tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 27-02-2016

  • Cập nhật : 27/02/2016

Vấn đề Biển Đông phủ bóng Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN

quoc ky cac nuoc thanh vien asean - anh: reuters

Quốc kỳ các nước thành viên ASEAN - Ảnh: Reuters


Các Ngoại trưởng ASEAN tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại thủ đô tại Vientiane, Lào trong hai ngày 26-27.2 để thảo luận các vấn đề khu vực, và vấn đề Biển Đông có thể phủ bóng kỳ họp này.
Đây là kỳ họp đầu tiên trong hàng loạt kỳ họp do Lào chủ trì với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016, cũng là kỳ họp cấp bộ trưởng đầu tiên của ASEAN kể từ khi thiết lập Cộng đồng ASEAN ngày 31.12.2015, theo đài Channel News Asia (Singapore).
Philippines tuyên bố nước này dự định tập trung vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông trong hội nghị lần này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose cho hay: “Chúng tôi sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông”, bao gồm thông tin tên lửa Trung Quốc đưa đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam, theo trang tin Nikkei Asian Review (Nhật Bản).
Ông Jose cho biết thêm Manila bày tỏ quan ngại về những hành động đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trong khi đó, Indonesia sẽ kêu gọi đẩy nhanh việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vốn bị trì hoãn lâu nay. “Đây không phải là việc dễ làm. Nhưng Indonesia quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh thảo luận để sớm đưa ra COC”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Derry Aman cho biết.
Trong những kỳ Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trước đây, Philippines đã nhiều lần đề nghị văn bản tuyên bố chung sau hội nghị nên đề cập đến hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.
Các hình ảnh vệ tinh công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã đặt các trạm radar trên những đảo nhân tạo xây phi pháp ở Trường Sa. Trung Quốc còn triển khai hệ thống tên lửa đất đối không và mở rộng đường băng để phục vụ các chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25.2 còn ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh “thật sự” cần những “vũ khí phòng vệ” trên Biển Đông để đối phó với tiến trình quân sự hóa do Mỹ kích ngòi.
Cũng trong ngày 25.2, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi”, theo TTXVN.
“Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình nói.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”, theo ông Lê Hải Bình.
Philippines hồi năm 2013 đã đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài thường trực (trụ sở tại The Hague, Hà Lan), phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trung Quốc từ chối tham gia các phiên phân xử. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 25.2 còn cáo buộc Philippines “gây hấn chính trị” khi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế. Tòa trọng tài thường trực dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào cuối năm 2016.

Ông McCain kêu gọi Mỹ-Ấn tuần tra chung ở biển Đông

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain nhận định việc nước này và Ấn Độ xem xét ý tưởng tuần tra chung trên biển Đông là động thái phù hợp trong tình hình hiện nay.

Phát biểu trên được ông McCain đưa ra hôm 25-2.

Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh rằng hai nước không nên tuần tra ở những tuyến hàng hải liên quan tới tranh chấp giữa các nước, vốn đang là tâm điểm tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei trong bối cảnh Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết biển Đông. Nguyên nhân ông đưa ra là dư luận Ấn Độ chưa sẵn sàng cho một hành động như vậy.

my - philippines trong mot cuoc tap tran tren bien. anh: philstar

Mỹ - Philippines trong một cuộc tập trận trên biển. Ảnh: PHILSTAR

Phát biểu với các phóng viên, ông McCain nói: “Tôi sẽ nghiêng về hướng đó (cuộc tuần tra chung giữa Ấn Độ và Mỹ ở biển Đông). Thế nhưng, cần phải tạo ra lộ trình thuận lợi trước khi tuyên bố. Tôi cho rằng đây là thời điểm rất tốt để tuyên bố là đang xem xét. Ngay từ bây giờ, tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị tinh thần cho công chúng Ấn Độ về việc đó”.

Theo ông McCain, điều đó không có nghĩa là hình thành liên minh quân sự chính thức mà là tất cả những gì nhằm nâng cao quan hệ ngoại giao, quân sự cùng nhiều lĩnh vực khác.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ là một trong những chính trị gia hàng đầu của Mỹ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau khi nhậm chức năm 2014. Ông McCain không ngớt lời tán tụng Thủ tướng Ấn Độ: “Tôi là người hâm mộ Thủ tướng Modi. Tôi nghĩ ông ấy sẽ thể hiện khả năng lãnh đạo tương xứng với tầm vóc và ảnh hưởng của Ấn Độ”.

Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về biển Đông ngày càng nghiêm trọng. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 25-2 lớn tiếng kêu gọi các lực lượng của nước này “nhả đạn” hoặc “đâm vào tàu chiến Mỹ” ở biển Đông “để dạy cho Washington một bài học”.

Phía Mỹ có lẽ không đếm xỉa đến "bài học" này bởi tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc hôm 25-2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Harry Harris, tiếp tục tố cáo Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát “trên thực tế” tại biển Đông, thông qua việc xây dựng các căn cứ không quân, bố trí các hệ thống tên lửa và radar hiện đại, gia cố các boong-ke trên các hòn đảo mà nước này chiếm đóng hoặc bồi lấn trái phép ở biển Đông.

Đô đốc Harris cho biết ông lo ngại nhất là việc Trung Quốc sẽ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng không và hàng hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng chỉ trích sự hiện diện quân sự trái phép của Trung Quốc ở biển Đông làm dấy lên nguy cơ “tính toán sai, thậm chí xung đột”. Ông Carter khẳng định các nước đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Philippines, Ấn Độ.. đang nỗ lực hợp tác với Mỹ để bảo vệ an ninh hàng hải trước mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc.


Mỹ có thể 
điều tàu ngầm đến Biển Đông

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, đô đốc Harry Harris tuyên bố sẽ cân nhắc điều tàu ngầm và tăng cường khu trục hạm tới Biển Đông.

Theo AFP ngày 24-2, việc này là nhằm để răn đe hành động quân sự hóa khu vực quần đảo Trường Sa.

“Khuynh hướng của Trung Quốc về việc quân sự hóa ở Biển Đông là rõ ràng" - đô đốc Harris nói trước Ủy ban quân vụ của Thượng viện Mỹ ở Washington.

Trong phiên điều trần, đô đốc Harris nêu rõ ông sẽ tiến hành thêm các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Mỹ cần tiếp tục các hoạt động tại Biển Đông cùng với các đồng minh, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Trung Quốc đang muốn bẻ cong quyền chi phối ở Đông Á” - đô đốc Harris cảnh báo.

Buổi điều trần trên diễn ra sau khi có tin Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và hệ thống rađa mới trên đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Như để đáp trả tuyên bố từ phía Mỹ, hôm qua Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng mình “thật sự cần” tăng cường phòng thủ ở Biển Đông để đối phó với tiến trình quân sự hóa được Mỹ hà hơi tiếp sức.

Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thậm chí còn kết án: “Nước Mỹ chính là bên đã thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông” và vẫn duy trì quan điểm ngang ngạnh là Trung Quốc có quyền triển khai khí tài trên Biển Đông.


Quân đội Mỹ 'lạc mất' 2,2 tỉ USD tại Afghanistan

Một bản báo cáo của quân đội Mỹ cho biết một đội đặc nhiệm quân sự Mỹ đã khôi phục hồ sơ có giá trị 2 tỉ USD về những thiết bị thất lạc trong hai năm qua ở Afghanistan.

Ngày 25-2, bản báo cáo được công bố trên trang web chính thức của quân đội Mỹ cho biết đội đặc nhiệm mang tên Jessup tập trung vào tìm kiếm dấu vết kế toán của thiết bị thất lạc ở Afghanistan từ 2006 đến 2015 trị giá 2,2 tỉ USD.

Theo bản báo cáo, đến ngày 30-1, đội đặc nhiệm Jessup đã khôi phục được 1,4 tỉ USD trong hồ sơ.

doi dac nhiem jessup tim kiem thiet bi that lac o afghanistan (anh: website quan doi my)

Đội đặc nhiệm Jessup tìm kiếm thiết bị thất lạc ở Afghanistan (Ảnh: Website quân đội Mỹ)

Jessup được thành lập vào tháng 3-2014, đặt trụ sở tại sân bay Bagram. Đội là sự hợp tác của ba đơn vị: Sư đoàn hỗ trợ chiến trường số 1, sư đoàn hỗ trợ quân đội và lữ đoàn hỗ trợ chiến trường quân đội số 401.

Thật khó hiểu vì sao một chiếc xe bọc thép phá mìn lại có thể bị mất. Nó thật sự chưa bao giờ biến mất mà chỉ bị đặt nhầm chỗ mà thôi.

Jessup đã cẩn thận dò tìm các hồ sơ để phục hồi lại các giao dịch tài sản cho hàng ngàn loại thiết bị đa dạng kích cỡ từ những món đồ cầm tay đến xe bọc thép phá mìn nặng hơn 20 tấn.


Trung Quốc tăng cường tàu khu trục hiện đại ở biển Hoa Đông

tau khu truc tuong dam cua trung quoc moi bo sung cho ham doi o bien hoa dong - anh: people's daily online

Tàu khu trục Tương Đàm của Trung Quốc mới bổ sung cho hạm đội ở biển Hoa Đông - Ảnh: People's Daily Online


Tàu khu trục Tương Đàm loại 054A, lượng choán nước 4.000 tấn, vừa được Hải quân Trung Quốc đưa vào hoạt động ở biển Hoa Đông để bổ sung sức mạnh cho hạm đội ở đây, theo South China Morning Post ngày 25.2.
Tàu khu trục loại 054A có thể tấn công tàu chiến, tàu ngầm một cách độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng khác. Tàu loại này cũng có hỏa lực phòng không mạnh. Thuyền trưởng Dong Qian của tàu Tương Đàm khoe rằng thủy thủ được huấn luyện hơn 1 năm nay nên có khả năng điều khiển tốt tàu này.
Tàu khu trục Tương Đàm, được đặt theo tên nơi cựu chủ tịch Mao Trạch Đông sinh ra (thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam), là tàu lớp 054A thứ 22 và là chiếc thứ hai được đưa vào sử dụng trong năm 2016, chuyên san IHS Jane's cho hay. Tương Đàm cũng là tên của một tàu khu trục loại 053H từng tham gia đánh chiếm đá Gạc Ma của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa hồi năm 1988. Chiếc tàu này sau đó được bán cho Bangladesh năm 1989.
Chuyên gia phân tích quân sự Ni Lexiong cho rằng tàu Tương Đàm tuy được huy động đến biển Hoa Đông (ngày 24.2), nhưng việc triển khai nó là nhằm phản ứng việc Mỹ chỉ trích hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông, theo South China Morning Post.
Theo IHS Jane's, tàu khu trục lớp 054A dài 134 m, ngang rộng nhất 16 m, mang theo 1 trực thăng săn ngầm Ka-28, có 1 pháo 76 mm, 2 pháo bắn nhanh 30 mm, 32 ống phóng tên lửa thẳng đứng dùng phóng loại tên lửa phòng không tầm gần HHQ-16, và 2 dàn phóng (loại 4 ống/dàn) tên lửa diệt hạm, bắn loại tên lửa C-802 có khả năng tấn công cả mục tiêu ở đất liền.
Về chống tàu ngầm, lớp tàu 054A vũ trang sonar mạnh, 2 dàn phóng bom chống ngầm loại RBU 1200, và 6 ống phóng ngư lôi loại 324 mm.
Khả năng chống tàu ngầm của tàu khu trục loại 054A được cho là khá tốt, vì vậy các tàu này cũng được bổ sung cho Hạm đội Nam Hải phụ trách khu vực Biển Đông nhằm đối phó với tàu ngầm của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc đã bố trí 8 tàu khu trục loại 054A ở biển Hoa Đông và 8 chiếc tương tự ở Biển Đông từ 2007 đến 2014.
Ngoài 22 chiếc tàu khu trục loại 054A, Hải quân Trung Quốc còn có ít nhất 12 tàu khu trục loại 052D được trang bị vũ khí phòng thủ mạnh mẽ, theo chuyên san Kanwa Defence Review (Canada).

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục