tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 09-06-2016

  • Cập nhật : 09/06/2016

Sắp có 5 đợt tăng giá viện phí liên tục

Việc thực hiện lộ trình tăng viện phí tính cả tiền lương sẽ giúp các bệnh viện chấm dứt tình trạng thu các khoản cao hơn quy định, hoặc thu các khoản không có trong quy định.

dot tang vien phi dau tien se bat dau tu thang 8/2016.

Đợt tăng viện phí đầu tiên sẽ bắt đầu từ tháng 8/2016.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thông tư 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc do liên Bộ Y tế – Tài chính ban hành, mức giá của gần 2.000 dịch vụ y tế gồm cả tiền lương dự kiến áp dụng từ ngày 1/7.

Cụ thể, mỗi đợt điều chỉnh giá viện phí sẽ thực hiện ở 8- 12 tỉnh, thành phố. Vào đợt tăng viện phí gần nhất dự kiến áp dụng từ tháng 8/2016 tại các địa phương có tỉ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Đợt 2 vào tháng 10/2016 tại các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tham gia BHYT khoảng 90% và có mức tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11 tại nơi có tỉ lệ bao phủ BHYT 85%. Đợt 4 vào tháng 12 tại địa phương có tỉ lệ bao phủ BHYT trên 80%. Đợt 5 vào tháng 1/2017 sẽ điều chỉnh tại các tỉnh còn lại.

Các cơ sở khám chữa bệnh ở trung ương đóng trên địa bàn nào sẽ thực hiện mức giá viện phí có tiền lương cùng thời điểm với địa phương. Những dịch vụ kỹ thuật có chi phí tiền lương cao như tiền ngày giường; các phẫu thuật được xếp loại đặc biệt… sẽ có mức tăng cao. Các dịch vụ sử dụng ít nhân lực, chi phí tiền lương trong giá dịch vụ thấp như các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán, xét nghiệm có mức tăng thấp hơn.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, với phương án thực hiện này thì giá dịch vụ y tế tác động vào CPI từ nay đến cuối năm chỉ ở mức dưới 2%. Còn chuyển sang tháng 1/2017, về cơ bản không ảnh hưởng đến các đơn vị vì ngân sách năm 2016 vẫn được phân bổ tiền lương, không phải tính toán để thu hồi lại số tiền đã phân bổ cho các đơn vị.

Việc thực hiện lộ trình tăng viện phí tính cả tiền lương này sẽ giúp các bệnh viện chấm dứt tình trạng thu các khoản cao hơn quy định, hoặc thu các khoản không có trong quy định.

Đại diện Bộ Y tế cũng yêu cầu, các bệnh viện phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh ngoại, nội trú, tăng giường bệnh, mua bổ sung, thay mới chăn ga, gối đệm, quạt… để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Được biết, giai đoạn điều chỉnh tăng giá viện phí này chỉ áp dụng với các bệnh nhân sử dụng BHYT, các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, từ nguồn xã hội hóa (không BHYT) vẫn thực hiện theo mức giá cũ hiện hành. Đối với các dịch vụ khám chữa theo yêu cầu, các bệnh viện cũng phải tính toán xây dựng mức giá một cách đầy đủ, đúng hướng dẫn, không xây dựng theo mức dự kiến thu của dịch vụ.

Tuy nhiên, tới thời điểm thực hiện giá viện phí tính cả tiền lương bác sĩ sẽ tính chung cho cả người có BHYT và người không có BHYT. Vì thế, các địa phương cần thúc đẩy quá trình bao phủ BHYT toàn dân, để người dân không gặp khó khăn khi đi khám chữa bệnh do không có BHYT.

Trước đó, từ ngày 1/3/2016, Liên bộ Y tế – Tài chính đã điều chỉnh gần gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế với tăng bình quân khoảng 30% và chỉ áp dụng cho bệnh nhân có BHYT.

Theo lộ trình này, đến năm 2018, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý.

Đến năm 2020 giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Khi đó, giá dịch vụ y tế sẽ được tính đúng tính đủ bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.(DDDN)


Đề nghị thí điểm 100 xe taxi chạy bằng điện trên địa bàn TPHCM

Dự án 10.000 xe taxi chạy bằng điện sẽ góp phần giảm phát thải, ô nhiễm môi trường.

Sở Giao thông vận tải TP HCM vừa báo cáo UBND TP dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách thân thiện với môi trường của Công ty TNHH MTV ĐT Hồ Huy.

Theo công ty này, việc đầu tư đủ 10.000 xe taxi chạy bằng điện hoạt động trong 10 năm sẽ mang lại một số lợi ích. Cụ thể: Tiết giảm được hơn 940.000 tấn khí thải; tiết kiệm 406.440.000 lít xăng, tương ứng 134 triệu USD ngoại tệ nhập xăng, tương ứng 2.993 tỉ đồng; tiết kiệm được 50% đến 60% chi phí nhiên liệu tiêu thụ cho 100 km di chuyển so với xe động cơ xăng cùng loại...

Hiện đề án này được công ty báo cáo và xin ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và tiếp tục hoàn chỉnh; song song đó để có cơ sở đánh giá lại những lợi ích do dự án này mang lại và đầu tư rộng rãi.

Tuy nhiên, Sở GTVT đã đề nghị công ty xây dựng đề án thực hiện thí điểm trước 100 xe taxi chạy bằng điện trên địa bàn TP HCM.

Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV ĐT Hồ Huy xây dựng và thực hiện đề án thí điểm 100 xe taxi chạy bằng điện và sau đó đánh giá những lợi ích do dự án này mang lại để đề xuất triển khai đầu tư rộng rãi.


Ngân hàng Phát triển VN sẽ hoạt động theo nguyên tắc thị trường?

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam khẩn trương tiếp thu các ý kiến của các Bộ, cơ quan và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp để hoàn thiện lại dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư của Nhà nước trong đó nghiên cứu, bổ sung nội dung về chính sách tín dụng xuất khẩu theo hướng hỗ trợ các dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và không vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Lấy ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan về danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, trên cơ sở đó tổng hợp, hoàn thiện lại danh mục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, các dự án ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn có điều kiện khó khăn, các dự án mà tư nhân không thực hiện..., bảo đảm đúng đối tượng, không mở rộng quá nhiều và phù hợp với lộ trình phát triển về năng lực tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Phó Thủ tướng đồng ý nguyên tắc xác định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư dựa trên chi phí huy động vốn và có tính đến yếu tố ưu đãi của tín dụng đầu tư.

Nghiên cứu, quy định cụ thể về nội dung và thẩm quyền trích lập quỹ dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để Ngân hàng Phát triển Việt Nam xử lý hiệu quả nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

Hoàn thiện và quy định rõ nội dung bảo đảm tiền vay theo hướng tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng đầu tư để triển khai hiệu quả dự án đầu tư, nhất là những dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Rà soát các quy định cụ thể về đồng tiền cho vay, bảo đảm phù hợp với quy định của Pháp lệnh ngoại hối và pháp luật có liên quan.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thẩm định lại dự thảo Nghị định nêu trên trước khi Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đề xuất, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường kỷ luật, từng bước thực hiện phân cấp, phân quyền và trách nhiệm cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam gắn với cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát, bảo đảm hoạt động từng bước theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với quy định của WTO; đồng thời sớm tổng kết, đánh giá mô hình hoạt động để kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.


Ngân hàng nào sẽ bị ảnh hưởng “nặng” nhất do Thông tư 06?

Những quy định mới sẽ buộc các nhà băng này hoặc phải giảm cho vay bất động sản, hoặc giảm đáng kể tăng trưởng tín dụng.

Ngày 27/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức sửa đổi Thông tư 06 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng.

Theo đó, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự kiến; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ nguyên 60% đến hết năm 2016 rồi hạ dần.

Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa bàn hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200%, và được áp lộ trình thực hiện từ 1/1/2017.

Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.

Trong một báo cáo mới công bố, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cho rằng, mặc dù thông tư sửa đổi mới đã được nới lỏng so với thông tư cũ được ban hành hồi tháng Hai, nhưng vẫn sẽ có tác dụng tích cực lên tín dụng của các nhà băng bởi thông tư này sẽ hỗ trợ thanh khoản cũng như hạn chế cho vay lĩnh vực rủi ro cao là bất động sản.

"Các quy định mới sẽ giúp tiết chế tăng trưởng tín dụng trong hệ thống, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Lịch sử cho thấy đây là lĩnh vực mang lại rủi ro rất lớn đối với các nhà băng, nhất là trong giai đoạn bùng nổ tín dụng 2008-2011, khi việc rót vốn quá nóng vào lĩnh vực này đã gây ra tổn thất nặng nề cho các ngân hàng", Moody's nhận định.

Cũng theo hãng này, mặc dù tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2015 chỉ còn khoảng 15%, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2008-2011, nhưng NHNN vẫn thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế cho vay đối với lĩnh vực rủi ro này.

Với quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống còn 40%, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có tỷ lệ cho vay dài hạn lớn sẽ phải chậm lại, hoặc chuyển tập trung sang cho vay ngắn hạn. Điều này sẽ có lợi cho thanh khoản của các nhà băng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng sẽ có thể lựa chọn phương án thu hút nguồn vốn dài hạn để cho vay dài hạn, tuy nhiên, theo đánh giá của Moody's, phương án này sẽ khó thành công bởi chi phí vốn sẽ cao hơn trong khi cạnh tranh huy động vốn dài hạn cũng sẽ tăng mạnh.

 

vpbank va vib dang la hai ngan hang co ty le von ngan han cho vay trung va dai han cao nhat. nguon: moody's

VPBank và VIB đang là hai ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cao nhất. Nguồn: Moody's

 

Theo tính toán của Moody's, hiện VPBank và VIB đang là hai ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cao nhất, lần lượt đạt 43% và 40%. "Điều này cho thấy hai ngân hàng này có các chỉ số tương quan giữa tài sản và nợ kém khả quan hơn các ngân hàng khác", Moody's đánh giá.

Trước đó, hồi cuối tháng 3 năm nay, NHNN cho biết, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 34% đối với các NHTM Nhà nước và 36% đối với các ngân hàng cổ phần.

Trong khi đó, theo đánh giá của Moody's thì VPBank và SHB chính là hai ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ quy định mới do tỷ lệ cho vay bất động sản khá lớn. Các chỉ số về vốn đã yếu kém cho thấy chi phí tín dụng của nhà băng tăng trong khi tăng trưởng tín dụng lại hồi phục. Theo đó, những quy định mới sẽ buộc các nhà băng này hoặc phải giảm cho vay bất động sản, hoặc giảm đáng kể tăng trưởng tín dụng.(Bizlive)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục