tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 17-01-2016

  • Cập nhật : 17/01/2016

Trung Quốc kêu gọi tư nhân đầu tư đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông

Tân Hoa xã hôm 15-1 cho hay Trung Quốc sẽ mời các nhà đầu tư tư nhân xây dựng cơ sở hạ tầng trên những đảo thuộc cái gọi là "Tam Sa", đồng thời sẽ bắt đầu các chuyến bay thường xuyên đến một trong các đảo này trong năm nay.
Ông Phùng Văn Hải - phó thị trưởng của cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, cho biết họ sẽ chào đón các nguồn đầu tư tư nhân và "sẽ bắt đầu chương trình đối tác công-tư". 
"Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh quy hoạch và xây dựng một trung tâm cứu hộ y tế hàng hải. Cáp quang ngầm sẽ được lắp đặt và đưa vào sử dụng trong năm nay, đồng thời Wi-Fi sẽ phủ sóng tất cả các đảo và bãi đá có người sinh sống" - Tân Hoa xã dẫn lời ông Phùng hôm 15-1.

"Thành phố Tam Sa" là tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với đơn vị hành chính mà nước này lập ra phi pháp hồi năm 2012 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hòng thâu tóm các quần đảo ở biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 trung quoc ngang nguoc keu goi dau tu xay dung co so ha tang phi phap o bien dong. anh: reuters

 Trung Quốc ngang ngược kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phi pháp ở biển Đông. Ảnh: Reuters

Mặc dù Trung Quốc gọi đó là một thành phố nhưng dân số thường trú trên "Tam Sa" không nhiều và nhiều trong số các đảo và bãi đá tranh chấp không có người ở.

Ông Phùng cho biết cũng trong năm 2016 sân bay trên đảo Phú Lâm sẽ bắt đầu tiếp nhận các chuyến bay thường xuyên từ Trung Quốc nhưng ông không nêu chi tiết.
Không những thế, Trung Quốc cũng ngày càng ngang ngược khi gần đây tiến hành các chuyến bay thử nghiệm trên đường băng mà nước này xây dựng trái phép ở đá Chữ Thập bất chấp các nước lên án.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 15-1 còn cho công bố hình ảnh về "đoàn khách dân sự đầu tiên" đến đá Chữ Thập bằng máy bay. 
Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư trên của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Gabrielle Price cho biết Washington tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ngừng hoạt động cải tạo, xây dựng các cơ sở mới và quân sự hóa các tiền đồn ở biển Đông. Trước đó, Mỹ cũng đã kịch liệt phản đối hành động "bay thử nghiệm" của Trung Quốc ở Trường Sa.(PLO)

Tìm thấy thêm 9 người Việt trong nhóm mất tích ở Jeju

Nhà chức trách Hàn Quốc phát hiện 3 người đang làm việc tại một nhà xưởng, 10 người bị buộc về nước vào ngày mai theo như lịch trình ban đầu.
han quoc se xu phat neu co bang chung nguoi viet co tinh o lai. anh: insideevs

Hàn Quốc sẽ xử phạt nếu có bằng chứng người Việt cố tình ở lại. Ảnh: Insideevs

Nhóm 10 người được tìm thấy hôm 13 và 14/1 phủ nhận việc đến Jeju để trốn ra ngoài, cho biết họ chuyển ra thuê nhà trọ vì có người quen tư vấn như vậy sẽ tốt hơn. Trước đó, họ trả từ 1.000 - 2.000 USD để đi tham quan đảo Jeju, đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc trao đổi với VnExpress sáng nay.

Trong số 9 người được tìm thấy hôm nay có 3 người đang làm ở một nhà xưởng, 6 người khác ở nhà trọ.

Cơ quan quản lý Xuất nhập cảnh Jeju buộc 10 người về nước vào ngày 17/1, 9 người khác chưa rõ ngày về. Họ sẽ bị xử phạt nếu Hàn Quốc có bằng chứng họ ở lại để tìm việc làm.

Cơ quan quản lý này cho rằng nhiều khả năng những người mất tích bỏ trốn ra ngoài nhằm tìm việc làm. Do đó họ đang tập trung tìm kiếm ở các khu vực nuôi trồng thủy sản và công xưởng, nhà xưởng, tăng cường kiểm soát khu vực hải cảng và sân bay đề phòng những người khác tìm cách rời khỏi đảo.

Theo đại diện của sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng Hàn Quốc nghi ngờ có đường dây bất hợp pháp đưa người từ Việt Nam sang đảo Jeju.

Trước đây cũng từng xảy ra trường hợp du khách Việt nhập cảnh vào Jeju và bỏ trốn nhưng số lượng chỉ ở mức một đến hai người. Đây là lần đầu tiên số người mất tích lên đến vài chục người. Hiện sứ quán Việt Nam đang phối hợp với cảnh sát Hàn Quốc để xác minh thông tin.

Văn phòng nhập cư địa phương cho biết 56 khách du lịch Việt Nam biến mất và không liên lạc được vào ngày 13/1 sau khi họ cùng đoàn 155 người Việt tới đảo Jeju hôm 12/1, trong chuyến đi kéo dài 6 ngày. 10 người định bỏ trốn, bao gồm 9 nam và một nữ, đã bị bắt vào đầu tuần này. 46 người cho đến hôm qua vẫn mất tích, theo Yonhap.

Cảnh sát và tuần duyên Hàn Quốc nói họ đang tăng cường kiểm tra để ngăn những người Việt mất tích trốn sang các tỉnh khác.

Theo luật đặc biệt của đảo Jeju, tất cả du khách ngoại trừ công dân từ các nước liên quan đến khủng bố có thể đến và ở trên đảo mà không cần thị thực trong vòng 30 ngày nếu mục đích của họ là du lịch.

Báo chí Hàn Quốc những năm gần đây đưa tin về một số hành vi bất hợp pháp của lao động người Việt tại nước này, như việc tuần duyên Busan năm 2013 bắt 5 thuyền viên Việt Nam nhảy ra khỏi tàu ở cảng Busan, bơi vào bờ, xâm nhập Hàn Quốc bất hợp pháp.

Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội hồi tháng 5/2015 cho biết chính phủ Hàn Quốc đang đẩy mạnh truy quét 226.000 lao động cư trú bất hợp pháp, trong đó có hơn 26.000 người Việt Nam. Riêng số cư trú bất hợp pháp đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) có khoảng 16.000.


Điện cũng sẽ có quỹ bình ổn giá

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân đề cập đến khả năng lập quỹ bình ổn giá, tương tự như cách làm với xăng dầu hiện nay.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo quyết định Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến hôm nay.Theo đó, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá để bình ổn giá bán nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Đây là cách làm được áp dụng với xăng dầu lâu nay, song cũng đang được xem xét thay đổi khi việc điều hành giá mặt hàng này ngày càng tiệm cận với thị trường.

gia dien se tang it nhat 3% moi lan. anh: evn

Giá điện sẽ tăng ít nhất 3% mỗi lần. Ảnh: EVN

Nguồn hình thành quỹ bình ổn gá điện sẽ được trích từ giá bán điện và sẽ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện bị treo (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết. Dự thảo dự kiến giao EVN quyền thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện.

Ngoài quỹ bình ổn giá, dự thảo cũng quy định Thủ tướng sẽ là người có thẩm quyền quy định khung giá điện. Mức tối thiếu mỗi lần tăng giá điện là 3% và thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bình quân là 3 tháng.

Khi các chi phí đầu vào tăng làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá hiện hành 3-5% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán bình quân tương ứng. Doanh nghiệp chỉ cần báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính kiểm tra.

Nếu cần tăng trên 5% hoặc giá bán điện bình quân cần điều chỉnh vượt phạm vi khung giá, EVN phải lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. 

Nếu giá đầu vào làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích quỹ bình ổn giá điện), quy định yêu cầu EVN giảm ngay giá bán ở mức tương ứng, bất kể mức giảm là bao nhiêu.

Dự thảo cũng giao Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương được quyền ra văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân, được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện bình quân...

Một trong những quy định đáng chú ý khác là Bộ Công Thương cũng sẽ công khai công thức tính giá bán điện bình quân.

Theo đó, giá để làm cơ sở điều chỉnh giá điện bao gồm 10 yếu tố cấu thành như: tổng chi phí phát điện, tổng doanh thu cho phép khâu truyền tải điện, chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện và lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn giá điện...


Phó Thủ tướng chỉ đạo điều tra côn đồ 'bảo kê' hoạt động vận tải

Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản yêu cầu Công an TP Hải Phòng phối hợp Bộ Công an và các đơn vị liên quan nhanh chóng điều tra và xử lý dứt điểm tình trạng tranh giành khách trên quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trưởng Ban ATGT TP Hải Phòng chỉ đạo lực lượng Công an TP lập chuyên án phối hợp với các cơ quan của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội và công an các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương điều tra, làm rõ tình trạng tranh giành hành khách. Đặc biệt hiện tượng côn đồ bảo kê cho một số đơn vị kinh doanh vận tải, đe dọa hành hung tài xế của các đơn vị khác trên tuyến quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Sở GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các phương tiện hoạt động trên tuyến thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, căn cứ vào số lần vi phạm về vận tốc, hành trình và dừng đón trả khách trên tuyến, thu hồi phù hiệu kinh doanh của phương tiện và giấy phép kinh doanh vận tải của đơn vị theo quy định pháp luật.

 pho thu tuong chi dao dieu tra nan "bao ke" tuyen ha noi - hai phong.

 Phó Thủ tướng chỉ đạo điều tra nạn "bảo kê" tuyến Hà Nội - Hải Phòng.

Trưởng Ban ATGT TP Hà Nội chỉ đạo Công an TP tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải. Đặc biệt là hành vi đón, trả khách không đúng nơi quy định, kinh doanh vận tải không đúng loại hình được cấp phép, điều khiển phương tiện sai lộ trình đăng ký, chở quá số người quy định, chở hàng cấm, động vật sống, lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn...

Phó Thủ tướng yêu cầu cục trưởng Cục CSGT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường lực lượng phối hợp CSGT các địa phương có quốc lộ 5 đi qua tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự, ATGT, các hành vi tranh giành khách, đe dọa, hành hung tài xế, hành khách trên đường.

Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ảnh tình trạng một số doanh nghiệp vận tải cạnh tranh không lành mạnh, côn đồ lộng hành, bảo kê, chèo kéo hành khách trên tuyến quốc lộ 5 gây bức xúc trong dư luận, hoang mang, thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và các hành khách đi xe. 

Đề nghị ICAO sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á

Trước việc trang mạng chính thức của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đăng bản đồ hàng không vùng thông báo bay (FIR) Tam Á.

Trong đó có ghi dòng chữ tiếng Trung “thành phố Tam Sa - Trung Quốc” và có biểu tượng sân bay trên bãi đá Chữ Thập với dòng chữ tiếng Anh “Sân bay Vĩnh Thử - Tam Sa”, ngày 15-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa. Việt Nam đã nhiều lần phát biểu phản đối việc Trung Quốc thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, sân bay trên các đảo này... Các hành động này của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền hợp pháp khác của Việt Nam ở biển Đông”.

Theo TTXVN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có công thư gửi ICAO khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đề nghị ICAO chỉnh sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á cho phù hợp”.

Cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam bác bỏ hoàn toàn phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng Trung Quốc đã thông báo cho Việt Nam về kế hoạch bay, đường bay của tàu bay Trung Quốc ra đá Chữ Thập. Cục Hàng không Việt nam tiếp tục khẳng định không nhận được bất cứ thông báo nào của Trung Quốc.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục