tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thái Anh Văn - nhà lãnh đạo 'Merkel của Đài Loan'

  • Cập nhật : 17/01/2016

(Tin kinh te)

Có vẻ ngoài mềm yếu, nhưng Thái Anh Văn, người vừa giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan, lại là một nhà đàm phán kiên định với hiểu biết sâu rộng.

ba thai anh van. anh: reuters

Bà Thái Anh Văn. Ảnh: Reuters

Theo tờ Guardian, suốt nhiều tuần liền, bà Thái Anh Văn, còn có biệt danh là Tiểu Anh, đi lại như con thoi tại đảo Đài Loan, trong nỗ lực trở thành người phụ nữ quyền lực nhất tại đây. Bà bước đi giữa những đám đông hò reo cổ vũ, phát biểu trong những cuộc vận động chính trị đông đảo người tham dự, và không ngừng vung tay lên cao hối thúc cử tri.

Nhưng những người biết rõ bà Thái, một cựu học viên nhỏ nhẹ tại trường Kinh tế học London, cho biết những lúc ở một mình trong hành trình tranh cử, bà thường ngồi nghiên cứu chính sách với hai chú mèo Think Think và Ah-Tsai.

"Tôi cảm thấy chính trị chắc chắn không đến với bà ấy một cách tự nhiên", J Michael Cole, một học giả tại Đài Bắc, người biết bà Thái từ năm 2008, nhận định. "Bà ấy rất thích ngồi bên một ly rượu vang đỏ, đọc sách và dành thời gian cho những con mèo".

Kết quả bỏ phiếu sơ bộ được công bố hôm nay cho thấy bà Thái, ứng cử viên 59 tuổi của đảng Dân Tiến (DPP), đang giành chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên của Quốc dân đảng (KMT) cầm quyền, và sẽ trở thành nhà nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan (Trung Quốc), khép lại 8 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu.

Nathan Batto, nhà khoa học chính trị tại viện nghiên cứu Academia Sinica, Đài Bắc tin rằng chiến thắng của bà Thái cho thấy 8 triệu cử tri Đài Loan đã không vừa lòng với ông Mã Anh Cửu, người có tư tưởng xích lại gần hơn với chính quyền Trung Quốc đại lục. Tháng 11 năm ngoái, ông Mã có cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore. Sự không hài lòng trong cử tri còn lên cao khi họ cho rằng ông Mã đã thất bại trong nỗ lực nâng cao đời sống người dân.

Kinh tế Đài Loan năm ngoái chỉ nhích nhẹ 1%. "Nhiều người vô cùng thất vọng với lời hứa hẹn kinh tế không thành hiện thực", Batto cho biết.

"Ông Mã trước đây từng hứa hẹn GDP tăng trưởng 6%, thất nghiệp ở mức 3%, và GDP trên đầu người đạt 30.000 USD. Nhưng theo đảng DPP, tỷ lệ tăng trưởng hiện tại của Đài Loan là 1%, thất nghiệp 4%", Batto nói.

'Merkel của Đài Loan'

Bà Thái Anh Văn, người đang hy vọng thay đổi thực tế đó, là con út trong một gia đình 9 người con. Ban đầu bà sống tại huyện Bình Đông, trước khi cùng gia đình tới Đài Bắc và sống những năm thiếu niên ở đây.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time năm 2015, bà Thái nhớ lại những ngày phải dành thời gian rảnh rỗi chăm sóc cho người cha là một doanh nhân. "Tôi không được xem như một đứa trẻ có thể thành công trong sự nghiệp", bà nói.

Bà nhanh chóng chứng minh những gì mọi người nghĩ là sai. Bà tốt nghiệp đại học Đài Loan chuyên ngành luật, và tới Đại học Cornell, New York học thạc sĩ. Sau đó bà đến London và giành học vị tiến sĩ luật tại trường Kinh tế học London.

Quãng thời gian tại Anh này không chỉ giúp bà có được "chất giọng Anh", mà cả tầm nhìn quốc tế, điều mà nhiều người tiền nhiệm của bà trong giới lãnh đạo DPP không có được, ông Cole nhận xét. "Bà ấy chắc chắn từng trải hơn nhiều những lãnh đạo đảng trước đó".

Gerrit van der Wees, một chuyên gia Đài Loan từng nhiều lần cùng bà Thái công du Mỹ, cho biết bà Thái thường thích so sánh mình với Thủ tướng Đức Angela Merkel - "một người cũng rất quyết đoán, có một chính phủ cởi mở, và ủng hộ một xã hội cởi mở".

"Bà Thái bình luận việc bà Angela Merkel mở cửa biên giới cho người tị nạn Syria là rất dũng cảm, và là bước đi tích cực mà bản thân bà Thái cũng muốn thực hiện", ông Wees tiết lộ. "Tôi nghĩ có nhiều điểm tương đồng tích cực giữa họ".

Sau khi rời London năm 1984, bà Thái trở về Đài Loan và giảng dạy tại các trường đại học ở thành phố nơi bà lớn lên. Đến đầu những năm 1990, bà gia nhập chính quyền đảo Đài Loan, giữ vai trò nhà đàm phán thương mại chính trong quá trình đưa vùng lãnh thổ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau đó, bà trở thành cố vấn an ninh quốc gia cho nhà lãnh đạo Lý Đăng Huy thuộc Quốc dân đảng.

Khi nhà lãnh đạo thuộc đảng DPP Trần Thủy Biển tiếp quản vị trí của ông Lý năm 2000, bà Thái được giao nhiệm vụ khó khăn là lãnh đạo Hội đồng các vấn đề Đại lục, chịu trách nhiệm xử lý mối quan hệ với chính quyền Bắc Kinh.

Một bức điện ngoại giao từ Mỹ năm 2006 bị rò rỉ cho thấy, bà Thái là một nhà kỹ trị đã tạo được danh tiếng là "một nhà đàm phán kiên định", và "giỏi đọc ý nghĩ" với "kinh nghiệm kinh tế đáng nể". "Bà Thái được xem như một người cực kỳ có năng lực và rất thuyết phục", bức điện có đoạn viết.

Một tài liệu ngoại giao khác, được soạn năm 2008 bởi Stephen M Young, người hiện là tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong, đã dự báo đà thăng tiến của bà, người ông miêu tả là "chín chắn, thận trọng".

"Cá tính ôn hòa và giọng nói nhẹ nhàng, cùng với trình độ học vấn và chuyên môn của bà Thái sẽ thu hút những người nằm trong trung tâm chính giới Đài Loan, theo cách mà các chính trị gia DPP khác không có được", Young viết. "Lối sống trầm lặng cũng có thể khiến các đối thủ của bà 'mất vũ khí', bởi họ phải nỗ lực để không đánh giá sai bà ấy".

Vực dậy sức mạnh

Dù giờ có cơ hội trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Thái là người tham gia chính trường khá muộn, khi mãi đến năm 2004 mới gia nhập DPP. "Bà ấy là một học giả suy nghĩ sâu sắc thay vì một chính trị gia thích hô khẩu hiệu", một tài liệu năm 2012 ghi nhận.

Nhưng các đồng minh cho biết tác động của bà lên đảng DPP rất sâu sắc. Những người ủng hộ đánh giá cao việc bà đã giúp cải tổ DPP sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2008, thời điểm ông Mã Anh Cửu chiến thắng và mở ra 8 năm cầm quyền.

"Nhiều người khi đó có ý nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc với DPP", Cole nhớ lại. "Họ phá sản về mặt tài chính, nhà lãnh đạo Trần Thủy Biển khi đó đối mặt với cáo buộc tham nhũng, đồng thời họ bị ông Mã Anh Cửu và Quốc Dân đảng đánh bại trong các cuộc bầu cử".

"Bà ấy xuất hiện đúng lúc và rất nhanh chóng hàn gắn DPP, khiến họ lại trở thành một đảng đầy sức sống chỉ trong vòng hai hoặc ba năm".

Nỗ lực đầu tiên của bà Thái để giành vị trí lãnh đạo chính trị cấp cao đến vào năm 2010, khi bà thua sít sao trong cuộc đua vào ghế thị trưởng thành phố Tân Bắc. Hai năm sau, bà tranh cử vào vị trí người lãnh đạo Đài Loan, nhưng một lần nữa thất bại. Khi đó, trước đám đông ủng hộ, bà đã tuyên bố: "Toàn thể người dân Đài Loan thân mến, một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở lại và chúng tôi sẽ không từ bỏ".

Cole cho biết, bà Thái từng tính chuyện dừng sự nghiệp chính trị sau thất bại đó. Nhưng bà "thấy có những sự thôi thúc, cảm giác trách nhiệm, cảm giác rằng mọi chuyện dường như không đi đúng hướng với cả DPP lẫn Đài Loan, nên bà phải có trách nhiệm xoay chuyển mọi thứ", Cole chia sẻ.

Trong chiến dịch tranh cử năm nay, bà hứa hẹn sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn của Đài Loan bằng cách đa dạng hóa quan hệ thương mại, và cam kết xử lý tình trạng thất nghiệp ở thanh niên, cũng như khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Nhà học giả hướng nội này cũng sẽ tìm cách tái định hình quan hệ với Bắc Kinh.

"Bà ấy không phải là một diễn giả giỏi, cũng không phải là người quá nổi bật", Batto nói. "Bà ấy có vẻ chỉ là một người rất nỗ lực, chuẩn bị chu đáo và rất chân thành. Có thể điều Đài Loan cần ngay bây giờ không phải là một vị cứu tinh đầy lôi cuốn mà chỉ là một người đủ khả năng, với kỹ năng lãnh đạo tốt".


Hoàng Nguyên
Theo VNexpess

Trở về

Bài cùng chuyên mục