tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Câu chuyện của doanh nhân bán sợi cho Nike, Adidas

  • Cập nhật : 03/11/2015

(Doanh nhan)

Với quy định nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi của TPP, ông Đặng Triệu Hòa kỳ vọng ngành dệt nhuộm Việt Nam sẽ phát triển trong các năm tới với nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa xây nhà máy và tăng công suất.

 

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2015 và nhân dịp Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP, Vinanet thực hiện phỏng vấn ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (MCK: STK). Sợi Thế Kỷ vừa mới niêm yết HOSE ngày 30/9 vừa qua và được xem là một trong những doanh nghiệp ngành dệt, sợi nhận được ảnh hưởng tích cực từ TPP.

Phóng viên: Lãnh đạo một doanh nghiệp sợi quy mô lớn như hiện nay, chắc hẳn ông đã trải qua không ít khó khăn cũng như những phút giây hạnh phúc. Ông có thể kể về một vài kỷ niệm mà ông nhớ nhất khi điều hành STK không?

Ông Đặng Triệu Hòa: Trong quá trình xây dựng và phát triển STK, tôi và các đồng sự đã trải qua nhiều thách thức (từ công nghệ mới, phát triển sản phẩm mới, kinh doanh cũng như quản trị). Khi vượt qua được những áp lực lớn đó và gặt hái được thành công thì đó là lúc chúng tôi rất hạnh phúc.  

Đối với STK khoảng khắc hạnh phúc đầu tiên là vào năm 2000 khi STK với tư cách là một doanh nghiệp mới thành lập nhưng đã có thể cung cấp sản phẩm đạt chuẩn của ngành. Một kỷ niệm đáng nhớ khác là vào năm 2007 khi STK bắt đầu mở rộng chuỗi sản xuất, tiến tới sản xuất sợi POY (Sản phẩm đầu vào cho sợi DTY). 

Và tại năm 2015, với nhà máy mới đầu tư, STK đã trở thành một trong những công ty có cơ sở vật chất hiện đại nhất trên thế giới có thể so sánh ngang ngửa với các doanh nghiệp cùng ngành ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc.

Cơ duyên nào đưa ông tới quyết định đầu tư vào ngành dệt, sợi mà không phải là ngành nào khác, thưa ông? 
 
Sau 10 năm điều hành một công ty thương mại chuyên kinh doanh sản phẩm sợi, tôi đã chứng kiến sự phát triển thịnh vượng của ngành sợi ở các quốc gia như Đài Loan và Trung Quốc khi việc sản xuất dệt may được dịch chuyển từ các quốc gia phát triển hơn sang Đài Loan và Trung Quốc. 

Tôi nghĩ rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn và một ngày nào đó Việt Nam sẽ là điểm đến mới của ngành dệt may toàn cầu, khi đó những công ty có mặt sớm nhất sẽ được hưởng lợi. Với suy nghĩ đó, tôi đã quyết định thành lập Công ty Sợi Thế Kỷ để sản xuất sợi polyester filament ở Việt Nam vào năm 2000. 

Tại sao tôi lại chọn polyester filament mà không phải là mặt hàng khác vì tôi rất hứng thú với sự vượt trội về công nghệ của ngành hàng này. Nhờ vào những sự cải tiến công nghệ không ngừng, sợi polyester filament đã không còn là sản phẩm hàng hóa thông thường mà đã trở thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có thể bổ sung thêm tính năng theo nhu cầu đơn hàng của khách hàng.
 
Có khi nào ông hướng đến 100% doanh thu của STK là xuất khẩu không? Ông nghĩ TPP đem lại lợi ích gì cho STK?
 
Hiện nay doanh thu xuất khẩu (doanh thu bằng USD) đang chiếm 70%-80% trong tổng doanh thu của STK. Một phần trong đó là xuất khẩu nội địa (nghĩa là doanh thu bán cho các doanh nghiệp FDI ở Việt nam). Doanh thu nội địa (doanh thu bằng VNĐ) đang chiếm khoảng 30%. 

Với quy định nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi, tôi kỳ vọng ngành dệt nhuộm của Việt Nam sẽ phát triển trong các năm tới với nhiều doanh nghiệp FDI và nội địa xây nhà máy và/hoặc tăng công suất. Do đó, tôi nghĩ rằng thị trường nội địa vẫn sẽ là một thị trường quan trọng của STK. Chúng tôi sẽ duy trì tỷ trọng xuất khẩu/nội địa hợp lý để đảm bảo nguồn ngoại tệ phục vụ cho việc nhập khẩu hàng hóa, trả nợ và lãi vay cũng như tối đa hóa lợi nhuận cho công ty.
 
Sợi Thế Kỷ vừa mới lên sàn, ông có kì vọng gì về quy mô vị thế của công ty? Lọt top 10 HOSE thì sao, thưa ông?

Quy mô (doanh thu, lợi nhuận, mức vốn hóa) của STK hiện nay còn khá khiêm tốn so với rất nhiều công ty lớn khác trên sàn. Để vào được top 10 doanh nghiệp trên sàn, STK phải đạt được sự tăng trưởng đột biến. Đối với STK, chúng tôi luôn đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững, nghĩa là trước hết công ty phải có sức mạnh cạnh tranh. Khi công ty có sức mạnh cạnh tranh thì có thể dễ dàng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận một cách bền vững. 
loi nhuan gop va loi nhuan bien gop cua stk giai doan 2008-2014

Lợi nhuận gộp và lợi nhuận biên gộp của STK giai đoạn 2008-2014

Trong thời gian tới, STK sẽ có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ các dự án mở rộng công suất. Mới đây, Công ty đã khai trương nhà máy Tràng Bảng 3 với công suất tăng thêm khoảng 15,000 tấn (40%) để đạt 52.000 tấn. STK cũng đang triển khai dự án Tràng Bảng 4, tăng công suất lên 60.000 tấn. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sợi chống cháy, hút ẩm, chống tia cực tím, sợi sử dụng nguyên liệu tái chế thân thiện với môi trường. 

Ngoài ra, STK cũng đang nghiên cứu khả thi cho dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm. Chúng tôi hi vọng rằng với các dự án phát triển mới, doanh thu và lợi nhuận của STK sẽ tăng đáng kể. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng, STK cũng rất chú trọng việc củng cố và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự minh bạch và công bằng cho cổ đông.
 
Liên quan đến cuộc sống cá nhân, xin hỏi ông thường làm gì những khi ông mệt mỏi? Ông có thích thể thao không và bộ môn thể thao ông ưa thích nhất là gì?
 
Thực sự mà nói, do yêu thích và đam mê công việc hiện hữu, tôi luôn gặt hái được nhiều niềm vui trong công việc khi có được những đột phá trong hoạt động kinh doanh. Trong những lúc rảnh rỗi, thì tôi thích nhất bơi lội vì mang lại cảm giác thư giãn và thoải mái. Hiện tôi đang đi tập đánh golf. 
 
Do thời gian không nhiều nên tôi chỉ tập khi có thời gian và chưa lập mục tiêu phải chơi giỏi thế nào. Tuy nhiên, sở thích số một của tôi khi có bất cứ chút thời gian rỗi nào đó là xem các đoạn video clip về các thông tin trong ngành kinh doanh để có thêm thông tin và kiến thức mới. 
 
Nếu được nói về bản thân chỉ gói gọn trong 3 từ, ông sẽ nói gì? Tương tự như vậy, 3 từ nào để nói về STK diễn tả một cách bao quát nhất, thưa ông?

Đối với cá nhân thì tôi xin phép được nhận định bản thân mình như sau: “theo đuổi sự ưu việt”, “giữ chữ tín” và “lợi người thì ắt lợi ta” (win-win hay đôi bên cùng có lợi)
 
Đối với STK thì tôi nghĩ 3 từ bao quát nhất sẽ là “cầu tiến”,”bền vững” và “chia sẻ” (chia sẻ lợi ích với khách hàng, nhà cung cấp, người lao động, nhà đầu tư và cộng đồng xã hội)
 
Cuối cùng, xin được hỏi ông về một câu châm ngôn mà ông ưa thích nhất?
 
Tôi tâm đắc nhất hai câu nói “điều gì mình không muốn thì đừng đem nó cho người khác” và "sự học như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi".
Ông Đặng Triệu Hòa - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ. Ông Hòa sinh năm 1969, trình độ chuyên môn ngành Quản trị kinh doanh. Ông Hòa nắm giữ trực tiếp 5,88 triệu cổ phần STK, tỷ lệ 13,9%. Hai người em của ông - bà Đặng Mỹ Linh và ông Đặng Hướng Cường đều là thành viên HĐQT STK và mỗi người nắm giữ 8,53% vốn STK.

Sợi Thế Kỷ vừa mới niêm yết HOSE ngày 30/9 vừa qua và được xem là một trong những doanh nghiệp ngành dệt, sợi nhận được ảnh hưởng tích cực từ TPP. Khách hàng chính của STK là các công ty dệt may sản xuất vải cung cấp cho các nhãn hiệu hàng đầu toàn cầu như Nike, Adidas, Uniqlo, Puma, Reebok, Guess...

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục