tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vấn đề “tín dụng đen” trong quy định của luật

  • Cập nhật : 15/11/2015

(Kinh te)

Có nhiều yếu tố để các giao dịch vay tiền biến thành “tín dụng đen”, nhưng yếu tố chính yếu nhất là lãi suất cao ngất ngưởng, đây là nguyên nhân đẩy người vay tiền và cho vay trở thành thủ phạm và nạn nhân của “tín dụng đen”. Tuy nhiên, không thể thiếu nguyên nhân là do pháp luật thiếu minh bạch, rõ ràng.

anh minh hoa (nguon internet)

Ảnh minh họa (nguồn internet)

 

Nhận diện “tín dụng đen”

Lâu nay, giới chuyên gia và trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều khái niệm “tín dụng đen”, nhưng về mặt pháp lý thì không dễ gì khẳng định thế nào là “tín dụng đen”, bởi vì chưa có quy định hay giải thích cụ thể, rõ ràng. Nói đến “tín dụng đen” là nhắc đến một hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp, không được phép hoạt động cho vay, nhưng vẫn tiến hành cho vay.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc cho vay không được phép hay cho vay không có giấy phép thì lại khó có thể gọi đó là “tín dụng đen” mà nói đến “tín dụng đen” tức là nhắc đến lãi suất cho vay bất hợp pháp. Nhưng nếu cho rằng lãi suất cho vay bất hợp pháp đều bị coi là “tín dụng đen” thì chẳng hóa ra mọi hoạt động cho vay vượt trần lãi suất 13,5% theo quy định của pháp luật hiện hành đều là “tín dụng đen”? Thậm chí không loại trừ cả việc cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác?

Dường như để được gọi là “tín dụng đen” thì phải là một hoạt động cho vay có nhiều hơn một yếu tố bất hợp pháp trong số các yếu tố sau: Hoạt động cho vay bất hợp pháp, mục đích vay vốn bất hợp pháp, lãi suất cho vay bất hợp pháp hoặc có những hành vi bất hợp pháp khác như đe dọa, cưỡng bức, lừa dối trong giao dịch cho vay,... Hiện tượng phổ biến nhất của “tín dụng đen” là sự kết hợp của hai yếu tố cho vay bất hợp pháp đi đôi với áp đặt một mức lãi suất cao trái với quy định của pháp luật.

Hoạt động cho vay vốn trong pháp luật dân sự

Về hoạt động cho vay, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 (các điều từ Điều 471 đến 479 về “Hợp đồng vay tài sản”), một số điều trong Luật Doanh nghiệp năm 2014,… giao dịch vay và cho vay giữa các cá nhân và pháp nhân với nhau là hợp pháp và không cần phải đăng ký kinh doanh. Thậm chí tiền lãi cho vay (không chỉ đối với các tổ chức tín dụng) còn được miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 5 về “Đối tượng không chịu thuế”, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013.

Trừ trường hợp đặc biệt, còn mọi cá nhân hay pháp nhân đều có quyền vay tiền của nhiều cá nhân và pháp nhân khác. Một cá nhân hay một pháp nhân cũng có quyền cho nhiều cá nhân và pháp nhân khác vay tiền. Vì vậy, không dễ dàng để khẳng định trường hợp nào là cho vay hợp pháp và khi nào là hoạt động cho vay bất hợp pháp, có dấu hiệu của “tín dụng đen”.

Khoản 1, Điều 476 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Lãi suất cơ bản áp dụng từ ngày 5-11-2010 đến nay vẫn là 9%/năm theo Quyết định số 2619/QĐ-NHNN ngày 5-11-2010 và Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Về Mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam”.

Như vậy, giao dịch cho vay nào vượt mức 13,5%/năm là giao dịch bất hợp pháp về lãi suất, như thế bắt đầu có dấu hiệu của “tín dụng đen”. Trên thực tế thì phần lớn giao dịch cho vay có mức lãi suất cao hơn, bao gồm giao dịch cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác. Hiếm có ai lại nghĩ rằng lãi suất cho vay dân sự hiện nay hơn 13,5%/năm là “tín dụng đen”, mặc dù đó là bất hợp pháp. Lùi về thời điểm từ khi Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực từ ngày 1-7-2006 trở đi, mức trần lãi suất này dao động trong khoảng từ 10,5% cho đến 21%/năm.

Cho vay trong pháp luật hình sự

Bộ luật Hình sự hiện hành không có quy định nào về việc cho vay trái phép, mà chỉ có quy định tại Điều 159 về “Tội kinh doanh trái phép”. Hoạt động cho vay trái phép cũng có thể bị xử phạt theo tội kinh doanh trái phép. Khi đó, hành vi cho vay trái phép có thể phạm tội kinh doanh trái phép nếu như “không có đăng ký kinh doanh”, hoặc “không có đăng ký kinh doanh cho vay”, hay “không có giấy phép hoạt động ngân hàng” do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp, mà đã “bị xử phạt hành chính về hành vi” cho vay trái phép hoặc đã thu lời từ 100 triệu đồng trở lên,…

Nhưng như đã phân tích ở trên, việc cho vay của các cá nhân, pháp nhân vẫn được phép và hợp pháp mà không cần phải có giấy phép hoặc đăng ký kinh doanh. Vì vậy, nhìn chung là không thể xử phạt được hành vi cho vay thông thường về tội kinh doanh trái phép.

Về lãi suất cho vay, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2009, nếu người nào không thuộc vào trường hợp “có tính chất chuyên bóc lột” thì dù có cho vay lãi suất đến vài nghìn phần trăm, cũng không có tội và cũng chẳng hề bị xử phạt vi phạm hành chính. Với hệ thống pháp luật như hiện nay, chỉ có trường hợp phạm tội cho vay lãi nặng, thì mới chắc chắn được gọi là “tín dụng đen”. Còn sai trái pháp luật trong hầu hết các trường hợp khác, thì thật khó có thể gọi là “tín dụng đen” và cũng không hề bị xử phạt hành chính.

Cuối cùng, lãi suất cho vay là một loại giá cả hàng hóa, dịch vụ được tự do kinh doanh và do thị trường quyết định. Lãi suất cao hay thấp là do hai bên thỏa thuận tự nguyện, thuận mua, vừa bán. Vì vậy, không còn lý do để duy trì tội phạm này trong Bộ luật Hình sự. Vấn đề đặt ra là chỉ khi nào cho vay trái luật cùng với các yếu tố lừa đảo, gian dối, cưỡng bức, ép buộc, bóc lột,... thì mới cần thiết phải xử lý. Khi đó thì có thể xử phạt hình sự ngay cả trường hợp cho vay cao hơn mức trần lãi suất 13,5%, chứ không cần phải cao hơn gấp 10 lần mức lãi suất cao nhất như hiện nay (tức hơn 135%/năm) hoặc cao hơn 20% như Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 hay cao hơn gấp năm lần mức lãi suất cao nhất như Dự thảo Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục