tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 10-04-2016

  • Cập nhật : 10/04/2016

Mỹ vẫn bố trí lá chắn chống tên lửa ở Hàn Quốc bất chấp Trung Quốc

Một hôm trước khi lên đường qua châu Á, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ vào hôm 8/4/2016 xác nhận là Hoa Kỳ vẫn sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại THAAD tại Hàn Quốc, bất chấp những phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
be phong ten lua thaad - anh: wikipedia

Bệ phóng tên lửa THAAD - Ảnh: Wikipedia

Một hôm trước khi lên đường qua châu Á, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ vào hôm 8/4/2016 xác nhận là Hoa Kỳ vẫn sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại THAAD tại Hàn Quốc, bất chấp những phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, RFI đưa tin.
Nhân một cuộc hội thảo tại New York, khi được hỏi là liệu việc triển khai lá chắn chống tên lửa tại Hàn Quốc có được thực hiện hay không, ông Ashton Carter nói thẳng: Việc đó sẽ diễn ra. Đó là một điều cần thiết. Đây là vấn đề giữa Mỹ và Hàn Quốc. Hệ thống này nhằm bảo vệ chính các lực lượng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và bảo vệ Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc Phòng đã gạt bỏ những lời chỉ trích của Trung Quốc đối với kế hoạch trên khi cho rằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa đó không liên quan gì đến Trung Quốc. Ông Carter không ngần ngại khuyên Bắc Kinh là nên hợp tác với Mỹ hay đối phó với Triều Tiên một cách hiệu quả hơn, hàm ý cho là Trung Quốc nên nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa, thay vì than phiền về các kế hoạch của Mỹ.
Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc đàm phán về khả năng triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD sau vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân thứ 4 vào tháng Giêng, sau đó là tên lửa tầm xa vào tháng Hai.
Trung Quốc đã cực lực phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bố trí hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, cho rằng điều đó đe dọa các lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên phải chăng đang càng lúc càng rõ với việc Bắc Triều Tiên liên tiếp phô trương điều mà Bình Nhưỡng gọi là thành quả trong công nghệ tên lửa hay vũ khí. Vào hôm nay, truyền thông chính thức Bắc Triều Tiên đã khoe rằng nước này vừa thử nghiệm thành công một động cơ hỏa tiễn liên lục địa.
Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, động cơ tên lửa này sẽ cho phép Bình Nhưỡng gắn đầu đạn hạt nhân mạnh hơn vào tên lửa liên lục địa, cho phép mở một cuộc tấn công hạt nhân vào lãnh thổ nước Mỹ. Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh và đích thân giám sát việc thử nghiệm tại bãi phóng tên lửa tầm xa của Bắc Triền Tiên, gần bờ biển phía tây nước này.

Cháy lớn trong ngôi đền ở Ấn Độ, 86 người chết

Hỏa hoạn trong ngôi đền ở bang Kerala được cho là do nổ pháo hoa sáng sớm nay làm 200 người bị thương, con số thiệt mạng dự báo còn tăng lên.
nha chuc trach lo ngai so nguoi thiet mang se con tang. anh: telesurtv

Nhà chức trách lo ngại số người thiệt mạng sẽ còn tăng. Ảnh: TelesurTV

Thảm họa xảy ra vào khoảng 3h30 sáng nay khi đám đông đang tham gia một lễ hội trong ngôi đền Puttingal ở quận Kollam, Hindu Times cho biết. 

Các nhân chứng cho biết các nạn nhân thiệt mạng bị mất một số bộ phận trên cơ thể do áp lực vụ nổ. Những người ở bán kính hai km cũng bị ảnh hưởng. Việc cứu hộ gặp khó khăn do khu vực này chật hẹp và có quá nhiều người. Các quan chức lo ngại số tử vong có thể tăng thêm.

"Đó là một thảm kịch lớn. Chúng tôi đang liên hệ với Ủy ban bầu cử để yêu cầu giúp đỡ. Một cuộc điều tra cấp cao sẽ được thực hiện sớm", ông Ramesh Chennithala, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ nói.

Ông Oommen Chandy, Thủ hiến bang Kerala, đã hoãn chiến dịch vận động tranh cử dự kiến vào ngày 16/5 để đến hiện trường vụ cháy.

Việc đốt pháo hoa tại đền Puttingal được cho là bị cấm.


Nga bắt 5 nghi phạm IS chuẩn bị tấn công khủng bố

Nhà chức trách Nga bắt giữ các thành viên của một nhóm liên quan đến Nhà nước Hồi giáo tự xưng cùng đạn dược và chất liệu nổ.  
luc luong an ninh nga ngan chan mot vu tan cong khung bo. anh: tass

Lực lượng an ninh Nga ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố. Ảnh: Tass

Các nghi phạm thuộc nhóm Pallasovka Jamaat (PJ) hôm qua bị Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) bắt giữ khi đang lên kế hoạch thực hiện vụ tấn công ở thị trấn Palassovka, Volgograd, đông nam Nga, hãng Tass đưa tin.

Trong vụ trấn áp, FSB đã tịch thu đạn, chất nổ, các thành phần hóa học, các vật liệu dùng để chế tạo bom và tài liệu tôn giáo cực đoan. PJ được xác định từng lôi kéo người dân địa phương tham gia hoạt động của nhóm IS.

Các đơn vị điều tra của FSB đã buộc tội những người này với tội danh thành lập đơn vị có vũ trang trái phép và hỗ trợ các hoạt động khủng bố. 

"Tòa án quận trung tâm ở Volgograd sẽ xem xét biện pháp xử lý 5 phiến quân" một nguồn tin giấu tên thuộc cơ quan thực thi pháp luật Nga nói.

Nga vẫn đang tiến hành các hoạt động quân sự tại Syria nhằm hỗ trợ chính phủ nước này tiêu diệt nhóm IS chiếm giữ một phần lớn lãnh thổ. Các cuộc không kích của Nga gần đây đã giúp quân đội Syria giành lại thành cổ Palmyra, một chiến thắng được đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược từ khi IS hoành hành vào năm 2014.


Nghi phạm bị bắt ở Bỉ thừa nhận là 'người đội mũ'

Mohamed Abrini, người vừa bị cảnh sát bắt giữ, khai báo anh ta chính là người đội mũ tham gia đánh bom ở sân bay Brussels tháng trước.
mohamed abrini thua nhan la ke doi mu tham gia danh bom san bay o brussels hoi thang hai. anh: foxnews

Mohamed Abrini thừa nhận là kẻ đội mũ tham gia đánh bom sân bay ở Brussels hồi tháng hai. Ảnh: Foxnews

Ủy viên công tố liên bang Bỉ hôm nay công bố thông tin về vai trò của Abrini trong các vụ tấn công hôm 22/3, NBC News đưa tin. 

"Anh ta nói đã ném chiếc áo gile vào thùng rác và bán chiếc mũ", thông báo của ủy viên công tố cho biết.

Hình ảnh trên camera ở sân bay tại Brussels cho thấy "người đội mũ" mặc áo khoác trắng, đẩy xe cùng một chiếc túi lớn đi ở sảnh khởi hành, bên cạnh hai nghi phạm Ibrahim El Bakraoui và Najim Laachraoui. Người này đeo kính và mũ che xuống mặt.

Abrini bị buộc tội "giết người bằng tấn công khủng bố", tham gia vào nhóm liên quan đến vụ đánh bom ở Paris tháng 11 năm ngoái. Hiện chưa rõ kẻ này có bị cáo buộc thêm tội danh hay không. Nhà chức trách Bỉ xác nhận tổng số người thiệt mạng trong các vụ đánh bom ở sân bay và nhà ga Brussels là 35. 

Theo Reuters, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cảnh báo nguy cơ bị tấn công khủng bố ở châu Âu vẫn còn.

"Chúng ta lạc quan về diễn biến mới trong điều tra, nhưng chúng ta biết vẫn phải cảnh giác", ông nói.

Trong số 6 người bị cảnh sát Bỉ bắt hôm qua, Osama Krayem, được xác định là kẻ mua các túi xách dùng trong vụ đánh bom Brussels. Tên này cùng Abrini còn bị phát hiện có các dấu vân trong căn hộ được sử dụng làm nơi ẩn náu và cơ sở chế tạo bom của những kẻ tấn công Brussels.

Krayem cũng được cho là liên lạc với Salah Abdeslam, nghi phạm chính còn sống sau vụ tấn công Paris, trước khi xảy ra các vụ đánh bom và nổ súng làm 130 người thiệt mạng.

Cảnh sát tin rằng Krayem cùng các nghi phạm khác liên quan đến các vụ tấn công Paris và Brussels, trở về châu Âu bằng thuyền di cư vào Hy Lạp mùa hè năm ngoái, sau khi tham gia hoạt động của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.


Philippines, nhân tố thiết yếu trong chiến lược xoay trục của Mỹ

 Thái độ trân trọng của Washington đối với Manila đã nêu bật vai trò của Philippines, từ một nước có quân đội yếu nhất Đông Nam Á, và một đồng minh thấp kém nhất của Mỹ, đã vươn lên thành một nhân tố quan trọng trong chính sách tái cân bằng – gọi nôm na là xoay trục – của Hoa Kỳ qua vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
can cu quan su cu cua my tai vinh subic, philippines. anh wikimedia

Căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại vịnh Subic, Philippines. Ảnh wikimedia

Trong một bài phân tích công bố vào hôm 07/04/2016, tờ báo mạng Nhật Bản The Diplomat đã nêu bật ba yếu tố cho thấy rõ vai trò quan trọng của Manila trong chính sách xoay trục của Mỹ, một vai trò đã được chính Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ gọi là "trung tâm", đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, một vài trò ngày càng được Washington công nhận, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Theo tờ báo, thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao vị trí của Philippines trong chiến lược Châu Á của Hoa Kỳ.
Manila đang trở thành một yếu tố địa lý quan trọng cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình. Philippines cũng đã vươn lên thành một ví dụ điển hình trong công cuộc hợp tác cả với Mỹ lẫn với các đồng minh của Mỹ trong vùng như Nhật Bản và Úc.
Ngoài ra, Manila cũng đóng vai trò một quốc gia thượng tôn luật pháp quốc tế trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
 
Về yếu tố thứ nhất, Philippines đang trở thành nơi then chốt cho hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Dĩ nhiên, cho dù đã phải rút đi khỏi các căn cứ Philipppines vào năm 1992, sau cuộc bỏ phiếu sít sao tại Thượng Viện nước này, Hoa Kỳ vẫn có thể tiếp cận, sử dụng cơ sở của Philippines, kể cả Vịnh Subic, một căn cứ hải quân Mỹ trước đây.
 
Thế nhưng, Hiệp Định Tăng Cường Hợp Tác Quốc Phòng Mỹ-Phi EDCA, ký kết tháng vào tháng 04/2014 và được Tòa án Tối cao Philippines tán đồng vào tháng Giêng vừa qua, đã cho phép Washington gia tăng đáng kể sự hiện diện trong vùng Đông Nam Á và Biển Đông.
Hiệp Định EDCA đã chính thức mở cửa nhiều căn cứ trên đất Philippines cho quân đội và vũ khí Mỹ, một cơ hội hiếm hoi trong một vùng mà nhiều quốc gia, dù bị Trung Quốc chèn ép, vẫn tiếp tục e dè trong việc đón lực lượng Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Về yếu tố thứ hai, ngoài liên minh chặt chẽ truyền thống với Hoa Kỳ, Philippines đang trở thành ví dụ điển hình cho tiến trình kết nối chặt chẽ hơn giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực.
Một ví dụ rất có ý nghĩa là vai trò trung tâm của Philippines trong kế hoạch mang tên Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải Đông Nam Á MSI do Mỹ đề ra nhằm nâng cao năng lực giám sát trên biển của các nước Đông Nam Á chung quanh Biển Đông, giúp các quốc gia này cải tiến khả năng phát hiện, thông hiểu, xử lý và chia sẻ thông tin về các hoạt động trên không và trên biển ở khu vực.
 
Cho dù sáng kiến thành lập một mạng lưới giám sát chung ở Biển Đông vẫn còn sơ khai, nhưng ý tưởng được nêu bật trong sáng kiến này chính là dựa trên Trung Tâm Giám Sát Bờ Biển của Philippines, từ đó mở rộng ra phần còn lại trong vùng.
Ngay cả trong lãnh vực quân sự, cuộc tập trận Balikatan, có từ 30 năm nay, chủ yếu là song phương Mỹ Phi, đã được mở rộng trong vài năm qua để đón nhận Úc từ năm 2014, và 11 quan sát viên trong năm nay, trong đó có Nhật Bản…
 
Thứ ba và cũng là điểm cuối cùng, Philippines là một quốc gia có biểu hiện rất tích cực trong việc tôn trọng và phát huy luật lệ quốc tế, trung tâm điểm cho việc gìn giữ trật tự dựa trên luật pháp mà Mỹ thường nhấn mạnh.
 
Một cách cụ thể, trong vấn đề an ninh, trong lúc nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực chỉ tuyên bố ủng hộ những nguyên tắc như tự do lưu thông, chấp hành luật quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông, Philippines là nước duy nhất trong các quốc gia tranh chấp ở Đông Nam Á kiện Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài quốc tế mà phán quyết có thể được đưa ra vào tháng 5 hay tháng 7 tới đây.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục