tin kinh te

TS. Bùi Quang Tín: Chính sách tỷ giá nào phù hợp khi tham gia TPP?

(Tin kinh te)

Thực tế cho thấy, không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp, nhưng các nước nên chọn chính sách làm sao hạn chế được sự biến động quá mức.

chinh sach ty gia nao phu hop khi tham gia tpp?

Chính sách tỷ giá nào phù hợp khi tham gia TPP?


Ngày 5/10, các nhà đàm phán đến từ 12 nước đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương ( TPP ) – thỏa thuận thương mại bao trùm 40% nền kinh tế thế giới.

Đáng chú ý, một trong những nội dung được đề cập là việc các nước trong TPP thống nhất sẽ không phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy sức cạnh tranh của mình.

Việc cam kết duy trì tỷ giá ổn định trong TPP không phải điều kiện cứng, nhưng 12 nước đang trên lộ trình hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn về chính sách tỷ giá và cam kết không sử dụng đồng nội tệ của mình để tăng khả năng cạnh tranh và thỏa thuận này sẽ được thực hiện song song với TPP.

Theo nguồn từ  IMF Annual Reports on Exchange Arrangements and Exchange Restrictions (10/2014), các quốc gia thành viên trong TPP theo đuổi các chính sách tỷ giá khác nhau, trong đó:

Chính sách tỷ giá thả nổi hoàn toàn (Free Floating): Mỹ, Úc, Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico. (Tỷ giá được xác định hoàn toàn bởi thị trường; NHTW can thiệp ít và không có mức tỷ giá mục tiêu);

Chính sách tỷ giá thả nổi (Floating): Peru, New Zealand (Tỷ giá được xác định hoàn toàn bởi thị trường; NHTW có can thiệp);

Chính sách neo tỷ giá trong biên độ (neo vào một rổ tiền tệ) (Stabilized arrangement): Singapore, Việt Nam (Neo tỷ giá trung tâm với một nhóm các đồng tiền khác nhau theo một tỷ lệ cố định và có biên độ);

Chính sách tỷ giá có quản lý khác (Other managed arrangement): Malaysia. Đây là chế độ tỷ giá được áp dụng kể từ ngày 21/07/2005 trở lại đây, trên thực tế chế độ tỷ giá của Malaysia áp dụng theo chính sách tỷ giả thả nổi có quản lý hiện nay;

Chính sách tỷ giá neo cứng theo 1 đồng tiền mạnh (Currency board): Brunei (Cam kết bằng luật đối với với việc neo vào một đồng tiền khác theo tỷ giá cố định).

Theo tính toán của tác giả, trong khi các quốc gia khác trong TPP đều phá giá với mức độ cao hơn 12% (trong đó có Úc và Malaysia phá giá gần 30%) và duy trì chính sách đồng tiền yếu nhằm khuyến khích xuất khẩu, Việt Nam trong thời gian từ tháng 8/2014 đến nay chỉ phá giá gần 5,2%. Dự kiến trong các năm tới, Việt Nam sẽ tăng tỷ giá USD/VND khoảng từ 2-3%/năm. Do đó, với cam kết giữ ổn định tỷ giá giữa các quốc gia trong Hiệp định TPP thì Việt Nam hoàn toàn có lợi thế về chính sách duy trì tỷ giá ổn định và có điều chỉnh trong một biên độ hẹp đã có từ trước.

Ngoài ra, tại Việt Nam, Khoản 2 Điều 15 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực từ ngày 5/9/2014 quy định chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là thả nổi có quản lý (Managed floating exchange rate regime), chế độ tỷ giá mới này của Việt Nam chưa được cập nhật vào Annual Reports on Exchange Arrangements and Exchange Restrictions (2014) của IMF. Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam do NHNN xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Như vậy, kể từ ngày 5/9/2014, chế độ tỷ giá áp dụng chính thức cho đến hiện nay tại Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý thay cho chế độ neo tỷ giá trong biên độ đã áp dụng từ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Do đó, nhìn trong tổng thể về chính sách tỷ giá của 12 nước trong TPP, có 3 loại chính sách: tỷ giá thả nổi, tỷ giá thả nổi có kiểm soát và neo tỷ giá trong biên độ.

Hạn chế của hai loại chính sách tỷ giá thả nổi và neo tỷ giá trong biên độ

Đối với chính sách tỷ giá thả nổi hay thả nổi hoàn toàn. Hiện có 9 quốc gia trong TPP áp dụng theo hình thức này, trong đó có Mỹ, Úc, Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico, Peru, New Zealand. Đây là chế độ tỷ giá được xác định hoàn toàn tự do theo quy luật cung cầu trên thị trường ngoại hối mà không có bất cứ sự can thiệp nào của NHTW hoặc nếu có thì cũng rất ít.

Chế độ tỷ giá này được đánh giá là giúp cho CSTT quốc gia được độc lập, ít chịu ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài và cán cân thanh toán quốc tế được tự động điều chỉnh để cân bằng. Tuy vậy, chế độ tỷ giá này lại gây ra sự biến động thường xuyên của tỷ giá hối đoái và đôi khi tỷ giá sẽ biến động ở mức rất cao (ví dụ như trong hơn 1 năm qua, tỷ lệ phá giá của đồng tiền Úc lên gần 30%), khiến cho các hoạt động chuyển đổi từ đồng tiền này sang đồng tiền khác luôn hàm chứa rủi ro.

Đối với chính sách neo tỷ giá trong biên độ. Cho đến thời điểm hiện nay chỉ có Singapore sử dụng cơ chế tỷ giá này. Ngoài ra, Brunei theo đuổi chính sách tỷ giá neo cứng theo 1 đồng tiền mạnh và chọn đồng tiền Singapore để xác định tỷ giá của mình theo tỷ lệ 1:1. Quản lý đồng đôla Singapore là dựa trên một rổ tiền tệ với chính sách điều chỉnh biên độ giao dịch linh hoạt và không tập trung vào bất cứ tỷ giá hối đoái song phương cụ thể nào. Cơ chế này cho phép đồng đôla Singapore có thể điều chỉnh đối với các dao động ngắn hạn của thị trường và là biện pháp ổn định tỷ giá để phòng ngừa các sự trồi sụt bất ngờ của thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, chính sách tỷ giá này vẫn chưa phản ánh mạnh mẽ cung cầu vốn trên thị trường.

SGD sẽ tăng hoặc giảm so với các đồng tiền trong rổ tiền tệ chính trong biên độ không được tiết lộ, còn được gọi là NEER - biên độ tỷ giá hối đoái hiệu dụng danh nghĩa của đồng SGD. Trong năm qua, Singapore vẫn duy trì đồng SGD giảm giá nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Singapore trên thị trường quốc tế.

Các Quốc gia nên chọn chính sách tỷ giá nào là phù hợp với cam kết trong TPP?

Thực tế cũng cho thấy, không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp, nhưng chính sách tỷ giá linh hoạt/thả nổi vẫn là phương thức phổ biến được nhiều quốc gia lựa chọn nhất. Tuy nhiên, để thực hiện theo cam kết ổn định tỷ giá trong TPP thì các Quốc gia trong TPP nên thực hiện chính sách tỷ giá vừa linh hoạt vừa có sự kiểm soát của nhà nước nhằm hạn chế sự biến động qua mức, tức là tăng hay giảm quá mức đều không tốt cho quốc gia đó hoặc vi phạm cam kết trong TPP về hạn chế phá giá để khuyến khích xuất khẩu.

Điển hình trong chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát này hiện nay là có Việt Nam và Malaysia đang áp dụng. Tại 2 nước này, Ngân hàng trung ương vừa để tỷ giá biến động theo cung cầu trên thị trường ngoại hối vừa có sự quản lý của Nhà nước thông qua nhiều công cụ nhằm điều hành tỷ giá ổn định, ví dụ các biện pháp tác động trực tiếp như: can thiệp trực tiếp vào tỷ giá liên ngân hàng, trực tiếp mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, kiểm soát tín dụng ngoại tệ; và những biện pháp tác động gián tiếp như: điều chỉnh lãi suất chiết khấu, thay đổi trạng thái ngoại tệ của các TCTD, siết chặt quản lý thị trường vàng, các biện pháp hành chính khác (kiểm soát thị trường ngoại tệ tự do, đưa ra cam kết ổn định tỷ giá trong biên độ nhằm ổn định tâm lý thị trường, ….).


Ngoài ra, việc áp dụng cơ chế tỷ giá linh hoạt có kiểm soát này sẽ giúp cho các nước trong TPP:

Thứ nhất, giá cả của hầu hết các mặt hàng cũng như lương bổng của khu vực doanh nghiệp được quyết định theo cơ chế thị trường. Việc thả nổi có quản lý tỷ giá sẽ giúp sự biến động của giá cả của các mặt hàng trong nước cân bằng với sự biến động của giá cả các mặt hàng trên thế giới, qua đó giúp nền kinh tế phân bổ tối ưu hơn.

Thứ hai, việc áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý sẽ không những không khiến các quốc gia này bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ thị trường tiền tệ bên ngoài, mà còn giúp họ ngăn chặn tốt các cú sốc từ thị trường hàng hóa quốc tế.


Theo TS. Bùi Quang Tín
CafeF/Trí Thức Trẻ

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Tham gia TPP: Ngân sách sẽ không bị tác động lớn

Việt Nam đang ở đâu trong TPP?

TPP sẽ khiến Việt Nam tăng xuất khẩu sang Úc

Người thắng kẻ thua ở châu Á sau TPP

Mới cập nhật

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024