tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 04-06-2016

  • Cập nhật : 04/06/2016

Hóa chất Trung Quốc ồ ạt vượt biên

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu chất phụ gia, hóa chất thực phẩm từ Trung Quốc được “tuồn” qua vùng biên Móng Cái

Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 5-2016, lực lượng chức năng ở vùng biên Móng Cái đã liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu chất phụ gia, hóa chất thực phẩm không nguồn gốc được đầu nậu đưa vào Việt Nam.

luc luong chuc nang tinh quang ninh thu giu hoa chat nhap lau

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ hóa chất nhập lậu

Cụ thể, ngày 25-5, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Móng Cái đã thu giữ 600 kg chất bột tạo màu thực phẩm do Trần Thị Nguyệt (SN 1984, trú tại TP Móng Cái) vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Sau đó 3 ngày (ngày 28-5), tại cơ sở hoạt động trái phép của Đồng Thị Thu Thủy (khu 5, phường Hải Hòa, TP Móng Cái), lực lượng công an thu giữ 1,2 tấn thịt bò đang trong quá trình phân hủy, chuẩn bị được chế biến thành thịt bò khô cùng 250 kg phụ gia đi kèm.

Trước đó, ngày 7-4, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an TP Hạ Long phát hiện trong kho hàng ở khu 2, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long có hơn 4,2 tấn hàng chứa trong các vỏ bao bì in chữ tiếng Anh và Trung Quốc. Chủ kho hàng là Tạ Thị Yến (SN 1975) không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy tờ kiểm dịch số hàng hóa trên.

Theo khai nhận của Yến, số hàng hóa trên gồm các loại bột pha trà sữa, bột chiên, trà chanh, xirô hoa quả, ngô hạt do Yến mua của những tiểu thương ở các chợ tại TP Móng Cái với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg để bán cho các cơ sở giải khát, ăn uống làm sữa trân châu, nước hoa quả và tẩm bột rán trên địa bàn TP Hạ Long...

Cùng với đó, qua đấu tranh, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn sử dụng nguyên liệu, các chất bị cấm, thuốc kích thích tăng trưởng, ủ chín trái cây; các chất phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Đáng lo ngại là hầu hết các loại mặt hàng này đều được “tuồn” qua biên giới mà không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng, không giấy tờ hợp pháp, không qua kiểm dịch.

Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2016 đến nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển các chất phụ gia, hóa chất thực phẩm qua đường biên có chiều hướng gia tăng, phức tạp và rất khó kiểm soát. Ngoài các loại hóa chất để tẩm ướp thực phẩm, giúp thực phẩm tươi lâu, giữ màu, bột tăng trọng tạo nạc cho heo, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh còn phát hiện những lô hàng thực phẩm chức năng nhập lậu, trong đó có bột trẻ em không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Thoại, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, cho biết thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu sử dụng là chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, thuê cửu vạn vận chuyển qua các đường mòn, lối mở dọc theo biên giới đưa vào các khu vực chợ, bến xe, trung tâm thương mại.

Trước diễn biến phức tạp này, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu tăng cường kiểm soát việc lạm dụng hóa chất, phụ gia trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản… Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu các cơ quan của tỉnh tăng cường công tác thanh - kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời nêu tên những cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những sản phẩm không an toàn để người dân được biết và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.(NLĐ)


Nhà máy điện hạt nhân 
Ninh Thuận có thể lùi đến 2027

Thời điểm khởi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể vào năm 2027 hoặc 2028, thay vì 2021 hoặc 2022 
như dự kiến trước đó.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề Diễn đàn quốc tế về công nghiệp hạt nhân lần 8, diễn ra tại Matxcơva (Nga) trong hai ngày 31-5 và 1-6, ông K.B. Komarov - phó tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga - cho biết thông tin trên.

Được biết dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW, đã được Quốc hội VN thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2009.

Theo dự kiến ban đầu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành trong năm 2020. Tuy nhiên, thời gian khởi công dự án đã được dời lại sau năm 2020.


Muốn được miễn giảm thuế xuất nhập khẩu vẫn chưa dễ

Nhiều ý kiến tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 2-6 tại TP.HCM cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

doanh nghiep neu y kien tai hoi thao ngay 2-6 - anh: n.binh

Doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội thảo ngày 2-6 - Ảnh: N.Bình

 

Hội thảo do Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Phân tích một số quy định mới trong dự thảo nghị định, ông Nestor Scherbey - cố vấn liên minh thuận lợi hóa thương mại VTFA - cho rằng các điều kiện miễn trừ quy định trong dự thảo nghị định rất rối rắm, chưa kể để có thể chứng minh đủ điều kiện hưởng các miễn trừ.

Doanh nghiệp phải chịu gánh nặng hành chính phát sinh. Chúng vô tình bỏ qua lợi ích của hoạt động tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời trái với thông lệ quốc tế tốt nhất cũng như xu hướng toàn cầu.

Chẳng hạn, quy định miễn thuế cho hàng nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh và dịch vụ bưu chính có giá trị dưới 1 triệu đồng, nếu giá trị hàng hóa vượt mức quy định trên, hàng hóa sẽ phải chịu thuế cho toàn bộ giá trị lô hàng.

Ông Nestor cho rằng quy định này không phù hợp với những thông lệ quốc tế nhất và trái với quy tắc quy định trong hiệp định thương mại thế hệ mới để tạo thuận lợi thương mại điện tử xuyên biên giới.

Liên quan đến nộp thuế, quy định nộp thuế trước khi thông quan và giải phóng hàng nếu doanh nghiệp sử dụng bảo lãnh ngân hàng thay cho tiền mặt hoặc thanh toán điện tử với khoảng thời gian 30 ngày chỉ tạo chi phí phát sinh thêm cho các doanh nghiệp VN và khiến khả năng tín dụng của doanh nghiệp bị giới hạn, doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi.

Yêu cầu hàng hóa được giải phóng theo bảo lãnh ngân hàng cũng phải chịu các chi phí phát sinh của lãi suất phạt.

Ông Nestor đề xuất không nên tính lãi suất phạt với việc trả chậm theo bảo lãnh ngân hàng, đồng thời giảm các chi phí bổ sung.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bảo - phó tổng giám đốc Công ty Agrivina - cho biết nhiều quy định trong dự thảo mới nếu áp dụng vào thực tế rất dễ tạo ra một loạt diễn biến sau đó gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Lấy ví dụ quy định hàng miễn thuế phải là “vật tư trong nước chưa sản xuất được”, ông Bảo nói bản thân doanh nghiệp đã chịu hậu quả của quy định này.

Gần 20 năm qua doanh nghiệp nhập khẩu nhà kính được miễn thuế, nhưng bất ngờ đến năm 2004, Cục kiểm tra sau thông quan thông báo mặt hàng này trong nước sản xuất được rồi, mà không có văn bản nào làm cơ sở. Họ chỉ nói căn cứ vào mấy công văn của Bộ Kế hoạch - đầu tư và truy thu doanh nghiệp gần 8 tỉ đồng, kể cả tiền phạt.

“Chúng tôi thấy rất vô lý. Thế nhưng khi khảo sát, sản phẩm nhà kính trong nước rất đơn giản trong khi nhà kính mà doanh nghiệp nhập khẩu giá trị hàng triệu USD kèm theo thiết bị tự động, đóng mở mái… Vì vậy, nếu quy định những mặt hàng vật tư trong nước sản xuất được thì cần kèm theo tiêu chuẩn VN, nếu cao cấp hơn mức đó thì doanh nghiệp được nhập khẩu mà không chịu thuế”, ông Bảo đề nghị.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phó tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết ban soạn thảo sẽ chọn lọc và tiếp thu những ý kiến góp ý vào dự thảo nghị định để đảm bảo các quy định cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lẫn ngành hải quan.(TT)


Thủ tướng chỉ thị xây dựng đề án chống đôla hóa

 Ngày 2-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Chỉ thị nêu rõ mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cạnh đó, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia…

Một trong các mục tiêu cụ thể, đó là Thủ tướng yêu cầu xây dựng và tổ chức thực hiện đề án chống đôla hóa trong nền kinh tế, hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với xây dựng thị trường mua bán ngoại tệ phù hợp. Ngoài ra, tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.

Phấn đấu GDP khoảng 6,8%; thu từ xuất nhập khẩu tăng 5%-7%, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững; phát triển hệ thống an sinh xã hội… cũng là những nội dung trong chỉ thị trên.


'Doanh nghiệp đã khổ lắm rồi'

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng việc xây dựng Nghị định về điều kiện kinh doanh cần chú trọng chuyện giảm thiểu, xoá bỏ các điều kiện bởi doanh nghiệp đang chịu khổ với hàng ngàn giấy phép con.

Sáng 3/6, Bộ Tư Pháp đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ ngành về tình hình thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp cho biết hiện còn tới 86 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng cần ban hành trước 1-7.

Trong đó, có 37 nghị định, quyết định quy định chi tiết 16 luật và 49 nghị định quy định về điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, tính đến 2-6, Bộ Tư pháp mới nhận được 68 văn bản, còn 18 văn bản chưa nhận được hồ sơ để thẩm định trình Chính phủ. Có tới 95% các thủ tục hành chính trong các văn bản gửi thẩm định chưa tuân thủ đúng tinh thần Nghị quyết 59 của Chính phủ, nhiều văn bản có chất lượng thấp.

doanh nghiep hien nay dang chiu kho boi qua nhieu cac quy dinh, giay phep con.

Doanh nghiệp hiện nay đang chịu khổ bởi quá nhiều các quy đinh, giấy phép con.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Lê Mạnh Hà cho biết chỉ còn chưa đầy một tháng nữa các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ chính thức có hiệu lực, phía doanh nghiệp đang chờ đợi.

Việc nâng cấp thông tư lên nghị định có nhiều yếu tố phức tạp, nhưng trong quá trình rà soát các bộ ngành nên chú ý tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách giảm thiểu, bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp họ đã rất khổ rồi, điều kiện kinh doanh quá nhiều. Theo Luật Đầu tư, có 267 ngành nghề, giờ phải xem có bao nhiêu điều kiện, chẳng hạn có tới 1.000 điều kiện thì ngồi lại rà soát xuống còn 800 rồi giảm tiếp còn 200. Những điều kiện nào không cần thiết thì phải bỏ hẳn chứ không để nâng cấp thông tư thành nghị định một cách cơ học. Lúc đó sẽ là hành chính hoá, sợi dây trói doanh nghiệp càng chặt hơn" - ông Hà nói.

Theo đó, hàng ngàn giấy phép con, thủ tục hành chính nặng nề chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu, tiêu cực, dẫn đến những chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chịu quá lớn. Ông Hà nhấn mạnh, trong nghị định có 10 điều kiện thì kiên quyết giảm về một hoặc có thể về 0. Tất cả những việc làm này nhằm phá vỡ mọi rào cản kinh doanh, khẳng định tinh thần đổi mới của Chính phủ.

"Đừng nghĩ rằng đơn giản hoá, ít điều kiện kinh doanh là lỏng lẻo. Thà bỏ sót chứ không trói doanh nghiệp chặt thêm. Bỏ sót, sai câu chữ sau này có thể bù vào được chứ không đưa ra quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Tất nhiên những thứ liên quan đến sức khoẻ, sinh mệnh thì cần chú trọng" - ông Hà nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thời gian không còn nhiều trong khi khối lượng rất lớn, công việc sẽ vất vả. Hiện nay còn 11 nghị định chưa hoàn thành nên mong các bộ ngành sẽ phối hợp để kịp tiến độ.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Nội Vụ - Nguyễn Trọng Thừa cho biết có nhiều luật đã ban hành nhưng vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, các quy định cứ rối tung lên, doanh nghiệp rất khó khăn. Ông cho rằng cứ sai sót còn hơn là đưa ra cả ngàn quy định trói chặt doanh nghiệp.

"Đề nghị mời chuyên gia nước ngoài tư vấn giúp thì chi phí rất cao, lên vài chục triệu đồng, trong khi chi phí làm Nghị định chỉ một vài trăm ngàn, thời gian gấp gáp nên chất lượng rất yếu. Hội nhập rồi thì thấy cái gì nước ngoài họ làm hay, làm đúng thì bê về áp dụng luôn chứ sao cứ phải tự mình sáng tạo ra luật làm gì" - ông Thừa nói.

Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự Kinh tế - Nguyễn Thanh Tú cho biết các cán bộ tư pháp đang gặp nhiều khó khăn, "làm ngày làm đêm kể cả cuối tuần" mà khối lượng công việc quá lớn.

"Có tới 267 ngành nghề có điều kiện đầu tư, nếu gộp vào sẽ thành siêu nghị định. Khối lượng công việc rất lớn trong khi các cơ quan được giao rà soát, soạn thảo nghị định làm việc kiểu nước đến chân mới nhảy. Nhiều bộ ngành còn cố tình lồng ghép các yếu tố lợi ích vào nghị định gây khó khăn cho quá trình thẩm định" - ông Tú nêu.

Trên tinh thần rà soát bãi bỏ các thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết, gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng nhiều bộ ngành ít chú trọng.

Ngoài ra, tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ, điều kiện đưa ra chung chung, tăng điều kiện kinh doanh vẫn diễn ra. Ông Tú cho rằng cả Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có thẩm quyền về xây dựng điều kiện kinh doanh ngành khoáng sản. Việc này gây chồng chéo, không thống nhất, khi gửi lên Bộ Tư pháp mỗi đơn vị một điều kiện nên rất khó để kiểm soát.

"Tôi rất quan ngại về chất lượng các nghị định này sẽ ban hành 1-7, nếu không cẩn thận sẽ gây tác hại lớn. Việc sửa đổi nội dung không hề đơn giản. Đến lúc đó, chúng tôi không thể chịu trách nhiệm hết được" - ông Tú nêu.

Ông Nguyễn Phước Thọ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ khẳng định phải làm với tốc độ 10 lần hiện nay mới kịp hoàn thiện 37 văn bản trước ngày 1-7. Không có nhiều thời gian, song ông Thọ khẳng định các bộ ngành không "cơ học" bê nguyên thông tư thành nghị định, vì như thế là đi ngược lại tinh thần đổi mới.

"Đã từng có tình trạng sáng mới nhận được 58 văn bản nhưng do yêu cầu nên chiều tăng lên luôn 85. Chưa bao giờ lại có tình trạng nộp văn bản cơ học đến như vậy. Việc này rất nguy hại, đau đầu… Khi thành nghị định rồi rất khó có thể thay đổi, nếu có sửa cũng mất tới 2-3 năm. Vì vậy các bộ ngành cần phối hợp, rà soát thật sự, tránh chồng chéo" - ông Thọ phát biểu.

Bộ trưởng Tư pháp - Nguyễn Thành Long khẳng định việc ban hành các siêu nghị định này trước ngày 1-7 là một áp lực rất lớn. Tuy nhiên, việc các cơ quan không rà soát mà bê nguyên từ thông tư sang để làm nghị định là kiểu làm cơ học và rất nguy hiểm.

"Xây dựng nghị định mà làm cơ học thì lại đeo thêm một nấc khổ nữa cho phía doanh nghiệp. Thời gian gấp gáp nhưng quyết không để tình trạng nợ đọng văn bản, cóp nhặt từ thông tư sang, dẫn đến chất lượng thấp. Điều kiện kinh doanh phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp" - Bộ trưởng Long nói.

Về tình trạng nhầm lẫn giữa điều kiện đầu tư và tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng nghị định, Bộ Khoa học Công nghệ cần phối hợp với các bộ ngành để hướng dẫn rõ để phân biệt và xây dựng nội dung cho phù hợp.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục