tin kinh te

Một số vấn đề cần lưu ý khi kinh doanh tại Myanmar

(Cam nang xuat khau)

1. Luật và nghị định liên quan

Luật điều chỉnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vận tải hành khách và hàng hóa của các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân người Myanmar thực hiện theo Đạo Luật Xuất - Nhập khẩu năm 1947 và có hiệu lực cho đến ngày nay.

1.1 Đăng ký xin giấy phép kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa

Các doanh nghiệp muốn tham gia kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa có thể làm hồ sơ gửi tới Tổng Vụ Thương mại, Bộ Thương mại để đăng ký xin giấy phép kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa.

(a)     Các doanh nghiệp đăng ký theo Đạo Luật Công ty Myanmar và Đạo Luật Công ty đặc biệt năm 1950.

-          Các công ty trách nhiệm hữu hạn (kể cả các công ty, chi nhánh nước ngoài).

-          Các công ty liên doanh.

(b)     Các hợp tác xã đăng ký theo Luật Hợp tác xã.

Lệ phí đăng ký và lệ phí gia hạn

Lệ phí đăng ký và lệ phí gia hạn đối với nhà xuất - nhập khẩu như sau:

(a)     Lệ phí đăng ký và lệ phí gia hạn đối với nhà xuất - nhập khẩu trong thời hạn 1 năm là 50.000 Kyats (tương đương 50 USD).

(b)     Lệ phí đăng ký và lệ phí gia hạn đối với nhà xuất - nhập khẩu trong thời hạn 2 năm là 100.000 Kyats (tương đương 100 USD).

Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa, bao gồm:

-          Công văn giới thiệu và Điều lệ hoạt động của Hiệp hội mà công ty tham gia.

-          Đơn xin cấp giấy đăng ký kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa của người đứng đầu công ty.

-          Mẫu đăng ký kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa (kê khai theo mẫu quy định).

-          Công văn giới thiệu và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập công ty.

-          2 bản sao quyết định thành lập công ty.

-          Bản sao chứng minh thư, ảnh và chữ ký của các thành viên Hội đồng quản trị của công ty.

Quyền của các nhà xuất - nhập khẩu hàng hóa đã đăng ký

Các nhà xuất - nhập khẩu hàng hóa đã đăng ký có những quyền sau đây:

(a)     Xuất khẩu tất cả những hàng hóa theo quy định của pháp luật trừ những mặt hàng mà nhà nước cấm kinh doanh hoặc những mặt hàng mà chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được phép kinh doanh.

(b)     Nhập khẩu tất cả những hàng hóa theo quy định của pháp luật với số ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa hoặc sử dụng các phương thức nhập khẩu khác được pháp luật cho phép.

(c)     Kinh doanh thương mại biên giới theo quy định của pháp luật, nhưng không phải là các công ty nước ngoài đã đăng ký kinh doanh xuất - nhập khẩu.

(d)     Phân phối hàng hóa bằng bất cứ phương tiện gì tại thị trường trong nước.

(e)     Được cấp hộ chiếu phổ thông khi đi ra nước ngoài.

(f)       Được phép đón tiếp khách nước ngoài tới đàm phán kinh doanh.

1.2 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu hàng hóa từng chuyến

-          Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu hàng hóa từng chuyến có chữ ký của người đứng đầu công ty.

-          Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu hàng hóa từng chuyến (với tem có giá trị 6 kyats).

-          Bản sao bộ chứng từ gốc.

-          Hợp đồng mua hàng.

-          Giấy xác nhận số ngoại tệ xuất khẩu đã thu được.

-          Giấy giới thiệu của cơ quan chính phủ có liên quan hoặc tổ chức có liên quan (nếu cần).

1.3 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu hàng hóa từng chuyến

-          Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu hàng hóa từng chuyến có chữ ký của người đứng đầu công ty.

-          Đơn đề nghị xuất khẩu hàng hóa.

-          Hợp đồng bán hàng.

-          Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa.

-          Đệ trình tài liệu về hàng hóa xuất khẩu.

-          Giấy giới thiệu của cơ quan chính phủ có liên quan./.

-          Nguồn tài liệu tham khảo:

-          Bộ Thương mại Myanmar (MOC).

-          Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI).

-          Cơ quan Thống kê Trung ương Myanmar (CSO).

-          Công ty dịch vụ Myanmar Survey Research (MSR).

2. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam

2.1 Sản phẩm Việt Nam còn tiềm năng nhưng chưa phát huy được tối đa ở thi trường Myanmar

-          Điện - Điện tử , nguyên phụ liệu cho các ngành công nghiệp thực phẩm-dệt may-da giày, dược phẩm

-          Sản phẩm hàng tiêu dùng hàng ngày ( nhựa, nhôm,giấy,mỹ phẩm ..)

-          Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất

-          Sản phẩm phục vụ cho ngành nông nghiệp và thủy sản

2.2 Các mặt hàng mới cần được khai thác

-          Thuốc phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản.

-          Phân bón các loại.

-          Thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản.

-          Nông cụ, ngư cụ các loại.

-          Công nghệ, máy móc, thiết bị bảo quản, dự trữ, chế biến nông sản, lâm sản và thủy sản.

-          Tàu thủy, tàu đánh cá cỡ nhỏ và cỡ trung bình.

-          Kỹ thuật và công nghệ trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

-          Các ngành dịch vụ: Du lịch; Viễn thông; Hàng không; Hàng hải; Thiết kế và xây dựng chợ, cảng cá, kho tàng bảo quản nông sản, lâm sản và thủy sản.

2.3 Những hình thức có thể hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Myanmar trong thời gian tới

-          Về kỹ thuật trong các ngành nông – lâm – ngư nghiệp :  chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, phát triển các vùng sản xuất giống cây trồng và vật nuôi,công nghiệp sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu nông sản, sản phẩm gỗ và lâm sản, thủy sản, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản, sản xuất thuốc phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

-          Về phát triển các trang trại như trồng rừng, nông sản (như cao su, cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu,…) và chăn nuôi (trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu,…).

-          Về ngành công nghiệp có thể hợp tác trong các ngành như dệt may,đóng tàu thủy (trong đó có tàu đánh cá),công nghiệp cơ khí phục vụ Ngành Nông nghiệp,dịch vụ sữa chữa, thay thế phụ tùng máy móc nông nghiệp, nông cụ, ngư cụ,thiết kế và xây dựng cảng (trong đó có cả cảng cá), kho tàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

-          Xuất khẩu chuyên gia nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo theo hình thức hợp tác 3 bên (Việt Nam, Myanmar và một tổ chức tài trợ quốc tế).

2.4 Các rào cản đối với hàng Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Myanmar, bao gồm cả rào cản về kỹ thuật và hàng rào thuế quan

-          Hiện nay Chính phủ Myanmar vẫn còn thực hiện cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp; quản lý kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính là chủ yếu.

-          Chính phủ Myanmar vẫn còn bao cấp qua giá đối với một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: điện, nước sinh hoạt, cước phí điện thoại, giá xăng dầu,…

-          Cơ chế quản lý xuất - nhập khẩu của Myanmar vẫn còn nhiều thủ tục hành chính như: giấy phép kinh doanh xuất - nhập khẩu, giấy phép xuất - nhập khẩu từng chuyến hàng.

-          Do Myanmar vẫn còn thực hiện cơ chế quản lý hành chính, tập trung, quan liêu, bao cấp; Các doanh nghiệp Myanmar vẫn còn phải xin giấy phép kinh doanh xuất - nhập khẩu, giấy phép xuất - nhập khẩu từng chuyến hàng. Bởi vậy, sau khi ký kết hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp cả hai phía (bán hàng và mua hàng) đều phải chờ đợi các thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng Myanmar rất lâu, thường từ 2 – 3 tháng.

3. Những vấn đề cần lưu ý khi doanh nghiệp Việt Nam buôn bán với các doanh nghiệp Myanmar và tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh ở thị trường Myanmar

-          Myanmar là nước có nguồn gỗ Teak (là một loại gỗ quý hiếm) với khối lượng vào loại lớn trên thế giới; hiện nay vẫn còn những khu rừng gỗ Teak với những cây gỗ có tuổi thọ hàng trăm năm.

-          Hiện nay Chính phủ Myanmar vẫn cho phép xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ. Tuy nhiên, sản lượng gỗ của Myanmar cũng đang cạn dần. Các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ của Việt Nam cần phải đề phòng trường hợp Chính phủ Myanmar sẽ cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ trong tương lai. Giải pháp cho vấn đề này là doanh nghiệp Việt Nam nên liên doanh với doanh nghiệp Myanmar để thành lập các công ty liên doanh trồng rừng, khai thác gỗ, chế biến sản phẩm gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ làm bằng gỗ để xuất khẩu.

-          Người dân Myanmar chủ yếu theo đạo Phật, hiền lành, thật thà, chất phác.

-          Doanh nhân Myanmar thường có thói quen là gặp gỡ nhau, trực tiếp trao đổi, tiếp xúc, bàn bạc thảo luận trước khi ký kết hợp đồng kinh tế; thông thường nếu chỉ liên hệ qua điện thoại, fax và internet thì rất khó thành công. Quá trình thương thảo hợp đồng kinh tế, chờ đợi xin giấy phép xuất - nhập khẩu diễn ra rất lâu, có những lúc kéo dài đến mấy tháng.

-          Doanh nhân Myanmar cũng có thói quen là thăm trụ sở, nơi làm việc của nhau, thăm nhà máy sản xuất chế biến sản phẩm, xem xét quy trình công nghệ, đội ngũ công nhân viên chức; sau đó thì họ sẽ có đàm phán, thương thảo, quyết định ký kết hợp đồng kinh tế.

-          Doanh nhân Myanmar thường yêu cầu đối tác nhập khẩu có khoản tiền “đặt cọc” bằng tiền mặt khoảng 10% trong tổng số tiền của hợp đồng kinh tế.

-          Nền kinh tế Myanmar vẫn còn là nền kinh tế đóng cửa, khép kín, tự cung tự cấp là chính, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế còn ở trình độ thấp, sức mua của người dân trong nước còn thấp,…; Bởi vậy, giá cả trên thị trường trong nước và giá cả hàng hóa xuất khẩu của Myanmar thường thấp hơn nhiều so với giá cả thị trường thế giới.

-          Do trình độ công nghiệp hóa còn ở mức thấp nên tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu còn ít. Bởi vậy, nông sản, thực phẩm, rau quả, thủy sản,… của Myanmar thường sạch, tinh khiết, ít sâu bệnh, chất lượng cao, thơm ngon, đậm đà hương vị thiên nhiên,…

-          Người dân và doanh nhân Myanmar thường rất thích được tặng quà dù chỉ là món quà nhỏ. Bởi vậy, doanh nhân Việt Nam nên tặng quà cho các đối tác Myanmar khi gặp gỡ nhau lần đầu, khi ký kết được hợp đồng kinh tế, khi công việc thành công,...

-          Hiện nay Chính phủ Myanmar vẫn còn thực hiện cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu trong hoạt động xuất - nhập khẩu như: giấy phép kinh doanh xuất - nhập khẩu, giấy phép xuất - nhập khẩu từng chuyến hàng. Bởi vậy, sau khi ký kết hợp đồng kinh tế thì các đối tác vẫn phải tiếp tục chờ đợi các loại giấy phép và thủ tục hành chính.

-          Cuối cùng khi hợp tác hay buôn bán với các doanh nghiệp Mi-an-ma, các doanh nghiệp Việt Nam cần rất chú ý đến việc thẩm định năng lực XNK của doanh nghiệp Mi-an-ma. Đặc biệt một số công ty của Myanmar bị Mỹ và EU cấm vận, phong tỏa tài sản, vì họ cho rằng các công ty này tài trợ cho Chính phủ mua bán vũ khí. Bởi vậy, các công ty này không thể thanh toán qua ngân hàng với các đối tác nước ngoài.

Danh sách các công ty của Myanmar bị Mỹ và EU cấm vận, phong tỏa tài sản bao gồm:

HTOO TRADING COMPANY.

ASIA WORLD COMPANY.

ZAYKABAR CO., LTD.

MAX MYANMAR CO.

DAGON GROUP.

AYEYAR SHWE WAR CO.

KAMBAWZA CO., LTD.

SHWE THAN LWIN CO.

YUZANA CO., LTD.

OLYMPIC CO., LTD.

Các doanh nghiệp Việt Nam không nên xuất - nhập khẩu hàng hóa với các công ty nói trên vì rất mạo hiểm, có thể bị mất tiền và mất hàng hóa.

(Theo itpc)

 

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Việt Nam chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN

Việt Nam - Campuchia nhất trí sớm hoàn tất phân giới

Xuất khẩu gạo sang Malaysia tăng gần 100%

Mới cập nhật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024

Tổng quan sàn giao dịch Caphouse - Có thực sự uy tín