tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Obama và Putin nhiều khoảnh khắc gượng gạo

  • Cập nhật : 15/11/2015

(The gioi)

Mặc dù nhất trí hợp tác để tìm một giải pháp ngoại giao chấm dứt xung đột Syria, nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin thể hiện mâu thuẫn nảy lửa tại 
Liên Hiệp Quốc (LHQ).

canh cung ly the hien ro su mau thuan giua ong obama va ong putin - anh: reuters

Cảnh cụng ly thể hiện rõ sự mâu thuẫn giữa ông Obama và ông Putin - Ảnh: Reuters

Bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ ở New York, ông Obama và ông Putin có cuộc gặp 90 phút và đạt thỏa thuận quân đội hai nước đối thoại để tránh đụng độ ở Syria và chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đều mô tả cuộc gặp “thẳng thắn và mang tính xây dựng”. Tuy nhiên những bất đồng sâu sắc giữa hai nhà lãnh đạo được thể hiện rất rõ ở trụ sở LHQ.

Quan hệ giữa ông Obama và ông Putin xấu đi trầm trọng từ khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột nổ ra ở miền đông Ukraine. Thế nhưng hiếm khi hai nhà lãnh đạo tỏ thái độ đối nghịch công khai và rõ rệt như vậy.

Và bức ảnh chụp cảnh hai ông cụng ly tại bữa trưa ở LHQ phơi bày rõ mâu thuẫn đó. Ông Obama mặt mày nghiêm nghị, ánh mắt sắc lạnh, còn ông Putin nhếch mép cười mỉa khi họ cụng ly nhau. Trước cuộc họp hai ông cũng bắt tay một cách hờ hững.

Ông Putin muốn lật đổ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và chiếm quyền kiểm soát liên minh chống IS từ tay Mỹ CNN

Tranh cãi về Assad

Trước đó, khi phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, hai nhà lãnh đạo đã trình bày rõ quan điểm đối lập về xung đột Syria. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran để chấm dứt chiến tranh Syria, nhưng mô tả Tổng thống Syria Bashar al-Assad là “bạo chúa” đã châm ngòi xung đột, tạo điều kiện cho IS trỗi dậy.

“Sau bao nhiêu chết chóc và đổ máu, Syria không thể quay lại hiện trạng trước chiến tranh” - ông Obama nhấn mạnh.

Ngược lại, ông Putin mô tả chính quyền Assad là sự lựa chọn duy nhất để cộng đồng quốc tế hợp tác nhằm đánh bại IS. Tổng thống Nga cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết thành lập “liên minh quốc tế thực sự” để chống IS.

Các quan chức Mỹ và giới quan sát cho rằng ông Putin muốn dùng liên minh mới này để thay thế liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo đang không kích IS ở Syria và Iraq.

Hai tổng thống còn tranh cãi nảy lửa ở nhiều lĩnh vực khác. Khi phát biểu, ông Obama chỉ trích Nga vi phạm luật quốc tế khi can thiệp vào Ukraine. Ngược lại, ông Putin lên án Mỹ châm ngòi xung đột ở Syria, Libya và cả Ukraine.

Báo New York Times bình luận trên thực tế Mỹ và Nga có cơ sở để thỏa hiệp. Như hai trường hợp Iraq năm 2003 và Libya năm 2011, quân đội nước ngoài phá hủy các thể chế nhà nước của hai quốc gia này khiến hỗn loạn bùng nổ. Do đó, đất nước Syria cần các thể chế nhà nước tiếp tục vận hành để đảm bảo sự ổn định khi IS bị đánh bại và nội chiến chấm dứt.

Tuy nhiên màn đối đầu của ông Obama và ông Putin cho thấy ít có hi vọng về một sự hợp tác thực chất giữa Washington và Matxcơva để chấm dứt cảnh nồi da nấu thịt ở Syria.

Lợi thế của ông Putin

Báo Washington Post nhận định cuộc gặp giữa ông Obama và ông Putin “nhiều khoảnh khắc ngượng nghịu và quá ít đột phá cần thiết”.

Một số nhà quan sát cho rằng tại LHQ, ông Putin đã chiếm được thế thượng phong trước ông Obama. Việc Nga triển khai khí tài đến căn cứ ở Syria, đạt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo chống IS với Iran, Syria và Iraq đều là những nước cờ khiến Chính phủ Mỹ rơi vào thế bị động, không biết đối phó ra sao.

Giới chuyên gia cũng bình luận với nước cờ Syria, ông Putin đã đưa Nga trở lại vị thế có ảnh hưởng chiến lược ở Syria đã mất từ lâu. Tại LHQ, những tuyên bố về Syria cũng giúp ông Putin hạn chế được tối đa những chỉ trích đối với vai trò của Nga trong khủng hoảng Ukraine.

Ngược lại, chiến lược Syria của Mỹ đang rơi vào ngõ cụt. Các cuộc không kích chống IS không đạt hiệu quả cao, chương trình đào tạo quân nổi dậy Syria cũng thất bại toàn diện.

Các nhà quan sát cho rằng các bước đi chiến lược của Nga đã mở ra một thời kỳ mới, trong đó Matxcơva đóng vai trò lớn ở Trung Đông và cạnh tranh ảnh hưởng với Washington. Tuy nhiên, với sự mâu thuẫn trầm trọng giữa Mỹ và Nga, một giải pháp chấm dứt xung đột Syria và đánh bại IS vẫn còn là rất xa vời.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục