Thuế - phí nội địa trong cán cân tăng giảm
(Tin kinh te)
Thuế và phí, chiếm 26,3% GDP trong tổng thu ngân sách (2007-2011), đã giảm xuống còn 19,7% (2014), và sẽ còn tiếp tục giảm khi Việt Nam thực hiện đầy đủ hơn 10 cam kết hội nhập theo các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Lúc này nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm và gánh nặng bù hụt thu sẽ chuyển dần sang các khoản thu thuế-phí nội địa của doanh nghiệp.
Khi hai nguồn thu chính giảm dần
Tổng thu thuế, phí nộp ngân sách chủ yếu đến từ ba nguồn chính: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu (XNK). Bên cạnh đó còn nguồn thu bổ sung là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng nhập khẩu.
Theo Luật Thuế TNDN sửa đổi, kể từ đầu năm 2016, thuế TNDN sẽ giảm từ mức 22% xuống 20%, trừ các mức thuế TNDN cho các hoạt động thăm dò tài nguyên khoáng sản vẫn ở mức cao hơn so với thông thường (từ 32-50%).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai đã từng giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi sửa Luật Thuế TNDN rằng: “Nếu cứ giảm thuế suất phổ thông 1% thì ngân sách giảm thu khoảng 6.000 tỉ đồng. Áp thuế TNDN 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân sách giảm 2.000 tỉ đồng nữa”. Đó là cách đây mấy năm khi Bộ Tài chính chỉ đề nghị giảm thuế TNDN từ mức 25% xuống 23%. Nay quyết định được Quốc hội thông qua là thực hiện thuế TNDN xuống còn 20% thì nguồn thu thuế này bị ảnh hưởng theo hướng hụt thu hàng chục ngàn tỉ đồng.
Nguồn thu thứ hai cũng đang giảm mạnh là thuế XNK. Theo thông tin của Tổng cục Hải quan khi đề nghị sửa Luật Thuế XNK vào tháng 10 tới, trong giai đoạn 2005-2010, số thu thuế XNK chiếm bình quân khoảng 15-16% tổng thu NSNN. Nhưng vài năm gần đây, do tác động của việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan, tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu và xuất khẩu giảm dần: từ mức 9,09% (năm 2011) xuống còn 7,99% (năm 2014) và dự kiến năm nay sẽ là 8,11% tổng thu.
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận: tỷ trọng thu thuế XNK thì giảm nhưng số thu vẫn tăng hợp lý hàng năm (do siết chặt chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế). Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng thu thuế XNK ước đạt 5,8%/năm. Song vì e ngại việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, phải thực hiện các cam kết trong 10 hiệp định FTA lớn và sắp tới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam - EU, nên mức thuế và tỷ trọng thu thuế XNK sẽ ngày càng giảm. Đặc biệt là từ năm 2018 trở đi, thuế suất xuất và nhập khẩu cơ bản sẽ được xóa bỏ hoàn toàn theo các cam kết.
Chưa có thống kê nào cho thấy, với việc thực thi các cam kết thì những năm tới, dự kiến mỗi năm số thuế XNK sẽ giảm tương ứng bao nhiêu. Nhưng theo tính toán nói trên, nếu ba năm nữa thuế XNK cơ bản về 0% thì ngân sách mỗi năm sẽ hụt thu hàng chục ngàn tỉ đồng. Tất nhiên là nguồn thu thuế XNK từ dầu thô, chiếm một tỷ trọng lớn, vẫn được bảo lưu trong nhiều FTA lớn như Việt Nam - EU, song cũng không ngăn được đà hụt thu mạnh đó.
Để chuẩn bị cho việc hụt thu thuế XNK và giảm thuế TNDN, chỉ còn cách là tăng các khoản thu thuế, phí nội địa khác nếu dư địa các khoản thu này vẫn còn.
Vẫn là gánh nặng thuế phí?
Cộng đồng doanh nghiệp đang hy vọng rằng, việc giảm thuế XNK và thuế TNDN theo các cam kết quốc tế và nghị quyết trong nước sẽ giúp làm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, làm hạ chi phí vốn, giá thành sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh. Bởi vì trước đó, năm 2012, theo một báo cáo kinh tế vĩ mô do nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội xuất bản dưới tên gọi “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”, đã đưa ra nhận định là mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ chịu thuế, phí/GDP cao gấp từ 1,4-3 lần so với các nước khác trong khu vực. Nay, thuế phí giảm theo lộ trình, thậm chí hàng chục loại phí sẽ được dỡ bỏ như dự thảo Luật Phí và lệ phí cũng đang được trình ra Quốc hội thì tỷ lệ thuế - phí có giảm theo?
Thực tế là dư địa các loại thuế, phí còn lại đang được “kích hoạt” để bù đắp vào các nguồn hụt thu. Như trong dự thảo Nghị quyết về biểu thuế suất thuế tài nguyên đang đề nghị trình ra Quốc hội tháng 10 tới, hàng chục loại thuế tài nguyên (trừ thuế dầu thô, khí thiên nhiên, khí than) sẽ được sửa đổi theo hướng nâng đến kịch trần khung thuế suất. Bộ Tài chính dự kiến, nếu nghị quyết được thông qua thì kể từ ngày 1-1-2016, số thuế tài nguyên sẽ tăng được 3.367 tỉ đồng/năm. Tổng số thu thuế tài nguyên sẽ được 14.159 tỉ đồng/năm. Đây cũng sẽ là khoản bù đắp không nhỏ cho thuế XNK đang giảm mạnh theo các cam kết.
Hoặc như phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Dù mức phí này đã được sửa đổi từ năm 2011 nhưng đang dự kiến sẽ tiếp tục được nâng lên để bù đắp mức độ khai phá tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và bù đắp hụt thu ngân sách. Để tăng phí, Bộ Tài chính dự tính sẽ sửa đổi cách tính phí sao cho sát thực tế khai khoáng hơn. Ví dụ, không dừng lại ở cách tính phí trên sản lượng tài nguyên khai thác thực tế theo khai báo của doanh nghiệp như trước mà bổ sung thêm phí đối với số lượng đất đá bốc xúc trong kỳ và phí tương ứng từng loại khoáng sản khai thác rồi tính ra tổng phí môi trường phải nộp. Với cách tính này, số phí môi trường phải nộp sẽ tăng, khiến cho số phí hàng năm tăng thêm vài ngàn tỉ nữa.
Như vậy, giảm thuế phí nọ nhưng tăng thuế phí kia thì trên thực tế, gánh nặng thuế phí của doanh nghiệp sẽ không giảm bao nhiêu. Nhưng ngay từ báo cáo của nhóm nghiên cứu Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đưa ra trước đó thì việc giảm thâm hụt ngân sách thông qua đánh thuế và cơ sở đánh thuế là rất hạn chế. Nhất là trong điều kiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước sau khi các FTA được thực thi sẽ còn suy yếu hơn trước do mở cửa thị trường. Việc tăng thu chỉ có thể mang lại hiệu quả nếu thực hiện các biện pháp nâng cao tỷ lệ tuân thủ, chống thất thu thuế và chống buôn lậu.
Đặc biệt là phải giảm xuống mức thấp nhất tình trạng chung chi, “lót tay” cho cán bộ ngành thuế. Bởi theo điều tra mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, có ít nhất 32% số doanh nghiệp trong 2.500 doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ phải “lót tay” cho cán bộ thuế để giải quyết công việc. “Lỗ thủng” đó mới gây thất thu cho ngân sách mà không thể đem so sánh với tác động hụt thu do cắt giảm thuế.