tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 10-05-2016

  • Cập nhật : 10/05/2016

58% vi phạm vệ sinh thực phẩm là hàng tươi sống

Các vi phạm được công bố lần này vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm thực phẩm tươi sống nhưng có sự thay đổi theo chiều hướng nghiêm trọng hơn khi chiếm tới 58%. Đứng vị trí thứ 2 là dịch vụ, nhà hàng ăn uống (17%), tiếp đó là thực phẩm chế biến (15%).
gan 3 tan cu cai trung quoc het han su dung duoc phat hien tai ha noi vao ngay 4/5.

Gần 3 tấn củ cải Trung Quốc hết hạn sử dụng được phát hiện tại Hà Nội vào ngày 4/5.

Thông tin từ nhóm điều phối chiến dịch Chống thực phẩm bẩn cho thấy, có 41 điểm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên cả nước vừa được công bố. 
Theo đó, các vi phạm được công bố lần này vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm thực phẩm tươi sống nhưng có sự thay đổi theo chiều hướng nghiêm trọng hơn khi chiếm tới 58%. Đứng vị trí thứ 2 là dịch vụ, nhà hàng ăn uống (17%), tiếp đó là nhóm thực phẩm chế biến (15%). Hai nhóm đồ uống và rau củ quả cùng chiếm 5% trong khi 2 nhóm gia vị và quảng cáo, ghi nhãn sản phẩm nhập khẩu không có vi phạm nào được phát hiện trong tuần qua. 
Đóng góp cho 41 điểm vi phạm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm có 3 nhóm đối tượng chính gồm cơ sở sản xuất kinh doanh lớn; hộ chăn nuôi - sản xuất kinh doanh cá thể và vận tải. Trong đó, riêng nhóm vận tải chiếm gần một nửa số vụ vi phạm (47%), hai nhóm còn lại chia nhau số vụ còn lại. 
Riêng tại khu vực Hà Nội, vào ngày 4/5 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện gần 3 tấn củ cải Trung Quốc hết hạn sử dụng. Được biết, sản phẩm này thuộc Công ty Dong Yang (Trung Quốc) tại số 8, ngõ P2, Lê Quang Đạo, Hà Nội. 
Danh sách cũng cho biết, cơ quan chức năng phát hiện 3000 thùng bánh kẹo hết hạn sử dụng được đóng mới của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại sản xuất và dịch vụ HD (D13, ngõ 80 Trung Kinh, Hà Nội).
Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện hơn 4 tấn sản phẩm từ lợn và 1,6 tấn thịt heo đông lạnh bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, trong danh sách lần này có tới 7 điểm vi phạm ở tỉnh Kontum, chiếm gần 20% các điểm vi phạm. (Bizlive)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 có thể tăng khoảng 0,26%

Chỉ số  giá tiêu dùng CPI tháng 4/2016 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,33% so với tháng 12 năm trước. Dự báo, CPI tháng 5/2016 sẽ tăng khoảng 0,26% so với tháng trước.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) trong tháng 5/2016, một số yếu tố dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá như: nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ (giao thông công cộng, du lịch, may mặc...) có thể tăng do yếu tố mùa vụ (thời tiết chuyển mùa nóng, kỳ nghỉ lễ kéo dài 30/4 và 1/5) và nhất là khả năng giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng.

Dựa trên những phân tích của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại và kết hợp tính toán của phần mềm dự báo, dự báo CPI tháng 5/2016 sẽ tăng khoảng 0,26% so với tháng trước.

Báo cáo trước đó của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, CPI tháng 4 đã nhích tăng và nhiều mặt hàng trong đó giỏ hàng hoá tính CPI tăng mạnh so với trước đây.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính của CPI, có 8 nhóm mặt hàng tăng mạnh nhất là giá dịch vụ giao thông tăng 1,73%, giá hàng hóa nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,71%, giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,45%, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,37%, giá đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%...

Giá dịch vụ giao thông tăng cao, là tháng tăng trở lại sau 8 tháng giảm liên tiếp của nhóm giao thông vì do trong tháng 4/2016 giá xăng tăng 1.190 đồng/lít, dầu diesel tăng 290 đồng/lít vào các ngày 21/3/2016 và ngày 5/4/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,83% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,16%.

Ngày 5/5 vừa qua, giá xăng RON 92 đã tăng 646 đồng/lít lên mức tối đa 15.586 đồng/lít, xăng E5 cũng tăng 634 đồng/lít lên mức tối đa 15.076 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 650 đồng/lít và dầu hoả tăng 550 đồng/lít, mazut tăng 323 đồng/kg.

Nhóm có mức tăng cao thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,71% so với tháng trước. Giá các mặt hàng thép tăng từ 8-10% là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá của nhóm tăng mạnh sau những chính sách về quản lý giá thép cộng với hiện tượng đầu cơ thép xây dựng.

Ngoài ra, việc giá gas tăng 10.000 đồng/ bình 12kg cũng góp phần đáng kể vào mức tăng giá của nhóm này.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, dự báo giá xăng, giá gas bán lẻ vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới đây trên thị trường thế giới nhiều dự báo cho thấy có thể tăng. 

Giá nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi trong nước có thể sẽ tăng trong tháng 5 này do nhu cầu mua vào ngô và khô đậu tương đang ở mức cao trong khi giá thế giới tăng mạnh.

Trong khi, giá sữa trong nước sẽ tiếp tục ổn định trong tháng tới do nguồn cung dồi dào và hiệu lực của chương trình bình ổn giá sữa đến tận cuối 2016. Giá đường cũng có khả năng tiếp tục ổn định do nguồn cung đường khá dồi dào trong khi nhu cầu thấp.

Đối với giá thép, xi măng dự báo giá thép tiếp tục ổn định mặc dù nhu cầu thép cũng đang tăng do giai đoạn cao điểm của mùa xây dựng nhưng nguồn cung khá dồi dào.

Giá phân bón có thể phục hồi do nhu cầu phân bón tăng phục vụ cho việc chăm bón vụ Hè Thu, bên cạnh đó giá nguyên liệu đầu vào tăng và giá thế giới phục hồi….


Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Vẫn quá xa lạ

Thông tin cách đây chưa lâu về 80 con lợn gắn mác VietGAP trên đường tuồn ra thị trường thì bị lực lượng chức năng phát hiện dương tính với chất tạo nạc Salbutamol một lần nữa khiến người tiêu dùng hoang mang.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Hoang mang bởi lẽ, thực phẩm không an toàn có mặt ngay trong chính các cơ sở phân phối được xem là "an toàn" nhất. Trong khi thực phẩm sử dụng chất cấm tràn lan thì việc truy xuất nguồn gốc lại là câu chuyện quá xa lạ và nan giải.

Nhiều thực phẩm chưa có nhận diện nguồn gốc

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các doanh nghiệp lớn hầu như không gặp khó khăn, bởi họ có hệ thống quản lý và sổ ghi chép, lưu giữ nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm và quá trình sản xuất, phân phối lưu thông. Tuy nhiên, ở các cơ sở nhỏ, lẻ, nhiều mặt hàng, nhất là nông, lâm, thủy sản được mua từ nhiều nguồn khác nhau, không có hệ thống quản lý, sổ ghi chép. Bên cạnh đó, việc kinh doanh thực phẩm nhập khẩu chủ yếu dựa vào hồ sơ doanh nghiệp, hầu như chỉ truy xuất được tới đơn vị xuất khẩu, khó có điều kiện kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất.

Trên thực tế, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không chỉ gặp khó ở các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ mà cả ở những đơn vị gắn nhãn thực phẩm sạch, an toàn. Hầu hết các sản phẩm thực phẩm được bán trong hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều được gắn mác "sạch" và "an toàn". Thế nhưng, không chỉ câu chuyện 80 con lợn gắn mác VietGAP bị phát hiện dương tính với chất tạo nạc Salbutamol mà bài học về công ty rau an toàn nhưng cung cấp rau không rõ nguồn gốc cho các siêu thị diễn ra cách đây không lâu là minh chứng. Dù về mặt pháp lý, trên giấy tờ, công ty này cam kết chuyên cung cấp rau sạch, thực phẩm sạch song thực tế lại không đúng như vậy khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

Trước bối cảnh thị trường thực phẩm còn nhiều lộn xộn, bà Đặng Thị Thìn (ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, phía cơ quan quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chỉ có những khuyến cáo như: Mua hàng cần xem rõ nguồn gốc xuất xứ, mua hàng còn hạn sử dụng, sản phẩm không bị mốc, bốc mùi… Những chỉ dẫn nêu trên của cơ quan chức năng vẫn chung chung, chủ yếu đối với thực phẩm được sản xuất đóng gói tại nhà máy. Với thực phẩm tươi sống như rau, thịt, cá... thì chưa có cơ sở hay nhận biết nào để người dân tin tưởng sản phẩm an toàn, nhất là khi ngay tại những địa chỉ tưởng chừng bán thực phẩm an toàn cũng có thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ? 

Không chỉ với người tiêu dùng, ngay đối với cơ quan quản lý, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng gặp khó khăn. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để làm rõ thế nào là sạch, ít nhất thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, có hợp đồng rõ ràng, hoặc phải có "dấu hiệu" để người dân có thể nhìn bằng mắt thường. 

Trong báo cáo hiệu quả quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong 4 tháng đầu năm 2016, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, rau, quả, thịt, thủy sản là thực phẩm tươi sống nên phần lớn chưa có nhãn mác, "dấu hiệu" nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm việc truy xuất nguồn gốc luôn gặp khó khăn, khó xác định nguyên nhân để xử lý vi phạm. 

Trong khi đó, theo số liệu báo cáo từ các cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT và 42/63 tỉnh, thành phố về kết quả giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trên rau, kháng sinh trong thịt, thủy sản được thực hiện từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016 cho thấy, trong gần 7.600 mẫu rau kiểm nghiệm phát hiện gần 400 mẫu nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; trong hơn 5.400 mẫu thịt phát hiện 104 mẫu vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn cho phép; trong hơn 5.400 mẫu thịt phát hiện 834 mẫu vi phạm chỉ tiêu Salmonella (vi sinh vật gây bệnh); trong gần 5.000 mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản phát hiện 361 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép.

Áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử

Trước thực tế trên, theo ông Hoàng Đức Hạnh, điều quan trọng là phải quản lý được thực phẩm theo chuỗi, nguồn gốc, biết được người chăn nuôi, nuôi trồng cho hay không cho hóa chất nào vào, chứ không phải kiểm tra từ "ngọn" là lúc thực phẩm đã bày bán như cách làm hiện nay. 

Cùng với cách quản lý thực phẩm theo chuỗi, hiện nay, một số nước đang phát triển đã áp dụng thành công việc truy xuất nguồn gốc điện tử. Doanh nghiệp sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Người mua có thể xem thông tin về lô hàng trên hệ thống ngay khi lô hàng chưa rời khỏi nhà sản xuất. Thông tin truy xuất nguồn gốc được tích hợp trong mã phản hồi nhanh (QR code) in trên bao bì sản phẩm và người tiêu dùng có thể dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh trong vòng 2 giây là biết mọi thông tin nguồn gốc của sản phẩm họ mua.

Ngay tại nước láng giềng Thái Lan, từ năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp nước này đã đưa ra chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí. Nhờ đó, nải chuối, quả sầu riêng bán ở cửa hàng rau quả nhỏ cũng được dán mã QR code. Việc truy xuất nguồn gốc cũng mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho nông dân Thái Lan. Đơn cử, tại nông trại Sumtarom ở tỉnh Srisaket, trước khi áp dụng truy xuất nguồn gốc, giá sầu riêng chỉ được bán với giá 50 baht/kg nhưng khi áp dụng QR code, người nông dân có thể bán sầu riêng với giá 70 baht/kg. 

Kinh nghiệm này cho thấy nếu như các giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm được áp dụng hiệu quả, không chỉ người tiêu dùng yên tâm mà trước hết, chính người chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến, phân phối được lợi. Quan trọng hơn, đây còn là biện pháp hữu hiệu góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường với những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng hiện nay.

Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông

Việt Nam nhấn mạnh trách nhiệm và lợi ích chung của các nước và cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, và đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Trong khuôn khổ các cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cuộc họp liên quan, tổ chức tại cố đô Luang Prabang của Lào, ngày 8-5, tiếp tục diễn ra cuộc họp SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) với sự tham dự của 27 thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và nhiều đối tác lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc họp ghi nhận các hoạt động hợp tác đã được triển khai trong năm qua trong các lĩnh vực ưu tiên như an ninh hàng hải, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị. 

Chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF, các nước đã trao đổi về các dự thảo Tuyên bố ARF, trong đó có dự thảo tuyên bố do Việt Nam đề xuất về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong ARF. 

Đây là đề xuất dự thảo tuyên bố đầu tiên của Việt Nam trong ARF nhằm khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong ARF, qua đó giúp tăng cường lòng tin, giảm thiểu rủi ro va chạm do hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm trong khi thực thi nhiệm vụ trên biển. 

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết, tại hội nghị, Việt Nam nhấn mạnh trách nhiệm và lợi ích chung của các nước và cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, và đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.(TTXVN)

Miễn nhiệm Tổng giám đốc ngân hàng Việt Á

Kể từ ngày 6/5/2016, bà Phương Thanh Nhung thôi giữ vị trí Tổng giám đốc VietABank.
ba phuong thanh nhung nguyen tong giam doc vietabank

Bà Phương Thanh Nhung nguyên Tổng giám đốc VietABank

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố thông tin miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của bà Phương Thanh Nhung.

Bà Phương Thanh Nhung sinh năm 1981, tham gia VietABank từ tháng 4/2013 với vị trí là thành viên HĐQT, sau đó bà Nhung được bổ nhiệm giữ chức Quyền Tổng giám đốc VietABank, sau đó chính thức giữ vị trí Tổng giám đốc ngân hàng này.

Bà Phương Thanh Nhung là cháu gái của ông Phương Hữu Việt, hiện đang là Chủ tịch HĐQT của VietABank từ năm 2011.

Tập đoàn Đầu tư Việt Phương của ông Việt hiện đang nắm 10,85% vốn của VietABank.

Đồng thời, ngân hàng Việt Á cũng quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hảo giữ chức vụ Phó tổng giám đốc điều hành kể từ ngày 6/5/2016.

Trước đó ông Hảo đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực ngân hàng Việt Á.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục