tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nhân Kakazu Shogo: Đừng từ bỏ, thành công sẽ đến

  • Cập nhật : 23/06/2016

Chọn Việt Nam để khởi nghiệp cách đây 5 năm, Kakazu Shogo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) đang dần thực hiện giấc mơ của đời mình. Đó là làm chủ các ý tưởng kinh doanh.

Chọn Việt Nam

Cũng như nhiều người trẻ của Nhật Bản, sau khi tốt nghiệp đại học, Kakazu Shogo xin vào làm ở một công ty chứng khoán. Đây là môi trường tốt cho những người muốn khởi nghiệp kinh doanh.

Ông Kakazu Shogo kể, lúc đó nhiều người Nhật đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc, thị trường phát triển nhất châu Á. Nhưng chính vì lẽ đó mà ông Kakazu ngần ngừ. “Tôi đã tự hỏi, tiếp sau Trung Quốc sẽ là quốc gia nào. Tôi đã tìm được câu trả lời cho mình là Việt Nam. Năm 2011, tôi đã đến Việt Nam”, ông Kakazu Shogo kể lại lý do chọn Việt Nam là nơi bắt đầu nghiệp kinh doanh.

kakazu shogo (ben phai) giao ket voi doi tac tai nhat ban. anh: gia huy

Kakazu Shogo (bên phải) giao kết với đối tác tại Nhật Bản. Ảnh: Gia Huy

Tất nhiên, không dễ có ngay câu trả lời. Ông Kakazu Shogo đã tìm hiểu về Việt Nam rất kỹ, nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài, khảo sát thị trường Việt Nam. Dù vậy, mọi việc cũng không hẳn toàn thuận lợi. Các quy định của pháp luật về kinh doanh ở Việt Nam vẫn trong quá trình hoàn thiện, nên nhiều quy định khá mơ hồ, bất cập, khó áp dụng trong thực hiễn.

“Ở Nhật cũng có trường hợp như vậy, nhưng khi xử lý, chúng tôi dựa vào phán quyết của tòa án từ những vụ tương tự để có bài học cho mình. Đây cũng là cách tôi áp dụng khi giải quyết các vấn đề trong kinh doanh tại Việt Nam. Có điểm thuận là luật pháp về kinh doanh của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều phần tương đồng”, Kakazu Shogo nói.

Ông Kakazu Shogo hiện là cổ đông lớn của STT, khi năm 2012, Kakazu Shogo đã mua 20% cổ phiếu của công ty này. Ông Kakazu Shogo đang là Tổng giám đốc điều hành của 2 công ty là STT và Công ty cổ phần PGT Holdings. Bên cạnh đó, Kakazu Shogo đã mở rộng các khoản đầu tư của mình ra nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, như nhà hàng, khách sạn, bảo vệ, dạy lái xe…

“Nhưng STT vẫn là nhánh chính trong hướng phát triển của tôi tại Việt Nam”, người đàn ông Nhật Bản 35 tuổi cho biết.

Khởi nghiệp từ doanh nghiệp… hấp hối

Việc Kakazu Shogo mua lại STT khiến nhiều người bất ngờ. Đã có phản biện rằng, việc này sẽ không mang lại hiệu quả kinh doanh, bởi  hãng taxi này đang bị đánh giá là phát triển chậm, lợi nhuận thấp và hoạt động trong lĩnh vực có tính cạnh tranh cao tại Việt Nam.

Nhưng Kakazu Shogo có lý lẽ riêng khi bỏ vốn vào đây. Một là, dù việc vận hành công ty vận chuyển này sẽ khó khăn, nhưng ông có đam mê với ngành vận chuyển và đã nghiên cứu kỹ trước về thị trường này. Hai là, ông nhận thấy vấn đề lớn nhất trong cuộc cạnh tranh của các hãng vận chuyển hiện nay (đặc biệt là taxi tại Việt Nam) là tìm ra hướng mới để phát triển tới gần với khách hàng hơn. Nếu làm khách hàng hài lòng, hãng sẽ  vượt qua khó khăn, sẽ phát triển mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.

“Người Nhật có triết lý là kinh doanh không nhất thiết phải là người sáng lập công ty. Bạn có thể mua lại một công ty đang hấp hối để hồi sinh nó”, Kakazu Shogo nói.

Kakazu Shogo chọn con đường này. Ông chia sẻ, sau khi nắm vững về thị trường, ông đã hướng công ty vào thực hiện các kế hoạch phát triển, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. “Chúng tôi thực hiện cách chăm sóc khách hàng theo phương thức của người Nhật Bản, nghĩa là làm mọi điều tốt nhất cho khách hàng”, Kakazu Shogo chia sẻ.

Với dịch vụ nào mà ông tham gia đầu tư cũng vậy, đều bắt đầu và kết thúc bằng mọi điều tốt nhất cho khách. Như việc ông muốn đưa những thiết bị làm nhiệm vụ bảo vệ từ Nhật Bản vào thị trường Việt Nam để thay thế hình ảnh chung của ngành này tại Việt Nam là dựa quá nhiều vào số lượng nhân viên. Ông cũng vừa quyết định phát triển trung tâm đào tạo cấp bằng lái xe cho người Việt Nam vì ông tin với dân số và mức sống Việt Nam đang ngày càng tăng, nhu cầu học bằng lái xe của người dân theo đó tăng lên.

“Tôi sẽ phát triển những công ty mà Saigontourist phát triển chậm trong thời gian qua. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tính phát triển công ty du lịch chuyên phục vụ người dân Việt Nam du lịch sang Nhật Bản”, ông Kakazu Shogo tiết lộ chiến lược kinh doanh.

Trò chuyện với ông Kakazu Shogo:

Khởi nghiệp không phải “trên sân nhà” có khó khăn hơn nhiều không, thưa ông?

Không chỉ khó khăn mà còn có cả thất bại. Nhưng tôi vượt qua được bởi tôi có lòng tin vào con đường mình lựa chọn. Tôi không ngại khổ, ngại khó.

Người Nhật thường làm gì khi bắt tay vào kinh doanh, thưa ông?

Tỷ lệ thành công trong kinh doanh của người Nhật Bản khá cao. Vì khi người trẻ Nhật Bản bắt đầu kinh doanh, việc đầu tiên họ làm là suy nghĩ và tìm hiểu thật kỹ về ngành đó, liệu rằng, họ có kiếm được lợi nhuận cao hay không, có thu hút được nhiều khách hàng trong ngành đó hay không. Từ đó, lên kế hoạch cụ thể với đầy đủ chiến lược kinh doanh và phát triển trong thời gian dài.

Người trẻ Việt Nam thường nghĩ việc đó làm khó lắm, làm không được và dễ từ bỏ. Còn người Nhật thì nghĩ cứ làm thử đi, không được thì làm cái khác.

Tôi có tư tưởng, nếu quá khứ chưa ai làm thì tôi vẫn sẽ làm, làm thử đi và sẽ làm được từ đó tôi bắt tay vào xây dựng chiến lược thực hiện ý tưởng kinh doanh đó.

Ông muốn chia sẻ kinh nghiệm gì với những người trẻ Việt Nam muốn kinh doanh?

Một là, hãy chọn cho mình mục tiêu phát triển, dù con đường dẫn tới mục tiêu đó chưa ai đi, nhưng bạn cũng đừng từ bỏ, thành công sẽ tới.

Hai là, tôi nghĩ là cần đọc nhiều. Ở Nhật có nhiều cuốn sách tác động tới tư tưởng người trẻ và người làm kinh doanh, những cuốn sách đó thường nói về quá khứ những người doanh nhân giỏi.

Đặc biệt, theo tôi, trước khi thực hiện giấc mơ kinh doanh của mình, cần có mục tiêu rõ ràng về cuộc sống, sự nghiệp để hướng tới. Đôi lúc bạn cũng phải chấp nhận thất bại, nhưng đừng từ bỏ, hãy suy nghĩ và cố gắng tới cùng để đạt được mục đích.


Gia Huy
(Theo Báo Đầu Tư)
Trở về

Bài cùng chuyên mục