tin kinh te

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Giải quyết xung đột Biển Đông dựa vào lập luận, không phải quân đội

(Bien Dong)

Việc giải quyết các xung đột ở Biển Đông phải dựa vào việc ai có lập luận tốt hơn chứ không phải ai có quân đội tốt hơn”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định như vậy tại hội thảo “Thúc đẩy Thịnh vượng: 20 năm hợp tác phát triển Việt Nam - Mỹ" diễn ra sáng nay 7.8.

Việt - Mỹ đã hoàn tất quá trình hòa giải

Trong bài phát biểu mang tựa đề: “Mỹ - Việt Nam: Hướng tới tương lai” tại hội thảo (do Đại sứ quán Mỹ và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức) này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhắc lại quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và nhấn mạnh: Đây là quá trình đòi hỏi nhiều công việc nặng nhọc cũng như nhiều sự can đảm và nhân nhượng của cả hai bên.
 
Theo Ngoại trưởng Kerry, hơn 20 năm về trước, quá trình bình thường hóa chắc chắn không thể có tiến bộ nào nếu như không trả lời được những câu hỏi xung quanh vấn đề vẫn còn những người Mỹ mất tích ở khu vực Đông Nam Á.
“Chúng tôi đã cố gắng xây dựng mối quan hệ mới (giữa Việt Nam và Mỹ) mà chúng tôi hiểu rằng mối quan hệ này sẽ có thể gợi ra sự phản đối của nhiều người ở cả hai bên”, ông Kerry nói.
 
Trong môi trường nóng bỏng ấy, Ngoại trưởng Kerry cho biết ông và Thượng nghị sĩ John McCain đã phải bám vào nhau để cùng thúc đẩy cho quá trình bình thường hóa. “Nhiều người nghi ngờ cả hai chúng tôi, nhưng cùng nhau chúng tôi tìm ra tiếng nói chung”, ông Kerry nói.
 
“Tôi luôn biết ơn những mối quan hệ, những đối tác đã tạo ra nền hoà bình thực sự cho Việt Nam. Tôi cũng luôn biết ơn những người dân Việt Nam đã giúp Mỹ tìm kiếm hài cốt hàng nghìn quân nhân Mỹ đã chết trận tại Việt Nam trong khi nhiều người lính Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh vẫn còn chưa được tìm thấy”, Ngoại trưởng Kerry bày tỏ.
 
Ngoại trưởng Mỹ cũng xúc động bày tỏ lời cảm ơn tới những người đã có đóng góp lớn cho quá trình bình thường hóa: nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC) Virginia Foote, Cựu Đại sứ Pete Peterson, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel...
 
Ông Kerry đồng thời khẳng định nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Đại sứ Lê Văn Bàng… là những người có vai trò quan trọng trong việc đưa ra những quyết định khó khăn cho việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ thời điểm đó.
 
ngoai truong my john kerry la nguoi da co nhieu no luc thuc day tien trinh binh thuong hoa quan he viet - my - anh: ngoc thang

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là người đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Kerry chia sẻ, trong rất nhiều năm qua, ông luôn mong mỏi mỗi khi người Mỹ nghĩ về Việt Nam là nghĩ về một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh. Theo ông Kerry, Việt Nam và Mỹ đã đạt đến thời điểm mà “khi nhắc tới Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh nữa”.

Nhắc lại chuyến thăm Mỹ mới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Kerry cho biết hai bên đã cam kết nhiều vấn đề về an ninh, kinh tế. . . Bên cạnh đó người dân hai nước cũng tìm hiểu về nhau thông qua hoạt động trao đổi sinh viên, kinh doanh, thương mại, du lịch...
 
“Các gia đình Mỹ gốc Việt cũng đã đang nối lại với quê hương, nơi cha mẹ ông bà họ rời đi cách đây nhiều năm. Đây là một phần quan trọng của quá trình hồi phục của chúng ta”, ông Kerry nói.
 
Theo Ngoại trưởng Kerry, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam không phải định hình chủ yếu bởi những gì từng xảy ra trong quá khứ. Hai nước cũng không còn trong quá trình hòa giải nữa. “Tin tức lớn của ngày hôm nay đó là Mỹ và Việt Nam đã hoà giải xong rồi”, ông Kerry khẳng định.
 
Giải quyết xung đột Biển Đông phải dựa vào lập luận
 
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Việt Nam và Mỹ chia sẻ mối quan tâm chung về việc tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
 
Theo ông Kerry, mặc dù Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp nhưng ủng hộ cho việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
 
“Luật pháp quốc tế coi các quốc gia là bình đẳng, không thừa nhận ảnh hưởng hay quyền của các nước lớn để các nước lớn này có thể áp đặt ý chí lên các nước nhỏ hơn”, ông Kerry bày tỏ quan điểm.
 
Cũng theo Ngoại trưởng Kerry, “việc giải quyết các xung đột phải dựa vào việc ai có lập luận tốt hơn chứ không phải ai có quân đội tốt hơn”. Theo ông Kerry đây là điều cốt lõi của chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực. “Dù là lớn hay nhỏ các nước đều không được có các hành động khiêu khích gây ra căng thẳng cũng như quân sự hóa các vùng biển”, ông Kerry nhấn mạnh.
Theo lịch trình, chiều nay 7.8, ông Kerry sẽ có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Tại cuộc hội đàm này, dự kiến hai bên thảo luận các vấn đề song phương và khu vực như tình hình Biển Đông, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau hội đàm, Ngoại trưởng Kerry và Phó thủ tướng - Bộ trưởng Phạm Bình Minh sẽ có cuộc gặp gỡ báo chí.
Cũng trong ngày hôm nay, Ngoại trưởng Kerry đến chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Văn phòng Trung ương Đảng.

(Theo Báo Thanh Nien)

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Nhật Bản ngày càng cụ thể hóa chính sách can dự vào Biển Đông

Quốc tế phê phán việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông-Phần cuối

Mới cập nhật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024

Tổng quan sàn giao dịch Caphouse - Có thực sự uy tín