tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 07-05-2016

  • Cập nhật : 07/05/2016

Nga tố NATO tập trận ở Gruzia nhằm gây bất ổn

Nga hôm qua tố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương muốn gây bất ổn tại khu vực Kavkaz bằng các cuộc tập trận chung với Gruzia.
nga to nato tap tran o gruzia nham gay bat on. anh minh hoa: reuters.

Nga tố NATO tập trận ở Gruzia nhằm gây bất ổn. Ảnh minh họa: Reuters.

"Chúng tôi coi 'sự phát triển' của binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên lãnh thổ Gruzia là một động thái khiêu khích, nhằm cố tình gây bất ổn tình hình quân sự - chính trị ở khu vực Kavkaz", AFPdẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ "đang nuôi dưỡng chủ nghĩa trả thù của Gruzia".

Cuộc tập trận ở Gruzia, tên gọi Noble Partner, có sự tham gia của khoảng 1.300 binh sĩ từ Mỹ, Anh và Gruzia. Nó diễn ra tại căn cứ Vaziani, ngoại ô thủ đô Tbilisi, trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 11/5. Mỹ trong tuần này sẽ chuyển các xe tăng chủ lực M1A2 qua Biển Đen tới Gruzia.

Moscow từng cáo buộc NATO muốn đối phó với Nga ở Đông Âu bằng cách tăng cường lực lượng và tập trận nhưng liên minh quân sự cho rằng họ chỉ đang đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ hồi tháng 3/2014.

Moscow và Tbilisi từng xảy ra chiến tranh vào năm 2008 liên quan đến tranh chấp ở South Ossetia, khu vực ly khai ở Gruzia được Nga ủng hộ. Sau cuộc chiến, Nga công nhận South Ossetia và Abkhazia, một vùng lãnh thổ ly khai khác ở Gruzia, là các quốc gia độc lập và có căn cứ quân sự thường trực tại đây.

Gruzia coi hai khu vực trên đang bị Nga chiếm đóng và cáo buộc Moscow muốn mở rộng thêm bằng cách đưa hàng rào South Ossetia vào sâu hơn lãnh thổ nước này.


Tài liệu Panama: Người cung cấp sẵn sàng hợp tác điều tra

Người thu thập và cung cấp tài liệu Panama cho truyền thông sẵn sàng hợp tác điều tra với các nước, đổi lại các nước phải miễn trách nhiệm pháp lý cho nhân vật này.

Nhân vật cung cấp 11,5 triệu tập tin tài liệu Panama cho truyền thông đã đề nghị hỗ trợ các nước điều tra và khởi tố các nghi can liên quan mà tài liệu đề cập đến nếu cần thiết, đổi lại các nước phải miễn trách nhiệm pháp lý cho người này.

Danh tính và giới tính nhân vật này đều chưa được rõ, chỉ được đề cập với cái tên “John Doe”, đưa ra đề nghị trong một bài viết có tựa đề “Cuộc cách mạng sẽ được số hóa” được báo Suddeutsche Zeitung (Đức) công bố ngày 6-5.Suddeutsche Zeitung là một trong những tờ báo nhận 11,5 triệu tập tin tài liệu Panama từ nhân vật này. Bài viết của nhân vật “John Doe”  cũng được đăng trên trang web của Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).

Bài viết dài 1.800 từ, nhân vật này bác bỏ các bài viết gắn sự rò rỉ tài liệu Panama với một cơ quan tình báo nào đó hay một chính phủ nào đó. Nhân vật này khẳng định mình không phải là điệp viên, việc công bố tài liệu Panama là hành động riêng lẻ, quyết định tự thân.

cong ty mossack fonseca la tam diem cua vu ro ri tai lieu panama. (anh: abc news)

Công ty Mossack Fonseca là tâm điểm của vụ rò rỉ tài liệu Panama. (Ảnh: ABC NEWS)

Theo bài viết, động cơ công bố tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca là sự bức xúc trước tình trạng tham nhũng có hệ thống đã làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng thu nhập.

“Các công ty bình phong thông thường hay liên quan đến trốn thuế. Nhưng tài liệu Panama cho thấy vấn đề còn nghiêm trọng hơn nghi ngờ này, các công ty bình phong mà Công ty Mossack Fonseca thành lập không vi phạm về hình thức nhưng lại chứa đựng hàng loạt vi phạm nghiêm trọng bên trong vượt xa cả trốn thuế.”

“Tôi quyết định công bố tài liệu Panama và vạch trần Công ty Mossack Fonseca vì tôi nghĩ những người thành lập, nhân viên và khách hàng của công ty này cần phải giải thích về vai trò của họ với các vi phạm mà hiện chỉ mới có một số ít được đưa ra ánh sáng. Sẽ phải mất hàng năm thậm chí hàng thập kỷ để mọi người biết hết toàn bộ các hành động bẩn thỉu của Công ty Mossack Fonseca.”

Vụ rò rỉ tài liệu Panama đã dẫn đến nhiều thương vong chính trị lớn, chẳng hạn Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson mất chức, đồng thời gây nhiều rắc rối chính trị cho Thủ tướng Anh David Cameron. Nhân vật “John Doe” nhận định thông tin chứa đựng trong tài liệu Panama có thể sẽ dẫn đến hàng ngàn vụ khởi tố nữa.

Về việc yêu cầu được miễn trách nhiệm pháp lý, nhận vật này cho rằng: “Việc công khai hành động sai trái, bất kể là người nào cũng xứng đáng được chính phủ miễn trách nhiệm pháp lý. Chừng nào các nước chưa có luật bảo vệ những người công bố này thì các nước vẫn chỉ có thể tự mò mẫm tìm dấu vết tài liệu để điều tra thôi.”

Nhân vật “John Doe” “hy vọng tài liệu Panama sẽ khuyến khích dư luận và dẫn đến thay đổi trong các nguyên tắc hoạt động của ngân hàng và luật pháp quốc tế”.

 “Ủy ban châu Âu, Quốc hội Anh, Quốc hội Mỹ cần nhanh chóng có các biện pháp hạn chế người giàu che giấu tài sản ở các công ty bình phong. Dĩ nhiên việc ra các biện pháp này sẽ gặp phải rào cản dữ dội nhưng mối nguy từ việc để mặc nó còn nghiêm trọng hơn nhiều.”

Trên trang web của mình ngày 6-5, ICIJ cho biết có kế hoạch sẽ công khai dữ liệu của hơn 200.000 công ty hải ngoại - một phần mà ICIJ đã điều tra.  Mossack Fonseca cùng ngày đã gửi đến ICIJ một lá thư đề nghị ICIJ không công bố thêm bất kỳ thông tin mật nào về vụ này.

Trong ngày 6-5, người phát ngôn Công ty Mossack Fonseca từ chối bình luận về thông tin này.


Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử hạt nhân

Hình ảnh vệ tinh mới thu thập cho thấy dấu hiệu Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm hạt nhân. 
hinh anh ve tinh chup bai thu punggye-ri hom 5/5. anh: 38north

Hình ảnh vệ tinh chụp bãi thử Punggye-ri hôm 5/5. Ảnh: 38North

Hình ảnh chụp ngày 5/5 về bãi thử tên lửa dưới đất Punggye-ri của Triều Tiên cho thấy các loại xe cộ tại nơi được cho là trung tâm chỉ huy thử nghiệm, tuy nhiên, mức độ hoạt động vẫn thấp tại điểm thử, Reuters dẫn trang web 38 North của trường đại học Johns Hopkins cho hay. 

"Dù hồ sơ lịch sử chưa hoàn thiện, dường như các xe cộ thường không xuất hiện ở đây, trừ những lúc chuẩn bị thử nghiệm", trang web cho hay. "Không có xe hay người nào xuất hiện tại cơ sở trong bức ảnh chụp ngày 2/5. Tuy nhiên, dường như có 4 xe đậu sát nhau vào ngày 5/5". 

Nhiều người quan ngại Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần 5 xung quanh thời điểm diễn ra đại hội đảng, sự kiện khai mạc hôm qua và lần đầu tiên được tổ chức trong 36 năm. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến nhân cuộc họp công bố các thành tựu để tiếp tục củng cố quyền lực.

Những tháng gần đây, Bình Nhưỡng tuyên bố đạt được một chuỗi đột phá trong chương trình hạt nhân và tên lửa, như việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đặt lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, làm chủ công nghệ đưa đầu đạn tên lửa tái nhập khí quyển và phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu rắn. 

Triều Tiên cũng thực hiện một chuỗi thử nghiệm vũ khí, trong đó có những vụ phóng tên lửa di động tầm trung Musudan và một vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. 


Trưởng đại diện CIA nghi bị ‘đầu độc’ sau vụ tiêu diệt Osama bin Laden

Một quan chức cấp cao của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng giám sát cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden nghi ngờ rằng ông đã bị các điệp viên Pakistan đầu độc chỉ ít tuần sau đó, theo tờ Washington Post.

Tờ IB Times (Mỹ) dẫn lại thông tin đăng trên tờ Washington Post cho biết Mark Kelton, trưởng đại diện của CIA tại Pakistan, người chỉ huy cuộc đột kích vào dinh thủ lĩnh al Qaeda là Osama bin Laden hồi tháng 5-2011, phải khẩn trương trở về Mỹ do bị đau bụng dữ dội triền miên, hai tháng sau cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố.

Việc ông Kelton đột nhiên trở bệnh  nặng và triền miên, nguyên nhân gây bệnh lại bí ẩn khiến giới chức CIA nghi ngờ rằng các điệp viên của Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) đã đầu độc ông, theo Washington Post.

Tờ báo cho biết nguyên nhân “bí ẩn” của căn bệnh, cùng các cáo buộc rằng tình báo Pakistan có “liên quan tới nhiều âm mưu chống lại các nhà báo, nhà ngoại giao và các đối thủ khác”, đã gây ra những ngờ vực của CIA.

Cũng theo Washington Post, mối quan hệ giữa Washington và Islamabad trở nên căng thẳng vào thời điểm đó, và càng bị tổn hại hơn do cuộc đột kích của CIA.

osama bin laden trong mot hang dong o afghanistan chup nam 1988. nguon: telegraph

Osama bin Laden trong một hang động ở Afghanistan chụp năm 1988. Nguồn: Telegraph

Mối quan hệ đã bị xấu đi nhanh chóng chỉ vài ngày sau khi ông Kelton tới Pakistan. Khi đó, cấp dưới của ông là  Raymond Davis, một nhân viên hợp đồng của CIA, bắn chết hai nam giới Pakistan tại Lahore vì cho rằng họ cố lấy cắp đồ của anh ta vào tháng 2-2011.

Vào thời điểm diễn ra cuộc đột kích nhằm vào dinh thự của Osama bin Laden tháng 5-2011, mối quan hệ giữa CIA với trưởng Cơ quan tình báo Pakistan lúc đó là Ahmed Shuja Pasha xấu tới mức họ hầu như không nói chuyện, các quan chức CIA tiết lộ.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ông Kelton bị đầu độc, cũng như không tìm thấy dấu hiệu cho thấy giới chức Pakistan đầu độc bất kỳ quan chức Mỹ nào công tác tại nước này.

Mark Kelton, hiện 59 tuổi và đã về hưu, nhiều lần từ chối trả lời phỏng vấn. Nhưng trong một cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại, ông cho biết nguyên nhân căn bệnh của ông “chưa từng được làm rõ” và rằng ông không phải là người đầu tiên nghi ngờ mình bị đầu độc.

Trong khi đó, Pakistan đã bác bỏ những cáo buộc trên của phía Mỹ, nói rằng những nghi ngờ đó là “hoang đường, không đáng bình luận”.

“Chúng tôi phản đối những lời bóng gió bị ám chỉ trong những cáo buộc”, Nadeem Hotiana, phát ngôn viên Đại sứ quán Pakistan tại Washington nói.

mot truc thang cua quan doi my bi roi trong cuoc dot kich nham vao dinh thu cua osama bin laden tai abbottabad, pakistan thang 5-2011 (anh: afp)

Một trực thăng của quân đội Mỹ bị rơi trong cuộc đột kích nhằm vào dinh thự của Osama bin Laden tại Abbottabad, Pakistan tháng 5-2011 (Ảnh: AFP)

Ông Kelton đã đổ bệnh không lâu sau cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh ẩn náu của al-Qaeda. Ban đầu ông nghi ngờ ông bị đau do liên quan tới bệnh tiêu hóa thông thường mà nhiều người phương Tây gặp phải ở Pakistan.  Nhưng sau đó bệnh tình không thuyên giảm và trở nên đau dữ dội và dai dẳng dù đã được điều trị.

Đến tháng 7-2011, ông Kelton bị rút ra khỏi Pakistan do “bị khủng hoảng y tế nghiêm trọng”, chỉ bảy tháng sau khi được bổ nhiệm cho vị trí kéo dài ít nhất hai năm. Ông nói rằng mình không thể đảm nhiệm công việc này được nữa.

Hiện ông Kelton đã bình phục sau ca phẫu thuật bụng.


Nhật ca ngợi bước đột phá trong đàm phán lãnh thổ với Nga

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ca ngợi bước đột phá trong đàm phán giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril do Nga kiểm soát từ Thế chiến II. 
thu tuong nhat shinzo abe co cuoc gap keo dai ba gio voi tong thong nga putin tai khu nghi mat thanh pho sochi, nga. anh: japan times

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có cuộc gặp kéo dài ba giờ với Tổng thống Nga Putin tại khu nghỉ mát thành phố Sochi, Nga. Ảnh: Japan Times

Ông Abe và ông Putin đã gặp nhau tại khu nghỉ mát thành phố Sochi bên bờ Biển Đen, Nga. Tại đây, hai nhà lãnh đạo "chia sẻ những cảm giác giống nhau" và cùng đồng ý sử dụng biện pháp tiếp cận vấn đề mới, không bị những cách nghĩ trước kia chi phối, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật.

Theo AFP, Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc đàm phán kéo dài ba giờ với Tổng thống Nga Putin hôm 6/5 về vấn đề quần đảo Kuril (Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc), một trong những tranh cãi gay gắt giữa hai nước từ Thế chiến II. Nga hiện giữ 4 đảo, trong khi Nhật tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo. Căng thẳng về chủ quyền quần đảo khiến Moscow và Tokyo chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình từ năm 1945.

"Nhật Bản không chỉ là nước láng giềng mà còn là đối tác rất quan trọng của Nga tại châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi có những vấn đề tế nhị cần được dành sự quan tâm đặc biệt, đây là lý do cần thiết xây dựng quan hệ mới", ông Putin cho biết. 

Tuy nhiên, điện Kremlin cũng cho biết sẽ khó có được giải pháp thực sự đột phá, mặc dù chuyến thăm của ông Abe tới Nga được coi là biểu tượng cho sự ấm lên trong quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh phương Tây tìm cách cô lập Nga. 

Năm 2015, Nga khiến Nhật Bản tức giận khi xây dựng hai trạm đồn trú cho quân đội tại Kuril và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến thăm một đảo.

Khoảng 19.000 người Nga sống trên các đảo đá xa xôi, do quân đội Xô Viết nắm kiểm soát vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Hai nước chưa bao giờ chính thức ký hiệp ước hoà bình và căng thẳng dai dẳng về vấn đề đã cản trở quan hệ thương mại suốt nhiều thập kỷ


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục