tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 09-03-2016

  • Cập nhật : 09/03/2016

Đầu tư xây mới 7 cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống

Tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, với các mạng lưới giao thông khung với hàng chục dự án, trong đó có 7 cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống
cau dong tru - ha noi

Cầu Đông Trù - Hà Nội

Sáng 7/3, Bộ GT-VT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; đảm bảo trật tự, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tham dự Hội nghị.

Thời gian qua cơ sở hạ tầng giao thông của Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cải thiện đáng kể ùn tắc giao thông. Các công trình giao thông được đầu tư đã góp phần giảm tải áp lực giao thông, từng bước hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn cũng như tăng cường kết nối giao thông với các tỉnh thành phố. Tuy nhiên, thực tế đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Hạ tầng thiếu đồng bộ, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông đang là vấn đề mà Hà Nội cần tập trung giải quyết.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, vận tải hành khách công cộng vẫn ở mực thấp, mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, phương tiện cá nhân tăng nhanh, ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt. Công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa được kiên quyết…

Để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GT-VT đầu tư các hạng mục trọng điểm thuộc mạng lưới hạ tầng giao thông khung, với 65 dự án, kinh phí thực hiện hơn 400.000 tỷ đồng.  

Theo kế hoạch, phía Bộ GT-VT đầu tư hai cầu bắc qua sông Hồng là cầu Việt Trì-Ba Vì và cầu Mễ Sở; UBND phố Hà Nội đầu tư xây dựng 5 cầu qua sông Hồng và 2 cầu qua sông Đuống.

Thành phố Hà Nội cũng đề xuất với Bộ GT-VT phối hợp với thành phố thuê tư vấn có năng lực, kinh nghiệm lập quy hoạch chi tiết về vận tải hành khách công cộng, vận tải thủy nội địa, quy hoạch kết nối vận tải đa phương thức… tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị đang thi côn, nhất là tuyến Cát Linh- Hà Đông.


"Kho báu núi Tàu cách biển chỉ vài chục mét"

dinh nui tau dang duoc hoan tho, san lap cac ho dao va nhung ho danh min nham nho. anh: p.nam

Đỉnh núi Tàu đang được hoàn thổ, san lấp các hố đào và những hố đánh mìn nham nhở. Ảnh: P.NAM

Người đàn ông vừa xuất hiện cho rằng “kho báu” núi Tàu được chôn ở ba vị trí chứ không phải trên đỉnh núi như thông tin trước đây.Sự thật kho báu dưới cây sanh cổ 14 tỷ ở HuếNgười dân trình báo phát hiện 'kho báu núi Tàu' chứa vàng

“Đúng là có việc một người đàn ông vừa trình báo cho chính quyền xã Phước Thể về ba vị trí của “kho báu” núi Tàu.

Sở VH-TT&DL đang chờ báo cáo của UBND xã Phước Thể để xem xét trình UBND tỉnh” - ngày 6-3, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận, Tổ trưởng Tổ giám sát dự án thăm dò, khai thác tài sản nghi bị chôn giấu ở núi Tàu, xã Phước Thể, Tuy Phong, cho biết.

“Kho báu không nằm trên đỉnh núi”

Ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Phước Thể, thông tin thêm:

Sáng 4-3, một người đàn ông (giấu tên) cư ngụ tại TP.HCM đến trụ sở UBND xã trình báo về việc mình có đầy đủ tài liệu, hồ sơ về “kho báu” núi Tàu (theo dư luận là chứa 4.000 tấn vàng do quân đội Nhật Bản chôn giấu sau Thế chiến thứ hai).

Người này khẳng định hàng chục năm qua nhiều người đã sai lầm khi tập trung khai thác “kho báu” trên đỉnh núi Tàu.

Kỳ thực thì số lượng vàng khổng lồ được chôn giấu cách núi Tàu khoảng 1 km, có ba địa điểm và chỉ cách biển Phước Thể vài chục mét.

“Khi đi thực địa cùng tôi và đại diện công an, tư pháp xã, người này chỉ ra ba vị trí và cho biết “kho báu” được chôn ở độ sâu từ 7 đến 10 m, nằm dưới lớp bê tông dày khoảng bốn tấc.

Chúng tôi chỉ ghi nhận vì không có phương tiện kiểm tra. Riêng cá nhân tôi thì thấy chuyện này viển vông quá!” - ông Long chia sẻ.

Hơn 20 năm tìm kiếm ròng rã

“Kho báu” núi Tàu từng được ông Trần Văn Tiệp (ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) đeo đuổi hàng chục năm qua. Từ năm 1993 đến tháng 3-2015, ông Tiệp được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép và gia hạn nhiều lần để thăm dò “kho báu” nhưng không có kết quả.

Ngoài ông Tiệp, còn có ít nhất hai người nữa cho rằng mình đang nắm trong tay “mật đồ” của “kho báu”.

Cụ thể, ông Lê Văn Hiền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận ngày nay), từng khẳng định vào năm 1987 ông đã có một số bằng chứng về việc quân đội Nhật chôn giấu kho báu tại núi Tàu trước khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Năm 1976, tỉnh Thuận Hải đã cho thợ lặn ra Cù Lao Câu cách núi Tàu hơn 3 hải lý tìm những con tàu Nhật Bản đắm dưới biển.

Kết quả những con tàu đắm ở vùng biển này đều rỗng ruột nên họ tin rằng sau khi bốc vàng lên đất liền, những con tàu vận chuyển được đánh đắm để giữ bí mật.

Với niềm tin như vậy, từ năm 2001 đến 2003, ông Hiền và ông Tiệp bắt tay nhau để biến ước mơ về “kho báu” thành sự thật nhưng đều thất bại.

Ngoài ra, tấm mật đồ “kho báu” còn có thêm một dị bản khác của anh TVA ngụ thị trấn Liên Hương (Tuy Phong).

Theo anh A., cha của anh là trung đội trưởng lính bảo an từng nhận lệnh dẫn trung đội của mình bảo vệ cho nhóm người Mỹ đổ bộ bằng trực thăng xuống núi Tàu tìm “kho báu” vào năm 1971.

Đặc biệt, ông nội của ông từng là công nhân gác ghi của đề-pô xe lửa Vĩnh Hảo đã phát hiện ánh đèn sáng rực suốt 18 đêm trên đỉnh núi Tàu vào năm 1943.

Sau đó cả ông nội và người cha đã dẫn anh A. lên đỉnh núi Tàu để tự vẽ lại tấm bản đồ vị trí “kho báu”. Thật kỳ lạ là tấm bản đồ này gần như trùng khớp với vị trí khai thác chính và những tài liệu mà ông Tiệp có được.

Tuy nhiên, khi anh A. đề nghị trao tấm bản đồ, đổi lại anh được chia một phần “kho báu” thì ông Tiệp kiên quyết khước từ.

Đến nay anh A. vẫn cho rằng vị trí ông Tiệp đào là đúng nhưng cửa hầm sai bét do không căn cứ vào tấm bản đồ ba thế hệ của anh ta.

Những tưởng sau hàng chục năm dò tìm không kết quả, “kho báu” núi Tàu sẽ chìm vào quên lãng. Nhưng với thông tin mà người đàn ông cung cấp ngày 4-3, một lần nữa câu chuyện “kho báu” núi Tàu lại nóng lên và chưa biết bao giờ kết thúc!

Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Thuận, cho biết số tiền ông Tiệp ký quỹ 500 triệu đồng đang được dùng vào việc hoàn thổ, san lấp các hố đào và những hố đánh mìn nham nhở trên đỉnh núi Tàu.


Thủ tướng bổ nhiệm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ nhiệm ông Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ông Đặng Nguyên Anh tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (1983), được Đại học Tổng hợp Brown, Hoa Kỳ cấp bằng Thạc sỹ (1994) và Tiến sỹ xã hội học (1997).

Ông Đặng Nguyên Anh được Hội đồng Học hàm Giáo sư nhà nước bổ nhiệm là phó giáo sư và nghiên cứu viên cao cấp năm 2006 với chuyên môn sâu là an sinh xã hội, di đân và tái định cư.

Trong những thập niên vừa qua, ông giữ vai trò là điều phối viên quốc gia, chủ nhiệm nhiều dự án và làm chuyên gia tư vấn cho các dự án trong lĩnh vực xã hội học, dân số, sức khỏe, và an ninh con người.

Ông Đặng Nguyên Anh từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Tổng biên tập tạp chí Xã hội học; Viện trưởng Viện Xã hội học.


Thu nhập hai nơi vẫn được ủy quyền quyết toán thuế

Thay vì phải đến cơ quan thuế để quyết toán thuế, người lao động có thu nhập hai nơi vẫn có thể ủy quyền cho tổ chức mà người lao động chuyển đến để quyết toán thuế...
anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

<p block-feature-1"="">

Trong văn bản hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2015 vừa được Tổng cục Thuế ban hành, một trong những điểm mới là thay vì phải đến cơ quan thuế để quyết toán thuế, người lao động có thu nhập hai nơi vẫn có thể ủy quyền cho tổ chức mà người lao động chuyển đến để quyết toán thuế thay đối với cả phần thu nhập mà tổ chức cũ chi trả, nếu trong năm người lao động không có thêm thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nào khác.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong hướng dẫn này có một điểm chưa rõ ràng, đó là quy định trường hợp có số lượng lớn người lao động ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền, đồng thời cam kết tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu, nội dung trong danh sách.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia cho rằng khi ký ủy quyền quyết toán thuế cho doanh nghiệp, các cá nhân đã cam kết về tính chính xác nên không cần quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, với quy định này, nhiều doanh nghiệp sẽ không nhận ủy quyền bởi sợ liên lụy trách nhiệm.


4.000 tỷ đồng xây bến xe Miền Đông mới

Rộng hơn 16 hecta, bến xe Miền Đông mới nằm trên địa bàn TP HCM và Bình Dương sẽ là khu phức hợp hiện đại và đầu mối giao thông quan trọng.

Theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vừa được UBND TP HCM phê duyệt, bến xe Miền Đông mới có diện tích hơn 160.000 m2 nằm ở phường Long Bình, quận 9, TP HCM (chiếm hơn 3/4 diện tích) và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (gần 1/4 diện tích).Công trình gồm bốn khu A, B, C, D; trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích hơn 122.000 m2 (chiếm hơn 76% tổng diện tích); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).

so do vi tri xay dung ben xe mien dong moi. 

Sơ đồ vị trí xây dựng bến xe Miền Đông mới. 

Tổng công ty TNHH một thành viên Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) - chủ đầu tư dự án bến xe Miền Đông mới và cũng là đơn vị lập quy hoạch - cho biết bến xe Miền Đông mới là một tổng thể khu vực liên hợp nhiều công trình phục vụ đa chức năng, đáp ứng nhu cầu của hành khách và hoạt động dịch vụ của bến xe; là đầu mối vận chuyển hành khách đa hướng tuyến, quy mô lớn, đáp ứng được định hướng phát triển trong tương lai.

Dự kiến bến xe miền Đông mới sẽ kết nối với các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Hành khách từ các tỉnh về đến bến xe này có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng, metro để vào trung tâm thành phố hoặc về các quận huyện vùng ven; cũng như có thể đi Bình Dương, Đồng Nai...

Theo đánh giá của UBND thành phố, dự án xây dựng Bến xe Miền Đông mới là công trình đầu mối giao thông quan trọng tại cửa ngõ Đông Bắc và là một trong các hạng mục được ưu tiên thực hiện trong chiến lược phát triển giao thông vận tải TP HCM.

Trước đó, hồi tháng 9/2014 UBND TP HCM đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bến xe Miền Đông hiện hữu (phường 26, quận Bình Thạnh), diện tích hơn 62.600 m2, thành khu vực tái thiết đô thị. Cụ thể, khu A với chức năng chính là đầu mối trung chuyển hành khách nội đô và khu B là trung tâm thương mại - dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục