tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 25-05-2016

  • Cập nhật : 25/05/2016

Việt - Mỹ đẩy mạnh hợp tác trong 7 lĩnh vực

Bộ Ngoại giao chiều 24-5 đã công bố toàn văn Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama.

Theo đó, hai bên bày tỏ hài lòng trước những tiến triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện của quan hệ Việt Nam - Mỹ thời gian qua, tái khẳng định cam kết trong việc tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ tích cực phối hợp để tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ trong các lĩnh vực: Tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao, đẩy mạnh quan hệ kinh tế; làm sâu sắc mối quan hệ giữa nhân dân hai nước; tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng; thúc đẩy quyền con người và cải cách tư pháp; giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu; làm sâu sắc quan hệ đối tác lâu dài.

pho thu tuong - bo truong bo ngoai giao pham binh minh tiep ngoai truong john kerry anh: ttxvn

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Ngoại trưởng John Kerry Ảnh: TTXVN

Về kinh tế, hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy sớm thông qua và thực thi đầy đủ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai có hiệu quả và đáp ứng các tiêu chuẩn cao của TPP thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Hai bên nhất trí tham vấn một cách hợp tác và toàn diện thông qua đẩy mạnh Nhóm Làm việc song phương liên quan đến mong muốn của Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Về quốc phòng, hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước theo Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015; đặt ưu tiên vào lĩnh vực hợp tác nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh, an ninh biển, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Việt Nam hoan nghênh quyết định của Chính phủ Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam, hoan nghênh hỗ trợ an ninh biển của Mỹ thông qua Sáng kiến An ninh hàng hải, chương trình Hợp tác Giảm thiểu đe dọa, Quỹ Hỗ trợ tài chính quân sự đối ngoại và mong muốn làm việc với Mỹ nhằm nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam.

Việt Nam và Mỹ đã ký Ý định thư thành lập Nhóm Công tác về Sáng kiến dự trữ thiết bị y tế và nhân đạo, góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Mỹ tái khẳng định ủng hộ nỗ lực gìn giữ hòa bình của Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đầu tiên vào năm 2017.

Hai bên bày tỏ hài lòng về những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác về nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Hai ông đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có việc củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, thúc đẩy vai trò của các đối tác, góp phần tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực.

Trước cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chứng kiến lễ ký Ý định thư về Sáng kiến lưu trữ vật tư y tế và hợp tác nhân đạo nhằm phục vụ hợp tác nhân đạo giữa hai nước trong tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thảm họa thiên nhiên; Thư thỏa thuận về hỗ trợ thực thi pháp luật và tư pháp hình sự; Hiệp định khung về việc Việt Nam cho phép một số tình nguyện viên Mỹ dạy tiếng Anh tại TP Hà Nội và TP HCM trong khuôn khổ “Chương trình Hòa bình”.


Thêm kinh phí mở rộng cơ chế một cửa ASEAN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 23-5 đã làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế hải quan một cửa quốc gia.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan trình Chính phủ và Quốc hội cho phép dành riêng một khoản kinh phí cho các bộ, ngành để thực hiện kết nối và mở rộng kết nối các thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT đề xuất cơ chế đặc thù để lập, phê duyệt các dự án công nghệ thông tin phục vụ triển khai nhiệm vụ này.

 Chiều cùng ngày, làm việc với Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan tới quản lý giá, đồng thời khẩn trương xây dựng các kịch bản điều hành giá cho năm 2016 để bảo đảm thực hiện thành công kiểm soát về lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.


Cảnh báo hồ tiêu tăng trưởng nóng

Tại hội nghị về ngành hồ tiêu vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết dù hạn hán nhưng diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam vẫn tăng nóng và dự báo sẽ tiếp tục tăng 10%-20% trong thời gian tới.

“Đây là nguy cơ bởi diện tích mới mở rộng không nằm trong quy hoạch. Điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về điều kiện tự nhiên, các yếu tố như giống, kỹ thuật canh tác và trình độ quản lý không đảm bảo” - ông Nam cảnh báo.

Theo đánh giá của VPA, năm nay Việt Nam sẽ bắt đầu tham gia 16 hiệp định thương mại tự do. Điều này đem đến hàng loạt cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho ngành hồ tiêu Việt Nam vốn dành tới 95% sản lượng xuất khẩu. Vì vậy chất lượng, vệ sinh an toàn hồ tiêu xuất khẩu phải được kiểm soát chặt chẽ.


Thất thoát tiền tỉ vì “tin nhầm” đối tác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk liên tục bị 2 công ty cho... “leo cây” trong việc mua sắm trang thiết bị, tạm ứng kinh phí xây dựng dự án

Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra làm rõ sai phạm xảy ra tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đắk Lắk trong việc đầu tư mua sắm trang thiết bị gây thất thoát ngân sách.

so tai nguyen va moi truong tinh dak lak de xay ra nhieu sai pham trong mua sam trang thiet bi va dau tu xay dung

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk để xảy ra nhiều sai phạm trong mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 31-10-2011, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định giao Sở TN-MT tỉnh làm chủ đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 2 trạm quan trắc khí tự động di động và nước tự động di động với tổng giá trị gần 29 tỉ đồng nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường.

Đến ngày 22-2-2013, Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk ký hợp đồng mua thiết bị với Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Hà Nội). Hợp đồng ghi rõ thiết bị do MCZ (Đức) sản xuất. Sau khi lắp đặt, ngày 28-11-2013, Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk nghiệm thu và chi trả cho Công ty CP Tiến bộ Quốc tế 16,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, dù đã nghiệm thu nhưng đơn vị bán hàng chỉ mới cung cấp được 44/59 bộ phận của thiết bị 2 trạm quan trắc. Bên cạnh đó, có tới 22/44 thiết bị không đúng nhãn của nhà sản xuất MCZ, 12/44 thiết bị không có nhãn mác. Ngay cả 2 ô tô chở trạm cũng không đúng loại xe ghi trong hợp đồng… Vì việc này, gần 2 năm qua, 2 trạm quan trắc vẫn chưa đưa vào sử dụng do thiếu thiết bị và không đồng bộ.

Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, cho biết việc đàm phán, ký hợp đồng mua sắm các thiết bị trên do giám đốc tiền nhiệm thực hiện. Tin tưởng vào hồ sơ trước đó và nghĩ đối tác là công ty lớn, có uy tín nên khi nhận nhiệm vụ (tháng 4-2013), ông Lam chỉ ký nghiệm thu. Khi biết máy móc không đồng bộ, ông Lam đã gửi công văn yêu cầu đối tác khắc phục. Hai bên cũng đã 2 lần mời chuyên gia từ Đức đến nhưng vẫn không khắc phục được.

“Nếu hết tháng 5, họ không khắc phục hết các vấn đề, máy móc vẫn không vận hành được thì sở sẽ trình UBND tỉnh xin phép trả lại các thiết bị” - ông Lam nói.

Ngoài vụ việc bị cho... “leo cây” này, theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2013, Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk còn dính một vụ tương tự. Khi đó, sở làm chủ đầu tư dự án công trình kè chống sạt lở bờ sông Krông Kmar bằng nguồn vốn thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu với tổng số tiền gần 160 tỉ đồng. Dự án được chia làm 4 gói thầu, trong đó Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hậu (gọi tắt là Công ty Sông Hậu, đóng tại Hà Nội) trúng 1 gói thầu với tổng số vốn gần 20 tỉ đồng.

Trong quá trình đấu thầu, Công ty Sông Hậu đã gửi 2 thư bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Hà Nội với số tiền 2 tỉ đồng theo quy định. Do vậy, ngày 30-5-2014, công ty này đã tạm ứng trước 2 tỉ đồng kinh phí xây dựng.

Thế nhưng, sau gần 1 năm được ứng tiền, Công ty Sông Hậu vẫn không triển khai thi công, buộc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk phải cắt hợp đồng. Ngày 18-8-2015, khi sở có văn bản gửi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Hà Nội đề nghị thu hồi tiền tạm ứng theo 2 thư bảo lãnh thì mới biết đây là thư bảo lãnh giả mạo, không có giá trị thanh toán!

Điều đáng nói là với những sai sót quản lý dẫn đến thất thoát ngân sách đầu tư công trình như thế nhưng việc xử lý trách nhiệm không tới đâu. “Đơn vị đang cùng cơ quan chức năng tập trung khắc phục hậu quả nên chưa làm rõ được trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan” - ông Bùi Thanh Lam nêu lý do.


Vietnam Airlines sẽ giảm vốn nhà nước xuống 65%

 VNA phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc. để tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ...

Tại đại hội cổ đông thường niên 2016 của Tổng công ty Hàng không - Công ty CP Vietnam Airlines (VNA) vào sáng 23-5, VNA cho biết hợp đồng mua bán cổ phần với Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings sẽ được ký kết vào cuối tháng 5-2016, sau khi kết quả đàm phán được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Theo đó, VNA phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc. để tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ gần 108 triệu cổ phần, tương đương 8,77% vốn điều lệ của VNA sau khi tăng vốn.

Sau khi hoàn tất giao dịch này, VNA tiếp tục phát hành thêm cổ phần để giảm tỉ lệ nắm giữ của cổ đông nhà nước còn 75%, hướng tới giảm tiếp xuống 65% vốn điều lệ.

Cũng trong đại hội cổ đông, HĐQT VNA đã nhất trí cho ông Phạm Viết Thanh thôi giữ chức vụ chủ tịch HĐQT (thay đổi công tác theo phân công của Bộ Chính trị); ông Phạm Ngọc Minh - thành viên HĐQT - thôi kiêm giữ chức tổng giám đốc VNA để bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT VNA; ông Dương Trí Thành thôi giữ chức phó tổng giám đốc VNA để bổ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc VNA. Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 1-6.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục