tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Donald Trump - Tập Cận Bình: Cuộc gặp gỡ định mệnh của hai con người đối lập

  • Cập nhật : 04/04/2017

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Donald Trump cuối tuần này, cuộc đối thoại của họ sẽ không chỉ được chú ý bởi những khoảng cách lớn trong chính sách hai nước mà còn là sự đối lập hoàn toàn về tính cách của hai nhà lãnh đạo.

Theo các chuyên gia phân tích trên Reuters, cả thế giới đang mong chờ cuộc đối mặt đầu tiên của một vị “tổng tư lệnh Twitter” dễ nổi nóng của Washington với nhà lãnh đạo đầy tính toán và thận trọng của Bắc Kinh. Họ chỉ có một điểm chung duy nhất: Những lời nói hùng biện hứa hẹn sẽ tái thiết đất nước mình ngày càng vĩ đại hơn. Nhưng hai người đàn ông này lại quá khác biệt trong hầu hết mọi khía cạnh, từ phong cách chính trị tới kinh nghiệm ngoại giao, thêm vào đó là sự không chắc chắn của cái được gọi là mối quan hệ quan song phương quan trọng nhất thế giới.

Năm tháng sau khi đắc cử, với quan điểm chống Trung Quốc đầy thẳng thắn, ông Trump dường như vẫn theo đuổi con đường xung đột nhiều hơn là hòa giải với ông Tập. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại rằng liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có tìm được tiếng nói chung hay không.

Chương trình nghị sự hàng đầu tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump sắp tới sẽ là liệu ông chủ Nhà Trắng có làm tốt cam kết tận dụng mối quan hệ thương mại giữa Hoa kỳ và Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải quyết liệt hơn với người hàng xóm nguy hiểm Bình Nhưỡng hay không. Đặc biệt là khi Triều Tiên ngày càng có khả năng cao sản xuất ra tên lửa tầm xa nhằm thẳng vào đất liền Mỹ.

Tổng thống Donald Trump, một tỷ phú bất động sản 70 tuổi với kinh nghiệm đối ngoại bằng không trước khi bước chân vào Nhà Trắng, từng viết trên Twitter rằng cuộc gặp gỡ này sẽ “rất khó khăn” bởi người khách đó là lãnh đạo Trung Quốc, kém ông 7 tuổi với vẻ ngoài lạnh lùng cùng kinh nghiệm chính trường đáng nể.

Ông Trump không chỉ chỉ trích Bắc Kinh đang giết chết công ăn việc làm của người Mỹ mà còn yêu cầu Trung Quốc phải hành động nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề Triều Tiên, thách thức an ninh quốc gia lớn nhất của chính quyền ông. Nếu không, ông Trump thề sẽ tự mình hành động để phá bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Một số trợ lý Nhà Trắng tin rằng con rể của ông Trump, cố vấn cấp cao Jared Kushner có thể là một tiếng nói trung hòa có sức ảnh hưởng đối với không khí cuộc đối thoại giữa ông Trump và ông Tập tại Florida trong hai ngày 6,7 /4 tới. Theo các quan chức Hoa Kỳ, sự liên hệ giữa Kushner và phái đoàn của Trung Quốc đã giúp mở đường cho cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo.

“Đảm bảo Chủ tịch Tập Cận Bình không “mất mặt” trong chuyến thăm Hoa Kỳ là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc”, một quan chức Bắc Kinh cho biết.

ong trump va ong tap duoc vi nhu mot "cap doi" hoan toan khac biet. nguon: reuters

Ông Trump và ông Tập được ví như một "cặp đôi" hoàn toàn khác biệt. Nguồn: Reuters

Thông tin cũng như chi tiết về cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn những lãnh đạo nước ngoài khác, đó là điều mà các quan chức Bắc Kinh cần để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ, đúng nghi lễ, phù hợp với cường quốc mới nổi này.

Hội nghị này có thể cho thấy những sự đối lập: một Donald Trump thiếu kiên nhẫn, nói thẳng và có xu hướng thể hiện sự giận dữ thông qua các dòng “bão tweet”; một Tập Cận Bình bình tĩnh, thận trọng và chưa từng hiện diện trên mạng xã hội. Ngoài ra, xu hướng yêu nước của hai nhà lãnh đạo có thể làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn giữa hai nước vốn đang dần trở thành đối thủ trên trường quốc tế.

Tổng thống Hoa Kỳ khăng khăng rằng Washington đã bị lừa gạt về kinh tế hàng thập kỷ qua bởi chính những quốc gia như Trung Quốc và phải giành lại sự vinh quang của mình, trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc muốn Bắc Kinh có thể vươn “cơ bắp” của mình ra sàn đấu quốc tế.

“Ông Tập và ông Trump không phải là những người bạn trời sinh. Câu hỏi ở đây là khi nào “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump sẽ va chạm với “Giấc mơ Trung Quốc” của ông Tập, và kết quả của cuộc đụng độ đó sẽ ra sao?, cựu quan chức cấp cao Mỹ chịu trách nhiệm vấn đề châu Á nhận định.

Sẽ không có những “cú đấm” mạnh

Vẫn chưa rõ Tổng thống Trump sẽ đi xa đến đâu trong việc biến những lời nói của mình thành chính sách thực tế, gâp áp lực lên Trung Quốc bất chấp nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ có thể phải đối đầu. Tuy nhiên, các trợ lý cho rằng, ông Trump sẽ không “ra đòn mạnh tay”, đặc biệt là về vấn đề thương mại.

Nhận định này càng tăng thêm nghi ngờ về việc liệu hai nhà lãnh đạo có thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Triều Tiên cũng như Biển Đông hay không. Một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu ông Trump có thể “lấn át” được ông Tập, người vốn sinh ra trong chính trị và có tiếng là một nhà chiến lược cứng rắn.

“Ông Tập thường biểu hiện rất tốt trong những môi trường chính trị hoặc các cuộc gặp gỡ kiểu như vậy”, Christopher Johnson, chuyên gia Trung Quốc và cũng là cựu phân tích của CIA tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Washington, nhận xét.

Trong khi ông Trump mới nhậm chức chưa đầy 10 tuần thì vị khách của ông đã “dùi mài” chiến lược với Mỹ kể từ khi ông trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2013. Là con trai của một nhà lãnh đạo cách mạng, ông Tập mang đến hình ảnh một người bảo hộ mạnh mẽ cho quá trình toàn cầu hóa trong khi ông Trump lại khiến cộng đồng quốc tế lo sợ về chế độ bảo hộ thái quá của Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Cho đến nay, các quan chức Trung Quốc vẫn cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không thực hiện được đúng như những gì mình đã phát ngôn khi đi vào tình hình thực tế.

Quyết định tổ chức một cuộc hội đàm cấp cao quá sớm trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều nhìn ra giá trị của việc cố gắng xây dựng một mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông Trump bước vào buổi hội đàm với một khoảng cách khá lớn trong chính nhóm cố vấn châu Á của mình và chính sách đối với Trung Quốc của ông vẫn chưa hoàn thiện. Các quan chức chính phủ cho rằng ông Trump có thể sử dụng “nghệ thuật thỏa thuận” của mình cùng các chiến thuật bán hàng để thuyết phục ông Tập rằng Trung Quốc cần Mỹ hơn là Mỹ cần Trung Quốc, đặc biệt là khi nhắc đến vấn đề tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng khoảng cách địa chính trị sẽ khiến những “nhu cầu Mỹ” của người dân Trung Quốc không quá lớn. Ngoài ra, ông Tập cũng có thể nhìn thấy được điểm yếu chính trị của đồng nghiệp, đó là thất bại trong việc thông qua luật chăm sóc sức khỏe sửa đổi hay tỷ lệ tín nhiệm quá thấp.

Cả hai bên vẫn giữ hy vọng, dù mong manh, về một kết quả “hữu hình” của cuộc gặp gỡ lần này, ít ra thì cũng có gì đó tương tự như Hội nghị Sunnylands 2013 tại California giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và người tiền nhiệm của ông Trump, Barack Obama.

Và không giống như chuyến thăm hồi tháng Hai của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sẽ không có chương trình chơi golf nào bởi các quan chức Trung Quốc bị cấm chơi golf như một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.


Tuệ Minh (lược dịch)
Theo Infonet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục