tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 18-08-2016

  • Cập nhật : 18/08/2016

Cục Chăn nuôi khuyến cáo không nên quá kỳ vọng thị trường Trung Quốc

Trong thời gian vừa qua, việc thương lái Trung Quốc đột ngột dừng thu mua lợn mỡ (lợn có trọng lượng khoảng trên 1 tạ/con) đã làm giá lợn hơi trong nước giảm mạnh, khiến người chăn nuôi hết sức bị động.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh phía Nam trong tháng 7/2016 nhìn chung diễn biến theo xu hướng giảm. Đặc biệt là ở các tỉnh như Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang... giảm sâu từ 500 đồng đến 12.000-13.000 đồng/kg lợn hơi. Đây là những địa phương cung cấp hơn 50% sản lượng lợn hơi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đánh giá vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành chăn nuôi lợn là việc xuất khẩu tiểu ngạch và phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

“Mặc dù, thị trường Trung Quốc được đánh giá là một thị trường tiềm năng đối với ngành chăn nuôi nói chung và đối với ngành lợn nói riêng nhưng vẫn có nhiều rủi ro ,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nói.

Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cũng cho biết, theo báo cáo của các địa phương trong những ngày gần đây thương lái lại tiếp tục việc thu mua lợn mỡ để xuất bán. Tuy nhiên, giá không biến động tăng mạnh như đỉnh điểm tháng Ba, tháng Tư vừa qua nữa mà chỉ dao động khoảng 43.000-47.000 đồng/kg.

“Với mức giá này, người chăn nuôi vẫn có lãi và tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nhận định.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng bị động và ứ đọng như những lần trước, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cũng đưa ra khuyến cáo, người chăn nuôi phải căn cứ vào thị trường và diễn biễn của thị trường để quyết định việc sản xuất.

“Đặc biệt, người chăn nuôi không nên quá kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc mà vội nhân đàn, vào đàn một cách ồ ạt là sai lầm. Bởi nếu sản phẩm tồn lại thì giá xuống sâu, xuống dưới giá thành sản xuất ​khiến người nuôi ​lỗ nặng,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân phân tích thêm.

Do đó, theo Cục trưởng Hoàng Thanh Vân, người dân phải có sự theo dõi thông tin thị trường và có sự kết nối với các doanh nghiệp khác, các vùng khác để cân bằng việc sản xuất. Tránh tình trạng chăn nuôi ồ ạt thiếu kế hoạch.

“Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải hết sức tỉnh táo, thận trọng để phát triển việc chăn nuôi có kế hoạch, có trọng tâm. Đối với ngành chăn nuôi nếu bị ứ đọng thì cực kỳ khó gỡ. Bởi nếu dồn hàng, giá ‘rớt’ khiến cho người chăn nuôi rơi vào cảnh bán cũng bị lỗ mà tiếp tục nuôi cũng lỗ,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nhấn mạnh./.(Vietnam+)


Vay vốn qua trung gian ẩn chứa nhiều rủi ro

Hơn 1 tỷ đồng nợ ngân hàng là số tiền mà hàng chục hộ dân ở xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đang phải gánh vì quá tin tưởng vào kênh tín dụng trung gian.

Lâu nay, nhu cầu vay vốn của người dân làng biển luôn nóng bởi ngoài số vốn để đầu tư khai thác hải sản , các gia đình làng biển còn có nhu cầu vay vốn để làm ăn buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, nhu cầu có thực này đang bị lợi dụng để trục lợi.

Câu chuyện bắt đầu từ việc 96 hộ gia đình xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên có nhu cầu vay vốn làm ăn từ ngân hàng chính sách xã hội huyện Tuy An. Việc vay vốn được thực hiện thông qua các tổ vay vốn trung gian do Hội Liên hiệp phụ nữ xã đảm nhận.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ vay vốn, các hộ gia đình muốn vay vốn đều phải cho 3 tổ trưởng tổ vay vốn của xã cùng Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Chấn vay cùng ít nhất là 1/2 số tiền vay mới được tạo điều kiện cho vay.

Lợi dụng tình làng nghĩa xóm, lợi dụng mối quan hệ bà con họ hàng, gần trăm hộ gia đình đã chấp nhận vay vốn bằng hình thức này. Hình thức vay vốn này sẽ tiếp tục mở rộng nếu không xảy ra việc từ tháng 2 đến nay, phần lãi suất vay cùng không được trả theo quy định.

Nguyên nhân xuất phát từ thực tế lúng túng về mặt thủ tục nên người dân thường ngại liên hệ trực tiếp với ngân hàng. Khi có nhu vay vốn, họ thường tìm đến tín dụng "đen" với lãi suất cao hoặc thông qua kênh trung gian. Vay vốn với số tiền nhỏ nên đa số gia đình đều là hộ nghèo, gặp khó khăn về kinh tế. Do đó, lúc này họ thực sự hoang mang khi số tiền thực vay chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 số nợ đang bị ghi tại ngân hàng.(VTV)


Hà Nội ngừng kinh doanh và sử dụng thuốc Neo - Tergynan

Ngày 16/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở vừa có thông báo về việc ngừng sử dụng và kinh doanh thuốc Neo - Tergynan do nghi ngờ giả gửi các đơn vị y tế trong ngành và phòng y tế các quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý các doanh nghiệp liền kề (Hapu Medicenter).

Sở Y tế Hà Nội thông báo các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát, ngừng kinh doanh sử dụng thuốc Neo - Tergynan.

Phòng y tế các quận, huyện thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không kinh doanh, sử dụng thuốc Neo - Tergynanm nêu trên và tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ sở.

Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội tăng cường giám sát chất lượng thuốc lưu thông trên địa bàn và tại các cơ sở khám chữa bệnh. Trong quá trình giám sát, đặc biệt lưu ý thuốc Neo - Tergynan nghi ngờ giả để kịp thời thông tin tới cơ quan quản lý.

Ban quản lý các doanh nghiệp liền kề (Haphu Medicenter) thông tin đến các doanh nghiệp bán buôn thuốc thuộc phạm vi quản lý thông tin về thuốc Neo - Tergynan nghi ngờ giả nêu trên. Kịp thời thông tin tới cơ quan quản lý dược khi phát hiện có thuốc Neo - Tergynan nghi ngờ giả có các dấu hiệu nêu trên.

Trước đó, ngày 5/8/2016, Cục Quản lý Dược đã có thông báo về việc thuốc viên nén Neo - Tergynan nghi ngờ giả. Cụ thể, tên thuốc là Neo - Tergynan, SĐK: VN-8310-09, số lô: M071, ngày SX: 23/6/2015, hạn dùng: 6/2018, do Công ty Sophartex, France sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Hà nhập khẩu.

Để nhận biết thuốc thật và thuốc nghi ngờ giả, Cục Quản lý Dược hướng dẫn như sau: Cạnh trên của vỏ hộp thuốc thật có chữ sulfate và 3 dấu chấm có dấu cách với các chữ khác, thuốc nghi ngờ giả có 4 dấu chấm và không có dấu cách; các dấu chấm sau chữ Excipients ở thuốc thật có dấu cách với các chữ khác, còn thuốc nghi ngờ giả không có dấu cách.

Mặt sau vỏ hộp của thuốc thật ghi Vaginal route và có dấu cách sau chữ effects còn thuốc nghi ngờ giả có chữ Vigial route và không có dấu cách sau chữ effects.

Nhãn phụ của nhà nhập khẩu ở thuốc thật là phông chữ không có chân, còn thuốc nghi ngờ giả là phông chữ có chân. Tờ hướng dẫn sử dụng ở thuốc thật có giấy mỏng, trơn, các đầu mục nhỏ chữ in nghiêng; thuốc nghi ngờ giả giấy dày, không trơn, các đầu mục nhỏ chữ không in nghiêng.

Vỉ thuốc, ở thuốc thật số lô và hạn dùng phía sau vỉ in nghiêng, vết ép nhiệt chấm nhỏ, mịn còn ở thuốc nghi ngờ giả số lô và hạn dùng phía sau vỉ in thẳng đứng, vết ép nhiệt chấm to, thô. Viên nén ở thuốc thật hai mặt có khắc chìm chữ T, thuốc nghi ngờ giả hai mặt phẳng, không khắc chìm chữ T.(Baotintuc)


Kiểm tra thủ phủ bánh kẹo “nhái”... La Phù

Ngày 16-8, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh trung thu trên địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đoàn công tác đã kiểm tra đột xuất 3 cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh trung thu là cơ sở Ngọc Khánh do ông Nguyễn Thế Vinh làm chủ, cơ sở sản xuất bánh kẹo Toàn Vinh do ông Nguyễn Văn Đoàn là chủ và Công ty CP chế biến thực phẩm Tân Hoàng Gia do bà Nguyễn Thị Hậu làm chủ.

Tại buổi kiểm tra, 2 cơ sở Ngọc Khánh và Toàn Vinh sản xuất mặt hàng bánh trung thu đều xuất trình được đầy đủ hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm. Xưởng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn nguyên liệu có xuất sứ rõ ràng. Tuy nhiên, tại cơ sở Ngọc Khánh, một số phụ gia thực phẩm xuất xứ Trung Quốc không tem phụ theo quy định.

Tại cơ sở Công ty CP chế biến thực phẩm Tân Hoàng Gia (xóm Hoa Thám, xã La Phù), đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm tại cơ sở này như người chế biến không đeo găng tay, khẩu trang; khu vực đóng gói không đảm bảo an toàn thực phẩm; sản phẩm kem trộn trong bánh Tân Hoàng Gia đựng trong những xô nhựa cáu bẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Qua kiểm tra, đoàn công tác của Bộ Y tế đã yêu cầu đoàn thanh tra lập biên bản xử lý các sai phạm tại cơ sở Tân Hoàng Gia. Thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số kem trộn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó đoàn công tác của Bộ Y tế cũng yêu cầu UBND xã La Phù phải đẩy mạnh thanh kiểm tra đốt xuất các cơ sở sản xuất bánh kẹo trên địa bàn, nhất là các cơ sở sản xuất bánh trung thu trong dịp này.

Được biết thời gian qua, dư luận biết đến La Phù như một địa điểm sản xuất bánh kẹo “nhái” khá lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.(Baohaiquan)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục