tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 11-02-2016

  • Cập nhật : 11/02/2016

Hàn Quốc ngưng hoạt động tại khu công nghiệp liên Triều

Seoul dừng hoạt động của các nhà máy tại khu công nghiệp Kaesong, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa hôm 7/2.
xe cua han quoc cho thu tuc qua cong o khu cong nghiep kaesong. anh: reuters

Xe của Hàn Quốc chờ thủ tục qua cổng ở Khu công nghiệp Kaesong. Ảnh: Reuters

Ông Hong Yong-pyo, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm nay cho biết Triều Tiên bị nghi dùng quỹ từ Kaesong để cải tiến các vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa tầm xa. Do đó việc ngưng hoạt động ở khu công nghiệp này nhằm ngăn chặn mục đích đó, theo Reuters.

"Chúng tôi không thể phá hủy các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bằng cách duy trì những phản ứng từ trước đến nay", ông Hong nói. 

Việc ngưng hoạt động này được cho là chấm dứt mối tương tác thường xuyên duy nhất giữa hai miền. Đây cũng là một nguồn thu quan trọng cho Triều Tiên.

Hàn Quốc có 124 công ty hoạt động tại Kaesong, hầu hết là các công ty vừa và nhỏ. Các công ty này đem lại việc làm cho gần 55.000 công nhân Triều Tiên, tính đến tháng 8 năm ngoái. Lương của những công nhân này được trả cho cơ quan nhà nước Triều Tiên. 

Khu phức hợp Kaesong nằm ở phía Triều Tiên, cách đường biên giới quân sự vài km, hoạt động từ 2005. Đây là lĩnh vực hợp tác cuối cùng giữa Hàn - Triều sau cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên năm 2000, được mở ra trong giai đoạn quan hệ chính trị và thương mại ấm lên.

Khu công nghiệp này tạo ra 132 tỷ won, tương đương 110 triệu USD lương và phí thu về cho Triều Tiên trong năm 2015, theo ông Hong.

Seoul đã báo cho Bình Nhưỡng kế hoạch này và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đưa những người Hàn trở về an toàn. Hiện chưa có phản ứng từ Triều Tiên.

Triều Tiên hôm 7/2 phóng một tên lửa mang vệ tinh Kwangmyongsong-4 lên quỹ đạo. Bình Nhưỡng tuyên bố chương trình của họ chỉ nhằm mục đích khoa học nhưng một số quốc gia nghi ngờ vụ phóng là vỏ bọc cho việc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "hành động khiêu khích không thể tha thứ" và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn.


Lính Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ với lực lượng người Kurd từ Syria

Một lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, một người khác bị thương khi lực lượng an ninh va chạm với người Kurd vượt từ biên giới Syria sang.
linh tho nhi ky. anh minh hoa: iraqinews

Lính Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa: Iraqinews

Đụng độ xảy ra khi 7 dân quân người Kurd đêm qua bị phát hiện xâm nhập vào huyện Cizre, tỉnh Sirnak từ phía Syria, Reuters dẫn tin từ lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm nay.

Những người này được cho là thuộc Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD). Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ Mỹ do Washington thể hiện sự ủng hộ với người Kurd. Trong khi Ankara coi những người này có liên hệ với Đảng Lao động người Kurd (PKK), lực lượng khủng bố, đòi quyền tự trị ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ trong ba thập kỷ nay, thì Washington đưa ra quan điểm trái ngược, ủng hộ PYD trong chiến dịch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Vụ va chạm hôm qua được cho là sẽ làm tăng mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hôm 8/2 cho biết "Washington không coi PYD là tổ chức khủng bố".

Việc Washington hỗ trợ PYD và Các đơn vị Bảo vệ Người dân người Kurd (YPG) trong cuộc chiến chống IS ở Syria suốt nhiều tháng qua là nguyên nhân gây rạn nứt trong quan hệ với Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuần trước tức giận khi một phái đoàn cấp cao của Mỹ có cuộc gặp với thành viên YPG, lực lượng đang kiểm soát thị trấn Kobane, Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sự ra đời một khu tự trị người Kurd ở Syria, tương tự như ở miền bắc Iraq, sẽ làm gia tăng tham vọng ly khai của người Kurd trong lãnh thổ nước này.

Theo hãng tin Anadolu, một sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, một người khác bị thương khi lực lượng PKK tấn công một chiếc xe bọc thép ở thị trấn Sirnak. Chưa rõ thời điểm xảy ra vụ việc. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn thu được 15 kg thuốc nổ và 4 áo dành cho kẻ đánh bom tự sát khi bắt giữ 34 người đi từ khu vực do IS kiểm soát ở Syria sang.

Từ khi xảy ra cuộc nội chiến ở Syria, có khoảng 2,5 triệu người di cư chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.


Trung Quốc gồng mình cân bằng quan hệ hai miền Triều Tiên

Vụ phóng tên lửa hôm 7/2 cho thấy Trung Quốc sẽ gặp muôn vàn khó khăn để duy trì quan hệ tốt với cả Hàn Quốc và Triều Tiên.
nha ngoai giao wu dawei (giua) trong chuyen cong du toi binh nhuong hom 4/2. anh: ap.

Nhà ngoại giao Wu Dawei (giữa) trong chuyến công du tới Bình Nhưỡng hôm 4/2. Ảnh: AP.

Khi trở về từ chuyến công du Triều Tiên cuối tuần trước, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Wu Dawei có lẽ hiểu rằng chuyến công du với mục đích thuyết phục nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un rút lại quyết định phóng tên lửa đã trở thành công cốc, theo New York Times.

Kim Jong-un không những phớt lờ yêu cầu từ Trung Quốc, để ông Wu ra về tay trắng, mà còn yêu cầu đẩy vụ phóng lên sớm một ngày so với kế hoạch để nó diễn ra vào một trong những dịp lễ quan trọng nhất của Trung Quốc, Tết Âm lịch.

Hiện chưa rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ứng phó như thế nào nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách và quay lưng lại với Bình Nhưỡng, một đồng minh lâu đời.

"Đây là một kết cục tồi tệ. Tôi cho rằng đây là một trong những sai lầm lớn của Kim Jong-un. Dù vậy, ít có khả năng Trung Quốc sẽ thay đổi cách tiếp cận", Cheng Xiaohe, phó giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Renmin, cho biết.

Triều Tiên ngày 7/2 thông báo tên lửa của họ đưa thành công một vệ tinh vào quỹ đạo. Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho rằng vụ phóng này chứng tỏ Triều Tiên đã có một số tiến bộ công nghệ trong mục tiêu chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Vệ tinh nặng 199,5 kg, gấp đôi trọng lượng vệ tinh phóng năm 2012, theo các nhà lập pháp dự buổi họp kín do cơ quan tình báo Hàn Quốc tổ chức ngày 7/2.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong phiên họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản, ra tuyên bố nêu rõ ý định siết chặt biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhưng không công bố cách thức và thời gian thực hiện.

Một dự thảo nghị quyết đang được thảo luận, theo các nhà ngoại giao. Mấu chốt là Trung Quốc sẽ chọn thắt chặt hay tăng cường thêm biện pháp trừng phạt. Vài giờ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ "lấy làm tiếc" và khuyến cáo các bên nên hành động bình tĩnh và thận trọng.

Trái ngược với những lời kêu gọi cần có biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, Trung Quốc cho rằng việc nối lại cuộc đàm phán giữa các cường quốc và Triều Tiên là biện pháp họ muốn để kiềm chế Kim Jong-un. Cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc khởi xướng đã bị ngưng trệ từ năm 2009, sau khi Triều Tiên rút lui.

Trong cuộc thăm dò do Weibo tiến hành ngày 5 và 6/2, hai phần ba trong số 8.000 người Trung Quốc được hỏi cho biết họ ủng hộ nghị quyết Liên Hợp Quốc chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, 16% phản đối và 16% trung lập.

Bất chấp sự thất vọng về Kim Jong-un và mối quan hệ cá nhân lạnh nhạt, thể hiện qua việc ông Tập đã từ chối gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, Trung Quốc có khả năng vẫn sẽ tiếp tục kiên nhẫn với hành động của ông Kim, theo Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Renmin.

Theo ông Shi, Trung Quốc lo ngại Triều Tiên sẽ trở thành kẻ thù đáng lo ngại. Trung Quốc đã phản đối các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm cắt giảm lượng dầu Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên và dừng nhập khẩu tài nguyên khoáng sản. Cho đến nay, Trung Quốc chỉ ủng hộ biện pháp trừng phạt hạn chế chuyển giao và mua trang thiết bị quân sự cùng những mặt hàng khác hỗ trợ chương trình vũ khí của Triều Tiên.

"Trung Quốc cho rằng áp dụng biện pháp nghiêm khắc hơn sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng của nước này đến Triều Tiên. Quan trọng nhất, Trung Quốc lo sợ áp dụng biện pháp trừng phạt nặng sẽ biến Triều Tiên thành quốc gia thù địch có thể 'chống lại' Bắc Kinh", ông Shi nói.

Ông Tập tính toán rằng Kim Jong-un là lãnh đạo cần quan hệ lâu dài nên đã phái Liu Yunshan, Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến dự lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng hồi cuối tháng 10/2015 với mong muốn tăng cường quan hệ, theo Shi.Thậm chí, Trung Quốc dường như sẵn sàng mạo hiểm mối quan hệ mới chớm nở với Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, qua việc tỏ ra kiên nhẫn trước "hành vi khiêu khích" của Triều Tiên.

chu tich trung quoc tap can binh den tham han quoc nam 2014. anh: ap.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hàn Quốc năm 2014. Ảnh: AP.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hyeng, ông Tập nhấn mạnh Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. Bà Park sau đó tham dự cuộc duyệt binh lớn ở Bắc Kinh, vốn bị các lãnh đạo phương Tây tẩy chay, vào tháng 9/2015.

Trong một động thái chắc chắn khiến Trung Quốc không vừa ý, vài giờ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu thảo luận chính thức với Mỹ về việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD).

Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống này và cho rằng đây là công cụ để Mỹ kiềm chế Trung Quốc.

Thiếu tướng Kim Yong-hyun, phụ trách các hoạt động ở Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc, cho biết Seoul và Washington đã nhất trí tổ chức các cuộc tập trận mùa xuân chung hàng năm trong năm nay với tên gọi "Giải pháp Then chốt" và "Đại bàng Non" lớn nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ triển khai thêm các loa tuyên truyền công suất lớn dọc biên giới với Triều Tiên và kéo dài thời gian phát thanh lâu hơn.

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc xích lại gần hơn với Trung Quốc với hy vọng nước này sẽ giúp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng một, Hàn Quốc đã thay đổi quan điểm khi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn duy nhất của Triều Tiên, từ chối các yêu cầu từ Hàn Quốc và Mỹ rằng nước này cần cắt giảm xuất khẩu dầu và hàng hóa khác để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân.

Vụ phóng tên lửa hôm 7/2 cho thấy để duy trì quan hệ tốt với cả Hàn Quốc và Triều Tiên là một việc vô cùng khó khăn với Trung Quốc, chuyên gia Cheng nhấn mạnh.


Putin đặt quân đội trong tình trạng báo động cao

Tổng thống Vladimir Putin huy động hàng nghìn binh sĩ và hàng trăm chiến đấu cơ khắp tây nam nước Nga tham gia cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.
linh nga nhay du trong cuoc dien tap o vung kostroma. anh: barcroft media

Lính Nga nhảy dù trong cuộc diễn tập ở vùng Kostroma. Ảnh: Barcroft Media

Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho hay các đơn vị quân đội đã được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu vào sáng sớm qua, khai mào cuộc diễn tập của các binh sĩ Quân khu Phía nam.

Quân khu này bao gồm các đơn vị đóng ở bán đảo Crimea cũng như các lực lượng ở Bắc Kavkaz và vùng tây nam gần biên giới với Ukraine.

Ông Shoigu cho hay cuộc diễn tập có sự kết hợp của không quân, không vận và hải quân. Ông nhấn mạnh rằng hoạt động này nhằm kiểm tra khả năng ứng phó của quân đội trước các mối đe dọa cực đoan và những thách thức khác. Theo ông, cuộc diễn tập sẽ bao gồm việc tái triển khai các đơn vị không quân đến các căn cứ và ném bom ở các trường bắn. Hoạt động này sẽ kiểm tra khả năng cơ động của quân đội khi một số lượng binh sĩ được triển khai đến các khu vực cách đó đến 3.000 km.

binh si nga dien tap tai vung kostroma. anh: barcroft media

Binh sĩ Nga diễn tập tại vùng Kostroma. Ảnh: Barcroft Media

Thứ trưởng Quốc phòng Anatoly Antonov cho biết trong một thông cáo rằng có đến 8.500 binh sĩ, 900 vũ khí trên mặt đất, 200 chiến đấu cơ và khoảng 50 tàu chiến tham gia diễn tập.

Dù sự sụt giảm mạnh của giá dầu khiến ngân khố của chính phủ Nga cạn kiệt và đẩy nền kinh tế đến suy thoái, điện Kremlin vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh cho quân sự, bổ sung hàng trăm máy bay, xe tăng, tên lửa mới.


Vệ tinh Triều Tiên 'không truyền tín hiệu về Trái đất'

Vệ tinh mà Triều Tiên phóng lên gần đây đã đi vào quỹ đạo ổn định nhưng giới chức Mỹ cho rằng nó không truyền được tín hiệu về Trái đất.
ten lua tam xa cua trieu tien duoc phong len o bai phong sohae hom 7/2. anh:reuters

Tên lửa tầm xa của Triều Tiên được phóng lên ở bãi phóng Sohae hôm 7/2. Ảnh:Reuters

"Nó hiện đã ở trong một quỹ đạo ổn định. Họ đã kiểm soát được bất ổn",Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nói hôm nay.

Tuy nhiên, nó được cho là không truyền được tín hiệu, một nguồn tin khác nói thêm.

Các chuyên gia tên lửa nhận định Triều Tiên dường như không đạt được bước đột phá nào mới mà chỉ lặp lại thành công trước đó khi đưa được vệ tinh vào không gian. Vệ tinh mới nhất có thiết kế gần giống vệ tinh được phóng lên vào năm 2012 và Bình Nhưỡng có thể còn mất nhiều năm nữa mới chế tạo được tên lửa hạt nhân tầm xa. 

Triều Tiên hôm 7/2 tuyên bố phóng thành công một vệ tinh quan sát Trái đất. Các nước láng giềng và Mỹ phản ứng gay gắt trước động thái này, lên án đây là một vụ thử tên lửa. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với các lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản tối qua và cam kết về sự ủng hộ của Washington đối với hai nước đồng minh, đồng thời kêu gọi quốc tế phản ứng mạnh mẽ hơn nữa trước vụ phóng tên lửa. 

Ông Obama sẽ trao đổi về "những hành động khiêu khích" của Triều Tiên khi ông tiếp đón các lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở California đầu tuần tới.

Mỹ và Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, cũng đang trao đổi về dự thảo trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên và hy vọng thông qua trong tháng này.

Tuy nhiên, phó đô đốc James Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, cho rằng không thể đánh đồng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên với việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo ông, Triều Tiên chưa bao giờ cố gắng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 mà nước này đang phát triển.

Ông Syring cho hay hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có khả năng chống lại tên lửa mới của Triều Tiên nhờ những cải tiến và số lượng tên lửa đánh chặn trên mặt đất tăng từ 33 lên 44.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tin rằng tên lửa 3 tầng, có tên Kwangmyongsong, có tầm phóng 12.000 km, tương tự tên lửa được phóng lên năm 2012 và có khả năng đạt đến lãnh thổ Mỹ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục