tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 13-06-2016

  • Cập nhật : 13/06/2016

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: 40 người dân phải nuôi một công chức

Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức.
chuyen gia kinh te pham chi lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.

Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp bốn lần nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.

Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong 2,8 triệu công chức này.


WB giúp Việt Nam chống chọi với biến đổi khí hậu

310 triệu USD là khoản tín dụng Ngân hàng Thế giới (WB) giúp Việt Nam chống chọi với biến đổi khí hậu.

Chiều 11-6, WB tại Việt Nam cho biết. Số tiền này cũng góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho 1,2 triệu người dân sinh sống tại chín tỉnh vùng ĐBSCL đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, ngập mặn, xói lở bờ biển và lũ lụt.

Ông Achim Fock, quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, cho biết những diễn biến thời tiết khắc nghiệt gần đây tại vùng ĐBSCL như hạn hán, ngập mặn đang ảnh hưởng xấu đến đời sống của nông dân, trong đó phần lớn là người nghèo. “Chúng tôi tin tưởng dự án mới này sẽ xây dựng được một mô hình đa ngành hiệu quả, giúp nông dân điều chỉnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hiện nay theo hướng thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” - ông Fock nói.

Khoản tín dụng vừa được phê duyệt sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp cho nông dân, nhất là những người sản xuất lúa gạo ở các tỉnh nằm ở phía thượng nguồn vùng châu thổ, cũng như các hộ dân nuôi trồng thủy sản, làm ngư nghiệp tại các tỉnh ven biển, trong đó có người dân tộc thiểu số Khmer ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.


Học viện Nông nghiệp lạm thu học phí, gửi ngân hàng số tiền 41,7 tỷ đồng

Theo nguồn tin của Dân trí, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về việc Học viện Nông nghiệp Việt Nam lạm thu của sinh viên, gửi lấy lãi ngân hàng số tiền 41,7 tỷ đồng.
 

van co nhieu noi lam thu hoc phi cua sinh vien (anh minh hoa)

Vẫn có nhiều nơi lạm thu học phí của sinh viên (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2015, khi duyệt quyết toán ngân sách năm trước của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện số học phí, lệ phí thu vượt, ngoài quy định của nhà nước và lãi tiền gửi ngân hàng thương mại số tền trên 41,75 tỷ đồng.

"Về nguyên tắc, số thu học phí, lệ phí vượt, ngoài quy định phải trả lại người nộp. Nếu không trả được thì toàn bộ số đã thu ngoài quy định và lãi tiền gửi ngân hàng thương mại phải nộp ngân sách Nhà nước", Bộ Tài chính nêu ý kiến.

Cũng theo Bộ Tài chính, qua thẩm tra của Bộ này, khoản thu quá tay trên đã được tổng hợp vào nguồn thu của Học viện Nông nghiệp và sử dụng cho các hoạt động chuyên môn của trường này, đầu tư vào cơ sở vật chất.

Mặc dù vậy, Bộ Tài chính cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý vụ việc trên theo hướng: Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát các khoản thu trên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thấy đã sử dụng cho hoạt động chuyên môn, mua sắm đầu tư theo quy định thì cho phép quyết toán.

"Nếu việc sử dụng không dúng quy định thì phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước", Bộ Tài chính yêu cầu.

Trao đổi với Dân trí, một số sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, trong mấy năm nay, học phí ở trường tăng chóng mặt nhưng không thấy trường có nhiều hoạt động để cải thiện cơ sở vật chất, trường lớp.

"Chúng tôi còn được thông báo là có một số ngành học được Nhà nước hỗ trợ 50% học phí, nhưng nào có thấy hỗ trợ gì đâu, học phí vẫn tăng. Nhưng cơ sở đào tạo, phòng học vẫn thế", một sinh viên cho hay.

Tình trạng lạm thu phí, lệ phí của sinh viên trong mấy năm qua cũng đã xảy ra ở nhiều trường đại học, cao đẳng được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước phát hiện. Tuy nhiên, hiện tượng này đến nay vẫn chưa chấm dứt.


Hải Phòng tịch thu lô 25 xe sang "vô chủ" trị giá hàng chục tỷ đồng

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã ra các quyết định thu thu các lô hàng ôtô bị tạm giữ ở Hải Phòng không xác định được chủ dù đã được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

lo xe sang cua dung "mat sat" bi tam giu trong nam 2013.

Lô xe sang của Dũng "mặt sắt" bị tạm giữ trong năm 2013.

Cục Hải quan thành phố Hải Phòng vừa có văn bản gửi Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan về kết quả xử lý 25 xe ô tô tạm nhập tái xuất của 4 doanh nghiệp là Công ty CP Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Công ty TNHH Trường Giang Móng Cái, Công ty CP xuất nhập khẩu Đức Thịnh và Công ty CP Thương mại quốc tế NC.

Theo công văn này, ngày 26/5/2016, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã ra các quyết định thu thu các lô hàng trên.

Cách đây 3 năm, vào ngày 5/5/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tiến hành phá chuyên án “Dũng mặt sắt”, bắt giữ một loạt xe ô tô tạm nhập tái xuất của Công ty TNHH Tuấn Đông tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh và xe của Công ty cổ phần thương mại quốc tế NC.

Tại thời điểm này, cơ quan hải quan đã tiến hành rà soát toàn bộ ô tô tạm nhập tái xuất đang tồn ở Việt Nam, trong đó có 26 xe ô tô trị giá hàng chục tỷ đồng (gồm nhiều xe hạng sang như Lexus, Range Rover, Vitara, Mercedes...) đã làm thủ tục hải quan đang chờ xuất sang Trung Quốc của 4 doanh nghiệp trên do nghi ngờ liên quan tới đường dây "Dũng mặt sắt".

Trong quá trình điều tra xác minh, Viện khoa học hình sự - Bộ Công An phát hiện có một chiếc Mercedes S500 đã qua sử dụng thuộc diện hàng hóa tạm ngừng tạm nhập tái xuất và kinh doanh do Công ty Trường Giang ở Móng Cái làm thủ tục. Sau đó chiếc xe này đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ xử lý theo quy định.

Điểm chung là các doanh nghiệp trên cùng chỉ làm dịch vụ để hưởng tiền dịch vụ, thực tế không thanh toán tiền mua và bán hàng như ghi trong hợp đồng. Các doanh nghiệp đều thừa nhận họ không phải là chủ sở hữu của lô hàng. Do vậy, không xác định được chủ sở hữu thực sự.

Cơ quan hải quan đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở hải quan, nhưng đến nay đã quá thời hạn 30 ngày, chủ sở hữu của các lô hàng vẫn không đến nhận.

Trong một công văn trả lời các doanh nghiệp trước đó, Bộ Tài chính cho biết, qua quá trình điều tra của cơ quan hải quan và sau khi cơ quan điều tra công an Quảng Ninh ra quyết định không khởi tố vụ án do không xác định được chủ sở hữu,các doanh nghiệp trên chỉ bị xử phạt hành chính.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục