tin kinh te

Nhật Bản sẵn sàng giúp Việt Nam tăng cường năng lực của cảnh sát biển

(Ngoai giao)

Giáo sư Yuichi Hosoya cáo buộc Trung Quốc đang vi phạm các thỏa thuận quốc tế khi thực hiện hành động leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Ông cũng nói rằng theo luật an ninh mới của Nhật, Tokyo có thể trợ giúp tăng cường năng lực của cảnh sát biển của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền trên biển.

giao su yuichi hosoya tai hoi thao ve quan he viet-nhat

Giáo sư Yuichi Hosoya tại hội thảo về quan hệ Việt-Nhật

Giáo sư Yuichi Hosoya, từ Đại học Keio (Nhật Bản), đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí về hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Việt Nam nhân dịp ông tới Hà Nội tham dự hội thảo “Mối liên hệ giữa con đường phát triển 70 năm sau chiến tranh của Nhật Bản và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam”, do Đại sứ quán Nhật Bản và Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội.

Quốc hội Nhật Bản hồi tháng trước đã thông qua luật an ninh mới. Theo ông, dự luật này sẽ có đóng góp gì nhằm mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới?

Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động an ninh và gìn giữ hòa bình trên thế giới, theo cách tương xứng với năng lực quốc gia của Nhật Bản. Điều mà chúng tôi nên làm là tôn trọng hợp tác quốc tế để trợ giúp các nước khác. Trên thực tế, chúng tôi đã cử lực lượng phòng vệ tới Trung Quốc hay Haiti trợ giúp khắc phục động đất. Tuy nhiên, hiến pháp hòa bình của Nhật ngăn cản các lực lượng phòng vệ mở rộng các hoạt động như vậy. Do đó, Nhật Bản cần sửa đổi phần nào các diễn giải Hiến pháp và giới thiệu dự luật an ninh mới.

Luật an ninh mới có thể tác động như thế nào tới hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và các nước khác, trong đó có Việt Nam?

Thủ tướng Shinzo Abe đã ủng hộ tăng cường an ninh với không chỉ Việt Nam, mà còn với Úc, Ấn Độ, Mỹ... Ông Abe đã tới thăm nhiều quốc gia khắp thế giới. Ông hiểu được tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác an ninh. Tuy nhiên, luật an ninh mới cũng gây tranh cãi tại Nhật Bản, vì vậy nó cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể một cách rất hạn chế.

Ông Yuichi Hosoya là giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Keio ở thủ đô Tokyo và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IIPS) của Nhật Bản. Ông hiện là thành viên Ủy ban cố vấn tại Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản. Giáo sư Hosoya cũng từng là thành viên Ủy ban cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe về an ninh và quốc phòng. Ông từng học về chính trị quốc tế tại Nhật Bản và Anh và là tác giả của nhiều cuốn sách về khoa học xã hội và chính trị.

Theo luật an ninh mới, Nhật Bản có thể trợ giúp Việt Nam ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông. Chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam các tàu và vũ khí. Chính phủ Nhật cũng có thể giúp năng lực của cảnh sát biển của Việt Nam. Nếu Việt Nam có lực lượng cảnh sát biển tốt, Việt Nam có thể ngăn chặn của các tàu chiến đối phương vi phạm lãnh hải.

Ngoài ra, theo luật an ninh mới, Nhật Bản có thể tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam. Hai nước có thể gia tăng các cuộc tập trận. Nhật Bản có thể tỏ rõ lập trường ủng hộ Việt Nam nhằm bảo vệ lãnh thổ và tránh các cuộc xung đột.

Tokyo luôn phản đối sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp và kêu gọi giải quyết hòa bình đối với các tranh chấp. Vì vậy, Nhật Bản - cùng với các nước lớn khác như Mỹ và Úc - có thể phát đi một cảnh báo mạnh mẽ đối với Trung Quốc rằng không nên vi phạm các thỏa thuận quốc tế, bành trướng ở Biển Đông và Hoa Đông. Nhật Bản có thể trợ giúp Mỹ thu thập thông tin tình báo ở Biển Đông để biết rõ Trung Quốc đang làm gì tại vùng biển này.

Theo luật an ninh mới, nếu vấn đề Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của Nhật Bản thì Tokyo có thể có hành động thích hợp.

Quan điểm của Nhật Bản đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông như thế nào?

Nhật Bản không chỉ ủng hộ lập trường của Việt Nam. Chúng tôi cũng ủng hộ các bạn là tuân thủ luật pháp và các thỏa thuận quốc tế, như tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002. Tất các quốc gia đều có nghĩa vụ phải tuân thủ các thỏa thuận quốc tế.

Nhìn từ quan điểm của chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc mới là nước đang vi phạm các thỏa thuận quốc tế ký kết trước đó. Đó là lý do chúng tôi chỉ trích nước này. Không chỉ Nhật Bản, Thủ tướng Đức Angela Merkel tới thăm Nhật Bản hồi tháng 3 năm nay cũng chỉ trích Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Điều đầu tiên mà chính phủ Nhật Bản nỗ lực thực hiện là mang tới hòa bình và sự ổn định cho khu vực, chính phủ Nhật đã và sẽ chỉ trích bất kỳ nước nào vi phạm luật pháp quốc tế. Qua những diễn biến gần đây, có thể thấy rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm một số thỏa thuận quốc tế, đó là lý do vì sao Nhật Bản ủng hộ lập trường của Việt Nam.

Trung Quốc đang cấp tập xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo quan điểm của ông, các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này có thể làm gì để ngăn chặn các hành động của Bắc Kinh?

Rất khó để buộc Trung Quốc ngừng xây dựng ở Biển Đông, nhưng điều Việt Nam có thể làm là tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc và ngăn chặn nước này có các hành động gây hấn mới. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải buộc Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, vì họ không thể nhận của vùng biển đó là lãnh thổ của riêng mình. Biển Đông là vùng biển quốc tế, tất cả các bên phải tôn trọng tự do hàng hải. Dường như đối với Trung Quốc chỉ có 2 điều: sự thống trị của Mỹ và sự thống trị của Trung Quốc và Bắc Kinh muốn phủ nhận sự thống trị của Mỹ tại châu Á và muốn Trung Quốc thống trị. Nhưng ở giữa điều đó là tự do hàng hải. Tất cả các quốc gia nên được tự do đi lại trong vùng biển này. Tất cả các nước đều cần điều đó. Nhưng Trung Quốc không hiểu như vậy và muốn thống trị tất cả.

Do vậy, tất cả các nước trong khu vực phải làm cho Trung Quốc hiểu về tự do hàng hải. Nhiều nước có các vùng lãnh thổ hay căn cứ khắp thế giới nhưng họ không sử dụng các vùng lãnh thổ hay các căn cứ đó để đe dọa các nước khác hay ngăn chặn tự do hàng hải, mà dùng chúng để bảo vệ tự do hàng hải. Còn Trung Quốc lại muốn làm điều ngược lại, muốn sử dụng các đảo nhân tạo để hạn chế tự do hàng hải. Theo tôi trước tiên là phải ngăn chặn Trung Quốc có các hành động gây hấn mới. Thứ hai là phải buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.

Ông nhận định như thế nào về an ninh khu vực sau khi Trung Quốc hoàn thành các đảo nhân tạo?

Chỉ một năm nữa là nước Mỹ bầu cử tổng thống mới. Nhìn vào cuộc chạy đua hiện thời, có thể thấy ứng viên đều có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc rất gấp rút hoàn thành việc xây dựng ở Biển Đông cho tới lúc đó. Trong một thập niên tới, dân số Trung Quốc có thể sẽ giảm và sự phát triển kinh tế cũng sẽ giảm, vì vậy Bắc Kinh muốn hoàn thành công việc ở mở rộng này nhanh chóng trong vài năm tới, vì sau đó Trung Quốc sẽ đối mặt với các áp lực mới.

Trung Quốc muốn quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ và điều này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra năm 2013. Trung Quốc không muốn Mỹ can thiệp vào các vấn đề Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề Biển Đông. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói muốn một mô hình an ninh mới ở châu Á, rằng các vấn đề ở châu Á phải do người châu Á giải quyết. Bắc Kinh cũng phản đối các liên minh khu quân sự trong khu vực. Với suy nghĩ đó, Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, đó là một viễn cảnh nguy hiểm. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc muốn kiểm soát cả Biển Đông và Hoa Đông. Bằng việc sử dụng tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc có thể tấn công các mục tiêu của Mỹ. Vì vậy, chúng ta cần hợp tác để ngăn chặn viễn cảnh đó.

Ông đến Hà Nội để tham dự hội thảo về mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam. Ông thấy điều gì hứng thú từ hội thảo này?

Tổng Bí thư của các bạn đã có chuyến thăm rất thành công tới Nhật Bản hồi tháng trước. Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí về hợp tác an ninh giữa hai nước. Nhưng tôi cho rằng hội thảo an này rất quan trọng vì nó sẽ giúp công chúng Việt Nam nắm rõ hơn về tầm quan trọng của hợp tác an ninh giữa hai nước, để mọi người hiểu được sự cần thiết của việc hợp tác này và có cái nhìn sâu rộng hơn.


Giáo Tomohito Shinoda (thứ hai từ trái sang) và Giáo sư Toshiya Hoshino (thứ tư từ trái sang)
Tại hội thảo “Mối liên hệ giữa con đường phát triển 70 năm sau chiến tranh của Nhật Bản và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam” tổ chức ngày 13/10 ở Hà Nội, Giáo sư Toshiya Hoshino, từ Đại học Osaka, cho hay thế giới lo ngại trước các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc để củng cố các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bằng các dự án cải tạo đất trên nhiều rặng san hô. Nếu xét đến vị trí chiến lược của các rặng san hô này, đây trở thành một vấn đề quan tâm toàn cầu.

Ông Hoshino cho biết Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động ráo riết ở Hoa Đông ngay sau khi sự cố trên biển xảy ra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9/2010, khi một tàu đánh cá Trung Quốc cố tình va chạm với các tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật Bản. Kể từ đó, tần suất hoạt động của các tàu Trung Quốc tại Hoa Đông ngày càng gia tăng.

Các hành động của Trung Quốc Ở Hoa Đông đi xa hơn những nhu cầu thay đổi ranh giới trên biển và áp đặt các khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ). Bắc Kinh cũng đơn phương phát triển các mỏ khí thiên nhiên ở Hoa Đông, đi ngược lại một thỏa thuận song phương Nhật-Trung.

Trong khi đó, Giáo sư Tomohito Shinoda, từ Đại học Quốc tế Nhật Bản, đánh giá rằng các nước thành viên của khối ASEAN nằm trong một khu vực mấu chốt của Tuyến vận tải thương mại trên biển (SLOC) của Nhật Bản. Eo biển Malacca-Singapore thực tế là cửa ngõ huyết mạch đối với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, bao gồm cả Nhật Bản.

Trong bối cảnh môi trường quốc tế thay đổi đáng kể, chính phủ Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia lần đầu tiên vào tháng 12/2013. Nhằm tăng cường hợp tác an ninh vì hòa bình và sự ổn định của thế giới, Nhật đã coi Hàn Quốc, Úc, ASEAN, Ấn Độ là những đối tác cùng chia sẻ những giá trị toàn cầu và lợi ích chiến lược, bên cạnh Mỹ.

Theo ông Shinoda, Nhật Bản tích cực ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông bằng luật pháp chứ không phải bằng vũ lực. Chính Nhật Bản cũng có lợi ích khi làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các nước ASEAN.

 

(Theo Dân Trí)

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

​Biển Đông và khủng bố là tâm điểm của APEC

Mỹ đi nước cờ rắn ở Biển Đông

Hải quân Mỹ-Trung có đối đầu căng thẳng tại Biển Đông?

Mới cập nhật

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024