tin kinh te

Giải bài toán nhập siêu từ Trung Quốc: Cần có “danh sách đen”, cấm nhập khẩu

(Tin kinh te)

8 tháng đầu năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 22,3 tỉ USD, dự báo đến hết năm 2015 con số này là 37 tỉ USD. Đây là con số kỷ lục và đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam nhiều thách thức.

Nhập siêu tăng tốc

Ngay trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 32,7 tỉ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 8 tháng năm nay khoảng 22,3 tỉ USD. 

Việc Trung Quốc trong tháng 8.2015 phá giá đồng nhân dân tệ tới 4,6% khiến khả năng nhập siêu từ thị trường này cả năm 2015 có thể lên tới 37 tỉ USD và khó giảm nhanh, gây áp lực nhiều mặt lên cân đối và ổn định vĩ mô nền kinh tế của Việt Nam. Nhập siêu từ Trung Quốc tăng còn do dòng nhập khẩu các máy móc, thiết bị phục vụ những dự án mà các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu ở Việt Nam hay thực hiện các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.

Việc khu vực kinh tế trong nước chỉ 8 tháng qua nhập siêu 13 tỉ USD (tăng 44% so với cùng kỳ 2014) trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 8 tháng xuất siêu 9,4 tỉ USD cho thấy sự phụ thuộc lớn của sản xuất và tiêu dùng trong nước vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Áp lực nhập siêu từ Trung Quốc còn gia tăng do xu hướng Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư trực tiếp (tức tăng lượng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc) vào ngành dệt may Việt Nam trong năm 2015 và thời gian tới nhằm khai thác cơ hội Việt Nam được giảm thuế và phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ sản phẩm nội khối theo các cam kết trong khuôn khổ các FTA mới và sẽ ký kết, nhất là TPP.

Theo Tổng cục Hải quan, những mặt hàng gây nhập siêu lớn từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; xăng dầu các loại; nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép nguyên liệu và sản phẩm từ sắt thép các loại, kim loại thường; thức ăn gia súc và nguyên liệu.

Tránh phụ thuộc vào Trung Quốc

Để tăng lượng xuất khẩu sang Việt Nam, phía Trung Quốc thường áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà xuất khẩu của nước này về tài chính, hải quan, quản lý biên mậu, khuyến mãi, ứng hàng cho thương nhân nhập khẩu, thanh toán bù trừ, hoán đổi tiền tệ để khuyến khích, hỗ trợ cạnh tranh, tạo lợi thế hơn hẳn các quy định của Việt Nam. Việc sử dụng nhân dân tệ với các dịch vụ đổi tiền tự phát ở biên giới cũng kích thích nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc.

Để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, trước hết tập trung ưu tiên đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, lựa chọn sản phẩm xuất khẩu và áp dụng công nghệ mới; phát triển công nghiệp phụ trợ, vùng nguyên liệu và những ngành chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường mới, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp hàng và nguyên liệu từ Trung Quốc. 

Đồng thời, cần tăng cường quản lý đường biên mậu để gia tăng xuất - nhập khẩu chính ngạch, theo hợp đồng có đủ các điều khoản chế tài chặt chẽ và xử lý hiệu quả các tranh chấp, nhất là tình trạng thất hứa, gây khó dễ, ép giá của đối tác bên Trung Quốc khi tiêu thụ hàng nông sản thời vụ; thiết lập và quản lý hiệu quả hàng rào kỹ thuật, lên “danh sách đen” những mặt hàng cấm nhập, buộc phải tiêu hủy và tái xuất; tiết giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng, vật tư trong nước sản xuất được; thu giữ, tiêu hủy hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; xử lý nghiêm hàng hóa gian lận thương mại ngay từ cửa khẩu. 

Xử lý thật nghiêm những đối tượng buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng qua biên giới giữa hai nước, trên cơ sở tăng nặng thêm khung hình phạt với loại tội phạm này để thực sự có tính răn đe. Tăng cường trách nhiệm, năng lực kiểm định và cập nhật thông tin cảnh báo chất lượng hàng Trung Quốc gây độc hại, nhất là hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc và được quảng cáo quá mức để hỗ trợ và thúc đẩy thói quen tiêu dùng lành mạnh của người tiêu dùng Việt Nam nói chung, không vì lợi ích trước mắt mà gây tổn thất lâu dài cho xã hội và bản thân.

Các DN Việt Nam cần coi trọng đặt hàng, đấu thầu sử dụng nguyên liệu, hàng hóa trong nước trước khi nhập khẩu; hỗ trợ và thúc đẩy nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nhau; có thể tham gia đấu thầu cung ứng máy móc, thiết bị cho các công trình Trung Quốc trúng thầu. Ngoài ra, cần tăng cường đàm phán cấp cao để gia tăng các giải pháp thúc đẩy thương mại hai chiều, phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công nghệ chế biến, bảo quản và vận chuyển nông sản để có thể đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước, ngay cả sang Trung Quốc.

Nhập siêu từ Trung Quốc là điệp khúc kéo dài, nhưng không phải là định mệnh bắt buộc của Việt Nam và lời giải cần đến từ nhiều phía. Cải thiện nhập siêu từ Trung Quốc là đòi hỏi, mục tiêu và động lực phát triển mới của đất nước trong bối cảnh mới.

(Theo Báo Lao Động)

 

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Thị trường thủy sản “chao đảo” vì doanh nghiệp ồ ạt bán nguyên liệu cho Trung Quốc

"Săn” cau non ở Quảng Nam xuất sang Trung Quốc: Người dân mừng hay lo?

Thương lái Trung Quốc ngừng mua, đặc sản cua Cà Mau rớt gần nửa giá

Mới cập nhật

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024