khó khăn trong lựa chọn lãnh đạo mới của Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát làm dấy lên hoài nghi về khả năng điều hành Quốc hội Mỹ.

Ông Boehner bất ngờ tuyên bố từ nhiệm từ ngày 30/10 sau 5 năm làm Chủ tịch Hạ viện. Quyền hạn của ông thường xuyên bị thách thức bởi phe cực bảo thủ, trong đó có nhiều người được bầu vào năm 2010 trong làn sóng của phe “Tea Party” giúp cho phe Cộng hoà giành thế đa số. Những người này đòi có nhiều quyền hơn trong việc làm ra quyết định và các vấn đề chính sách.
Theo hiến pháp Mỹ, chủ tịch Hạ viện là người thứ nhì, sau phó tổng thống, lên giữ chức tổng thống trong trường hợp tổng thống đương nhiệm từ trần hoặc mất năng lực.

Nga thắt lưng buộc bụng

nga "that lung buoc bung"

Nga "thắt lưng buộc bụng"

Nga cũng chuẩn bị một kịch bản bi quan cho trường hợp giá dầu xuống đến mức 40 USD/thùng, khi đó GDP sẽ suy giảm 1%.
Theo hãng tin Nga TASS, ngày 8/10, Chính phủ Nga đã thông qua các chỉ số cơ bản cho ngân sách năm 2016 với các tính chất "thắt lưng buộc bụng," song thích hợp với các điều kiện hiện nay.

Năm nay, Chính phủ Nga thông qua ngân sách một năm, tức là không đưa ra các dự báo cho hai năm tiếp theo 2017 và 2018. Ngoài ra, giá dầu trung bình cho ba năm gần đây cũng không được lấy làm cơ sở để dự trù chi phí tối thiểu của ngân sách.

Bản ngân sách vừa được thông qua cũng sẽ được đệ trình lên Duma quốc gia Nga (Hạ viện) muộn hơn mọi năm - vào ngày 25/10 thay vì 1/10.

Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, ngân sách 2016 được quyết toán với mức thâm hụt 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó thu giảm 380 tỷ ruble (khoảng hơn 6 tỷ USD), chi tăng hơn 72 tỷ ruble (hơn 1 tỷ USD). Các nguồn chính để bù đắp thâm hụt vẫn là Quỹ Dự phòng.

Trong năm 2016, Bộ Tài chính lập kế hoạch vay thị trường trong nước 1.200 tỷ ruble (gần 20 tỷ USD), không loại trừ khả năng sẽ phát hành trái phiếu để vay nước ngoài, song chỉ ở mức 2 tỷ so với 7 tỷ USD mọi năm.

Ngân sách 2016 của Nga được quyết toán dựa trên dự báo tăng trưởng kinh tế-xã hội do Bộ Phát triển kinh tế soạn thảo. Theo dự báo, tăng trưởng GDP cả năm đạt 0,7% song chỉ đạt mức tăng trưởng dương từ quý 2, sản xuất công nghiệp tăng 0,6%. Bộ cũng chờ đợi lạm phát sẽ tăng gấp đôi so với năm nay, lên 6,4%, giá dầu 50 USD/thùng. Lĩnh vực đáng lo ngại nhất trong nền kinh tế Nga năm 2016 là đầu tư, chỉ ở mức 9,9%, các kế hoạch đều bị hoãn lại dài hạn.

Bộ Phát triển kinh tế Nga cũng chuẩn bị một kịch bản bi quan cho trường hợp giá dầu xuống đến mức 40 USD/thùng, khi đó lạm phát sẽ ở mức 8,3%, GDP sẽ suy giảm ở mức âm 1%.

Tại cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết bản ngân sách năm 2016 được xây dựng trên ba nguyên tắc đảm bảo ổn định dài hạn và tính bền vững của hệ thống ngân sách đến cả cấp địa phương; ưu tiên số một cho đảm bảo chi trả xã hội; hỗ trợ khu vực sản xuất thích ứng được với điều kiện hiện nay.


LHQ kiểm tra toàn bộ tiền nhận từ tỷ phú Trung Quốc

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon yêu cầu kiểm toán các quỹ liên quan để làm rõ việc các quan chức nhận tiền từ ông trùm bất động sản Trung Quốc.
tong thu ky lhq ban ki-moon de nghi kiem toan voi tinh than khong khoan nhuong voi vu hoi lo. anh: reuters

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị kiểm toán với tinh thần không khoan nhượng với vụ hối lộ. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của ông Ban được đưa ra sau khi cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) John Ashe bị bắt hôm 6/10 với cáo buộc nhận 1,3 triệu USD từ tỷ phú người Trung Quốc Ng Lap Seng, theo AFP.

Với tinh thần "không khoan nhượng với tham nhũng tại LHQ", các quan chức sẽ xem xét sự tương tác giữa LHQ và Quỹ bền vững toàn cầu (Global Sustainability Foundation - GSF) với Tập đoàn Sun Kian Ip của ông Ng. Cuộc kiểm toán cũng sẽ kiểm tra việc sử dụng "bất kỳ quỹ nào" nhận được từ các tổ chức này, ông Stephane Dujarri, người phát ngôn của ông Ban cho hay.

LHQ đã xem xét khoản tiền tặng 1,5 triệu USD từ tập đoàn Sun Kian Ip cho Văn phòng Hợp tác Nam - Nam, do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) thành lập. Ông Dujarric nói các quỹ được dùng để tổ chức các hội nghị gần đây ở Bangladesh và ở Macau, và hai cuộc họp khác dự kiến cho năm sau.

Ông này khẳng định các quỹ được dùng "tuân theo các quy định và hướng dẫn của LHQ. Không có chứng cứ nào cho thấy các quỹ được nhận bị định hướng sai hay bị biển thủ". Không có nhân viên nào bị điều tra.

Ông Ashe được cho là nhận khoản tiền lớn từ ông Ng để hỗ trợ kế hoạch xây dựng trung tâm hội nghị của LHQ tại Macau, Hongkong. Ông cũng bị cáo buộc giúp các doanh nhân người Trung Quốc mua các khách sạn ở Caribbean, theo cáo trạng của tòa tại New York. 

Từng là đại sứ của Antigua và Barbuda tại LHQ, ông Ashe còn được cho là có mức lương 20.000 USD mỗi tháng để giữ chức chủ tịch danh dự của Quỹ GSF. Vợ ông này, bà Anilla Cherian, một nhà vận động về môi trường, không bị cáo buộc đến vụ tham nhũng này, được cho là nhận lương 2.500 USD mỗi tháng từ đầu 2001 đến cuối năm ngoái, với tư cách tư vấn cho tờ Tin tức Nam - Nam, báo của LHQ chuyên đưa về các vấn đề phát triển.

Theo cáo trạng, tờ báo này nhận 12 triệu USD từ ông Ng và chi trả cho chuyến đi nghỉ của gia đình Ashe tại khách sạn sang trọng New Orlean có giá 850 USD mỗi đêm.

Cũng trong ngày 6/10, Francis Lorenz,  Phó đại sứ của Cộng hòa Dominica tại LHQ cũng bị bắt. Lozenz là người phụ trách tờ Tin tức Nam - Nam. 

Về phía Trung Quốc, Sheri Yan, Tổng giám đốc điều hành và Heidi Hong Piao, Giám đốc tài chính quỹ GSF nằm trong số 6 người bị xem xét có liên quan đến kế hoạch hối lộ.

Tổng thư ký Ban Ki-moon nói ông bị "sốc và cảm thấy hết sức bối rối" trước cáo buộc. Vụ việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 70 năm Liên Hợp Quốc. Người phát ngôn của ông Ban miêu tả quyết định kiểm toán là "một bước đi quan trọng". 


NATO sẵn sàng điều quân bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước xung đột Syria

Các lãnh đạo NATO hôm qua lên án Nga can thiệp quân sự vào Syria và cho biết sẵn sàng gửi quân để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ xung đột vượt qua biên giới. 
tong thu ky nato jens stoltenberg chu tri cuoc hop cac bo truong quoc phong hom qua tai brussels, bi. anh: reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chủ trì cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng hôm qua tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bỉ hôm qua, Tổng thư ký Jens Stoltenberg chỉ trích "sự leo thang gây rắc rối" của lực lượng Nga ở Syria và việc sử dụng "một số vũ khí hiện đại nhất của họ" gần biên giới với các nước NATO.

Khi chiến sự tiếp diễn, các lãnh đạo NATO tìm cách đảm bảo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng liên minh sẽ thực hiện bất cứ biện pháp nào để giúp bảo vệ lãnh thổ nước này trước khả năng xung đột Syria lan ra ngoài biên giới. Các chiến đấu cơ Nga đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất hai lần trong tuần tới, khiến Ankara và Brussels phản đối.

Các bộ trưởng tại NATO cho biết họ sẵn sàng triển khai lực lượng phản ứng nhanh xuống miền nam, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. "NATO có thể và sẵn sàng bảo vệ tất cả các đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, trước bất cứ mối đe dọa nào", Washington Post dẫn lời Stoltenberg nói. Ông cho biết tuy Thổ Nhĩ Kỳ chưa yêu cầu tăng viện quân đội hay vũ khí từ NATO, liên minh vẫn "đối thoại liên tục" với Ankara về sự hiện diện của Nga gần biên giới. 

Tổng thư ký NATO cũng thông báo thành lập văn phòng trụ sở mới của tổ chức ở Hungary và Slovakia. 

Anh dự kiến triển khai khoảng 100 quân ở Estonia, Latvia và Lithuania, trong bối cảnh căng thẳng với Moscow. Nước này cũng gửi 25 lính thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thì cảnh báo Nga có nguy cơ bị phần còn lại của thế giới xa lánh. "Nga tiếp tục tự bọc bản thân bằng tấm vải cách ly, và chỉ có Kremlin mới có thể quyết định thay đổi điều đó", ông Carter nói với phóng viên. "Chúng tôi vẫn hy vọng rằng Nga sẽ thấy tự xích mình vào một con tàu chìm là một chiến lược thất bại".

Ông Carter dự đoán hành động can thiệp của Nga ở Syria sẽ phản tác dụng và còn khiến số người Nga thiệt mạng gia tăng. "Điều này sẽ tự gây ra hậu quả cho Nga", ông nói. 

Nga bắt đầu triển khai chiến dịch không kích ở Syria từ ngày 30/9, nhằm vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm phiến quân. Tuy nhiên, Mỹ tỏ ra hoài nghi, cho rằng Moscow muốn lợi dụng các cuộc không kích để hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng cách tấn công những lực lượng đối lập chống chính quyền Syria mà Washington đang huấn luyện.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục