tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Du lịch Việt Nam: Con gà chưa đẻ 'trứng vàng'

  • Cập nhật : 07/05/2018

Năm 2018, ngành du lịch được nhìn nhận đang phát triển dựa trên nền tảng mới với nhiều thuận lợi. Các động lực tạo đà cho sự phát triển từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành vẫn đang tiếp tục hình thành và phát triển tích cực.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hình ảnh du lịch Việt Nam đổi mới, hấp dẫn, chất lượng đã được biết đến rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng - động lực giúp du lịch trở thành “con gà đẻ trứng vàng” - ngành du lịchphải cần có tầm nhìn dài hạn.

Đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng thị trường

Năm 2018 ngành du lịch đề ra mục tiêu đón 16 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Đặt trong bối cảnh phát triển du lịch ở khu vực, đây không phải là con số lớn, nhưng điều này đồng nghĩa tăng trưởng về du lịch trong năm nay phải tăng 30%. Đó thực sự là thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ riêng ngành công nghiệp không khói này.

Ngay từ đầu năm, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã đề xuất những giải pháp, như tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; duy trì tăng trưởng thị trường Nga, Hoa Kỳ, Đài Loan, Tây Âu, ASEAN, Australia và New Zealand nhằm đa dạng hóa thị trường, hạn chế rủi ro; khai thác thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông.

Cùng với đó là xúc tiến triển khai mở rộng các đường bay quốc tế và nội địa, thực hiện thương quyền về hàng không, khai thác tiềm năng của các sân bay Phú Quốc, Đà Nẵng, Cát Bi, Huế, Cần Thơ, Vân Đồn… nhằm giảm tải cho các trung tâm và đa dạng hóa điểm đến; đẩy mạnh khai thác du lịch đường bộ, đường biển.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, việc cần làm trước mắt là tập hợp, tổ chức các nhà đầu tư chiến lược đẩy mạnh xúc tiến quảng bá khu, điểm du lịch quy mô lớn tại các địa bàn trọng điểm như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long…; hợp tác, tạo thuận lợi cho các hãng lữ hành quốc tế lớn khai thác các chuyến bay thuê bao đến Việt Nam từ Tây Âu, Bắc Âu, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cùng đó là các giải pháp như tiếp tục tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế, mở rộng danh sách và tiến tới chính thức cấp visa điện tử (e-visa) cho công dân tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ…

Song, điều rất quan trọng là cần có sự nỗ lực hoàn thiện và thay đổi từ nội tại ngành du lịch. Điều phối các điểm đến và thị trường để đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế khách du lịch đến các điểm đã có dấu hiệu quá tải, tập trung quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm phục vụ khách du lịch và thực hiện quy tắc ứng xử văn minh.

Theo nhận định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam có thể sẽ giảm, không thể tăng trưởng mạnh mẽ như 2 năm qua. Bởi lẽ, những thị trường có thể tăng nhanh đã tăng, nếu không có những hành động quyết liệt ở những thị trường mới, quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, việc phát triển bền vững tăng mạnh”.

Chưa khai thác tiềm năng du lịch trực tuyến 

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25%, và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Đáng chú ý tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên lới 50%. Khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017, cho thấy có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet, 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến.

Với sự phát triển chung của TMĐT du lịch, các tỷ lệ này được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới… Vì thế, tại thời điểm này, du lịch trực tuyến (hay còn gọi là du lịch thông minh) đang được kỳ vọng là giải pháp bứt phá dành cho du lịch Việt. 

Các đơn vị lữ hành thực hiện vai trò tổ chức và khai thác thị trường là đầu tàu kéo cả chuỗi cấu trúc trong ngành du lịch. Nhưng nếu nhìn lại chuỗi cấu trúc gồm lữ hành, vận tải, nghỉ dưỡng… có rất ít doanh nghiệp nội đủ sức tạo ra giá trị gia tăng. Vì thế, muốn tạo ra đột phá phải kết nối các giá trị trong cả chuỗi. Doanh nghiệp nội chưa thể một mình đủ lực làm được cả chuỗi và càng không đủ sức chống chọi lại các tập đoàn nước ngoài giàu mạnh, nhiều kinh nghiệm. Do đó, các công ty Việt Nam rất cần được sự tiếp sức. 

Ông NGUYỄN QUỐC KỲ 
Tổng giám đốc Công ty Vietravel

Khi khách du lịch tới Việt Nam, hoặc khách Việt Nam du lịch tới các vùng mới, họ không biết ở đây sẽ cần đi đâu, những chỗ nào để ở, khách sạn nào tốt, nhà hàng nào ăn ngon hay danh lam thắng cảnh nào cần phải xem?

Hiện nay, các thông tin này đã được số hóa trên các ứng dụng có thể cài đặt lên điện thoại di động. Như vậy, khách hàng có đầy đủ thông tin phục vụ cho chuyến du lịch của mình. Việc áp dụng thông tin số tạo thuận lợi cho khách hàng, rất cần thiết cho các công ty du lịch. 

Thống kê của Hiệp hội TMĐT cho thấy, các thương hiệu dịch vụ du lịch toàn cầu như agoda.com, booking.com, traveloka.com... đang chiếm thị trường Việt Nam với 80% thị phần. Trong khi đó, mới khoảng 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến như ivivu.com, mytour.vn, chudu24.com, tripi.vn… và đa phần chỉ phục vụ thị trường khách trong nước, lượng giao dịch không nhiều.

Thừa nhận bất cập này, ông Vũ Thế Bình cho biết hiện ngành du lịch có khoảng 30.000-35.000 doanh nghiệp và 100% doanh nghiệp đã quan tâm sử dụng internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Song thực tế ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp du lịch mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. 

Được biết Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia đang hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức, hành động và tăng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá trực tuyến, dễ dàng hóa quá trình tìm kiếm thông tin, thao tác đặt hàng, mua hàng trực tuyến trước chuyến đi, chia sẻ trải nghiệm đến bạn bè qua mạng xã hội. Tiếp thị trực tuyến có thể trở thành mũi nhọn trong tiếp thị du lịch Việt Nam trong 5 năm tới.

“Điều này cho thấy để du lịch thực sự bứt phá với công nghệ thông tin, trước hết cần có sự dấn thân, chủ động hơn nữa của chính doanh nghiệp trong ngành” - ông Lê Tuấn Anh, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), nhận định.

nhung khung canh thien nhien o viet nam rat nhieu nhung nganh du lich chua khai thac het tiem nang loi the.  

Những khung cảnh thiên nhiên ở Việt Nam rất nhiều nhưng ngành du lịch chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế.  

Doanh nghiệp lữ hành, đông nhưng  chưa tinh

Một trong những điểm yếu cơ bản hiện nay của ngành du lịch vẫn là thiếu sự đầu tư thích đáng mang tới sự đổi thay của các sản phẩm du lịch. Đó là làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm là câu hỏi khó với hầu hết doanh nghiệp, địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố chất xám trong đầu tư các sản phẩm là rất quan trọng: Nước ta có nguồn tài nguyên du lịch nhiều nước “nằm mơ cũng không có được”.

Nhưng để tạo ra sản phẩm thực sự hấp dẫn, thu hút và làm “mềm lòng” khách du lịch, để họ sẵn sàng bỏ tiền “mua cảm xúc”, đầu tư chất xám mới là thứ tạo nên thương hiệu và giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Việt Nam. 

Trong nhiều năm qua, sự vào cuộc của một số nhà đầu tư chiến lược vào thị trường du lịch đã tạo nên hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại tại nhiều địa phương, góp phần tạo nên diện mạo mới cho du lịch Việt Nam. Những tổ hợp vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng quy mô lớn đang tiếp tục được xây dựng tại nhiều điểm đến, cho thấy du lịch Việt Nam có điều kiện phát triển mới nhằm cạnh tranh với các nước trong khu vực theo hướng chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại.

Về đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp chủ yếu trong việc xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, tạo bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Một số tập đoàn lớn như Vingroup, FLC, Sungroup, Thiên Minh… tham gia việc xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay, cảng tàu biển du lịch, đường giao thông vào các khu du lịch, tạo nên sự bứt phá trong phát triển du lịch của các vùng, địa phương. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại đã hình thành tại nhiều địa phương, như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long; hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc, Yên Tử...

Tuy nhiên, trong số 1.800 doanh nghiệp lữ hành, có tới 1.500 doanh nghiệp đang kinh doanh outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài). Như vậy, doanh nghiệp du lịch đang chỉ tập trung “săn” người Việt, mà dường như bỏ ngỏ mảng inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam). Thực tế đã chỉ ra rằng trong du lịch, càng nhiều doanh nghiệp nhỏ càng “nát” thị trường.

Vì vậy, cần bàn giải pháp để hình thành hệ thống hỗ trợ những doanh nghiệp lớn, chỉ khi đó mới gắn được trách nhiệm của những doanh nghiệp lớn với việc phát triển hệ thống doanh nghiệp vệ tinh, dẫn dắt thị trường, tạo động lực phát triển mới cho ngành du lịch.

Đối với ngành du lịch, có thể nói khu vực tư nhân có vai trò quyết định trong hầu hết lĩnh vực, đóng vai trò chủ lực trong việc nâng cao sức cạnh tranh của ngành. Tuy nhiên, để tháo gỡ điểm nghẽn đối với lộ trình phát triển du lịch Việt cần phải có sự quyết liệt, tư duy đột phá mạnh mẽ hơn để tạo ra một chuỗi giá trị sản phẩm du lịch hấp dẫn, cạnh tranh mang tính bền vững cao. Khi đó ngành công nghiệp không khói mới thực sự là con gà đẻ “trứng vàng”.

Ông NGUYỄN VĂN TUẤN 
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

 

Theo Mai An/saigondautu.com.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục