tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 09-06-2016

  • Cập nhật : 09/06/2016

Việt Nam “bắt tay” Hàn Quốc để xây dựng nền tài chính minh bạch

Để xây dựng nền tài chính minh bạch, lành mạnh, nâng cao năng lực phân tích, giám sát tài chính để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam đã “bắt tay” hợp tác với Ủy ban dịch vụ Tài chính Hàn Quốc.

Ngày 7/6, tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, TS Jeong Eun-bo, Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc…

pho thu tuong vuong dinh hue, ts jeong eun-bo, pho chu tich uy ban dich vu tai chinh han quoc chung kien le ky ket

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, TS Jeong Eun-bo, Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc chứng kiến lễ ký kết

Bản ghi nhớ mà hai bên ký kết tập trung vào việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan tới các định chế tài chính trong phạm vi giám sát của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và FSC về mô hình giám sát tài chính và cơ chế hoạt động của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia và FSC theo quy định, pháp luật của mỗi bên.

Biên bản cũng thỏa thuận nội dung và phương thức giám sát (các chỉ tiêu lành mạnh tài chính, xử lý dữ liệu, phân tích và định lượng hóa các tín hiệu của hệ thống tài chính quốc gia, thiết lập các ngưỡng cảnh báo cần thiết); về cơ chế điều phối nội bộ và cơ chế điều phối với các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính…

Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, hiện nay, một trong những trụ cột của chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhằm xây dựng một nền tài chính minh bạch và lành mạnh, hướng đến các thay đổi căn bản trong từng ngân hàng và cả hệ thống.

"Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng đang đẩy mạnh cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng tính cạnh tranh, khả năng chống đỡ rủi ro, tăng cường cơ sở hạ tầng hệ thống, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của các tổ chức kinh tế và công chúng", ông Tuấn nói.

ban ghi nho hop tac nay mo ra co hoi cho uy ban giam sat tai chinh quoc gia cua viet nam tiep can duoc cac nguon luc quoc te

Bản ghi nhớ hợp tác này mở ra cơ hội cho Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia của Việt nam tiếp cận được các nguồn lực quốc tế

Theo ông Tuấn, để thực hiện được những mục tiêu trên thì việc xây dựng khuôn khổ quản trị mới, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về an toàn hoạt động ngân hàng theo Basel II, Basel III, thực hiện thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro và đặc biệt là việc nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan thanh tra, giám sát ngày càng trở nên cấp thiết.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, đánh giá tác động qua lại giữa chính sách kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính.

“Bản ghi nhớ hợp tác này mở ra cơ hội cho Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia của Việt nam tiếp cận được các nguồn lực quốc tế, trong các nỗ lực nâng cao năng lực phân tích và giám sát tài chính nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tham mưu tư vấn cho Thủ tướng”, ông Tuấn nói.


Dừng sắm xe công nếu ngân sách hụt thu

Để đảm bảo ngân sách, ngành thuế - hải quan cũng được yêu cầu phải thu hồi nợ đọng, đảm bảo nợ thuế tới 31/12/2016 không quá 5% số thực thu ngân sách năm 2016.

Những yêu cầu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2016.Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2016 đã được Quốc hội phê duyệt, mức bội chi ngân sách năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Vì thế, Chỉ thị lần này của Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu với các bộ, ngành địa phương phải chủ động điều hành, giữ mức bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định.

thu tuong yeu cau cac dia phuong dung mua xe cong, tai san co gia tri lon neu chua can thiet. anh minh hoa: vo hai

Thủ tướng yêu cầu các địa phương dừng mua xe công, tài sản có giá trị lớn nếu chưa cần thiết. Ảnh minh hoạ: Võ Hải

Đối với ngân sách địa phương, trường hợp dự kiến thu (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm lớn so với dự toán, các địa phương tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng để chủ động xử lý. Trường hợp nếu xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán được giao (như mua sắm ô tô công, tài sản có giá trị lớn chưa cần thiết...).

Theo số liệu từ Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), mỗi năm cả nước mua sắm khoảng 1500 xe công, hiện tổng số xe ô tô của các cơ quan hành chính sự nghiệp công lập, tổ chức (chưa bao gồm xe của lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp Nhà nước) là 37.960 chiếc. Cả nước hiện dôi dư khoảng 7.000 xe công nhưng chưa có hướng xử lý, do tới nay cơ quan này chưa nhận được văn bản báo cáo kết quả rà soát và đăng ký mua sắm tài sản công, trong đó có xe ô tô từ phía các bộ, ngành địa phương.

Tương tự, ngân sách trung ương cũng được sử dụng 50% nguồn dự phòng đã bố trí trong dự toán để xử lý các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh. Đồng thời, tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách trung ương giảm lớn.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản nhà nước… “Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nộp ngân sách đầy đủ. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ”, chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Đến hết quý III/2016, trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế xã hội - ngân sách Nhà nước và dự báo giá dầu thô cả năm, Bộ Tài chính phải tính toán tác động của việc giá dầu giảm đến ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương.


“Chưa bao giờ TPHCM xin trung ương tiền, chỉ xin cơ chế”

"Chưa bao giờ TP xin trung ương tiền, chỉ xin cơ chế. Mà xin cơ chế cũng vô cùng chật vật, khó khăn”, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM nói.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng khẳng định như vậy tại buổi làm việc giữa Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội với TPHCM chiều 7-6. Tham dự có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan.

Trưởng đoàn công tác là Trưởng ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

"Chưa bao giờ TP xin trung ương tiền, chỉ xin cơ chế. Mà xin cơ chế cũng vô cùng chật vật, khó khăn”, bà Thắng nói.

Bà dẫn chứng việc thoái vốn của các DN nhà nước thì TP cũng hết sức cân nhắc vì TP chỉ xin những DN do mà TP đầu tư nhiều công sức và tâm huyết.

Trước đó ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội đưa ra ý kiến cho rằng TPHCM muốn thành công thì trong các đề xuất cần tránh việc xin tiền trung ương và xin giữ lại tiền từ việc thu ngân sách.

“TP Thâm Quyến (Trung Quốc) họ thành công là vì được có cơ chế, chứ không phải xin tiền trung ương hay xin giữ lại tiền từ việc thu ngân sách”, ông Quang nói.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khẳng định, TP xin cơ chế đặc biệt là để tạo cái bánh to hơn, để nộp về cho trung ương được nhiều hơn chứ không phải là xin giữ lại cho mình nhiều hơn.

Theo ông Thăng, các TP như Thâm Quyến, Thượng Hải đều có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách, TPHCM thì chắc là khó, nhưng TP sẽ kiên trì đề xuất.

“TP đang tập trung phối hợp với các cơ quan trung ương, các chuyên gia để xây dựng cơ chế để làm sao TP được mặc một chiếc áo vừa”, ông Thăng nhấn mạnh.


NHNN: Mong muốn tiếp tục được JICA hỗ trợ triển khai các Dự án

Ngày 7/6, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã tiếp xã giao ông Yasou Fujita, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thống đốc chào mừng ông Yasou Fujita tới thăm và làm việc với NHNN Việt Nam và chúc mừng ông được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam (từ tháng 3/2016).

Thay mặt NHNN, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình, thiết thực, kịp thời của Chính phủ Nhật Bản cũng như Cơ quan hợp tác quốc tế JICA dành cho NHNN trong suốt những năm qua.

Thống đốc khẳng định, các dự án hỗ trợ kỹ thuật của JICA đã góp phần giúp NHNN tăng cường năng lực trong các lĩnh vực quan trọng như phát triển nguồn nhân lực, thanh tra giám sát và những lĩnh vực đặc thù như phát hành kho quỹ, in tiền.

Ông Yasou Fujita cảm ơn sự tiếp đón thân tình của Thống đốc NHNN đối với đoàn công tác của JICA. Đồng thời, đánh giá cao những thành tựu về kinh tế mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của NHNN trong việc điều hành CSTT, giúp hệ thống NH Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Ông Fujita cũng tin tưởng các Dự án hợp tác hỗ trợ của JICA dành cho NHNN sẽ tạo ra những thành quả thiết thực và thành công như mong đợi.

Hiện, JICA đang tích cực hỗ trợ NHNN triển khai các dự án: Chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực; Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu Ngân hàng Việt Nam và Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cho NHNN trong lĩnh vực sản xuất mực in tiền.

Về các dự án tín dụng đầu tư, JICA cũng đã ủng hộ tích cực cho Việt Nam thông qua việc tài trợ thực hiện 3 giai đoạn của Dự án tài trợ DNNVV; đồng tài trợ một số chương trình mà Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, đối với các Dự án đã và đang được triển khai, NHNN đã luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, kịp thời, nhanh chóng, sẵn sàng hợp tác của JICA thông qua việc cử các chuyên gia, cán bộ làm việc với NHNN khi đề xuất ý tưởng để xây dựng dự án.

Thống đốc đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình, nhanh chóng, quý báu của JICA và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của JICA nói chung và cá nhân ông Fujita nói riêng trong quá trình vận động và triển khai đối với các dự án.


Đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 (Tổ công tác) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn phòng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác. Bộ phận giúp việc Tổ công tác gồm cán bộ của các Bộ, cơ quan nêu trên, mỗi Bộ, cơ quan cử 2 người.

Tổ công tác có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai giải ngân; kiến nghị giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; định kỳ hàng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào các tháng cuối Quý.

Thành viên Tổ công tác có nhiệm vụ chủ động rà soát, xử lý những khó khăn vướng mắc trong việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ; đồng thời, tổng hợp các vấn đề vượt thẩm quyền, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp chung.   

Cơ quan thường trực Tổ công tác có trách nhiệm tổng hợp và điều phối chung các hoạt động của Tổ công tác.

Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục