tin kinh te

Bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng nội tệ: Phản ứng của các thị trường tài chính

(Tin Kinh Te)

Động thái liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã làm rúng động thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu. Vì sao Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và những tác động của nó đến thị trường tài chính toàn cầu thế nào là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận.

boi canh trung quoc pha gia dong noi te: phan ung cua cac thi truong tai chinh

Bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng nội tệ: Phản ứng của các thị trường tài chính

Bối cảnh chung của Trung Quốc

Với động thái phá giá đồng nội tệ lên đến 4,6% chỉ trong tháng 8/2015, Trung Quốc đã gây rúng động thị trường tiền tệ nhiều nước trên thế giới. Theo nhận định của giới phân tích tài chính, tác động của phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) còn lớn hơn cả khủng hoảng ở Hy Lạp hay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất, bởi sự phá giá này bị cộng hưởng với đà sụt giảm giá hàng hóa và các đồng tiền mới nổi đã và đang tạo ra những lo ngại trên thị trường tài chính toàn cầu.

Cụ thể, ngày 11/8/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ giảm tỷ giá hối đoái tới 1,9%. Đây là đợt giảm sâu nhất trong 20 năm trở lại đây, ở mức 6,2298 NDT/USD, giảm 1,86% so mức 6,1162 NDT/USD của ngày 10/8/2015. Tiếp đó, ngày 12/8, NDT tiếp tục mất giá 1,6% khiến giá trị đồng tiền này rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua. Ngày 13/8, đồng NDT ngày thứ ba liên tiếp mất giá mạnh, với mức 6,4010 NDT/USD. Sang ngày 14/8, sau ba ngày liên tiếp giảm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh tăng tỷ giá đồng NDT so với đồng USD lên 0,05%, lên 6,3975 NDT/USD.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT không xuất phát từ những áp lực kinh tế mà do lợi thế về thặng dư tài khoản tiền gửi và nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ, điều này cho phép can thiệp sâu hơn vào việc xác định tỷ giá hối đoái. Mặt khác, tỷ giá của đồng NDT giảm mạnh là do cách tính toán mới dựa trên giá chốt phiên ngày hôm trước, yếu tố cung cầu cũng như biến động tỷ giá đồng tiền của các nền kinh tế lớn khác. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng nhấn mạnh đây là một phần của những cải cách cơ chế tỷ giá nhằm cho phép thị trường có vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, phân tích của giới chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân thực sự đằng sau động thái phá giá đồng nội tệ này là do việc công bố số liệu xuất khẩu của Trung Quốc và việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ chối đưa đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ quốc tế. Quyết định hạ giá đồng NDT được Trung Quốc đưa ra chỉ ít ngày sau thông báo xuất khẩu trong tháng 7/2015 của nước này sụt giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương 195,10 tỷ USD. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế quan trọng như: Chỉ số mua hàng công nghiệp (PMI) và nhất là chỉ số giá thành sản xuất (PPI) đều giảm rất mạnh (PPI giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối 2009, PMI xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua). Trong khi đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc cũng trên đà suy thoái kể từ hồi tháng 6 vừa qua, buộc nước này phải áp dụng các biện pháp mạnh tay. Mặt khác, đồng NDT hiện có giá trị quá cao đã và đang tác động tiêu cực tới ngành xuất khẩu khi đẩy giá hàng hóa của Trung Quốc ở thị trường nước ngoài lên cao.

 

boi canh trung quoc pha gia dong noi te: phan ung cua cac thi truong tai chinh

Bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng nội tệ: Phản ứng của các thị trường tài chính

 

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Trong 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 7%/năm, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Trong tháng 7/2015, dự trữ ngoại hối đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp 43 tỷ USD so với tháng 6, xuống 3,65 nghìn tỷ USD. Dự trữ hiện nay ở thấp hơn mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 6/2014 - 343 tỷ USD, mặc dù vẫn ở mức cao nhất trên thế giới. Quý II/2015 là quý thứ tư liên tiếp ghi nhận sự suy giảm dự trữ ngoại hối kể từ mức đỉnh vào năm ngoái. Ngoài ra, Trung Quốc đã và đang nỗ lực để đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ SDR do IMF quản lý. IMF sẽ xem xét rổ SDR 5 năm một lần và biểu quyết có cho NDT vào rổ này hay không vào cuối năm nay. Nếu không thành công năm nay, Trung Quốc sẽ phải chờ thêm 5 năm nữa. Một trong những tiêu chí để được đưa vào rổ SDR là đồng tiền “có thể sử dụng tự do”, và các quan chức IMF đã kêu gọi Trung Quốc để đồng NDT được điều chỉnh bởi các lực lượng của thị trường. Động thái của Trung Quốc có thể coi là một bước quan trọng tiến tới cho phép đồng NDT tự do giao dịch, và tăng khả năng đồng tiền này sẽ được đưa vào rổ SDR.

Có thể nói, quyết định phá giá đồng NDT được đưa ra sau khi các số liệu kinh tế được công bố gần đây nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có vấn đề, như đà tăng trưởng kinh tế chậm, kim ngạch xuất khẩu, PMI giảm, tăng trưởng GDP năm 2015 dự đoán không đạt 7% thêm vào đó là TTCK vừa chứng kiến đợt lao dốc mạnh.

Phản ứng của các thị trường tài chính

Ngay sau động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc, thị trường tài chính toàn cầu nhanh chóng chịu tác động. Trong các ngày từ 11 đến 14/8, TTCK châu Á, châu Âu cũng như Mỹ đồng loạt sụt giảm, trong khi giá dầu trên thị trường New York (Mỹ) cũng lao dốc. TTCK Đức sđã bị ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định bất ngờ của Trung Quốc. Chỉ số DAX đã tụt xuống mức gần như thấp nhất trong năm nay do những quan ngại về việc xuất khẩu của Đức sang thị trường Trung Quốc. Giá cổ phiếu một số tập đoàn lớn của nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ tư thế giới này cũng mất giá thảm bại như: Daimler và BASF mất giá tới 30%. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản, nền kinh tế thứ hai châu Á và thứ ba thế giới, cũng lao xuống mức thấp nhất trong một tháng qua và đồng yên tăng mức kỷ lục so với NDT trong giao dịch ở nước ngoài (hơn 5%) trong hai ngày 12 và 13/8. Đồng NDT suy yếu cũng ảnh hưởng đáng kể nền kinh tế một số nước Mỹ La-tinh bởi Trung Quốc là bạn hàng thương mại hàng đầu của nhiều nước ở khu vực này…

Mỹ là nước đầu tiên có những phản ứng công khai chỉ trích động thái phá giá NDT của Trung Quốc khi cho rằng đây là bằng chứng mới nhất cho thấy không thể tin tưởng vào chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Cùng với đó, nhiều nước bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc can thiệp mạnh vào đồng nội tệ có khả năng châm ngòi cho một cuộc “đua hạ giá đồng tiền” tại châu Á và châu Âu thậm chí là một “cuộc chiến tranh tiền tệ” trên quy mô toàn cầu.

Ngay sau khi phá giá đồng NDT, hàng loạt đồng tiền trong khu vực đã giảm giá so với đồng USD. Các đồng tiền của New Zealand, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Australia đều giảm 1% hoặc hơn thế. Theo dự báo, khả năng việc USD đang mạnh lên sẽ khiến Fed do dự trong việc nâng lãi suất sắp tới vào tháng 9, điều này sẽ gây thêm áp lực tăng giá lên đồng USD. Việc Trung Quốc phá giá cũng có thể càng làm dấy lên sự phản đối từ Quốc hội Mỹ, là những người đã liên tục cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ để gia tăng xuất khẩu và lấy mất việc làm của người Mỹ. Sự phản đối này nhất định sẽ đưa lại sự ủng hộ của người Mỹ đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này sẽ được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội Mỹ trong những tháng tới. TPP được coi như một hiệp định thương mại nhằm kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt với điều khoản “tính từ sợi” yêu cầu các nước thành viên nếu muốn được miễn thuế phải mua nguyên liệu thô từ các nước thành viên của hiệp định.

Đồng thời, những quan ngại do việc thay đổi chính sách tỷ giá của Trung Quốc gây ra sẽ khuyến khích dòng tiền đầu tư trên thị trường vốn tìm nơi “trú ẩn an toàn”, chẳng hạn như quay lại thị trường Mỹ. Điều này đã tạo ra một môi trường phi rủi ro, khiến giá bảo hiểm rủi ro nợ Chính phủ tại các thị trường mới nổi tăng lên và làm tăng chi phí vay vốn bằng USD cho các chính phủ và doanh nghiệp các nước thị trường mới nổi trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ lại giảm xuống. Việc này cũng ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu trên thế giới. Cổ phiếu các công ty sản xuất hàng tiêu dùng như Apple và hàng xa xỉ như BMW đã giảm mạnh ngay khi có tin này

Đối với các đồng tiền mạnh, mặc dù việc đồng USD mạnh lên có thể là lý do để FED hoãn tăng lãi suất vào tháng 9, song nhiều nhà chiến lược tiền tệ cho rằng kinh tế Mỹ được phòng vệ một cách hiệu quả trước những tác động trực tiếp của việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ.

Trái lại, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản không có được sự phòng vệ như vậy. Cả hai nền kinh tế này hiện ở các giai đoạn khác nhau trong việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và đều đã gián tiếp đẩy đồng nội tệ xuống mức thấp hơn nhằm tạo động lực cho các nhà xuất khẩu trong nước vốn có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc. Sự yếu đi của đồng NDT có thể coi là tác nhân kép gây thiệt hại đáng kể cho lĩnh vực xuất khẩu của Eurozone và Nhật Bản. Hơn nữa, điều mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không mong muốn cũng đã xảy ra khi ngân hàng này phải chứng kiến đồng Euro mạnh lên so với đồng USD ngay sau động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc. Điều đáng lưu ý là giá đồng Euro tăng không phải vì thị trường tin tưởng vào đà tăng trưởng kinh tế tích cực của Eurozone, mà là do giới đầu tư kiếm lời thông qua việc vay bằng đồng Euro nhân lúc lãi suất tại khu vực này ở mức thấp để sau đó dùng đồng tiền chung châu Âu mua vào đồng tiền của các nước có lãi suất cao hơn.

Xét trong bối cảnh chung, động thái thay đổi chính sách tiền tệ của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Eurozone còn nhiều bất ổn. Bất chấp giá dầu thô ở mức thấp và ECB vẫn áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đà tăng trưởng kinh tế của khu vực này hiện còn khá mong manh. Các số liệu công bố mới đây cũng cho thấy tình hình tăng trưởng GDP đáng thất vọng của các nền kinh tế đầu tàu như: Đức, Pháp và Italy, trong khi tỷ lệ lạm phát của Eurozone ở mức rất thấp. Tuy nhiên, sự thực là Trung Quốc đã trở thành mối quan ngại của ECB từ trước khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ra quyết định “gây sốc” nói trên.

Các nhà chiến lược tiền tệ của Ngân hàng Barclays (Anh) cho rằng động thái phá giá đồng NDT đang làm gia tăng khả năng ECB phải kéo dài thời gian thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) dự kiến có thể kết thúc vào tháng 9/2016. Nhận định về vấn đề này, các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) cũng đồng tình rằng tình hình lạm phát yếu kém trong khu vực cũng có thể là động lực thúc đẩy liên minh tiền tệ này thảo luận việc gia hạn chương trình QE. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết họ có thể đưa ra cân nhắc tương tự. Bản thân việc kinh tế Nhật Bản giảm 1,6% trong quý II/2015 cũng đã tác động tới chiến lược phục hồi kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - thường được biết đến với tên gọi là “Abenomics” - được triển khai trong hai năm rưỡi qua.

Theo đánh giá của Ngân hàng Commerz (Đức), những nguy cơ như việc giá dầu ở mức thấp và sự xuống giá của các đồng nội tệ của các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc đã kéo giá hàng hóa nhập khẩu đi xuống, cùng lúc gây sức ép lên Nhật Bản. Trong khi đó, có vẻ như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngày càng muốn duy trì một đồng Yên yếu. Một đồng Yên yếu hơn có thể có lợi cho lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản, song bên cạnh đó lại gây bất lợi cho các công ty nhỏ và vừa trong nước vốn mang lại đa số việc làm cho nước này. Giới giao dịch tiền tệ ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) cho rằng việc các đồng tiền châu Á mất giá sẽ là một vấn đề đối với Thủ tướng Nhật Bản, trong bối cảnh chính sách kinh tế “Abenomics” chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Vào thời điểm hiện nay, các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) cũng cho rằng, tác động trực tiếp trước mắt đối với kinh tế Nhật Bản sẽ ở mức hạn chế. Lý do là xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc có xu hướng tập trung vào lĩnh vực hàng công nghệ cao vốn có mức độ giao động về giá tương đối thấp. Tuy vậy, nhà kinh tế Tomo Kinoshita thuộc Ngân hàng Nomura lưu ý rằng do sự thay đổi chính sách tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phản ánh tốt hơn điều kiện cung - cầu trên thị trường, nên khả năng giá đồng NDT tiếp tục đi xuống cũng có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đối với kinh tế Nhật Bản. Nhìn chung giao dịch đồng yen trên thị trường tương đối “lặng sóng” sau quyết định thay đổi chính sách tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Tuy nhiên, trước nhận định mới rằng đồng NDT sẽ tiếp tục giảm giá khoảng 6% trong năm nay, dự báo về biên độ dao động tỷ giá giữa đồng USD và Yên có thể có sự thay đổi và giao dịch đồng Yên trên thị trường cũng khó giữ được sự yên tĩnh như vừa qua.

Tại châu Âu và Nhật Bản, các nhà kinh tế sẽ tiếp tục đương đầu với những vấn đề nảy sinh từ sau quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc để thị trường can thiệp nhiều hơn vào việc xác định tỷ giá đồng NDT. Liệu rằng sự thay đổi này có thể được coi là một phần trong chương trình cải cách cơ cấu của chính phủ Trung Quốc hay chính là sự thừa nhận ngầm rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhanh hơn mức mà nước này dự báo trước đó? Trong khi đó, giới phân tích tiền tệ ví von rằng nhiệt độ trong “chảo” đang gia tăng và chẳng còn lâu nữa các nhà hoạch định chính sách của châu Âu và Nhật Bản sẽ bắt đầu “nhảy” ra ngoài.

Và động thái của Việt Nam

Là quốc gia láng giềng, đồng thời lại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT chắc chắn ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Ảnh hưởng đầu tiên là cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc có thể thâm hụt nặng hơn. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Do đó lượng hàng giá rẻ hơn từ Trung Quốc sang thị trường Việt Nam sẽ là sức ép với doanh nghiệp nội địa. Hiện nay, thâm hụt cán cân thương mại của Trung Quốc đối với Việt Nam là rất lớn (gần 17 tỷ USD). Ở góc độ vĩ mô, trong cán cân thương mại chung, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm 10% tỷ trọng, nhưng ở chiều nhập khẩu là 30%. Với tình hình trên, nếu cơ quan điều hành không có những phòng vệ thích đáng thì nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh, vì đồng NDT mất giá thì hàng hoá của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rất rẻ, gây khó khăn cho sự cạnh tranh của các sản phẩm trong nước. Vì vậy, việc phá giá đồng NDT, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn tại Trung Quốc, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại Trung Quốc giảm, ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam.

boi canh trung quoc pha gia dong noi te: phan ung cua cac thi truong tai chinh

Bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng nội tệ: Phản ứng của các thị trường tài chính

Ngay sau khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã mở rộng biên độ giao dịch của tiền Đồng (VND) từ 1% lên 2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng duy trì ở mức 21.673 VND/USD, biên độ giao động tỷ giá sẽ nằm trong khoảng 21.240 – 22.106 VND/USD. Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại niêm yết tỷ giá mới ở mức 21.990/22.090 VND/USD, rất gần với cận trên của dải biên độ, tương đương tỷ lệ mất giá 3,2% tính từ đầu năm. Trước đó, NHNN tái khẳng định sẽ không phá giá VND quá 2% trong năm nay. Mức biên độ phá giá này đến nay đã được sử dụng hết trong hai lần phá giá tháng 1 và tháng 5 vừa qua. Việc giảm giá của nhiều đồng tiền khu vực đang gây áp lực lớn về phá giá VND. Động thái của NHNN là phản ứng kịp thời để giải tỏa áp lực thị trường, cho phép tỷ giá có thể tăng nhiều hơn trước đây mà vẫn duy trì được tỷ giá hối đoái chính thức. Chỉ số VN-Index trong 3 ngày sau khi Trung Quốc phá giá đồng NDT đã sụt giảm tổng cộng 20,27 điểm, tương ứng 3,3%. Ngày 13/8/2015, 26 trong tổng số 30 cổ phiếu thuộc chỉ số VN-30 giảm điểm…

Trước những diễn biến trên, Việt Nam xác định rõ một số thách thức là:

Thứ nhất, thâm hụt thương mại song phương với Trung Quốc có thể tăng hơn nữa do cả hai nguyên nhân là nhu cầu nội địa từ Trung Quốc yếu đi, đặc biệt là đối với mặt hàng được xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như nông sản; và sự suy yếu của đồng NDT khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt hơn. Đồng thời, các nhà sản xuất trong nước phải cạnh tranh với các sản phẩm trở nên rẻ hơn từ Trung Quốc như thép, phân bón, ô tô…

Thứ hai, các tác động lớn hơn có thể sẽ đến từ các ngành công nghiệp nơi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu cạnh tranh trực diện với sản phẩm của Trung Quốc. Công ty lốp xe (như CSM) và xuất khẩu hàng may mặc (như TCM) chắc chắn sẽ bị tổn thương bởi sự cạnh tranh tăng lên.

Thứ ba, giá thấp hơn bằng USD các mặt hàng cơ bản trên thị trường toàn cầu như đã đề cập ở trên sẽ làm giảm giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, công ty nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và bán sản phẩm của mình trong nước có thể được hưởng lợi như: VNM, BMP, DPM, PAC, CAV.

Thứ tư, áp lực giảm giá VND sẽ khiến ngành ngân hàng của Việt Nam khó khăn hơn khi thực hiện chủ trương của NHNN hạ lãi suất cho vay thêm 0,5-1% trong nửa cuối năm nay bởi vì điều này sẽ tiếp tục làm suy yếu giá trị của VND. Việt Nam và Trung Quốc trước đây có sự tương đồng trong cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái, cùng áp dụng chế độ bò trườn (crawling peg) so với đồng USD và tỷ giá tham chiếu hàng ngày do Ngân hàng Trung ương quyết định. Bên cạnh việc giảm giá đồng NDT, giờ đây Trung Quốc đã thay đổi cơ chế quản lý tỷ giá, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đồng tiền khu vực trong những ngày tới để có quyết định hành động. Mặc dù, Việt Nam có đủ khả năng giảm giá VND thêm 3-4% tính đến hết năm 2016, nhưng một số chuyên gia cho rằng NHNN sẽ ưu tiên sử dụng các công cụ khác bao gồm điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá, lãi suất điều hành VND và ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ và chỉ sử dụng đến việc phá giá thêm nữa trong năm nay như một phương sách cuối cùng.
 

Tác giả: TS. NGUYỄN ĐÌNH LUẬN
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 9
Theo Tạp chí Tài Chính Online

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ

Rau quả Việt Nam gặp hạn vì Trung Quốc

Mới cập nhật

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024