tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 19-04-2016

  • Cập nhật : 19/04/2016

Tội phạm nước ngoài làm giả thẻ ATM

Sau khi ăn cắp dữ liệu của du khách quốc tế, các nhóm đạo chích mang thiết bị, phần mềm vào Việt Nam để làm thẻ giả, rút tiền tại các trụ ATM hoặc máy thanh toán (POS/EDC).
cac the atm gia cua mot nhom lua dao cong nghe cao bi cong an thu giu. (anh do cong an cung cap)

Các thẻ ATM giả của một nhóm lừa đảo công nghệ cao bị công an thu giữ. (Ảnh do công an cung cấp)

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng vừa khởi tố hai nghi phạm người Trung Quốc để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Dùng phần mềm tạo thẻ giả

Tháng 3/2016, sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, Hao Jan Jun và Ping San Shi liên lạc với một người ở Thái Lan qua Internet để tiếp nhận các thông tin, dữ liệu thẻ thanh toán do người này lấy trộm được từ du khách quốc tế.

Hao và Ping dùng phần mềm máy tính kết nối với một máy quẹt thẻ để in dữ liệu lên thẻ trắng, tạo ra một thẻ thanh toán quốc tế giả. Khi đã rút tiền xong, hai người này xóa hết dữ liệu trên thẻ rồi tiếp tục cập nhật thông tin của chủ thẻ khác.

“Cùng một chiếc thẻ, Hao và Ping có thể nhập thông tin, dữ liệu của gần 30 người” - một cán bộ điều tra Phòng An ninh kinh tế (PA81) cho hay.

Chiều 4/4, Hao và Ping sử dụng thẻ thanh toán quốc tế giả để giao dịch tại một máy thanh toán của Công ty TNHH Kỳ Nghỉ Đà Nẵng, qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (Vietcombank).

Tuy nhiên, bộ phận an ninh của ngân hàng này phát hiện nhiều điểm bất thường trong các giao dịch nên báo cơ quan an ninh điều tra kịp thời bắt giữ.

Hao và Ping khai nhận đã thực hiện 28 lần giao dịch để rút số tiền trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, họ chỉ thực hiện thành công 16 giao dịch với số tiền 225 triệu đồng. Theo cơ quan điều tra, do được làm giả tinh vi nên tỉ lệ giao dịch thành công của các loại thẻ giả này đến hơn 50%.

Cảnh báo hệ thống an ninh ngân hàng

Thủ đoạn lấy trộm dữ liệu thẻ cũng đã xuất hiện ở các điểm du lịch tập trung nhiều du khách quốc tế như Đà Nẵng, Hội An hay Nha Trang.

Mới đây nhất, qua hệ thống camera, PA81 Công an TP Đà Nẵng phát hiện một thanh niên gắn chip điện tử tại một trụ ATM nhằm ăn cắp dữ liệu của chủ thẻ. Khi vào gắn chip ở trụ ATM, người này bịt khẩu trang, đeo kính nên hiện PA81 chưa xác định được danh tính.

Trước thực tế trên, cơ quan an ninh điều tra cảnh báo các ngân hàng cần chú ý đến những giao dịch thanh toán bất thường qua máy POS/EDC (máy thanh toán). Nếu trong một thời gian ngắn mà xảy ra quá nhiều giao dịch với cùng một chủ thẻ thì cần kiểm soát ngay.

“Mỗi ngân hàng nên xây dựng một phần mềm quản lý rủi ro. Chỉ có phần mềm này mới phát hiện được các giao dịch bất thường cũng như việc sử dụng thẻ giả” - PA81 cảnh báo.

Theo các chuyên gia bảo mật an ninh, các ngân hàng nên thường xuyên quan sát hình ảnh ghi lại được từ các camera tại mỗi trụ ATM. Trong đó, lưu ý những người đeo kính, bịt mặt, có hành động bất thường khi rút tiền.

Khi phát hiện những thẻ giả bị máy nuốt thì nên báo ngay cho cơ quan công an để truy dấu vết từ các giao dịch khác.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ thông tin về tội phạm thẻ cho các ngân hàng thương mại biết để có phương án đề phòng, đảm bảo an toàn khi thanh toán qua thẻ.

Các ngân hàng thương mại cũng phải thường xuyên cập nhật các phần mềm quản lý rủi ro.

“Trước đây các ngân hàng dùng thẻ từ, dễ bị làm giả. Hiện các ngân hàng thương mại đang chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, có tính năng bảo mật thông tin tốt hơn. Tuy nhiên, do khả năng tài chính có hạn nên việc chuyển đổi phải làm dần dần” - ông Minh nói.


Trung Quốc gom hàng đấy giá heo tăng

Ngày 17-4, giá heo tại các tỉnh miền Đông Nam bộ tăng thêm 1.000 đồng/kg so với tuần trước, lên 52.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay. 

Theo các chủ trang trại, heo tăng giá mạnh do trong vài tháng qua thương lái gom hàng rất mạnh để bán sang Trung Quốc. Toàn bộ heo cỡ lớn, heo mỡ trước đây khó bán nay đã được gom hết và đưa ra phía Bắc.

Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết có những lúc cao điểm, mỗi ngày có khoảng 
2.000-3.000 con heo từ Đồng Nai được đưa sang Trung Quốc.

Theo đánh giá của chủ trang trại, giá heo sẽ còn tăng trong thời gian tới do Trung Quốc vẫn có nhu cầu cao với heo từ VN, trong khi thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi của nông dân.

Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi đang có lời khoảng 1,5-1,8 triệu đồng trên mỗi con heo xuất chuồng (trung bình 100kg).


Bảo hiểm Bưu điện có Chủ tịch mới

Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã bầu ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị PTI.
pho tong giam doc vietnampost, tan chu tich hoi dong quan tri pti nguyen minh duc (thu hai tu phai sang) tai le cong bo quyet dinh bo nhiem can bo va so ket cong tac quy i/2015

Phó Tổng giám đốc VietnamPost, tân Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI Nguyễn Minh Đức (thứ hai từ phải sang) tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ và sơ kết công tác quý I/2015

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông PTI đã thông qua việc từ nhiệm đối với ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PTI. Đại hội cũng đã bầu thay thế ông Nguyễn Minh Đức vào Hội đồng Quản trị.

Năm 2016, PTI đặt kế hoạch đạt 3.000 tỷ doanh thu bảo hiểm gốc, tăng trưởng 22%, cổ tức ở mức 12%.

Tổng công ty cố gắng giữ vững vị trí số 4 về bảo hiểm phi nhân thọ và số 2 về xe cơ giới, tập trung vào công tác quản trị và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tối ưu hóa doanh thu trên từng khách hàng.

Cụ thể, PTI đặt kế hoạch doanh thu từ hợp đồng bảo hiểm năm 2016 đạt gần 3.130 tỷ đồng, tăng 20,9% thực hiện năm trước, lợi nhuận trước thuế đặt kế hoạch gần 171 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đặt kế hoạch 136,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 13,8% và 12,79% thực hiện năm 2015.

Năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm của PTI đạt 2.588 tỷ đồng, tăng trưởng 42%, lợi nhuận trước thuế đạt 198 tỷ đồng, tăng trưởng 141% so với năm 2014.

PTI hiện đứng thứ 4 với chiếm 7,8% thị phần. Tổng tài sản của PTI tăng từ 2.444 tỷ đồng lên 4.246 tỷ đồng (tăng 73,7%), số dư các quỹ tăng từ 1.015 tỷ lên 1.406 tỷ đồng (tăng 38,5%), doanh thu bảo hiểm gốc tăng 43%.

Thị phần xe cơ giới của PTI tiếp tục đứng thứ 2 thị trường, đạt 15,8%, tăng trưởng 54% năm trước.


Quốc lộ 5 đội vốn hơn 3.000 tỷ đồng

Hàng loạt gói thầu phải điều chỉnh tăng giá trị từ 80 - 100% khiến tổng mức đầu tư dự án tăng gần gấp đôi, gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
cau dong tru, mot trong nhung hang muc chinh cua du an quoc lo 5 keo dai - anh: h.g

Cầu Đông Trù, một trong những hạng mục chính của dự án quốc lộ 5 kéo dài - Ảnh: H.G

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong nhiều sai sót tại kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra sau một thời gian dài thanh tra dự án QL5 kéo dài đoạn cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long chỉ hơn 13 km của Hà Nội.
 
Không kiểm soát được chi phí
Dự án được đánh giá đặc biệt quan trọng với giao thông Hà Nội khi gắn kết phía bắc của thủ đô với các tỷnh lân cận, với tổng mức đầu tư ban đầu trên 3.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2005 - 2008. Nhưng đến thời điểm thanh tra vào năm 2014, tất cả các gói thầu đều chưa hoàn thành, chậm tiến độ 6 năm và tổng mức đầu tư điều chỉnh đã tăng thêm hơn 3.100 tỷ đồng (88,6%).
Trong số này, chi phí xây dựng đội lên hơn 2.300 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng tăng thêm 344 tỷ đồng.
“Đến tháng 12.2012, trước khi được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư giá trị các gói thầu trung bình tăng gấp đôi nhưng Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn (gọi tắt là Ban Tả Ngạn) - đại diện chủ đầu tư, không báo cáo UBND TP.Hà Nội”, Thanh tra Chính phủ nhận định và điều này là vi phạm Nghị định 16 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Dù Thủ tướng đã chỉ đạo việc lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được triển khai theo hạng mục nhưng phải đảm bảo khi thực hiện 30% tổng mức đầu tư phải có tổng dự toán được duyệt, tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, Ban Tả Ngạn chưa phê duyệt tổng dự toán trong khi đã ban hành hơn 30 quyết định phê duyệt điều chỉnh các gói thầu với giá trị hơn 4.400 tỷ đồng.
Chính phủ đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể có khuyết điểm sai phạm trong kết luận, đồng thời có biện pháp khắc phục để báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 30/6/2016.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và tổng dự toán cũng có nhiều sai sót. Theo đó, dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng song Ban Tả Ngạn lại thực hiện phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán từng gói thầu để triển khai đấu thầu và ký hợp đồng xây lắp, do vậy, khi tổ chức thực hiện đã không kiểm soát được chi phí đầu tư. Tại kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng đánh giá chất lượng lập dự án còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức, thiếu trách nhiệm.
Công tác khảo sát địa chất bị cho là thiếu cụ thể, thiếu cơ sở khoa học. Nhiều hạng mục không được cập nhật trong báo cáo nghiên cứu khả thi dẫn đến việc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
“Những nguyên nhân trên là cơ bản, làm tăng tổng mức đầu tư từ hơn 3.500 tỷ lên trên 6.600 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Tedi, Ban Tả Ngạn, Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND TP. Hà Nội”, kết luận chỉ rõ.
Sai phạm hàng trăm tỷ đồng
“Lãng phí ngân sách” là từ được kết luận thanh tra nhắc đi nhắc lại khi thanh tra cụ thể tại từng gói thầu một.
Ví dụ tại gói thầu 15A xây dựng tuyến đường Km 15+600 - Km 16+500 do liên danh Công ty Trường An - Tổng công ty CPTM xây dựng - Công ty công trình hàng không trúng thầu với giá gần 130 tỷ đồng. Tại đây, chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng đủ điều kiện thi công từ năm 2009 và 2010, nhưng khối lượng còn lại chậm tiến độ đến tháng 6.2011 kéo theo việc điều chỉnh giá, gây lãng phí hơn 26 tỷ đồng.
Thanh tra cũng không ngại dùng những từ “sai phạm tài chính” đối với dự án này. Tổng số tiền qua thanh tra phát hiện và kiến nghị cần xử lý xấp xỉ 658 tỷ đồng trong đó có 273,6 tỷ đồng đã được khẳng định sai phạm, còn hơn 384 tỷ đồng cần được tiếp tục tính toán để xử lý.
Cụ thể, thanh tra kiến nghị giảm trừ thanh quyết toán đối với điều chỉnh giá dự toán theo tiến độ không đúng quy định ở các gói thầu với số tiền gần 112 tỷ đồng. Giảm trừ và bổ sung dự toán đối với giá trị chênh lệch khối lượng có giá trị phát sinh 80 tỷ đồng. Thu hồi tiền bồi thường hỗ trợ không đúng quy định trên 38 tỷ đồng, còn 38 tỷ đồng khác về hỗ trợ đất nông nghiệp cho các hộ bị thu hồi dưới 30% thì thành phố cần xin ý kiến Thủ tướng để có hướng giải quyết.

Trùm lừa đảo MB24 “ngồi tù” vẫn điều hành công ty đa cấp

Trùm lừa đảo MB24 Vũ Ngọc Thuyển bị tuyên 4 năm tù nhưng vẫn điều hành công ty đa cấp Vietnet.
trum lua dao mb24 vu ngoc thuyen (phai) bi tuyen 4 nam tu nhung van dieu hanh cong ty da cap vietnet. (anh: qdnd/dan tri)

Trùm lừa đảo MB24 Vũ Ngọc Thuyển (phải) bị tuyên 4 năm tù nhưng vẫn điều hành công ty đa cấp Vietnet. (Ảnh: QĐND/Dân trí)

Liên quan đến đường dây lừa đảo Muaban24 (MB24 ), ngày 8/1/2015, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên Vũ Ngọc Thuyển (SN 1976, Lạng Giang Bắc Giang) 4 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, tháng 8/2011, Vũ Ngọc Thuyển được ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến MB24 bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty MB24 - Chi nhánh thành phố Bắc Giang.

Sau đó, Thuyển đã tổ chức tuyên truyền rồi lừa đảo, chiếm đoạt được tổng số tiền gần 170 triệu đồng. Đáng chú ý là mặc dù bị tuyên án từ đầu năm 2015 nhưng đến nay đối tượng này vẫn chưa phải thi hành án.

Ngoài ra, Thuyển còn "nghiễm nhiên" trở thành Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Số 15 phố Đặng Thùy Trâm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Dân trí đưa tin.

Được biết, ngày 21/6/2013, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cấp Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp cho Công ty Vietnet. Vào thời điểm khai sinh Vietnet, Vũ Ngọc Thuyển giữ vai trò Tổng giám đốc. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Thuyển đang bị tạm giam để điều tra.

Ngoài ra, Công ty Vietnet khi bị kiểm tra đã lộ sai phạm tại Hà Nội do kinh doanh đa cấp không phép. Cụ thể, giấy phép của công ty này được cấp lần 1 (3/2014) được phép kinh doanh đa cấp nhưng lần 2 (6/2014) thì không.

Ngoài ra, Công ty này cũng sai phạm trong việc sử dụng trang web để giao dịch thương mại điện tử không phép, nhiều mặt hàng chưa thông báo với Sở Công Thương Hà Nội.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục