tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 01-08-2016

  • Cập nhật : 01/08/2016

Người vay gói 30.000 tỷ không còn phải lo lãi suất tăng gấp đôi

Nếu khoản vay được giải ngân trước năm 2017, người vay mua nhà gói 30.000 tỷ đồng vẫn sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi thay vì phải trả lãi suất thương mại có thể cao gấp đôi.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 25, chính thức gỡ rối cho những người vay mua nhà gói 30.000 tỷ đồng được giải ngân sau ngày 31/3/2016. Theo đó, Thủ tướng đã đồng ý phương án gỡ rối của Ngân hàng Nhà nước, trong đó cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn với cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở đã ký trước ngày 31/3.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ, việc gia hạn này chỉ áp dụng cho các khoản giải ngân trước 31/12/2016. Như vậy, với những hợp đồng dù đã ký trước ngày 31/3 năm nay nhưng giải ngân vào năm 2017, người mua nhà sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi cố định hằng năm mà phải trả theo lãi suất thoả thuận với ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội (nhóm khách hàng doanh nghiệp).

Riêng với những trường hợp khách hàng cá nhân đã tạm chấp nhận lãi suất mua nhà theo thoả thuận với ngân hàng (thay vì lãi suất ưu đãi 5%) trong thời gian chờ hướng dẫn của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước cũng được hoàn trả phần chênh lệch.

Thông tư 25 có hiệu lực thi hành từ ngày mai - 1/8.

Hà Nội sẽ có đường cao tốc 8 làn xe

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng nhanh, Hà Nội sẽ xây dựng các đường cao tốc 4-8 làn xe song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn.

theo quy hoach giao thong thu do ha noi tu 2030-2050 ha noi se co cao toc 8 lan xe.

Theo quy hoạch giao thông Thủ đô Hà Nội từ 2030-2050 Hà Nội sẽ có cao tốc 8 làn xe.

Đây là một trong những nội dung Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô (2030 tầm nhìn 2050) vừa được Thủ tướng phê duyệt và công bố sáng 30-7 tại Hà Nội.

Xây cao tốc song hành quốc lộ

Theo Quy hoạch, đến năm 2030 tổng nhu cầu đi lại trên địa bàn Thủ đô đạt khoảng 27,7 triệu chuyến đi/ngày đêm. Hà Nội sẽ xây dựng cácđường cao tốc từ 4-8 làn xe chạy song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn theo các hướng Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - TP.HCM, Nội Bài - Hạ Long…

Các đường quốc lộ cũng được mở rộng từ 4-6 làn xe cơ giới, như QL1 từ Ninh Hiệp tới Bắc Ninh, phía Nam từ Thường Tín tới Hà Nam, QL21 từ Xuân Mai đi Hòa Bình, QL21B từ Phú Lương tới Hà Nam, QL32 từ Phùng tới Phú Thọ, QL6 từ Yên Nghĩa tới Hòa Bình

Đặc biệt, Hà Nội sẽ xây mới đường Vành đai 4 với chiều dài khoảng 148km. Trong đó, đoạn phía Nam QL18 theo đúng quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 với chiều dài 98km; đoạn đi trùng với cao tốc Nội Bài - Hạ Long từ Hiền Ninh - Sóc Sơn tới Kim Lũ được điều chỉnh đi về phía Bắc sân bay Nội Bài....

Cũng theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng đường Vành đai 5 gồm các đoạn đi mới và các đoạn đi trùng đường hiện tại với tổng chiều dài khoảng 375km, quy mô tối thiểu 4 làn xe qua cá tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.

Với mạng lưới đường ngoài đô thị, xây mới các trường trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài 90km, quy mô mặt cắt ngang mỗi đường rộng từ 40-60m cho tối thiểu 6 làn xe cơ giới như trục Hồ Tây - Ba Vì từ Vành đai 4 tới Hòa Lạc, trục Hà Đông- Xuân Mai…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hà Nội cần phối hợp với các bộ ngành liên quan để cụ thể hóa Quy hoạch; có lộ trình thực hiện đầu tư các dự án giao thông có hiệu quả; hoàn thiện cơ cấu tổ chức để quản lý quy hoạch.

Tiếp tục công khai quy hoạch tới các cấp ngành và người dân biết để tạo sự đồng thuận thực hiện quy hoạch.(vietnamnet)

Hà Nội sẽ nâng cấp huyện Hoài Đức lên quận trong năm 2020

Ngày 30/7, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đoàn công tác gồm nhiều sở, ban, ngành đã làm việc với huyện Hoài Đức.

Tại buổi làm việc, đánh giá cao sự phát triển của Hoài Đức, hiện đã trở thành huyện trung tâm nhất của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo, Hoài Đức có vị trí rất quan trọng, cửa ngõ phía Tây, giáp với các quận nội thành, nên có nhiều thuận lợi và cần phải tập trung nguồn lực để xây dựng nâng cấp lên quận trong năm 2020.

Để làm được điều này, khối lượng công việc rất lớn và sẽ còn nhiều khó khăn. Mặc dù, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp, dự án nhưng vẫn còn rất manh mún, hệ thống cơ sở hạ tầng trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm và kết nối giữa nhiều quận, huyện trong thành phố với bên ngoài, nên lĩnh vực giao thông có thể nói là quan trọng hàng đầu của Hoài Đức.

Mỗi năm lượng dân số Hà Nội tăng lên đáng kể, nếu giao thông các vùng phụ cận không tốt, dẫn tới người dân dồn vào trung tâm sinh sống, lao động, sản xuất, làm cho nội đô càng thêm chật hẹp và bức xúc. Vì vậy, ngoài các tuyến đường giao thông cần đầu tư, các cấp ban ngành thành phố cần nghiên cứu, đề xuất phương án, ưu tiên xây dựng tuyến đường vành đai 3, 5 nối từ đường cao tốc Thăng Long với quốc lộ 32, nếu làm thành công tuyến đường này sớm sẽ rất hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội.

Về tình hình cung cấp nước sạch cho nhân dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, mỗi năm Hà Nội đang thiếu 60.000m3. Bài toán nước sạch đang rất cấp thiết cần có lời giải, vì trước đây phụ thuộc rất lớn từ việc lấy nguồn nước ngầm. Nhưng khi nguồn nước này ngày càng ô nhiễm nên đang gặp nhiều khó khăn trong việc cấp nước sạch cho cả nội và ngoại thành. Muốn tạo hành lang và cơ chế để tháo gỡ vẫn đề này thì Hà Nội không thể làm một cách manh mún, thụ động. Vì vậy, Hà Nội cần sớm quy hoạch tổng thể mạng lưới cấp nước sạch, đầu tư kết nối đường ống luân hoàn, nối liền giữa các vùng, các nhà máy với nhau.

Xây dựng các vùng chuyên canh, có nhiều cây, quả đặc sản đã được Hoài Đức xác định khá đúng hướng, nhưng quan trọng không kém là phải tạo hệ thống kết nối tiêu thụ sản phẩm một cách lâu dài, chuyên nghiệp. Muốn làm được những điều này, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, các quận huyện, ban, ngành cần phát huy tinh thần năng động, đổi mới, cải tiến thủ tục hành chính để thu hút tốt đầu tư từ bên ngoài. Xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp và đây là tiêu chí để đánh giá được năng lực mỗi cán bộ, đơn vị.

Bí Thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố tới đây sẽ đặc biệt quan tâm tới các công trình, dự án đặc biệt quan trọng, có hiệu quả, cấp thiết cho đời sống dân sinh để đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Nhưng chủ trương đổi mới của Hà Nội là ưu tiên hàng đầu cho công tác xã hội hóa.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Vương Duy Hướng, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức cho biết, huyện Hoài Đức có nhiều thuận lợi vì có vị trí liền kề với các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng, Quốc Oai và có Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32 và nhiều tuyến đường liên tỉnh chạy qua. Huyện Hoài Đức đã chuyển hướng cơ cấu kinh tế tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ (chiếm 46%, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (còn 7,5%). Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 2.674 tỷ đồng/năm.

Yêu cầu báo cáo vụ “không khởi tố lãnh đạo Vinaconex”

Viện KSND tối cao vừa có văn bản yêu cầu Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) phải kiểm tra, báo cáo lãnh đạo Viện KSND tối cao vụ việc này.

Trước đó, chúng tôi đã có bài "Không khởi tố lãnh đạo Vinaconex là trái luật".

Văn bản của Viện KSND tối cao nêu rõ với chúng tôi và một số tờ báo khác đã có bài viết về những sai phạm tại Vinaconex và đặt vấn đề việc không khởi tố lãnh đạo của công ty này là bỏ lọt tội phạm.

Nội dung các bài báo nêu rõ: ngày 31-5-2016, TAND TP Hà Nội trả hồ sơ vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” để yêu cầu làm rõ trách nhiệm một số cá nhân của hội đồng quản trị Vinaconex.

Kết luận điều tra bổ sung xác định sau 18 lần vỡ đường ống nước, Vinaconex phải bỏ ra trên 13 tỉ đồng để khắc phục sửa chữa, ảnh hưởng đến 177.000 hộ dân, doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm hơn 1.000 tỉ đồng để xây dựng khẩn cấp thêm một đường ống mới...

Cơ quan điều tra xác định một số thành viên hội đồng quản trị của công ty đã có dấu hiệu phạm tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng do những người này vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, không có vụ lợi nên không ai bị khởi tố.

Nhiều luật sư và chuyên gia kinh tế cho rằng không khởi tố các lãnh đạo Vinaconex là bỏ lọt tội phạm, không được dư luận đồng tình và tạo ra tiền lệ xấu khi xử lý các vụ án tương tự. Vì vậy, Viện KSND tối cao yêu cầu phải rà soát, báo cáo lại vụ việc trên.(TT)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục