tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 11-01-2016

  • Cập nhật : 11/01/2016

Triều Tiên, Biển Đông: Hai thách thức lớn nhất của Mỹ ở châu Á

Triều Tiên và Biển Đông là hai thách thức lớn nhất ở khu vực châu Á mà quân đội Mỹ đang phải đối đầu, trong đó chương trình hạt nhân của Triều Tiên làm Mỹ đau đầu nhất.
Ngày 8.1, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 trong buổi gặp gỡ báo chí đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9.2015 cho biết, hai thách thức lớn nhất của Hải quân Mỹ chính là Triều Tiên và Biển Đông, theo AP.
Hạm đội 7 với 20.000 quân, đặt căn cứ ở quân cảng Yokosuka, Nhật Bản, hoạt động trong một khu vực rộng lớn từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Phó Đô đốc Aucoin cho biết, Hải quân Mỹ theo dõi và giám sát chặt chẽ khu vực họ hoạt động, đặc biệt là vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi đầu tuần nay.
“Bất kể là bom nhiệt hạch hay điều gì xảy ra ở đó đều thu hút sự quan tâm của chúng tôi”, Tư lệnh Hạm đội 7 nói trên tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm 8.1. Theo ông Aucoin, bán đảo Triều Tiên dễ xảy ra khủng hoảng hơn bất kỳ nơi nào khác, và tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên sở hữu đang đe dọa không chỉ Hàn Quốc, Nhật mà cả Mỹ.
“Chúng ta muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tuân thủ cam kết quốc tế. Họ còn tiếp tục đeo đuổi hạt nhân thì sẽ không thể thịnh vượng và an toàn như mong muốn, kết quả là họ tự cô lập mình”, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ nhận định, theo USA Today. Theo ông, Triều Tiên chính là thách thức lớn nhất hiện nay của quân đội Mỹ.
theo tu lenh ham doi 7 hai quan my, trieu tien va bien dong la hai thach thuc lon nhat cua quan doi my o chau a - anh: hai quan my

Theo tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Triều Tiên và Biển Đông là hai thách thức lớn nhất của quân đội Mỹ ở châu Á - Ảnh: Hải quân Mỹ

Ông cũng quan ngại tình hình Biển Đông và cho rằng đó là thách thức tiếp theo mà quân đội Mỹ đang phải đối mặt. Những hành động hung hăng của Trung Quốc, gần nhất là vụ cho máy bay đáp xuống Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang làm cho an ninh của khu vực này bị đe dọa, khiến nhiều nước không muốn gần gũi với Bắc Kinh.
“Hãy chấm dứt việc cải tạo, xây dựng phi pháp trên Biển Đông, cùng đưa ra những quan tâm của mình và giải quyết chúng một cách hòa bình, phải ngăn chặn những yếu tố quân sự hóa đang phát triển”, ông Aucoin nói tiếp.
Tuy nhiên, không thấy Tư lệnh Hạm đội 7 đề cập đến hành động đối phó cụ thể của Hải quân Mỹ trước 2 thách thức lớn nhất châu Á này.

Ả Rập Xê Út rục rịch bán cổ phần hãng dầu lớn nhất thế giới

a rap xe ut ruc rich ban co phan hang dau lon nhat the gioi -anh: afp

Ả Rập Xê Út rục rịch bán cổ phần hãng dầu lớn nhất thế giới -Ảnh: AFP


Vừa tung ra một loạt các biện pháp cắt giảm chi tiêu, Ả Rập Xê Út cho hay nước này đang xem xét việc bán cổ phần trong doanh nghiệp năng lượng quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco. Đây là hãng sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Theo CNN, Saudi Aramco hôm 8.1 cho biết công ty này đang xem xét các lựa chọn “cho phép công chúng sở hữu rộng rãi các cổ phiếu” của hãng. Hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty này và một số công ty con có thể sẽ diễn ra.
Aramco là hãng sản xuất dầu lớn nhất thế giới, sản xuất 12% lượng dầu thô thế giới. Công ty này cũng ngồi trên một trữ lượng dầu lớn, với khoảng 261 tỉ thùng dầu dự trữ đã được kiểm chứng. Con số trên tương đương với 15% tổng lượng dầu thô dự trữ toàn cầu.
Việc Ả Rập Xê Út đang xem xét bán cổ phần trong hãng Saudi Aramco trong bối cảnh giá dầu đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua càng thể hiện tình hình tài chính khó khăn mà nước này đối mặt.
“Ả Rập Xê Út đang trải qua chuyện chi tiêu cho quốc phòng và trợ cấp không bền vững và không kiểm soát được… họ đang rất cần huy động tiền mặt”, chuyên gia an ninh năng lượng Luay al-Khatteeb và một đồng nghiệp thuộc Trung tâm Brookings Doha cho biết.
Dầu chiếm 75% doanh thu của quốc gia Trung Đông và chuyện giá dầu lao dốc gây tổn thương cho nước này. Chính phủ Ả Rập Xê Út chi nhiều hơn thu trong năm 2015, dẫn đến khoản thâm hụt ngân sách gần 100 tỉ USD. Riyadh vừa công bố một loạt các biện pháp cắt giảm chi tiêu, và thậm chí đã tăng giá xăng lên 50%.
Giá dầu chạm đáy 12 năm hồi đầu tuần này, rơi từ mức 100 USD/thùng xuống còn trên 33 USD/thùng sau 18 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc hãng Aramco đang có giá trị thấp hơn hơn so với những năm trước.
Dù vậy, hãng sản xuất dầu này vẫn rất lớn và chỉ cần niêm yết một phần cũng sẽ đem lại nhiều tỉ USD. Câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là: liệu một đợt IPO về cơ bản có khả thi hay không. Aramco có thể là quá lớn để được niêm yết, ít nhất là trên thị trường chứng khoán Ả Rập Xê Út.
Tờ The Economist cho hay Saudi Aramco có thể giá trị đến hàng nghìn tỉ USD. Mức giá trị như trên lớn hơn tất cả cổ phiếu của Ả Rập Xê Út cộng lại, và lớn hơn giá trị của hãng công nghệ Apple.
Để so sánh thêm, công ty dầu khí lớn nhất thế giới được niêm yết là Exxon Mobil có giá trị vốn hóa thị trường là 314 tỉ USD và có khoản dự trữ đã được kiểm chứng bằng 10% so với Aramco.
Nhà kinh tế Fahad Al-Turki cho biết chính quyền Ả Rập Xê Út có thể xem xét IPO một phần Saudi Aramco. Hãng sản xuất dầu khổng lồ này thành lập vào những năm 1930. Cuối thập niên 1970, Saudi Aramco trở thành doanh nghiệp quốc doanh. Hãng đã phát hiện hơn 100 mỏ dầu ở Ả Rập Xê Út và tuyển dụng khoảng 60.000 người.

Trung Quốc: Bốn quan chức tỉnh Hà Bắc bị khai trừ khỏi đảng

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 9/1 đưa tin bốn quan chức cấp cao của tỉnh đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vì tội tham nhũng.

Theo Tân Hoa xã, bốn quan chức nói trên gồm Lý Bảo - cựu Phó giám đốc Sở bảo vệ môi trường tỉnh Hà Bắc, Phan Hiểu Đông - cựu Phó giám đốc sở giao thông tỉnh Hà Bắc, Chu Kiệt - cựu quan chức cấp cao về tài chính và kinh tế thuộc Cơ quan cố vấn chính trị tỉnh Hà Bắc, và Hắc Đông Hằng - cựu Bí thư đảng bộ của trường Đại học Kinh tế Thạch Gia Trang.

Các cuộc điều tra cho thấy những đối tượng trên đã lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ hoặc biển thủ công quỹ.

Hiện, hai đối tượng Hắc Đông Hằng và Chu Kiệt cũng đã bị đưa ra khỏi các chức vụ trong chính quyền.

Vụ việc của 4 quan chức trên đã được chuyển cho các cơ quan pháp luật xử lý.


Ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống khủng hoảng kép

Đầu năm 2016, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc cộng với việc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đầu năm 2016 có sự khởi đầu tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ. Chỉ số CSI 300 trên sàn chứng khoán Trung Quốc giảm hơn 7%, khiến thị trường ngừng giao dịch sau khi mở cửa 30 phút ngày 7/1. Đây là lần thứ hai giao dịch tại Trung Quốc bị gián đoạn, sau lần lao đao hồi đầu tuần cũng vì thị trường sụt giảm mạnh.

Nguyên nhân của vụ việc được cho là do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố giảm tỷ giá nhân dân tệ với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Tỷ giá đồng tệ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2011. Đây là lần thứ 2 trong năm 2016 thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa vì lao dốc. Nó trở thành phiên giao dịch ngắn nhất trong lịch sử chứng khoán Trung Quốc.

Ngày 6/1, Triều Tiên tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng gọi là bom H. Vụ nổ tạo ra động đất mạnh 5,1 độ Richter, với địa chấn có thể cảm nhận được từ bên kia biên giới với Trung Quốc. Bắc Kinh là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên nên cộng đồng quốc tế ngay lập tức kêu gọi các động thái kiềm chế Bình Nhưỡng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong Un chưa gặp mặt trong khi phía Bình Nhưỡng từ chối lời kêu gọi ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân của Bắc Kinh. Theo phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bình Nhưỡng không báo trước cho Bắc Kinh về vụ thử hạt nhân vừa diễn ra.

Cuộc khủng hoảng kép có thể là khởi đầu cho một năm đầy thách thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông phải nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cải tổ các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh và khắc phục những hệ lụy từ một lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng.

Hu Xingdou, giáo sư kinh tế học tại Viện công nghệ Bắc Kinh, nhận định: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải khắc phục vấn đề trong năm nay. Đây là một năm quan trọng".

Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc diễn ra trong tháng 3. Trong khuôn khổ Đại hội, chính phủ Trung Quốc dự kiến thông qua kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo nhằm đạt được tăng trưởng hàng năm tối thiểu từ 6,5% tới cuối thập kỷ. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm kiếm các đường hướng phát triển chậm nhưng bền vững hơn, dựa vào sức tiêu dùng nội địa thay vì các dự án cơ sở hạ tầng lớn như sân bay và đường sắt cao tốc.

Năm ngoái, đồng nhân dân tệ được chỉ định trở thành một trong những loại tiền chính của thế giới, vị thế của Trung Quốc trên vũ đài chính trị quốc tế được nâng cao qua các chuyến công du tới Mỹ và Anh của ông Tập. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý thị trường chứng khoán sụp đổ chưa thực sự hiệu quả cũng như lo ngại về sự tăng trưởng kém nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong 1/4 thế kỷ làm dấy lên câu hỏi về định hướng của chính phủ Trung Quốc.

Trước vụ việc cổ phiếu bị bán tháo năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong hai thập kỷ qua. Các vấn đề được ông Tập trực tiếp quản lý là kinh tế, đối ngoại và an ninh quốc gia. Ở thời điểm hiện tại, vấn đề kinh tế và các sự kiện quốc tế lớn đang tiếp tục thách thức vai trò lãnh đạo của ông Tập.


Những gánh nặng đang buộc chặt kinh tế Trung Quốc

cong nhan lam viec trong mot nha may da giay o phuc kien, trung quoc - anh: wsj/zuma.

Công nhân làm việc trong một nhà máy da giày ở Phúc Kiến, Trung Quốc - Ảnh: WSJ/Zuma.


Thậm chí, một số chuyên gia còn không loại trừ khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ "hạ cánh cứng"...

Trong gần 4 thập kỷ kể từ khi mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc đã đưa nhiều triệu người dân thoát nghèo, đạt tới tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc và trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Nhưng theo tờ Wall Street Journal, khối nợ khổng lồ, các doanh nghiệp quốc doanh cồng kềnh, và vai trò bị hạn chế của các lực lượng thị trường đang tạo ra nhiều nguy cơ cho nền kinh tế Trung Quốc, đe dọa làm chệch hướng đi của nước này trên con đường vươn lên hàng ngũ những nước giàu.

Những ngày đầu năm 2016, Trung Quốc trầy trật ứng phó với một đợt biến động mạnh mới của thị trường chứng khoán, và thị trường toàn cầu phản ứng đầy lo ngại. Trong bối cảnh như vậy, giới chuyên gia cảnh báo nước này đối mặt rủi ro ngày càng lớn nếu không hành động để giải quyết triệt để những vấn đề đã bám rễ sâu trong nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, nếu không thay đổi, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thời kỳ tăng trưởng thấp, năng suất lao động bị ghìm giữ, và tài sản của các hộ gia đình trì trệ - những yếu tố tạo thành “bẫy thu nhập trung bình”.

“Kỷ nguyên tăng trưởng dễ dàng đã kết thúc. Giờ là lúc của những lựa chọn ngày càng khó khăn”, ông Victor Shih, giáo sư Đại học California-San Diego, nhận định.

Nguy cơ “hạ cánh cứng”

Thậm chí, một số chuyên gia còn không loại trừ khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đột ngột giảm sút mạnh, dẫn tới một cuộc “hạ cánh cứng” khiến mức nợ tăng vọt, niềm tin người tiêu dùng lao dốc, đồng Nhân dân tệ sụt giá chóng mặt, tỷ lệ thất nghiệp bị đẩy cao, và tăng trưởng suy sụp.

Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng thông qua những biện pháp như bơm thêm tiền cho những công ty thua lỗ, xây dựng thêm những cơ sở hạ tầng chưa thực sự cần thiết, và từ đó sẽ mất nhiều tiền hơn cho việc trả lãi nợ. Cách làm này khiến nền kinh tế không được đầu tư đầy đủ để cải thiện năng suất, có thể dẫn tới sự trì trệ tăng trưởng như ở Nhật trong những thập kỷ gần đây.

Nhưng vấn đề là Trung Quốc chưa giàu như Nhật.

Một nền kinh tế Trung Quốc ốm yếu sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu suy yếu theo, giữa lúc nhu cầu toàn cầu thấp và suy thoái kinh tế đã xảy ra ở một số quốc gia xuất khẩu hàng hóa cơ bản như Brazil vốn có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Trung Quốc.

“Họ không muốn phải ‘chịu đau’. Nhưng họ càng chần chừ, thì mọi chuyện sẽ càng khó khăn”, chuyên gia kinh tế Alicia Garcia Herrero thuộc ngân hàng đầu tư Natixis nói về những cải cách không dễ dàng mà Trung Quốc nên áp dụng.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rủi ro này. Hôm thứ Ba tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi tập trung nhiều hơn vào sáng tạo để thúc đẩy các nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế và mang lại sức sống mới cho các lĩnh vực truyền thống.

Trong chiến lược kinh tế dài hạn vạch ra vào năm 2013 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh cam kết sẽ cho phép thị trường đóng vai trò quyết định và xây dựng một khung pháp lý để tái cơ cấu nền kinh tế, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ.

Trở ngại từ mục tiêu chính trị

Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, kết quả triển khai những cam kết này đến nay vẫn gây thất vọng, và trở ngại nằm ở chính những mục tiêu chính trị.

Ông Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu cho Chính phủ Trung Quốc tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người trong thời gian từ 2010-2020. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Trung Quốc phải đạt 6,5%.

Với nhu cầu toàn cầu giảm sút và số người Trung Quốc gia nhập lực lượng lao động ngày càng ít đi, Bắc Kinh sẽ cần phải nhờ tới các biện pháp kích cầu thông qua chi tiêu chính phủ để đạt được mục tiêu đó. Như vậy, các biện pháp tái cơ cấu rất cần thiết tiếp tục bị trì hoãn.

“Sẽ là rất tốn kém và kém hiệu quả để đạt những mục tiêu tăng trưởng như vậy. Các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc muốn tất cả những kết quả tốt đẹp, vừa có tăng trưởng, vừa có một chút cải cách, và mức độ ổn định cao”, mà không nhận ra rằng điều này đòi hỏi những đánh đổi lớn - chuyên gia Shih nói.

Một trong những sự đánh đổi như vậy là đánh đổi giữa ô nhiễm và tăng trưởng.

Cho phép ngành thép và các ngành công nghiệp nặng khác ở tỉnh Hà Bắc đẩy mạnh sản xuất để đạt mục tiêu sản lượng vào cuối năm 2015, Chính phủ Trung Quốc khiến thủ đô Bắc Kinh chìm trong bầu không khí ô nhiễm nặng và cư dân bất bình. Nhưng nếu cắt giảm hoạt động của các nhà máy, tăng trưởng sẽ giảm sút, thất nghiệp tăng, và một nguồn nguy cơ bất ổn mới lại xuất hiện.

Doanh nghiệp quốc doanh và nợ nần

Một trong những vấn đề khó nhất đối với Trung Quốc hiện nay là làm gì với các công ty quốc doanh vốn giữ vai trò thống lĩnh trong lĩnh vực công nghiệp nặng và các ngành chiến lượng của nền kinh tế, đồng thời có ảnh hưởng lớn về chính trị.

Một số công ty nhà nước vẫn tồn tại bất chấp nợ “khủng”, nhiều năm làm ăn thua lỗ và mô hình kinh doanh yếu kém. Giới chức Trung Quốc gọi những công ty như vậy là doanh nghiệp “thây ma”. Đầu tháng 1, trong chuyến thăm tới tỉnh công nghiệp thuộc miền Bắc Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã nói về gánh nặng các doanh nghiệp “thây ma”. Ông Lý nói các công ty này nên bị ngừng cấp vốn vay để giảm tình trạng dư thừa nguồn cung thép và than.

Theo một số ước tính, doanh nghiệp quốc doanh chiếm 80% vốn vay ngân hàng ở Trung Quốc, trong khi đem lại mức lợi nhuận chỉ bằng 1/3 so với các công ty tư nhân và bằng 1/2 so với doanh nghiệp nước ngoài.

Giảm quy mô của các doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ này, chưa nói gì đến loại bỏ một số công ty, đặt ra thách thức lớn. Ngân hàng Societe Generale ước tính, giảm 20% công suất dư thừa của các công ty quốc doanh Trung Quốc trong những ngành chịu nhiều sức ép nhất hiện nay là thép và than sẽ dẫn tới 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (gần 152 tỷ USD) nợ xấu, tương đương 2% tổng dư nợ các ngân hàng của Trung Quốc, và 1,7 triệu công nhân bị sa thải, tương đương 0,3% lực lượng lao động tại đô thị nước này.

Các cuộc biểu tình của công nhân Trung Quốc đã tăng lên trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, đạt con số kỷ lục trong tháng 12 vừa qua. Trước đây, Chính phủ Trung Quốc đã chọn con đường thúc đẩy tăng trưởng để tạo công ăn việc làm, ngăn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Giải quyết “núi” nợ đang phình to với tốc độ cao của Trung Quốc cũng là một vấn đề mà nhiều chuyên gia kinh tế cho là cấp bách. Theo ước tính của tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, tổng nợ của Trung Quốc tương đương 242% GDP vào cuối năm 2014, từ mức 217% GDP vào cuối năm 2013.

Việc trang trải số nợ này hiện tiêu tốn của các hộ gia đình và công ty Trung Quốc khoảng 20% GDP - theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Tỷ lệ này của Trung Quốc ngang với của Hàn Quốc, cao hơn của Mỹ, Nhật và Anh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục