tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 21-10-2015

  • Cập nhật : 21/10/2015

Ngân sách phải trả hơn 16 tỷ USD nợ trái phiếu trong 2 năm

Trước việc có 363.166 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2015-2016, Chính phủ vừa chính thức đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ.

Thông tin trên được Bộ Tài chính đưa ra trong tờ trình Quốc hội về tình hình triển khai Nghị quyết liên quan đến phát hành trái phiếu và tái cơ cấu nợ Chính phủ.

bo truong tai chinh dinh tien dung thay mat chinh phu de xuat viec phat hanh 3 ty usd trai phieu quoc te de co cau no.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ đề xuất việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cơ cấu nợ.

Theo cơ quan này, các nguồn tài chính trong nước đã được huy động tối đa nên không thể tiếp tục sử dụng kênh này để tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nêu trên. Trong khi đó, Luật Quản lý nợ công lại không cho phép vay ngoại tệ trực tiếp để cơ cấu các khoản nội tệ. Do vậy, để bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ trình Quốc hội trong giai đoạn 2015-2016 việc phát hành khoảng 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, qua đó tái cơ cấu danh mục nợ.

Trái phiếu này sẽ có kỳ hạn 10-30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành. 

"Thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong nước quy mô còn nhỏ, thanh khoản thấp trong khi nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn tới tương đối cao, nên việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước là rất cần thiết", Bộ Tài chính cho hay.

Từ năm 2017, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi theo quy định của Luật Ngân sách sửa đổi để tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ trong nước và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam "tốt nghiệp" IDA (nguồn vốn vay chính thức của Ngân hàng Thế giới). Việc vay này vẫn đảm bảo duy trì tỷ lệ dư nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.

Bên cạnh đó, cơ quan điều hành cũng trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ với tất cả các kỳ hạn, thay vì kỳ hạn 5 năm trở lên như hiện nay (khiến sản phẩm trên thị trường không đa dạng, tạo thách thức cho hoạt động huy động vốn của ngân sách Nhà nước).

Việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành và phát hành trái phiếu quốc tế, theo đánh giá của Bộ Tài chính sẽ không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra (đến năm 2020, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ luôn thấp hơn 50% tổng nợ).

Ngoài ra, chương trình này góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn của Chính phủ trong giai đoạn tới, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trực tiếp trong giới hạn cho phép là không quá 25% thu ngân sách hằng năm; tạo ra tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế; giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước, duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp; giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái...


Khởi tố, khám xét nhà chủ tịch huyện

Sáng 20-10, PC46 thuộc Công an Hà Tĩnh tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét tại nơi làm việc và nhà ở đối với ông Nguyễn Văn Bỗng - nguyên chủ tịch huyện Kỳ Anh.

co quan cong an doc quyet dinh khoi to vu an doi voi ong nguyen van bong

Cơ quan công an đọc quyết định khởi tố vụ án đối với ông Nguyễn Văn Bỗng

Đại tá Phạm Văn An, trưởng phòng PC46, cho biết ông Nguyễn Văn Bổng có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đại tá An, khi chưa tách huyện Kỳ Anh thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, ông Bỗng, chủ tịch huyện, và một số cán bộ cấp dưới "biến" đất nông nghiệp do các xã quản lý thành đất của các hộ dân để được hưởng tiền đền bù khi thực hiện dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng).

Liên quan đền bù ở thị xã Kỳ Anh, trước đó bốn cán bộ bị khởi tố về tội cố ý làm trái, bao gồm: Lê Anh Đức, Nguyễn Huy Tường - đều là cán bộ ban chuyên trách xử lý các vấn đề tồn đọng tại thị xã Kỳ Anh (thuộc tỉnh Hà Tĩnh quản lý); Lê Hữu Diện - nguyên chủ tịch phường Kỳ Long (thị xã Kỳ Long) và Lê Quang Hà (phó bí thư phường Kỳ Long).

Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Quân, tổ trưởng tổ kiểm đếm thuộc Hội đồng bồi thường dự án Phú Vinh, và Lê Minh Hải, cán bộ Hội đồng giải phóng mặt bằng thị xã Kỳ Anh, bị bắt vì gây thất thoát trong việc hỗ trợ, bồi thường gần 16 tỉ đồng tiền của Nhà nước.


Hà Nội: 10 cán bộ tái cử không trúng cử cấp ủy khóa mới

Thành ủy Hà Nội vừa có đánh giá việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở của Hà Nội, trong đó chỉ rõ bên cạnh những thành công vẫn còn những hạn chế trong chỉ đạo điều hành, lãnh đạo bầu cử chưa tốt. 

Thành ủy Hà Nội nhận định việc tổ chức 57 đại hội đảng bộ thuộc Đảng bộ Hà Nội đã thành công, tuy nhiên có 10 cán bộ cấp ủy viên tái cử không trúng cử cấp ủy khóa mới.

Theo Thành ủy Hà Nội, tỉ lệ cán bộ cấp ủy viên tái cử không trúng cử cấp ủy khóa mới như trên là tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số 57 đại hội đảng bộ trực thuộc TP. Tuy nhiên, việc không trúng cử nêu trên có lý do chuẩn bị nhân sự chưa tốt, đánh giá không chính xác nên có trường hợp “trượt” cấp ủy là đúng, nhưng cũng có những trường hợp “trượt" cấp ủy do mâu thuẫn, do nội bộ mất đoàn kết.

Trong số 10 cán bộ cấp ủy viên quy hoạch tái cử “trượt” cấp ủy khóa mới, đáng chú ý chỉ riêng đại hội Đảng bộ huyện Mỹ Đức - nơi báo chí vừa phản ánh vụ “cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện”, có hai cán bộ cấp ủy viên tái cử đã không trúng cử cấp ủy khóa mới.

Ông Đào Đức Toàn, trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội, cho biết đại hội Đảng bộ huyện Mỹ Đức mới tiến hành có biểu hiện cục bộ, mâu thuẫn nội bộ. “Nhân sự quy hoạch làm chủ tịch UBND huyện và chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện không trúng cấp ủy. Vì vậy, sau đại hội TP đã quyết định điều động đồng chí Lê Văn Hoạt, phó chánh văn phòng UBND TP, về tham gia ban chấp hành, bầu giữ chức chủ tịch UBND huyện” - ông Toàn cho biết.


Thuế môi trường với xăng giúp ngân sách tăng thu 13.200 tỷ đồng

Nhờ việc tăng gấp ba thuế môi trường với xăng dầu mà ngân sách cả năm có thêm 13.200 tỷ đồng trong điều kiện nhiều nguồn thu khác khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thông tin này khi báo cáo Quốc hội chiều 20/10 về tình hình ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. 

Tại buổi họp báo thường kỳ đầu tháng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Nguyễn Đại Trí cho biết 9 tháng đầu năm đã thu 17.000 tỷ đồng thuế môi trường với xăng dầu. Đây là một trong số ít những khoản thu đã sớm vượt kế hoạch cả năm (tương đương 134,8% dự toán). Hai năm trước, dự toán thu thuế môi trường với xăng dầu là 12.500 - 14.300 tỷ đồng mỗi năm.

Từ 1/5, thuế môi trường với xăng tăng từ 1.000 đồng mỗi lít lên 3.000 đồng. Giải trình để Quốc hội chấp thuận cho tăng thuế khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra mục tiêu bù đắp nguồn thu sau khi phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình.

Phần tăng thu 13.200 tỷ đồng từ thuế môi trường với xăng dầu giúp giảm hụt thu ngân sách. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu nội địa cả năm nay ước vượt dự toán 48.400 tỷ đồng (tăng 7,6% so dự toán và tăng 17,7% so với năm ngoái). Tuy nhiên thu từ dầu và khí hụt lớn so với dự toán. Trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu (ước cả năm chỉ đạt 56,7USD một thùng, giảm trên 43USD so với giá tính dự toán), số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu dự kiến lên đến 63.000 tỷ đồng. 

Tính chung tổng thu ngân sách 2015 vượt dự toán 16.400 tỷ đồng. Nếu tính riêng ngân sách trung ương, phần thu bị hụt 31.300 tỷ đồng.


Bù đắp ngân sách bằng tiền bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc bán vốn Nhà nước để giải quyết một phần hụt thu hơn 31.000 tỷ của ngân sách Trung ương.

Theo uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề xuất vấn đề này với Quốc hội vào chiều 20/10, khi trình báo cáo thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2015 và dự toán 2016.Dự kiến thu ngân sách cả năm sẽ đạt hơn 927.000 tỷ, tăng 7,4% so với năm ngoái và tăng 16.000 tỷ so với dự toán đầu năm. Bộ trưởng Dũng cho biết phần tăng thêm này chủ yếu nhờ tăng thu ở địa phương, nếu cân đối lại, ngân sách trung ương trong năm 2015 vẫn hụt thu khoảng 31.000 tỷ đồng.

thu tuong nguyen tan dung trao doi voi bo truong tai chinh dinh tien dung ben hanh lang ky hop thu 8 quoc hoi khoa xiii. anh: bao hai quan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng bên hành lang Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII. Ảnh: Báo Hải quan

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ nhằm bù đắp bội chi và chi đầu tư hiện không khả thi, 9 tháng mới đạt khoảng 127.000 tỷ đồng, tương đương 51% kế hoạch và thấp so với nhiều năm trước. 

Trước áp lực nêu trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội được sử dụng một phần tiền bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước (khoảng 10.000 tỷ đồng) để bù giảm thu ngân sách trung ương trong năm nay. Ngoài ra, ngân sách năm 2016 cũng được đề xuất bổ sung 30.000 tỷ từ nguồn này.

"Tuy nhiên, đây là các khoản thu một lần nên từ năm 2017, việc xử lý nguồn thu sẽ khó khăn hơn", ông Dũng lưu ý.

Cùng với đó, cơ quan điều hành đề xuất đa dạng hóa trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 2, 3 và 5 năm trở lên, đồng thời phát hành một khối lượng nhất định trái phiếu quốc tế kỳ hạn dài để cơ cấu lại một số khoản vay ngoại và nội tệ để giãn nhu cầu trả nợ, cơ cấu lại nợ công.

Đề xuất của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa được chấp thuận thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường như FPT, Vinamilk hay Bảo hiểm Bảo Minh. Trao đổi với báo chí gần đây, đại diện Bộ Tài chính cũng như Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đều khẳng định không vì ngân sách khó khăn mà phải thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này.

Cho ý kiến thẩm tra về đề xuất sử dụng tiền cổ phần hóa để bù hụt thu của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí, song đề nghị Chính phủ cần làm rõ số còn lại (21.300 tỷ đồng) sẽ được xử lý từ nguồn nào và báo cáo phương án xử lý cụ thể theo quy định của Luật Ngân sách.

Đánh giá chung về thu chi ngân sách năm 2015, cơ quan thẩm tra cho rằng việc thu ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng song số liệu cho thấy việc tăng thu chủ yếu từ Ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn Ngân sách Trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng dẫn đến khó khăn trong cân đối. 

Do vậy, cơ quan này yêu cầu Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối Ngân sách Nhà nước.

Dù vậy, cơ quan thẩm tra cũng chia sẻ với khó khăn của cơ quan điều hành về việc giá dấu thế giới sụt giảm sâu. Báo cáo này cho rằng, số hụt thu từ do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng là mức lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương. Cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát diễn biến của giá dầu để có đối sách phù hợp nhằm phát triền kinh tế trong nước bù hụt thu, tận dụng việc giảm giá dầu thành cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá, việc thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỷ đồng, tăng hơn 7% so dự toán và gần 18% so với 2014 là "khá tích cực". 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục