tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 12-06-2016

  • Cập nhật : 12/06/2016

TP.HCM: Tín dụng tăng cao nhất 3 năm qua

Tăng trưởng tín dụng thực tế trong 4 tháng đầu năm đạt 4,2%, đây là mức cao nhất trong ba năm qua.

Chiều nay 9/6, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lần đầu tiên trên cương vị mới có buổi làm việc với NHNN chi nhánh TPHCM và Cục Thanh tra và Giám sát ngân hàng tại TPHCM.

Theo NHNN chi nhánh TPHCM, tăng trưởng tín dụng thực tế trong 4 tháng đầu năm đạt 4,2%, đây là mức cao nhất trong ba năm qua. Bốn tháng đầu năm 2015 tỷ lệ này ở mức 3,5%, cùng thời điểm năm 2014 là 0,7% và cùng thời điểm năm 2013 là 1,7%.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, tín dụng tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong những tháng đầu năm nay.

Đặc biệt, thanh khoản của các ngân hàng trên địa bàn đảm bảo, trong đó tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của các TCTD địa bàn đạt khoảng 79-80% theo định hướng của NHTW.

Để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế thành phố, NHNN chi nhánh TP.HCM kiến nghị UBND TPHCM có chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương phối hợp với hệ thống ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ.

Trong đó, vướng mắc nhất hiện nay thủ tục đấu giá, phát mãi tài sản, thủ tục thi hành án kéo dài nhiều năm tốn nhiều chi phí cho ngân hàng xử lý và thu hồi nợ.

NHNN thành phố cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài chính, có giải pháp hỗ trợ các trường học, bệnh viện,… hạch toán phần phí đặt máy chấp nhận thẻ (POS) trong thu học phí, viện phí vào chi phí hoạt động để hỗ trợ việc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực công.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, đánh giá thị trường tiền tệ 5 tháng đầu năm trên địa bàn được kiểm soát tốt và đảm bảo an toàn. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn cần quan tâm cho vay và cung ứng dịch vụ tài chính vào các loại hình doanh nghiệp đang thực hiện các chương trình đột phá giai đoạn 2016-2020 của TPHCM.

“Chi phí POS trả cho ngân hàng trong thanh toán các dịch vụ công, lãnh đạo TPHCM sẽ có nghiên cứu và có thể sử dụng ngân sách chi trả khi chưa có chính sách cho khu vực công hạch toán phần phí này vào chi phí, hoặc NHTM có thể cùng với các trường học, bệnh viện… tìm ra hướng giải quyết đôi bên có thể chấp nhận được” – ông Tuyến gợi ý.

Hiện TPHCM có hơn 2000 điểm giao dịch của các TCTD, tính đến cuối tháng 5/2016 tổng dư nợ cho vay của hệ thống đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động đến nay đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó bộ phận tiền gửi dân cư đạt 883 ngàn tỷ đồng, tăng 7,84% so với cuối năm 2015 và chiếm 53,96% tổng nguồn vốn huy động tổ chức và cá nhân. (TBNH)


Chính quyền “tróc” nợ chủ đầu tư Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương

UBND tỉnh Hải Dương vừa tiếp tục có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương, chủ đầu tư Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương, hoàn trả kinh phí đã tạm ứng từ ngân sách tỉnh để thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng.

Con số không lớn (chỉ hơn 6,7 tỷ đồng), nhưng Jaks Hải Dương đã dằng dai 2 năm qua, chưa hoàn trả ngân sách tỉnh. Trước đây, Jaks đã từng bị Hải Dương đòi khoản nợ trên 200 tỷ đồng cho phần gốc của khoản vay tạm ứng để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương.

Sau khi Jaks Hải Dương vừa hoàn trả khoản nợ này thì vào tháng 7/2014, Hải Dương tiếp tục gửi “trát” đòi khoản nợ mà UBND tỉnh Hải Dương đã tạm ứng ngân sách để giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương đầu tưtheo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), trị giá 9,2 tỷ đồng.

nhiet dien bot hai duong la du an co so phan kha long dong, nhat la trong viec tim kiem doi tac de cung trien khai.

Nhiệt điện BOT Hải Dương là dự án có số phận khá long đong, nhất là trong việc tìm kiếm đối tác để cùng triển khai.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Sở Tài chính Hải Dương, đến hết năm 2015, số tiền thực tế bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án là trên 6,7 tỷ đồng. Số tiền còn lại gần 2,5 tỷ đồng đã được UBND huyện Kinh Môn hoàn trả ngân sách. Như vậy, số tiền mà Jaks phải trả đợt này là trên 6,7 tỷ đồng.

“Công ty Jaks phải khẩn trương hoàn trả khoản tiền này trước ngày 30/6/2016”, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu.

Cũng cần nhắc lại rằng, năm 2013, sau nhiều trát đòi nợ khoản tiền hơn 200 tỷ đồng được gửi đi, đã có nhiều ý kiến về việc chủ đầu tư Dự án gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, sau đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Jaks cho biết, họ không gặp khó khăn về tài chính, mà vấn đề vào thời điểm đó chỉ là chưa tìm được nhà đầu tư để cùng triển khai Dự án.

Cũng phải mất vài năm khất nợ, Jaks mới hoàn thành nghĩa vụ trả khoản nợ cũ trên 200 tỷ đồng. Khoản nợ mới, tính ra cũng đã 2 năm, nhưng Jaks Hải Dương chưa chịu trả, mà chưa biết lý do vì sao.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 8/2011 và chỉ một tháng sau đó, Nhiệt điện BOT Hải Dương đã tiến hành động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi đó, rất nhiều kỳ vọng đã được đặt ra đối với dự án này. Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm trễ triển khai, tới giữa năm 2015, Tập đoàn Jaks Resources Bhd (Malaysia) mới chính thức công bố việc ký thỏa thuận với Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power

Engineering Consulting Group Co. Ltd - CPECC) để phát triển Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, quy mô 1.200 MW.

Theo thỏa thuận, tỷ lệ góp vốn trong dự án này là 50:50. Trong đó, Jaks Power Holding Ltd, công ty con của Tập đoàn Jaks, góp 140,1 triệu cổ phiếu trong Công ty Jaks Pacific Power Ltd (JPP) - công ty đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, với giá là 140,1 triệu USD. CPECC cũng có phần đóng góp tương tự - 140,1 triệu cổ phiếu, với giá 140,1 triệu USD. Để triển khai Dự án, nhà đầu tư sẽ sử dụng 25% là vốn chủ sở hữu, 75% còn lại là vốn vay thương mại.

Sau khi thỏa thuận được ký, cuối tháng 3/2016, Dự án chính thức được động thổ xây dựng. Theo cam kết trong hợp đồng BOT, thì trong vòng 4 năm, Jaks phải hoàn thành việc xây dựng nhà máy, nếu không sẽ bị phạt theo hợp đồng đã ký.

Một dự án phải nói là có số phận khá long đong, nhất là trong việc tìm kiếm đối tác để cùng triển khai. Đây cũng là dự án nhiều lần nhận trát đòi nợ của các cơ quan quản lý nhà nước. Số phận tiếp theo của Dự án đến đâu sẽ còn phải tiếp tục chờ đợi.

Tuy vậy, Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương dù sao cũng đã vào “bệ phóng”. Trong khi đó, nhiều dự án điện BOT khác vẫn đang phải nằm chờ, mà Nhiệt điện Vân Phong 1 là ví dụ điển hình.

Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, được đề xuất từ năm 2006 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao Tổ hợp nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và Hanoinco (Việt Nam) triển khai xây dựng theo hình thức BOT từ năm 2009. Tuy nhiên, sau đó, vì nhiều lý do, dự án này chưa thể triển khai.

Kế hoạch gần đây nhất, Dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch này một lần nữa “phá sản”, với lý do là, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư cũng chưa đàm phán xong hợp đồng BOT với Bộ Công thương.(BĐT)


Thế giới Di động tăng tốc mở rộng hệ thống Điện máy Xanh

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG, sàn HOSE) cho biết sẽ tiếp tục tăng tốc việc mở rộng hệ thống Điện máy Xanh, như một trụ cột tăng trưởng năm 2016.

Theo Thế giới Di động, trong 4 tháng đầu năm, hệ thống Điện máy Xanh đạt doanh thu 3.506 tỷ đồng, tăng 203% so với cùng kỳ năm 2015. Theo đó, mỗi cửa hàng Điện máy Xanh đem về doanh thu 9,3 tỷ đồng/tháng.

Hồi cuối tháng 5/2015, Điện máy Xanh đã khai trương siêu thị thứ 99 tại 194-Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là siêu thị thứ 7 trên địa bàn Thủ đô tính tới thời điểm này. Tính tới đầu tháng 5/2016, Thế giới Di động có 32 siêu thị Điện máy Xanh được khai trương trên toàn quốc và dự kiến tăng lên con số 120 siêu thị vào cuối năm nay.

..

Năm 2016, Điện máy Xanh dự kiến đóng góp 406 triệu USD vào tổng doanh thu 1,508 tỷ USD của Thế giới Di động, chiếm tỷ trọng 37% so với 21% năm 2015, 17% năm 2014, 20,7% năm 2013 và 19,9% năm 2012. Dự kiến năm 2017, doanh thu trung bình của Điện máy Xanh đạt con số 2.000 tỷ đồng/tháng.

Trong khi đó, Thế giới Di động cũng lần đầu tiên tiết lộ về tình hình hình kinh doanh của chuỗi siêu thị mini Bách hóa Xanh, với doanh thu bình quân mỗi cửa hàng trong mấy tháng qua có chiều hướng tăng mạnh.

Cụ thể, trong tháng 2/2016, doanh thu bình quân của siêu thị mini Bách hóa Xanh chỉ đạt 177 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ 1 tháng sau đó, con số này đã tăng lên 264 triệu đồng/tháng. Xu hướng này tiếp tục tăng mạnh, với doanh thu bình quân đạt 426 triệu đồng trong tháng 4 và 696 triệu đồng trong tháng 5/2016.

Thế giới Di động vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mô hình siêu thị mini Bách hóa Xanh trên phạm vi hẹp tại quân Tân Bình (TP.HCM). Hiện tại, Bách hóa Xanh đã có trang web riêng, nhưng vẫn chưa thực hiện việc bán hàng online. Theo kế hoạch, khi Bách hóa Xanh nhân rộng thì Thế giới Di động cũng sẽ triển khai song hình thức bán hàng online và offline.

Tuy nhiên, trao đổi với các nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế giới Di động cho biết, MWG sẽ vẫn chưa có kế hoạch mở rộng mô hình Bách hóa Xanh trong năm 2016 này. “Nếu mô hình thử nghiệm thành công thì năm 2017, Công ty mới tính đến việc mở rộng hệ thống Bách hóa Xanh”, ông Tài nói.

Rõ ràng, với định hướng như hiện nay, trụ cột tăng trưởng của Thế giới Di động vẫn tập trung vào hệ thống Điện máy Xanh. Trong khi đó, Bách hóa Xanh đang được công ty này nuôi dưỡng như một thứ “của để dành” sau khi chuỗi Điện máy Xanh tiếp cận ngưỡng bão hòa.

Những toan tính trên cho thấy, “đại gia” ngành bán lẻ này rất biết cách kéo dài nhịp độ tăng trưởng cao. Theo đó, sau những năm đạt tốc độ tăng trưởng khủng với thegioididong.com, công ty này đang tiếp tục khai thác dư địa với chuỗi Điện máy Xanh và vẫn còn một “món đồ” nữa để dành cho những năm tiếp theo, đó là Bách hóa Xanh.

Với sự bành trướng khá nhanh của thế lực ngành bán lẻ này, vừa qua Mekong Capital đưa ra ước tính giá trị thật của cổ phiếu MWG ở mức 152.000 đồng - cao hơn khá nhiều so với thị giá hơn 90.000 đồng/cổ phiếu MWG hiện nay. Sự tăng trưởng của Thế giới Di động còn được Mekong Capital tóm tắt trong một vài chỉ số quan trọng giai đoạn 2009 - 2015: mạng lưới cửa hàng tăng 61%/năm, doanh số bán hàng tăng 53%/năm, EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) tăng 73%/năm và lợi nhuận ròng tăng 65%/năm. Theo Mekong Capital, Điện máy Xanh sẽ là nhân tố mới ngày càng quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của Thế giới Di động, khi mức đóng góp về số cửa hàng và doanh thu ngày càng gia tăng trên biểu đồ.

Trước đó, một số công ty chứng khoán cũng đã đưa ra giá mục tiêu của cổ phiếu MWG cao hơn đáng kể so với thị giá hiện tại. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa ra giá 97.500 đồng, Công ty Chứng khoán Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) đưa ra giá 99.000 đồng, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra con số 107.000 đồng…


Đồng Nai tổ chức hội nghị đối thoại, gỡ vướng cho các doanh nghiệp Nhật Bản

Ngày 10/6, Cục Hải quan Đồng Nai và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai đã tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh này.
quang canh hoi nghi. anh: sy tuyen/ttxvn

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Ông Lê Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho rằng mục đích của buổi đối thoại là lắng nghe những chia sẻ, những vướng mắc của cộng đồngdoanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, để từ đó lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan, ban, ngành địa phương có các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Đối với các chính sách vĩ mô, Cục Hải quan và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ có các kiến nghị để Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế và Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Cục cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại buổi đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Đồng Nai trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động hiệu quả trên địa bàn.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thắc mắc các vấn đề liên quan đến thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa; những quy định mới về thuế, hải quan; các quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp; đường dây nóng trao đổi và phản ánh thông tin với các ngành...

Tất cả những vấn đề mà doanh nghiệp đặt ra đều được đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và các sở, ban, ngành giải đáp một cách cặn kẽ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng tỉnh luôn thể hiện tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp," nhằm chia sẻ, lắng nghe và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động hiệu quả nhất.

Ông Maeno Kojil, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng qua hoạt động đối thoại, hai bên cùng lắng nghe, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm giải quyết những vướng mắc phát sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và kinh doanh hiệu quả.

Ông Maeno Kojil đề nghị tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tổ chức những diễn đàn như thế này vào thời gian tới.

Theo ông Lê Văn Danh, qua buổi đối thoại này, các sở, ngành trong tỉnh có liên quan sẽ tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, hỗ trợ cơ quan thuế, cơ quan hải quan trong công tác quản lý, và không ngừng cải tiến; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cũng như cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.

Tại buổi đối thoại, Cục Hải quan Đồng Nai và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai đã ký kết văn bản hợp tác, nhằm thiết lập một kênh thông tin trực tiếp giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp để cùng thực hiện tốt các quy định pháp luật liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng cường quản lý nhà nước về hải quan.

Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm 2016, tỉnh Đồng Nai tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn gần 900 triệu USD, đạt gần 90% so với chỉ tiêu của cả năm, chiếm 15% tổng vốn FDI trong cả nước.

Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai 10 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 49,6 triệu USD (chiếm 22,7% tổng số dự án và chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư của các dự án FDI thu hút mới); lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghệ cao.

Hiện Đồng Nai đang xếp thứ 4 trong cả nước về thu hút đầu tư từ Nhật Bản với trên 205 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,7 tỷ USD.


Trở về

Bài cùng chuyên mục