tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 22-06-2016

  • Cập nhật : 22/06/2016

VDB: Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bố trí cấp đủ vốn điều lệ theo các giai đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
ngan hang phat trien viet nam

Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Tại buổi làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thông báo kết luận yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục, tập trung thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016–2020.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần tiếp tục, tập trung thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016–2020 theo Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 và Đề án xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2619/QĐ-TTg ngày 31/12/2013. Trường hợp có khó khăn vướng mắc, kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bố trí cấp đủ vốn điều lệ theo các giai đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, chi phí cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý còn thiếu đến hết năm 2015 và của năm 2016 để đảm bảo đủ nguồn lực tài chính cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 3/6/2016.

Moody’s: VPBank, BIDV được lợi nhất nếu VAMC mua nợ xấu bằng tiền mặt

Ngày 7/6, hãng tin Bloomberg đưa tin rằng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ mua nợ xấu của các ngân hàng bằng “tiền tươi thóc thật” lần đầu tiên trong năm nay.

Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s nhận định đây là một động thái tích cực cho các ngân hàng Việt Nam bởi giao dịch bằng tiền mặt đồng nghĩa với việc các rủi ro kinh tế gắn liền với nợ xấu sẽ được chuyển sang cho VAMC.

“Kế hoạch mua nợ xấu bằng tiền mặt có mục tiêu đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt, nhằm kích thích cho vay và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Moody’s nhận xét trong một báo cáo phát đi ngày 20/6.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% phải bán tài sản xấu cho VAMC. Đổi lại, các ngân hàng nhận về trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các trái phiếu này và không nhận lợi tức hay chuyển nhượng trái phiếu.

Theo Moody’s, với việc bán nợ xấu lấy tiền, nợ xấu sẽ giảm, đồng thời các ngân hàng sẽ có thêm tiền, qua đó cải thiện khả năng hấp thụ lỗ. Lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng lên do tiền thu được từ bán nợ có thể dùng để cho vay.

Tuy nhiên, Moody’s cũng thận trọng cho rằng sự thành công của kế hoạch này còn phụ thuộc vào khả năng mua nợ xấu của VAMC từ các nhà băng.VAMC hiện chỉ có khả năng chi 2.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ, để mua nợ xấu. Trong khi đó, chỉ tính riêng số nợ xấu của các ngân hàng Việt được Moody’s đánh giá tín nhiệm đã lên đến 30.000 tỷ đồng. Do đó, kế hoạch mua nợ này cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.
 

nguon: moody's.

Nguồn: Moody's.

Các ngân hàng có tỷ lệ tín dụng cần lưu ý đặc biệt lớn nhất sẽ được lợi từ kế hoạch này của VAMC, do các khoản vay này có nguy cơ lớn nhất bị chuyển nhóm thành nợ xấu.

Theo đó, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ được lợi nhiều nhất. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ cần lưu ý đặc biệt ở hai ngân hàng này tương ứng 5,8% và 2,8% tổng số dư nợ.(Bizlive)


NSC 4 năm liên tiếp trong Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

Vinaseed đã được Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020 lựa chọn và giao nhiệm vụ xây dựng bản đồ công nghệ trong ngành chọn tạo và sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.

Năm 2016 là năm thứ 4 liên tiếp Vinaseed đứng trong danh sách TOP 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức, tiếp tục khẳng định những bước tiến vững chắc với thứ hạng 11 trong TOP và trở thành 1 trong 16 doanh nghiệp cả nước liên tục 4 năm liền từ 2013 - 2016 được xếp hạng TOP 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.

Năm 2015 là một năm thành công với Vinaseed, công ty duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về quy mô và hiệu quả kinh doanh với doanh thu đạt gần 1.250 tỷ đồng, tăng 75% và lợi nhuận sau thuế đạt 157 tỷ đồng tăng 26,7% so với năm 2014. Tổng tài sản của NSC đạt 1.557 tỷ đồng tăng 63%, vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.000 tỷ tăng 34% so với năm 2014, công ty đã hoàn thành tất cả các mục tiêu sản xuất kinh doanh, đầu tư làm nền tảng thực hiện chiến lược tăng tốc giai đoạn 2016 – 2020.

Năm 2016 là năm đầu tiên trong chiến lược 5 năm 2016-2020, tầm nhìn 2025 Vinaseed sẽ phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu tài chính đã đề ra và cam kết thực hiện chiến lược phát triển bền vững, có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội, đảm bảo chia sẻ lợi ích doanh nghiệp và xã hội.

Năm 2016 NSC đặt kế hoạch 1.277 tỷ đồng doanh thu, 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, EPS 11.446 đồng/cp. Quý 1/2016, NSC đạt 320 tỷ đồng doanh thu, tăng 60% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 41,3 tỷ đồng, tăng 37,6% cùng kỳ năm trước. EPS quý 1 đạt 2.456 đồng/cp.

Vinaseed đã được Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020 lựa chọn và giao nhiệm vụ xây dựng bản đồ công nghệ trong ngành chọn tạo và sản xuất lúa gạo ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này góp phần cung cấp những đánh giá, phân tích, ý kiến đề xuất giải pháp trong định hướng phát triển khoa học công nghệ ngành lúa gạo việt nam trong thời gian tới như đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ đồng bộ theo chuỗi giá trị từ giống, sản xuất, đến sau thu hoạch, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp giống cây trồng hợp tác cùng các cơ sở nghiên cứu công lập trong việc khai thác nguồn gen…


1 kg vải thiều gánh 8.000 đồng chi phí

Ngày 20-6 tại TP.HCM, tỉnh Hải Dương và Bắc Giang cùng một số tỉnh, thành khác đã phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các địa phương miền Nam.

Đại diện tỉnh Hải Dương cho hay hiện tỉnh này có 11.000 ha vải thiều, sản lượng đạt khoảng 36.000 tấn, giảm 30% so với năm ngoái. Tỉnh Bắc Giang có 30.000 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với niên vụ trước. Năm nay sản lượng vải giảm nhưng giá bán cao hơn năm 2015 và tiêu thụ khá thuận lợi.

Tuy vậy, phát biểu tại hội nghị một số doanh nghiệp chuyên thu mua trái vải cho biết đang gặp một số khó khăn do chi phí vận chuyển cao. Đại diện một doanh nghiệp dẫn chứng một chuyến xe chở 16 tấn vải từ Lục Ngạn đến chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM hết khoảng 36 triệu đồng. Như vậy, mỗi ký vải từ Bắc Giang vào đến chợ Thủ Đức phải gánh thêm 8.000 đồng chi phí, do vậy giá đến người tiêu dùng cao.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc công ty quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, khuyến cáo không nên để vào vụ thu hoạch rộ rồi mới xây dựng kế hoạch tiêu thụ. Như vậy là quá chậm và cần khắc phục tình trạng này. Mặt khác, cần tổ chức để người sản xuất, kinh doanh có thể trực tiếp gặp gỡ trao đổi để hai bên “hiểu nhau”, từ đó đồng hành để việc tiêu thụ trái vải được thuận lợi.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cho hay chính quyền địa phương xác định thị trường nội địa là trọng điểm, đặc biệt là TP.HCM. Theo đó, phấn đấu tổng sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm 60%; xuất khẩu khoảng 40%. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vải thiều để xuất vào Mỹ, EU. Riêng huyện Lục Ngạn đã được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với sản lượng đạt 1.000 tấn theo tiêu chuẩn Globalg.a.p., đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục