tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 20-11-2015

  • Cập nhật : 20/11/2015

Đông Nam Á báo động sau vụ khủng bố Paris

Đông Nam Á hiện trong tình trạng báo động cao nhằm ngăn chặn sự tái diễn của vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris - Pháp hôm 13-11 giữa lúc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đe dọa thực hiện nhiều vụ tấn công hơn nữa.

Tại thủ đô Manila của Philippines, để bảo đảm an toàn cho Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nhà chức trách Philippines đã triển khai hơn 20.000 nhân viên an ninh bảo vệ những địa điểm trọng yếu. Các biện pháp kiểm tra an ninh gắt gao cũng được thắt chặt.

Malaysia cũng huy động hơn 4.000 nhân viên cảnh sát tại các vị trí chủ chốt nhằm tăng cường bảo vệ an ninh cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào cuối tuần này.

Trước mối lo khủng bố, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hồi đầu tuần cho biết nước này đã tăng cường canh phòng tại các cơ sở quan trọng.

Trong khi đó, các lực lượng chống khủng bố của Indonesia kiểm soát chặt chẽ một số phần tử vừa quay trở về nước sau khi bọn họ tìm cách liên lạc với IS ở Syria và Iraq. Ngày 18-11, thành viên thuộc hải quân nước này được tăng cường tại sân bay quốc tế Juanda tại TP Surabaya ở tỉnh Đông Java. Hải quân Indonesia đang điều hành một căn cứ tại sân bay này.

binh linh philippines tang cuong canh phong gan khu vuc dien ra hoi nghi apec. anh: ap

Binh lính Philippines tăng cường canh phòng gần khu vực diễn ra hội nghị APEC. Ảnh: AP

Mới đây, các nguồn tin nói với báo The Straits Times rằng mức cảnh báo an ninh trong khu vực được nâng lên ngay cả trước khi xảy ra các cuộc tấn công ở Paris, giữa lúc lo ngại sẽ xảy ra những vụ tấn công của IS hay chi nhánh của tổ chức này.

Các chuyên gia cho rằng mối đe dọa từ các chi nhánh của IS là có thực. Có đến 30 phần tử từ Indonesia, Malaysia và Philippines được cho là đã cam kết trung thành với IS trong năm qua, chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng tăng của nhóm trong khu vực. Số liệu mới nhất cũng cho thấy khoảng 700 người ở Đông Nam Á, trong đó có một vài người Singapore, đến Trung Đông để chiến đấu hoặc được đào tạo dưới trướng IS.

Nhiều người trong số này sau đó đã trở về quê nhà, chủ yếu do bị Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất. Riêng Indonesia có 162 công dân bị trục xuất cho đến giờ, theo Phó Giám đốc Cơ quan chống khủng bố quốc gia, Tổng Thanh tra Arief Dharmawan cho biết.

Chuyên gia Damien Dominic Cheong thuộc Trung tâm An ninh Quốc gia (CENS) của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam – Singapore, nhận định những phần tử quay về “ngay lập tức thu hút tín đồ và cảm tình viên, khiến việc thành lập các nhóm khủng bố trở nên dễ dàng hơn”.


Mỹ: Rome và Milan vào “tầm ngắm” IS

Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo những “mục tiêu khủng bố tiềm năng” đang nằm ở thủ đô Rome và TP Milan của Ý.

Theo đó, Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Rome, nhà thờ chính tòa và nhà hát La Scala ở Milan được liệt kê là những “điểm nóng” ở Ý.

Đại sứ quán Mỹ tại Rome hôm 19-11 đã phát đi “thông điệp an ninh đối với công dân Mỹ” và cho rằng các nhóm khủng bố có thể sử dụng thủ đoạn tương tự như trong các vụ tấn công ở Paris - Pháp. “Giới chức trách Ý cũng đã nhận thức được các mối đe dọa này” - cơ quan này nói thêm và kêu gọi công dân Mỹ tại Ý “cảnh giác cao độ xung quanh”.

toa thanh peter's basilica o rome la mot trong nhung muc tieu tan cong khung bo. anh: plus

Tòa thánh Peter's Basilica ở Rome là một trong những mục tiêu tấn công khủng bố. Ảnh: Plus

Trước đó vài giờ, truyền thông Ý đưa tin Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo với chính quyền Ý về những mục tiêu tiềm năng của các cuộc tấn công khủng bố, bao gồm những địa danh nổi tiếng trên.

Tuy nhiên, đài phát thanh quốc gia RAI cùng ngày cho hay “không có dấu hiệu về những mối đe dọa cụ thể” liên quan đến thông tin mà Mỹ cung cấp.RAI trích lời các quan chức giấu tên cho biết Ý nhận được thông tin từ nhiều nguồn và cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Buổi giảng giáo lý hàng tuần của Giáo hoàng Francis hôm 18-11 tại Quảng trường Thánh Peter đã diễn ra an toàn với sự tăng cường lực lượng an ninh.

Lo ngại khủng bố tại Ý càng gia tăng khi Milan sắp bước vào mùa biểu diễn lớn nhất trong năm của nhà hát La Scala, bắt đầu từ ngày 7-12, thu hút hàng ngàn người tham gia. Khoảng 700 binh sĩ đã được triển khai tại Rome để đảm bảo an ninh kể từ sau vụ tấn công hàng loạt tại Paris.

Không chỉ Ý, an ninh đang được tăng cường khắp châu Âu. Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy đồng loạt tăng mức cảnh báo nguy hiểm hôm 18-11.

Cảnh sát an ninh Thụy Điển nâng cảnh báo lên mức 4 (theo thang đo 5 mức). Cảnh sát trưởng Anders Thornberg cho biết Thụy Điển đang truy nã một nghi can liên quan đến khủng bố và có "thông tin cụ thể" của một cuộc tấn công tiềm năng. Truyền thông Thụy Điển đưa tin một người đàn ông Iraq được huấn luyện tại Syria đã vào Thụy Điển hôm 18-11 với ý định thực hiện một cuộc tấn công.

Tại Đan Mạch, một nhà ga tại sân bay quốc tế ở thủ đô Copenhaghen phải sơ tán do co "cảnh báo bom" hôm 18-11 nhưng sau đó được mở lại. Chuyến tàu tốc hành Eurostar nối Paris với London phải tạm hoãn thời gian ngắn để kiểm tra.

Tại Pháp, các công tố viên nói rằng có dấu hiệu cho thấy những kẻ ủng hộ IS đang hoạt động ở một số nơi. Một giáo viên người Do Thái đã bị 3 kẻ tuyên bố trung thành với IS đâm ở TP cảng Marseilles. May mắn, người này không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Một trong 3 kẻ tấn công mặc áo thun có biểu tượng của IS, trong khi điện thoại của 1 trong 2 tên còn lại có ảnh Mohamed Merah, một chiến binh Hồi giáo giết 7 người trong vụ tấn công ở miền Nam nước Pháp năm 2012.


Các nước vùng Vịnh mua bom thông minh của Mỹ

Một số quốc gia vùng Vịnh, trong đó có Ả Rập Saudi, đang tìm mua hàng chục ngàn quả bom thông minh của Mỹ để tăng cường cho các chiến dịch chống khủng bố ở Yemen, Iraq và Syria.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua chương trình bán 22.000 quảbom thông minh, gồm 5.000 quả JDAM – bom dẫn đường bằng GPS từ hãng Boeing và 1.000 quả Paveway II – bom dẫn đường bằng laser từ các hãng Raytheon hoặc Lockheed Martin. Trị giá thương vụ này vào khoảng 1,29 tỉ USD.

Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dường như đã nhận được số bom thông minh đặt hàng từ tháng 10-2013. Thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội báo cáo UAE muốn ký hợp đồng với các nhà sản xuất vũ khí của nước này để mua 5.000 quả bom đường kính nhỏ (SDB) và 300 tên lửa hành trình SLAM-ER của Boeing cùng 1.200 quả bom lượn JSOW-C của Raytheon.

jdam – bom dan duong bang gps. anh: boeing

JDAM – bom dẫn đường bằng GPS. Ảnh: Boeing

bom thong minh duong kinh nho (sdb). anh: boeing

Bom thông minh đường kính nhỏ (SDB). Ảnh: Boeing

UAE hiện sở hữu bom Sensor-Fuzed Weapon thả từ máy bay có khả năng tiêu diệt xe bọc thép. Không quân UAE cũng được trang bị các máy bay ném bom như F-16E/F Desert Falcons (79 chiếc) và Mirage 2000 (68 chiếc) để mang loại bom kể trên.

Tạp chí National Interest (Mỹ) chuyên phân tích về chiến lược quốc phòng cho biết hầu hết các nước đang phát triển hiện tập trung vào việc nâng cao năng lực quân đội mà ít chú trọng đến không quân bởi họ chỉ có nhu cầu bảo vệ an ninh nội địa. Riêng các quốc gia vùng Vịnh nằm trong liên quân do Mỹ dẫn đầu đang không kích các nhóm khủng bố, bao gồm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq, Syria và phiến quân Houthi ở Yemen, nên cần chi tiêu mạnh cho lực lượng không quân.

Đặc biệt sau khi IS tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào công dân Pháp ngày 13-11 qua, chiến dịch không kích được dự kiến sẽ ác liệt hơn trước rất nhiều, đòi hỏi các thành viên của liên minh phải tăng cường trang thiết bị để theo kịp với cuộc chiến.


Nga tiêu hủy 500 xe chở dầu của IS

Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga hôm 18-11 cho biết máy bay ném bom Su-34 đã không kích vào các cơ sở dầu mỏ do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát.

Tướng Andrei Kartapolov, Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, cho biết khoảng 500 xe chở dầu trái phép từ Syria đến Iraq của IS đã bị lực lượng Nga tiêu hủy chỉ trong vài ngày.

Quan chức này nhận định: “Hành động này sẽ góp phần ngăn chặn khả năng IS xuất khẩu trái phép các nguồn năng lượng cũng như cắt nguồn thu của chúng từ buôn lậu dầu mỏ”. Đồng thời, ông Kartapolov nhấn mạnh máy bay chiến đấu của Nga đang thực hiện sứ mệnh săn lùng các xe chở dầu của các phần tử khủng bố tại khu vực do IS kiểm soát.

tuong andrei kartapolov. anh: sputnik

Tướng Andrei Kartapolov. Ảnh: Sputnik

Song song đó, Nga đã mở rộng phạm vi thu thập thông tin tình báo ở Trung Đông bằng mọi phương tiện sẵn có, bao gồm cả vệ tinh trinh sát, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xác định chính xác các cơ sở của IS và toạ độ của chúng.

Cũng trong ngày 18-11, lực lượng Nga đã xuất kích 59 lần và tấn công 149 mục tiêu IS.

Máy bay ném bom chiến lược của Nga Tu-160 đã phóng 12 tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS tại các tỉnh Aleppo và Idlib của Syria, phá hủy 3 trung tâm chỉ huy khủng bố cũng như 2 kho đạn dược và một khu trại.

Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa tầm xa tàng hình tối tân Raduga Kh-101 để tấn công IS.

“Đây có thể là hành động đe dọa của Nga, mặt khác là để thử vũ khí mới” - chuyên gia quốc phòng Konstantin Sivkov nhận định với hãng tin RIA Novosti.

Ông Sivkov cho rằng Nga sẽ thử nghiệm các loại vũ khí tiên tiến khác trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria.

Các nhà phân tích cho biết Kh-101 có thể đã được phóng từ lãnh thổ Nga và bắn trúng mục tiêu ở Syria nhưng hệ thống phóng tên lửa mới này trên đất liền vẫn chưa được phát triển.

Tên lửa Kh-101 có tầm bắn tối đa đến 5.500 km và có khả năng di chuyển với tốc độ tối đa 270 m / giây.


Thủ tướng Anh muốn “đánh dập đầu" IS

Thủ tướng Anh David Cameron chuẩn bị tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc tiến hành không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn tại thủ đô Paris - Pháp khiến 129 người chết và hàng trăm người bị thương hôm 13-11, ông Cameron cho rằng việc Anh mở rộng can thiệp quân sự ở Syria là vấn đề “bắt buộc”.

Thủ tướng Anh cho rằng nước Anh cần phải nhắm vào “cái đầu rắn” của IS bằng việc không kích TP Raqqa, thành trì của IS ở Syria, để xử lý “mối đe dọa trực tiếp và ngày càng tăng” của IS.

thu tuong anh david cameron phat bieu truoc ha vien. anh: telegraph

Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước Hạ viện. Ảnh: Telegraph

Phát biểu trước Hạ viện Anh hôm 17-11, ông Cameron cho biết: “Sau thảm kịch ở Paris, chúng ta cần quyết tâm loại bỏ tổ chức tội ác này khỏi nhân loại. TP Raqqa, thành trì của IS, chính là cái nôi của những mối đe dọa. Có thể nói, Raqqa là “đầu rắn” của IS, Trong trường hợp này, chúng ta sẽ không bảo vệ người dân bằng việc ngồi yên và hy vọng mọi chuyện sẽ ổn. Chúng ta cần phải hành động nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đó là điều chính phủ này sẽ luôn luôn làm".

Nhà lãnh đạo Anh đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu về chiến dịch không kích IS ở Syria vào tháng tới nếu có đủ sự ủng hộ từ các nghị sĩ.

Trong vài ngày tới, thủ tướng Anh sẽ công bố các hồ sơ để biện hộ cho bước đi nói trên sau khi có những mối lo ngại từ Ủy ban đối ngoại Hạ viện.

Bộ Quốc phòng Anh sau đó sẽ tổ chức một loạt cuộc gặp với nghị sĩ các đảng để thảo luận về cuộc chiến chống IS và tìm kiếm sự ủng hộ cho sự can thiệp quân sự sâu rộng hơn vào Syria.

Ông Cameron nối lại nỗ lực đưa Anh tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông muốn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về vấn đề “tiêu diệt” IS.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại TP Antalya - Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, Quốc vương Salman của Ả Rập Saudi đề xuất lập tổ chức chống khủng bố quốc tế dưới sự bảo trợ của LHQ và tuyên bố đã dành sẵn 110 triệu USD cho tổ chức này.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục