tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 05-06-2016

  • Cập nhật : 05/06/2016

Hà Nội mời gọi đầu tư 52 dự án giá trị 16 tỷ USD

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) ở 52 dự án và tổng mức đầu tư 338,725 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD).

Sáng nay (4.6), UBND TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2016 - hợp tác đầu tư và phát triển”. Đây là hội nghị về doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội nhằm khẳng định cam kết của Hà Nội tại Hội nghị “Doanh nghiệp - động lực phát triển kinh tế của đất nước” được Thủ tướng Chính phủ chủ trì trước đó.

ong nguyen duc chung keu goi cac nha dau tu tham gia dau tu theo hinh thuc ppp o 52 du an. (anh: anh quy)

Ông Nguyễn Đức Chung kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư theo hình thức PPP ở 52 dự án. (Ảnh: Anh Quý)

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - cho biết: “Quan điểm đầu tư của TP là kết nối với nguồn đầu tư của ngân sách Trung ương trên địa bàn, ngân sách TP chỉ tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung; những dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có tính chất lan tỏa; những dự án chỉ Nhà nước tham gia quản lý như an ninh, quốc phòng. TP đặc biệt coi trọng và kêu gọi đầu tư xã hội xã hội theo nhiều hình thức”.

Trước gần 500 doanh nghiệp, ông Chung đã nêu hai danh mục các dự án Hà Nội dự kiến đầu tư:

Thứ nhất là danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) giai đoạn 2016-2020. Theo đó, TP giới thiệu 52 dự án và tổng mức đầu tư 338,725 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD). Trong đó chỉ tính lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật với 35 dự án về đường sắt đô thị, dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 331 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai là, danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa với tổng số 43 dự án, có mức đầu tư dự kiến là 372,25 nghìn tỷ đồng. Mức đầu tư lớn của các dự án xã hội hóa thuộc về lĩnh vực nhà ở (316 nghìn tỷ đồng) và hạ tầng xã hội (36 nghìn tỷ đồng).

Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội đã đưa ra lời cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện.

Ngay tại hội nghị, UBND TP.Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai 7 chương trình an sinh với sự tham gia của 16 đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tập trung vào các lĩnh vực như: Cây xanh, môi trường, y tế ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, nước sạch nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận thông tin, an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.


Ông Trương Gia Bình: Việt Nam theo kịp cách mạng số hay bị bỏ rơi như các cuộc cách mạng trước

Khi thế giới thực và thế giới ảo là một thì các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp số, các tổ chức cũng theo công nghệ số như có ngân sách số và thậm chí cả công dân số, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT chia sẻ.

Mở đầu phiên 1 với chủ đề Kinh tế số, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam ngày 3/6, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT cho rằng, năm 2016 được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp mạnh mẽ và khởi nghiệp thành công trong môi trường chuyên nghiệp là điều kiện cần để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp.

Ông nhấn mạnh: “Doanh nghiệp lớn mạnh về số lượng và chất lượng để nắm bắt cơ hội và tạo động lực chủ yếu phát triển kinh tế số trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Các công ty Start-up sẽ góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp để thay đổi vị thế và tăng trưởng Việt Nam trên toàn thế giới”.

Theo ông Bình, nền kinh tế số đang gợi mở cả thách thức và cơ hội với doanh nghiệp như: Vận dụng sức vươn của Internet vào phục vụ cộng đồng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế qua công cụ ảo; Đưa những định hướng phát triển và cơ chế quản lý dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng thông thoáng vào cuộc sống và kinh doanh; Chủ động và sáng tạo nâng cấp nguồn lực trong nắm bắt cơ hội kinh doanh có được từ chính sách vĩ mô cởi mở, nền tảng công nghệ không ngừng nâng cấp.

ong truong gia binh tai dien dan kinh te tu nhan viet nam ngay 3/6

Ông Trương Gia Bình tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam ngày 3/6

Ông Bình nêu vấn đề và nhấn mạnh, khi thế giới thực và thế giới ảo là một, các tổ chức và doanh nghiệp trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số, ngân sách số thậm chí là công dân số. Uber doanh nghiệp không có hệ thống bãi đỗ, không taxi nhưng là doanh nghiệp vận tải taxi lớn nhất thế giới. Một doanh nghiệp không sở hữu khách sạn nào nhưng có trong tay dịch vụ cho thuê khách sạn nổi tiếng thế giới. Ước tính, 10% của nhân loại sẽ mặc quần áo kết nối với internet, ở Mỹ 10% xe ô tô sẽ không có người lái.

Chủ tịch FPT nêu dấu hỏi, liệu Việt Nam có theo kịp cuộc cách mạng số hoặc bị bỏ rơi như các cuộc cách mạng trước trong khi Việt Nam là nước có thế mạnh để theo cuộc cách mạng số.

Thị trường mở rộng, nhu cầu đa dạng trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là khi TPP và EVFTA có hiệu lực; Sự chuyển dịch sang nền kinh tế số đòi hỏi cả sự lớn mạnh của một hệ sinh thái có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp mới tham gia vào nền kinh tế Internet cũng như những tương tác, gắn kết giữa nền kinh tế Internet với nền kinh tế truyền thống.

Một nền kinh tế kỹ thuật số là một nền kinh tế ‘kết nối’ phổ biến và toàn diện mà hệ quả là sự tiếp cận Internet giá rẻ ở khắp mọi nơi; Khuyến khích, hỗ trợ thông qua những chính sách và biện pháp cụ thể dành cho ngành dịch vụ công nghệ thông tin, các dịch vụ liên quan, ứng dụng công nghệ số vào giáo dục, sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Ông Bình cho rằng, nhằm tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế số, doanh nghiệp trong ngành lựa chọn định hướng là: Tạo ra ý tưởng đột phá- khởi nghiệp, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp để phát triển nền kinh tế số theo hướng bền vững như: dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung số, cơ sở dữ liệu tri thức số, mạng xã hội. Đồng thời tạo môi trường văn hóa trao đổi, thảo luận cũng như văn hóa kinh doanh, văn hóa công nghệ thông tin.

Theo lãnh đạo FPT, cần xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng khả năng truy cập vào mạng băng rộng với chi phí hợp lý và dễ tiếp cận là cơ sở để tạo tiền đề phát triển các ứng dụng trực tiếp và gián tiếp cho phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển đội ngũ khoa học và kỹ thuật vững chắc, được phát triển bằng nội lực cốt lõi, khác biệt, không có tính chất sao chép và có khả năng phát triển dịch vụ và kỹ thuật phục vụ cho kinh tế số.

Ông Bình cũng cho rằng, để đảm bảo cho thành công của chương trình quốc gia khởi nghiệp, khuyến nghị tạo môi trường thuận lợi, rút ngắn thời gian và chi phí đăng kí doanh nghiệp, chính thức hóa sử dụng các hồ sơ chứng từ hóa đợn điện tử, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp

Theo ông, nên tạo nên môi trường Start up, vườn ươm doanh nghiệp và các hệ sinh thái hỗ trợ để trở thành nền tảng cho một nền kinh tế số thuận lợi và lan tỏa rộng qua Internet. Chủ động, sáng tạo mở rộng thị trường dịch vụ kinh tế số vượt xa biên giới quốc gia trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng để đem lại nguồn lực cho đất nước…

Ông Bình cũng kiến nghị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển Start – up phục vụ cho các thủ tục doanh nghiệp và số hóa qui trình quản lý điện tử; tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho kinh tế và xã hội, sẵn sàng với cuộc cách mạng số là nguồn sáng tạo ra các giá trị cho xã hội; xúc tiến kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế; xây dựng mạng lưới doanh nghiệp và Hiệp hội tiên phong trong hệ sinh thái khởi nghiệp; đổi mới giáo dục và đào tạo trong gia đình; kết nối mạng lưới Việt Kiều trên toàn thế giới hỗ trợ Start – Up…

Khuyến nghị với các tổ chức, đối tác quốc tế: Hợp tác với các quốc gia có tinh thần khởi nghiệp; kết nối Việt Nam với các chương trình, quốc gia khởi nghiệp; hợp tác với các vườn ươm và trường đại học quốc tế nước ngoài; và thiết lập kết nối với các tổ chức quốc tế (World Bank, AFC, ADB,…) vừa tài trợ và vừa làm về chính sách, khuyến khích các tập đoàn lớn thế giới mở các phòng thí nghiệm tại Việt Nam tạo ra cuộc cách mạng số đang thay đổi toàn bộ thế giới Việt Nam đang có thách thức và cơ hội lớn.(NĐH)


“Mở hết cỡ” để dân mua bảo hiểm

Số liệu tại cuộc họp trực tuyến cho thấy có tới 23% dân số chưa có bảo hiểm y tế (BHYT) và trên 75% chưa có bảo hiểm xã hội (BHXH), trong khi đây là xương sống của chính sách an sinh xã hội.

Trước mắt trong năm 2016, Thủ tướng chấp thuận dành 450 tỉ đồng kết dư BHYT 2015 để hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT theo hướng hỗ trợ thêm 30% mệnh giá thẻ (bên cạnh 70% hỗ trợ từ ngân sách nhà nước), tăng hỗ trợ cho học sinh - sinh viên thêm 10-20% mệnh giá thẻ, ngoài 30% từ ngân sách như trước đây.

Tại cuộc họp, đại diện TP.HCM cũng cho biết sẽ dành ngay 15 tỉ đồng hỗ trợ mua thẻ cho người cận nghèo và học sinh - sinh viên của TP.

Khách mua bảo hiểm... chưa phải khách hàng

Đề cập những rắc rối mà người mua bảo hiểm phải chịu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói khi đi khảo sát các cơ sở y tế, ông thấy bệnh nhân BHYT vẫn bị phân biệt đối xử so với bệnh nhân chi trả tiền mặt.

Có nơi muốn mua bảo hiểm phải trình photocopy thẻ bảo hiểm của toàn bộ số người trong gia đình, gia đình 15 người, sống ở nhiều địa chỉ khác nhau mà thu thập tất cả số thẻ ấy để đem chụp cũng tốn khá khá thời gian nên người dân e ngại.

Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn khi thủ tục giám định còn nhiều, có cơ sở khám chữa bệnh có đăng ký khám cho bệnh nhân mà trung bình ba tháng bị kiểm tra khoảng 10 lần.

“Như vậy còn đâu thời gian cho người ta làm việc?” - Thủ tướng đặt câu hỏi. Mục tiêu đặt ra tại hội nghị là đến năm 2020 có 90-95% dân số tham gia BHYT, nếu không sớm tháo gỡ những vấn đề nêu trên thì mục tiêu này 
thành khó khả thi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, phó tổng giám đốc BHXH VN Trần Đình Liệu cho biết sẽ “cởi mở hết cỡ” để người dân tham gia bảo hiểm.

Theo ông Liệu, hiện có 87 triệu người dân VN được đưa vào danh sách “chuẩn hóa” của bảo hiểm. Sau tháng 6 này, người trong danh sách chuẩn hóa có thể mua hoặc nhận thẻ BHYT bất cứ nơi nào họ muốn.

Rắc rối hiện nay là còn 5 triệu người chưa được “chuẩn hóa” trong dữ liệu của bảo hiểm, đây phần lớn là người di cư sinh sống ở các địa phương khác với nơi họ có hộ khẩu thường trú, hoặc đang sống ở vùng sâu vùng xa, những người này có thể ra UBND các xã phường để đăng ký vào danh sách.

Theo ông Liệu, trẻ em dưới 6 tuổi được nhận thẻ BHYT tại địa phương trẻ được sinh ra, không phải về nơi có đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận bất kỳ thủ tục nào. Tuy nhiên, hiện các đại lý bán BHYT vẫn yêu cầu nhiều loại thủ tục không đúng quy định.

Ông Liệu cho rằng gia đình có thể liên hệ với BHXH quận huyện, giám đốc BHXH quận huyện phải chịu trách nhiệm và nếu không được giải quyết thỏa đáng thì hãy báo cho BHXH VN.

chinh phu chu truong tao dieu kien cho nguoi dan mua bao hiem vi hien co den 23% chua co bao hiem y te, voi bao hiem xa hoi la tren 75%. trong anh: lam thu tuc kham chua benh bang bao hiem y te tai benh vien quan thu duc, tp.hcm - anh: huu khoa

Chính phủ chủ trương tạo điều kiện cho người dân mua bảo hiểm vì hiện có đến 23% chưa có bảo hiểm y tế, với bảo hiểm xã hội là trên 75%. Trong ảnh: làm thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Không bắt buộc phải mua BHYT cả hộ gia đình

Nấu một nồi phở ngay đầu một con hẻm để kiếm sống qua ngày, bà Nguyễn Thị Kim Hải (48 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể hai năm trước bà còn mua BHYT tự nguyện nhưng nay không mua nữa. Lý do là hàng bán ế ẩm, thu nhập thấp hơn những năm trước đó.

Nhà bà Hải có sáu người, trừ cháu nội mới ra đời được cấp BHYT miễn phí, còn vợ chồng bà, hai con trai và con dâu đều không mua BHYT.

Bà Hải than thở giờ bà muốn mua BHYT cũng khó vì muốn mua được thì cả hộ gia đình phải mua. Nếu gia đình bà mua cả BHYT cho năm người lớn thì cũng mất khoảng 3-4 triệu đồng/năm, một số tiền lớn với gia đình bà.

Nói về lợi ích BHYT, bà Hải cũng biết nếu lỡ mắc bệnh nặng không có BHYT cũng lo, 2-3 năm trước bà mua BHYT nhưng chẳng bao giờ sử dụng đến.

Có một lần mang thẻ BHYT đi khám bệnh thì chờ đến mệt mỏi. Giờ lo ăn ngày hai bữa còn khó khăn nên không thể tính xa được. Đây là một trong rất nhiều trường hợp điển hình cho việc vì sao người dân chưa mặn mà với việc mua BHYT.

Theo ông Trần Đình Liệu, một trong những phương án “cởi mở” về thủ tục là mở thêm nhiều đại lý bán BHYT, từ các hội đoàn thể, trạm y tế xã phường, doanh nghiệp và kể cả đại lý là cá nhân, thay cho việc chỉ có đại lý là các UBND xã phường.

Ngoài ra, luật hiện hành quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng không bắt buộc mua bảo hiểm cho cả gia đình cùng lúc mà có thể mua nhiều lần trong năm, mỗi lần mua cho một người.

Số thành viên trong hộ gia đình cũng không bắt buộc kê khai theo hộ khẩu, mà chỉ cần khai theo mẫu với số lượng tùy theo thông tin từ chủ hộ.

Ông Liệu cũng cho biết ngay trong năm nay, người tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được ngân sách hỗ trợ thêm 10% mệnh giá thẻ, đó là chưa kể giảm phí theo số lượng người 
trong hộ gia đình.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết nếu không có thẻ BHYT, nhiều người dân khó chi trả, thậm chí không thể chi trả nổi khi điều trị bệnh ung thư.

Như trường hợp của bà N.N.L., 50 tuổi, ở Q.12, TP.HCM. Bà L. được chẩn đoán ung thư hạch phải điều trị hóa trị. Bà bắt đầu điều trị từ ngày 4-9-2015 và kết thúc điều trị ngày 
25-5-2016 với tổng chi phí điều trị 284,1 triệu đồng.

Hoàn cảnh bà L. khó khăn nhưng do bà đã mua BHYT tự nguyện nên BHYT chi trả cho bà 80% với số tiền gần 230 triệu đồng, bệnh nhân chỉ phải thanh toán 57,1 triệu đồng.

Tương tự, bà N.T.H.T., 34 tuổi, ở Long An, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch. Bà điều trị từ ngày 7-3-2016 đến 19-4 với tổng số tiền điều trị 152,3 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả 80% là hơn 121 triệu đồng và bà chỉ phải thanh 
toán 31 triệu đồng.

“Chất lượng không tăng, khó tăng tỉ lệ”

Đây là e ngại của ông Lại Xuân Môn, chủ tịch Hội Nông dân VN, tại cuộc họp.

Theo ông Môn, qua khảo sát cho thấy có tới 70% trong số nông dân chưa tham gia BHYT là người có kinh tế khá hoặc giàu, nhưng họ chưa mua BHYT vì thấy dịch vụ qua bảo hiểm không bằng dịch vụ chi trả tiền mặt.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nói chất lượng chưa cao nên người dân chưa mặn mà. Ông Đam đề nghị về lâu dài cần mở ra nhiều gói dịch vụ BHYT, bên cạnh gói cơ bản thì có gói chất lượng cao hơn 
để người dân lựa chọn.

Thông tin tại cuộc họp cho thấy ngay tỉnh Đồng Nai kinh tế khá giả nhưng tỉ lệ tham gia BHYT vẫn thấp hơn 5% so với trung bình cả nước.

Những tỉnh có tỉ lệ người dân tham gia cao thì hầu hết là loại hình BHYT bắt buộc và cấp miễn phí BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ dưới 6 tuổi.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại nếu tăng hỗ trợ từ ngân sách và các quỹ nhằm mục tiêu tăng tỉ lệ người tham gia BHYT là thiếu bền vững.

Cho nên BHXH VN cần sớm cởi mở như đã hứa, còn Bộ Y tế tập trung lo chất lượng dịch vụ để người dân tham gia bảo hiểm trên cơ sở 
có nhu cầu thật sự. (TT)


Nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ DNNVV

Nhằm tiếp sức cho các DN khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, ngay đầu tháng 6, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, linh hoạt hỗ trợ DN.

Ngày 3/6 Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ra mắt gói tín dụng ưu đãi "Khát vọng khởi nghiệp" dành riêng cho đối tượng là doanh nhân trẻ với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng. Chương trình nhằm tài trợ vốn cho các DN là hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Khi tham gia gói tín dụng này, các DN sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm; việc phê duyệt hồ sơ nhanh chóng; được tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp với đặc thù kinh doanh để hạn chế chi phí trả lãi.

Tại Ngân hàng HDBank, trong tháng 6 này, khách hàng DN có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được HDBank cho vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 6,8%/năm.

Gói tín dụng này áp dụng cho những khoản giải ngân VND có kỳ hạn vay từ dưới 3 tháng trở xuống của các khách hàng DN mới và khách hàng DN hiện hữu tại HDBank đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn, giải ngân theo các quy định hiện hành của HDBank. Đặc biệt, HD Bank ưu tiên các khách hàng DN đã được cấp hạn mức tín dụng từ 30/4 mà chưa giải ngân khế ước nào thuộc hạn mức được cấp.

Trước đó, ngày 1/6, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đã đưa ra gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ DN xuất khẩu lên tới 1.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4%/năm với thời gian cho vay mỗi giấy nhận nợ lên đến 6 tháng.

Đây là gói vay hỗ trợ dành cho các DN xuất khẩu có bảo đảm bằng nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu và cam kết chuyển nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu về tài khoản mở tại Viet Capital Bank theo hợp đồng kỳ hạn với giá kỳ hạn là tỉ giá giao ngay tại thời điểm giải ngân.

Cùng với gói ưu đãi trên, từ nay đến cuối năm 2016, Viet Capital Bank cũng hỗ trợ các DNNVV vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh không cần tài sản bảo đảm theo chương trình "Cho vay tín chấp dành cho khách hàng doanh nghiệp SME" với hạn mức lên đến 1.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các DN thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và xây dựng.


“Lót tay” 10-20 triệu/mã hàng đưa vào siêu thị

Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho rằng muốn mở mã hàng trong một hệ thống siêu thị, ngoài khoản phí theo quy định của hệ thống siêu thị, DN phải “lót tay” 10-20 triệu đồng/mã hàng cho riêng nhân viên bộ phận này.

Các công đoạn tiếp theo cũng đều phải “lót tay” cho bộ phận hoặc cá nhân phụ trách trực tiếp như đặt hàng, đưa hàng lên quầy kệ... Nếu không lót tay cho nhân viên quầy kệ, hàng sẽ bị nhét trong góc, không thể bán được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Chiến, tổng giám đốc Công ty CP Bibica, cho rằng trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất và kênh bán lẻ hiện đại, DN sản xuất hoàn toàn ở thế yếu.

Từ hợp đồng đưa về DN không được điều chỉnh bất kỳ điều khoản nào, đến việc thuê một tủ kệ tại một hệ thống siêu thị phải mất từ 40 - 80 triệu đồng theo thời vụ.

Cũng theo ông Chiến, việc rút hàng ra khỏi siêu thị và để quay lại là rất khó khăn, gian nan. Bởi chi phí mở mỗi mã hàng 20 triệu đồng, nếu DN có 10 mã hàng, chi phí đến 200 triệu đồng...

Do đó, việc rút ra khỏi siêu thị, DN gánh chi phí lớn nên đó là lý do DN chần chừ, cân nhắc không dám hành động dù bị ép.

Hầu hết các DN Việt là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ nhưng hầu như các DN phải tự lo từ khâu sản xuất đến phân phối bán hàng cho hệ thống bán lẻ hiện đại, kiểu mạnh ai nấy làm.

Chính mô hình kinh doanh nhỏ lẻ này không tạo nên sức mạnh và có sự cạnh tranh không lành mạnh, sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện dù biết là bị o ép, không hiệu quả, miễn là vào được siêu thị.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Thanh Lâm, tổng giám đốc Công ty TNHH TM SaigonFood, cho rằng một phần lỗi do chính DN.

Theo bà Lâm, hầu hết DN vừa làm xuất khẩu vừa làm nội địa có tâm lý bán ở thị trường nội địa là để quảng bá thương hiệu, coi đây là chi phí marketing nên dễ dàng chấp nhận chiết khấu cao.

“Chính suy nghĩ này tạo ra mặt bằng chiết khấu lúc nào cũng tăng. Tiềm lực kinh nghiệm của hệ thống siêu thị ngoại quá lớn trong khi DN Việt quá rời rạc manh mún, mạnh ai nấy làm.

Chúng tôi thấy đau lòng, DN chúng ta đang tiếp tay cho siêu thị ngoại, chấp nhận chiết khấu cao... Ngay cả nhà bán lẻ trong nước, có đơn vị 5 năm qua chưa tổ chức cuộc hội nghị nào với nhà cung cấp để lắng nghe chúng tôi cần gì, muốn gì thì làm sao mà cạnh tranh?” - bà Lâm nói.

Muốn chủ động, đừng dựa vào siêu thị

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng các nhà bán lẻ nội phải tăng cường mở rộng hệ thống phân phối, liên kết lại với nhau, tận dụng nguồn lực tài chính và năng lực của nhau để phát triển nhanh và đủ lực mua lại các hệ thống khác.

Hoặc liên kết liên minh trên lĩnh vực phân phối với nhiều hình thức, linh hoạt hợp tác, liên doanh, nhượng quyền.

Riêng nhà sản xuất, theo ông Hòa, cần mở rộng đầu tư thị trường, chủ động không lệ thuộc bất cứ kênh phân phối nào, đi bằng cả “hai chân” để không gặp khó khăn.

“Nếu phát triển đồng bộ kênh truyền thống và hiện đại, không lệ thuộc kênh phân phối nào, nhà sản xuất sẽ hoàn toàn chủ động. Nếu dựa vào một kênh phân phối nào chắc chắn sẽ gặp nhiều sức ép do kênh phân phối đó chi phối” - ông Hòa nói.

Ông Hòa cũng kiến nghị Nhà nước nhanh chóng triển khai đề án phát triển hệ thống bán lẻ VN, hình thành những nhà bán lẻ mạnh có vai trò dẫn dắt hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp Việt.

Tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử gây sức ép lợi dụng ưu thế thị phần lớn để chèn ép doanh nghiệp khác.(TT)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục