tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 18-11-2015

  • Cập nhật : 18/11/2015

Được vay đến 80% giá trị hợp đồng trong 15 năm để mua nhà ở

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-12, thay thế Nghị định 188/2013/NĐ-CP.

Theo đó, người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở thành thị; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu đô thị; cán bộ, công chức, viên chức… sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên; trường hợp khách hàng muốn vay với thời hạn ngắn hơn có thể thỏa thuận với ngân hàng.

duoc vay den 80% gia tri hop dong trong 15 nam de mua nha o

Được vay đến 80% giá trị hợp đồng trong 15 năm để mua nhà ở

Để được vay vốn, các đối tượng nêu trên phải có đủ hồ sơ theo quy định; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết…

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là năm năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.

Chỉ được bán lại, cho thuê sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong thời hạn chưa đủ năm năm thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.


Lưới ngư dân bị phá trên vùng đánh bắt chung với TQ

Trạm biên phòng Mân Quang (Đà Nẵng) chiều 16-11 xác nhận vừa tiếp nhận tin tức trình báo của thuyền trưởng tàu ĐNa 90370 Đào Ngọc Đức (ngụ phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) về việc tàu này bị phá hàng chục tấm lưới lớn khi đang hoạt động trong vùng đánh bắt cá chung giữa Việt Nam - Trung Quốc.
 anh dao ngoc duc chi nhung tam luoi bi pha nat. anh: nam cuong/tien phong

 Anh Đào Ngọc Đức chỉ những tấm lưới bị phá nát. Ảnh: Nam Cường/Tiền Phong

Theo tường trình của thuyền trưởng Đức, vào lúc 2 giờ sáng 14-11, khi tàu ĐNa 90370 (trên tàu có sáu thuyền viên) đang thả lưới đánh bắt ở vùng biển thuộc vùng biển vịnh Bắc Bộ, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 40 hải lý thì bị một đoàn tàu cá treo cờ Trung Quốc nhiều lần chạy ngang qua làm đứt lưới. Qua kiểm đếm, ông Đức phát hiện 40 tấm lưới (trị giá trên 300 triệu đồng) bị phá. Cũng theo ông Đức thì không có xảy ra va chạm gì giữa tàu cá Việt Nam với các tàu kia.

Trạm biên phòng Mân Quang cho biết vị trí tàu ĐNa 90370 bị đứt lưới là vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc.


Nỗ lực đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển sâu rộng

Tại trụ sở Chính phủ chiều 16-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Tsutomu Takebe, cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt.

Theo trang web Chính phủ, Thủ tướng hoan nghênh ông Tsutomu Takebe thăm Việt Nam để tham dự lễ hội Nhật Bản tại TP.HCM và xúc tiến các công việc triển khai Trường ĐH Việt Nhật.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp; đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng, làm hết sức mình và mong muốn cùng với Nhật Bản nỗ lực để tiếp tục đưa quan hệ song phương phát triển sâu rộng, hiệu quả trên tất cả lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Thông báo với Thủ tướng về những công việc đã và đang tiến hành để chuẩn bị cho việc vận hành của Trường ĐH Việt Nhật, ông Tsutomu Takebe cho biết mục tiêu là phấn đấu đưa Trường ĐH Việt Nhật trở thành trường đào tạo đại học chất lượng cao hàng đầu châu Á. Cũng theo ông, lễ hội Nhật Bản tại TP.HCM đã thành công tốt đẹp với sự tham dự của hơn 220.000 lượt người. Sự kiện này đã góp phần tăng cường hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.


Thanh tra việc trả tiền trợ giá xe buýt

“Thanh tra Sở GTVT sẽ tiến hành thanh tra việc thanh toán tiền trợ giá cho xe buýt đến xã viên ở ba hợp tác xã (HTX) rồi mở rộng việc thanh tra đối với các đơn vị khác”.

Ngày 16-11, ông Lê Vĩnh Phát, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết như trên.

Ba đơn vị bị thanh tra đợt này là HTX Việt Thắng (quận 6), HTX Vận tải số 26 (huyện Nhà Bè) và HTX Vận tải số 28 (huyện Bình Chánh).

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, hiện các HTX xe buýt được trợ giá đã giữ lại tiền quản lý và trả tiền cho xã viên có mức khác nhau, dù cùng loại xe, số ghế. Điều này khiến xã viên phân bì, khiếu nại kéo dài. Sau đợt thanh tra đột xuất này, Thanh tra Sở sẽ tham mưu cho Sở GTVT xây dựng phương thức, quy chế, tỉ lệ cấp phát tiền trợ giá thống nhất trong khối HTX.


Bối rối xử lao động ‘chui’ TQ với mác du lịch

“Du khách nước ngoài vào Đà Nẵng bằng nhiều kênh, đi từ các nơi khác rồi đến Đà Nẵng chứ không phải chỉ trực tiếp đến.

Ngoài ra, họ cũng có thể đi qua các đơn vị lữ hành hay tự đi lẻ. Muốn nắm được du khách nước ngoài thì chỉ có công an khu vực là rõ nhất, họ có thể nắm và quản lý được về vấn đề tạm trú tạm vắng”. Ngày 16-11, ông Trần Chí Cường (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng) nói với PV sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài “300 lao động Trung Quốc sẽ vào Đà Nẵng?”.

Ông Cường cũng cho rằng muốn phát hiện được khách Trung Quốc đến Đà Nẵng bằng đường để lao động “chui” thì phía công an và Sở LĐ-TB&XH phải phối hợp. “Chúng tôi chỉ có thể xử lý được một vài trường hợp khách nước ngoài tự đưa du khách đi (về hành vi kinh doanh không phép) nhưng sau đó phải chuyển hồ sơ qua cho công an xuất nhập cảnh. Còn khi họ xin thị thực đi du lịch mà sau đó làm không đúng mục đích thì chúng tôi không biết được” - ông Cường nói.

Theo ông Cường, lượng khách Trung Quốc chiếm khoảng 25%-30% số lượng khách nước ngoài đến Đà Nẵng và đứng ở tốp đầu số lượng du khách đến Đà Nẵng. Ví dụ, đến hiện nay khách Trung Quốc chiếm trên 300.000 khách, đứng số một tại Đà Nẵng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết sẽ nghiên cứu thông tin rồi mới có những bước xử lý tiếp theo.

Như đã phản ánh, lao động người Trung Quốc đang được đưa vào Đà Nẵng để làm việc tại các công trình xây dựng. Đặc biệt, vừa qua các cơ quan chức năng và UBND quận Ngũ Hành Sơn đã xử lý trên 60 lao động nước ngoài (hầu hết là người Trung Quốc) làm “chui” tại Đà Nẵng. Nhiều trong số này đã nhập vào Đà Nẵng với mục đích tham quan du lịch nhưng sau đó đi làm “chui”. Một lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn cho hay từ đầu năm đến nay đã có gần 109.900 lượt người đến quận lưu trú, tạm trú và trong đó có gần 59.200 người Trung Quốc.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục