tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 24-06-2016

  • Cập nhật : 24/06/2016

Hà Nội: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu đô thị mới Nam An Khánh

UBND Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hoài Đức) và phần mở rộng khu B tỷ lệ 1/500 tại khu đất phía Đông Nam dự án.

phoi canh khu do thi moi nam an khanh

Phối cảnh khu đô thị mới Nam An Khánh

Theo quyết định, dân số đất ở thấp tầng dự án trên tăng nhưng tổng dân số toàn khu đô thị không thay đổi. Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết không làm ảnh hưởng lớn đên tính chất ranh giới, giải pháp quy hoạch kiến trúc và tổ chức không gian của Khu đô thị mới Nam An Khánh, đảm bảo khớp nối đồng bộ về không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật trong Khu đô thị mới.

Về quy hoạch sử dụng đất, theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng khu B, tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, các ô đất tại khu vực phía Đông Nam dự án có chưc năng là đất ở thấp tầng, đất công cộng đơn vị ở, đất cây xanh và đường giao thông với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Cụ thể, đất ở thấp tầng (biệt thự và nhà liền kế) trước đây có tổng diện tích 117.204m2; mật độ xây dựng 39 - 68 %, tầng cao công trình 3 - 4 tầng; số lô 341 lô; số người 918 người. Đất công cộng đơn vị ở có tổng diện tích đất là 6.613m2, mật độ xây dựng 30 - 40 %, tầng cao công trình 3 tầng. Đất cây xanh có tổng diện tích đất 29.275m2. Đất đường giao thông 88.107m2.

Nay điều chỉnh đất ở thấp tầng (nhà ở có sân vườn, nhà liền kề) có tổng diện tích đất 117.204m2, tầng cao công trình 2 - 4 tầng; số lô 798 lô; số người khoảng 2.155 người. Đất công cộng đơn vị ở 4.932m2, mật độ xây dựng 35-40 %, tầng cao công trình 3 - 4 tầng. Bổ sung thêm đất nhà trẻ mẫu giáo 1.681m2, mật độ xây dựng 35 %, tầng cao công trình 3 tầng. Đất cây xanh diện tích là 25.713m2. Đất đường giao thông là 91.669m2.

Các nội dung khác không thuộc nội dung điều chỉnh vẫn giữ nguyên theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị Nam An Khánh và phần mở rộng khu B tỷ lệ 1/500 đã được UBND thành phố phê duyệt.


Thái Lan sợ bị Việt Nam giành mất du khách Hàn Quốc

Mới đây, Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) đã bày tỏ sự lo ngại rằng Việt Nam có thể sẽ giành mất du khách Hàn Quốc từ nước này.

Hiện tại, Hàn Quốc đang là một trong 5 thị trường trọng điểm ở Đông Á của ngành du lịch Thái Lan, còn khách du lịch Thái thì đang là nhóm đông thứ 4 tại Hàn Quốc. Trong năm 2015, có 1,37 triệu lượt khách du lịch Hàn đến Thái, tăng 22%. Trong cùng kỳ, số lượt khách Hàn đến Việt Nam là gần 115.000, tăng 131%.

Bà Siriges-a-nong Trirattanasongpol, giám đốc chi nhánh Seoul của TAT, nhận định Việt Nam có nhược điểm là giá phòng khách sạn bình quân vẫn đang cao hơn Thái Lan do nguồn cung còn hạn chế. Dù vậy, bà vẫn cảnh báo: “Việt Nam sẽ là đối thủ chính của Thái Lan tại thị trường Hàn trong 5 năm tới. Cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam đang phát triển rất nhanh, sản phẩm du lịch có nhiều nét mới lạ, và độ an toàn cho du khách khá tốt. Hơn nữa, Việt Nam còn là điểm đến đầu tư của người Hàn”.

Hiện tại, TAT đang tích cực tạo ra nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hướng tới các đối tượng du khách nữ, gia đình và sự kiện doanh nghiệp. Do việc cắm trại là một hoạt động rất phổ thông với người Hàn, TAT đang tìm cách quảng bá Thái Lan là một điểm du lịch cắm trại cao cấp. Ngoài ra, cơ quan còn đang nghĩ ra nhiều gói hoạt động du lịch mới, chẳng hạn như các lớp dạy võ Muay Thai cho hơn 100 người.

Bà Siriges-a-nong cho rằng Việt Nam đang thu hút nhiều nhóm du lịch sự kiện vì có ưu thế là điểm đến mới, có sẵn nhiều bãi biển. Trong khi đó, chất lượng nhiều điểm du lịch biển của Thái đã xuống cấp trong thời gian gần đây. Ngoài ra, việc Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đánh tụt hạng tiêu chuẩn hàng không Thái đã gây nhiều bất lợi, vì điều này khiến cho các hãng lữ hành không thể thuê các chuyến bay đặt riêng (charter flight).

Mặc dù vậy, TAT vẫn tự tin rằng du lịch Thái Lan mang lại nhiều trải nghiệm vui vẻ hơn so với Việt Nam, và tình hình an ninh tại Thái đang có nhiều cải thiện. TAT dự kiến số du khách Hàn đến Thái sẽ chạm mức kỷ lục trong năm nay là 1,5 triệu, tăng 9,2% so với năm ngoái. Cho tới ngày 31/5, Thái Lan đã thu hút được hơn 619.000 du khách Hàn, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2015.

Theo kế hoạch của TAT, số du khách Hàn đến Thái sẽ tiếp tục gia tăng đều đặn, đạt 1,8 triệu vào năm 2020.


Không nên tính cả bia, rượu, thuốc lá… vào lương tối thiểu

Lương tối thiểu (LTT) sẽ “nóng” trở lại khi mà không lâu nữa Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp bàn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để quyết định mức tăng LTT của năm 2017.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Cẩm (Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may) về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về mức LTT của nước ta hiện nay? Và tại sao LTT lại luôn là vấn đề gây tranh cãi?

LTT luôn là vấn đề được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Có tới 90% nước duy trì hệ thống LTT và sử dụng LTT như một công cụ quan trọng để điều tiết thị trường lao động và để bảo vệ những người lao động lương thấp dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, cách tiếp cận, phương thức xác định, LTT áp dụng chung cho cả nước hay vùng, ngành… giữa các quốc gia lại rất khác nhau.

Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất là xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhu cầu sống tối thiểu được xác định trên cơ sở 1 giỏ hàng hóa lương thực thực phẩm gồm 45 mặt hàng tương ứng với 2.300 Kcalo. Nhu cầu phi lương thực thực phẩm được tính cho 4 vùng với tỷ lệ so với nhu cầu lương thực thực phẩm vùng 1 là 55:45, vùng 2 là 54:46, vùng 3 là 52:48 và vùng 4 là 51:49. Người ăn theo tính theo hệ số 0,7 (1.600 Kcalo/2.300 Kcalo).

LTT áp dụng từ 1-1-2016 tương ứng với 4 vùng là 3,5 triệu đồng, 3,1 triệu đồng, 2,7 triệu đồng và 2,4 triệu đồng. Theo các chuyên gia đánh giá mức LTT này đã đạt 70% tiền lương bình quân tại các vùng ở Việt Nam song lại mới chỉ đạt khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Tuy nhiên LTT xác định theo vùng hiện nay ở Việt Nam chưa hợp lý. Ví dụ các huyện sát nhau như Vĩnh Bảo - Hải Phòng thuộc vùng 1 nhưng huyện Tứ Kỳ - Hải Dương thuộc vùng 3, Ninh Giang - Hải Dương, Thái Thụy, Quỳnh Phụ - Thái Bình lại thuộc vùng 4. Không thể 2 khu vực dân cư cạnh nhau chỉ phân biệt bằng ranh giới hành chính lại có nhu cầu sống tối thiểu vàlương tối thiểu khác nhau lớn như vậy.

LTT đang gây ra khó khăn gì cho doanh nghiệp, thưa ông?

Vấn đề gây áp lực nhất đối với doanh nghiệp là LTT ở Việt Nam dùng làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng các khoản bảo hiểm, khi LTT tăng đương nhiên các khoản trích nộp tăng theo. Trong điều kiện giá sản phẩm gần đây giảm từ 7-10% doanh nghiệp không có khả năng tăng lương cho NLĐ hoặc đầu tư thiết bị, công nghệ mới để tăng năng suất, đầu tư mở rộng... Thu nhập thực tế của đa số người lao động không tăng, thậm chí giảm do bản thân người lao động phải đóng bảo hiểm cao hơn và do giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng theo LTT.

Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu giữa các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. LTT tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất của các DN. DN khởi nghiệp sẽ khó tồn tại để phát triển do các khoản đóng bảo hiểm cao và do phải bù lương cho người lao động trong thời gian đầu. Đầu tư nước ngoài sẽ chuyển đến các nước như Campuchia, Myanmar, Bangladesh… Cơ hội có việc làm đối với lao động ở nông thôn, hiện đang có thu nhập thấp hơn rất nhiều so với mức LTT vùng, sẽ giảm.

Ông có khuyến nghị gì với đợt tăng LTT tới đây?

Tăng LTT phải cân đối giữa chức năng điều tiết thị trường lao động và tăng lương cho người lao động thu nhập thấp của LTT. Hiện nay chúng ta đang tập trung thái quá vào việc tăng lương cho người lao động thu nhập thấp mà ít chú ý đến chức năng điều tiết thị trường lao động của LTT.

Theo tôi tăng LTT phải căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của mỗi nước như khuyến nghị tại Công ước 131 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Cụ thể tăng LTT tại Việt Nam phải gắn với tăng năng suất lao động, mức tăng GDP bình quân đầu người.

Nhìn chung LTT ở nhiều nước có xu hướng tiếp cận với chuẩn nghèo. Hiện tại LTT ở Việt Nam đang bỏ xa chuẩn nghèo mà tiếp cận với lương bình quân (bằng khoảng 70% lương bình quân của người lao động đi làm đủ thời gian tại mỗi vùng). Nếu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu thì mức LTT tại Việt Nam cao gần bằng lương bình quân và đây là điều không hợp lý.

Một điểm nữa, theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu xác định LTT căn cứ vào giỏ hàng hóa lương thực thực phẩm, phi lương thực thực phẩm và người ăn theo, thì nhu cầu của người ăn theo chỉ với hệ số 0,5. Việt Nam tính bằng 0,7, tức là 1.600 Kcalo/2.300 Kcalo là chưa hợp lý, nhất là trong 45 mặt hàng để tính ra 2.300 Kcalo có cả bia, rượu, thuốc lá, cà phê… Không nên đưa những mặt hàng này vào tính LTT.(HQ)


NH Standard Chartered tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường tài chính

Vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tiếp ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc phụ trách nhóm năm nước ASEAN và Nam Á.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là vai trò tích cực của Ngân hàng trong việc hỗ trợ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan làm việc với các tổ chức xếp hạng quốc tế nhằm đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cũng như hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong đợt phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế để hoán đổi nợ vào cuối năm 2014.

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Standard Chartered tiếp tục tăng cường hỗ trợ các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong quá trình làm việc với các tổ chức xếp hạng quốc tế, để giúp các tổ chức này có nhận định toàn diện, khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, tăng cường hình ảnh vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế nói riêng.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Standard Chartered thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin thông qua Bộ Tài chính về diễn biến thị trường tài chính quốc tế, nhu cầu nắm giữ trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành của cộng đồng đầu tư toàn cầu để hỗ trợ Chính phủ cân nhắc, đánh giá các yếu tố thuận lợi và khó khăn trong quyết định tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Ngân hàng Standard Chartered trong việc hợp tác đào tạo nâng cao năng lực và chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, đề nghị Ngân hàng này tiếp tục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô; phương pháp và cách thức triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, giải pháp phát triển thị trường tài chính trong nước và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn của Việt Nam.

Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian đón tiếp, ông Nirukt Sapru đánh giá kỳ hạn trái phiếu quốc tế của Việt Nam đang thu hút được sự chú ý của thị trường, đây là tiền đề quan trọng cho những lần phát hành trái phiếu tiếp theo, là điều kiện để quản lý nợ công một cách hiệu quả.

Ông cũng cho biết Ngân hàng Standard Chartered sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cập nhật, chia sẻ đánh giá về thị trường tài chính quốc tế, phát triển thị trường tài chính trong nước và các vấn đề kinh tế vĩ mô khác(TBNH)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục