tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 08-06-2016

  • Cập nhật : 08/06/2016

Chính phủ trả nợ hơn 12 tỷ USD năm 2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016. Theo đó, cơ quan điều hành dự kiến dành 273.300 tỷ đồng (tương đương hơn 12 tỷ USD) để trả nợ năm nay, gồm:trả trực tiếp đã bố trí trong dự toán ngân sách năm (154.000 tỷ đồng), trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại (24.000 tỷ), đảo nợ (95.000 tỷ).

Cũng trong năm nay, Chính phủ có kế hoạch vay 452.000 tỷ đồng, tương đương hơn 20 tỷ USD. Trong đó, khoản vay để bù đắp bội chi là 254.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60.000 tỷ đồng; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43.000 tỷ đồng…

Về nguồn huy động vốn, bên cạnh vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu, vay từ quỹ bảo hiểm xã hội và SCIC, vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA, ưu đãi..., Chính phủ còn giao Bộ Tài chính theo dõi, xem xét điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế để linh hoạt thực hiện huy động 17.000 tỷ đồng thông qua các hình thức khác như: Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong cân đối ngân sách Nhà nước, nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chi thường xuyên tiếp tục tăng cao, từ khoảng 50% tổng chi trước đây lên khoảng 65%. Chi đầu tư phát triển bị giảm từ 30% tổng chi, xuống còn 17%. Với khả năng thu hiện nay, tổng thu ngân sách sẽ không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn bội chi, vốn vay của Chính phủ.

Trong khi đó, nguồn ODA sẽ giảm dần, thay vào đó là các khoản vốn vay với mức ưu đãi thấp hơn, thời hạn vay ngắn và lãi suất cao hơn. Nguồn vay trong nước cũng rất khó khăn. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc chủ yếu dựa vào các tổ chức tài chính của nhà nước, như: các ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội… và cũng đạt kết quả rất thấp.


Cả nước có 88 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ, mức phí và lộ trình tăng phí vẫn cao

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, điều quan tâm nhất hiện nay là mức thu phí và lộ trình tăng phí hiện nay ở một số vị trí, vẫn được đánh giá là cao.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật hiện nay cả nước có 88 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm thu phí, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Có 13 hệ thống thu phí trên các tuyến đường cao tốc, trong đó Bộ GTVT quản lý 12 hệ thống; UBND các tỉnh quản lý một hệ thống.

Trạm thu phí trên tuyến quốc lộ, có 20 trạm cách nhau khoảng dưới 60km. Thứ trưởng cho rằng, mức thu phí và lộ trình tăng phí của một số đơn vị là điều quan tâm nhất nhiện nay.

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý đã huy động được 444.040 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) và thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA (tổng vốn ODA đã ký kết đến nay là 18,64 tỷ USD).

Số tiền huy động từ tư nhân đã triển khai được 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Trong đó có 58 dự án đường bộ với tổng mức đầu tư 185.070 tỷ đồng, đường thủy nội địa có một dự án với tổng mức đầu tư là 1.303 tỷ đồng, hàng hải có hai dự án với tổng mức đầu tư là 230 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lĩnh vực đào tạo với 1 dự án với tổng mức đầu tư là 57 tỷ đồng.

Đến nay, giải ngân vốn tư nhân đạt 121.833 tỷ đồng (chiếm 32,13%) trong tổng nguồn vốn giải ngân giai đoạn này khoảng 397.213 tỷ đồng.

Riêng hai lĩnh vực c đường sắt và hàng không chưa huy động được vốn tư nhân đầu tư.

Các dự án BOT đã rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, đi lại an toàn hơn. Trong khi đó, tổng mức đầu tư và suất vốn đầu tư các dự án BOT sau khi tách riêng chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng là tương tự như các dự án sử dụng vốn Nhà nước.

Để đảm bảo thời gian hoàn vốn đúng chi phí thực tế, tránh thất thoát, Bộ GTVT và nhóm công tác liên ngành đã quy định rõ trong hợp đồng, căn cứ giá trị đầu tư được quyết toán (sau khi đã cập nhật ý kiến của các cơ quan thanh tra, kiểm toán) làm tổng mức đầu tư chính thức để xác định thời gian thu phí hoàn vốn.

BGTVT cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quy trình, nguyên tắc xác định trạm thu phí, mức phí và tham vấn người sử dụng để khắc phục các tồn tại, đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Việc giám sát nguồn thu tại các trạm thu phí cũng là nhiệm vụ quan trọng của Bộ GTVT.


Vì sao NĐT nước ngoài không mặn mà với dự án BOT?

Tính đến nay, chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia trực tiếp dự án BOT tại Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ngại giải phóng mặt bằng.

Nói về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án BOT, đại diện Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia trực tiếp vào dự án BOT ở Việt Nam vì họ sợ giải phóng mặt bằng. Công tác này luôn chậm và vướng nhiều trở ngại.

Lý do thứ hai là vấn đề pháp lý, trong thời gian qua thay đổi đến 4 nghị định, mỗi nghị định quy định phương pháp quản lý khác nhau về dự án BOT. Vấn đề biểu giá và mức phí, hợp đồng do Bộ GTVT ký như giá phí lại do Bộ Tài chính phê duyệt. Do đó, câu chuyện mức phí không có gì chắc chắn, nếu khồng được đồng ý mức phí thì dự án thất bại.

Lý do thứ ba là vấn đề lợi nhuận. Không có nhà đầu tư nào đồng ý mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn dưới 15% bằng USD do họ đánh giá nhiều yếu tố rủi ro. Giữa cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư có xung đột về vấn đề quy định tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ đầu tư bỏ vào dự án.

Lý do thứ tư là vấn đề thanh tra, kiểm tra. Với nhà đầu tư nước ngoài họ chỉ quan tâm 2 việc: tôi ký hợp đồng với Nhà nước và tôi thực hiện theo đúng hợp đồng. Họ rất sợ tranh chấp.

Lý do thứ năm về việc vay vốn. Luật quy định nhà đầu tư nước ngoài không được vay vốn Ngân hàng trong nước, để vay được vốn họ phải chuyển nhượng cho doanh nghiệp trong nước để trở thành nhà đầu tư trong nước. Muốn chuyển nhượng phải xin cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhiều thủ tục trong khi tính thanh khoản vốn đầu tư rất kém.

Theo đại diện của Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án BOT cần:

- Chọn nhà đầu tư: Tổ chức đầu thầu quốc tế từ bước lập dự án đầu tư. Phải là nhà đầu tư mới nghiên cứu được con đường nào, lộ trình nào giải pháp kỹ thuật nào là hiệu quả cao.

- Giải phóng mặt bằng: Nhà nước phải bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng, sau đó có thể xem đó là vốn góp hoặc nhà đầu tư trả tiền lại cho Nhà nước.

- Chính sách: Thay đổi chính sách luật áp dụng, nếu luật mới ban hành không tốt hơn họ có quyền áp dụng luật cũ, nếu luật mới tốt hơn áp dụng luật mới.

- Mức phí: Phải kích thích lòng tham của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư mạo hiểm, phải xác định trước mức giá, khống chế thời gian thu phí tối thiểu nhưng không khống chế tối đa, nếu không thu đủ cho phép kéo dài còn nếu thu vượt nhà đầu tư vẫn được hưởng thời gian thu phí tối thiểu.

- Sau khi dự án đi vào hoạt động nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng dự án. Không xét đến việc chủ mới có đủ tiền mua không, đó là quan hệ kinh tế dân sự.


Chính phủ quyết vượt thu ngân sách năm nay

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016.


Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; duy trì mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn với triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn tín dụng ngoại tệ; chú trọng xử lý nợ xấu thực chất qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Không được giảm thu, kiểm soát chi chặt chẽ

Thủ tướng giao Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế.

Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan và địa phương tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu năm 2016 Quốc hội đã quyết định.

Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô; phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách; không điều chỉnh chính sách làm giảm thu ngân sách. Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đến thu ngân sách để có giải pháp chủ động trong điều hành.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2016 không quá 5% so với số thực thu năm 2016.

Các địa phương chủ động đề ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, liên tục, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 được giao trên địa bàn và tăng tối thiểu 14-16% so với số thực hiện thu năm 2015.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí.

Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan tài chính và cơ quan Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi; kiên quyết từ chối không thanh toán, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đối với kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm của các bộ, cơ quan và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu, trừ các khoản được phép thực hiện theo quy định của pháp luật và trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.

Đồng thời cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương.

Cân đối ngân sách các cấp

Thủ tướng yêu cầu điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Tổ chức điều hành chi ngân sách theo nguyên tắc điều hành ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện công khai minh bạch hơn tình hình sử dụng ngân sách ở các cấp ngân sách, các đơn vị thụ hưởng ngân sách; triển khai cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội.

Quản lý chặt chẽ, trước mắt điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách Trung ương đã bố trí trong dự toán để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...; tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách trung ương để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách trung ương giảm lớn.

Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh... và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán, các địa phương trước mắt tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách địa phương giảm lớn.

Ngân sách trung ương chỉ xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương trong trường hợp thực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương và địa phương đã sử dụng hết 50% dự phòng ngân sách của mình cho bù giảm thu.

Theo số liệu cập nhật của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trong 5 tháng đầu năm ước đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán năm.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán năm.

Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm đã lên tới 70,1 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã đưa ra dự toán thu ngân sách năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, bội chi 254 nghìn tỷ đồng (4,95% GDP). (VNECONOMY)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục