tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 15-01-2016

  • Cập nhật : 15/01/2016

Trung Quốc công bố loạt hoạt động trái phép trên Biển Đông năm 2016

Trong năm 2016, Trung Quốc sẽ xây dựng cầu tàu trên các đảo mà nước này kiểm soát trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
trung quoc dang chiem dong trai phep dao phu lam thuoc quan dao hoang sa cua viet nam. anh: wikipedia

Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Wikipedia

Trang Sina của Trung Quốc ngày 14/1 dẫn lời Phùng Văn Hải, phó thị trưởng cái gọi là "thành phố Tam Sa", đơn vị hành chính phi pháp Trung Quốc lập ra để "quản lý" các quần đảo trên Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cho hay trong năm 2016, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ bắt đầu khai thác hoạt động hàng không dân dụng đối với sân bay tại đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng trái phép, nghiên cứu đóng tàu tuần tra "Tam Sa 2" và hai tàu vận chuyển tiếp tế khác.

Bắc Kinh sẽ thúc đẩy xây dựng cầu tàu và phủ sóng wifi tại toàn bộ các đảo có người ở, xây dựng cầu tàu đơn giản tại các đảo không người ở mà nước này kiểm soát trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa; quy hoạch xây dựng trung tâm cứu hộ điều trị trên biển; hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến cáp quang đáy biển.

Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành xây dựng tòa án tại đảo Phú Lâm để "xét xử" công dân nước ngoài khi xâm phạm cái mà họ gọi là "chủ quyền Trung Quốc".

Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 7/2012, nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông.

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Trung Quốc liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm. Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã thành lập ủy ban lập pháp tại đây, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, nước này cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng, cải tạo các đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam khẳng định việc chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa là vô giá trị và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.


Khai trương Tổng Lãnh sự quán Hungary tại TP.HCM

Ngày 13-1, Tổng Lãnh sự quán Hungary tại TP.HCM đã chính thức được khai trương tại tòa nhà Lim Tower (9-11 Tôn Đức Thắng, quận 1).

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary Szijjártó Péter cho biết Hungary xem TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, công nghệ không chỉ ở Việt Nam mà của cả khu vực Đông Nam Á. Do vậy, việc Hungary mở lại Tổng Lãnh sự quán lần này là điều tất yếu.

Theo ông Szijjártó Péter, nhiệm vụ hàng đầu của Tổng Lãnh sự quán là giúp các doanh nghiệp Hungary tham gia vào dòng chảy phát triển kinh tế của TP.HCM và đây là nhiệm vụ bắt buộc nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá cao việc mở lại Tổng Lãnh sự quán lần này và cho rằng đây là dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa TP.HCM với Hungary. Theo bà Thu, quan hệ hữu nghị, truyền thống Việt Nam - Hungary đã có nhiều bước phát triển tích cực trong thời gian qua, trong đó mối quan hệ kết nghĩa giữa TP.HCM và thủ đô Budapest (Hungary) đóng vai trò quan trọng.


14,5 triệu lao động có việc làm năm 2025

Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, giúp thị trường lao động trong khối hoạt động sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên.

Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với ManpowerGroup tổ chức hội thảo “Thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN”. Hội thảo chia sẻ những thông tin liên quan đến thị trường lao động Việt Nam (tiền lương, bảo hiểm, năng suất lao động, trình độ tay nghề...) sau khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN; thông tin về việc di chuyển tự do của lao động có tay nghề trong tám ngành nghề cam kết; việc quản lý lao động trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhận định: Ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập giúp thị trường lao động trong khối hoạt động sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy: Khi tham gia vào thị trường ASEAN, số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng lên 14,5%. Điều này có nghĩa Việt Nam đang có hơn 53 triệu lao động và sẽ có thêm 14,5 triệu lao động khác tìm được việc làm vào năm 2025. Tuy nhiên, với sự phát triển không đồng đều như hiện nay, lao động có kỹ thuật thường di chuyển đến các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan… Số lao động còn lại di chuyển trong ASEAN thường là lao động có trình độ thấp. Điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc phát triển và ổn định thị trường lao động cũng như quản lý lao động nước ngoài.

cac dai bieu thao luan tai hoi thao ngay 13-1. anh: ttxvn

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo ngày 13-1. Ảnh: TTXVN

Lợi ích đáng chú ý của việc ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN là việc di chuyển tự do của lao động có kỹ năng. Việc di chuyển này được thực hiện khi mà trình độ của những lao động này được công nhận trong các nước thành viên ASEAN. Những thỏa thuận này giúp người lao động có kỹ năng hoặc kinh nghiệm phù hợp sẽ được chứng nhận đi làm việc ở nước ngoài tự do. Hiện nay có tám lĩnh vực đã được thỏa thuận sẽ tự do di chuyển khi được công nhận trình độ lẫn nhau. Đây là con số nhỏ và trong tương lai có thể mở rộng ra những ngành nghề khác. Việc di cư lao động có kỹ năng vừa và thấp có khả năng tiếp tục gia tăng và phải qua các thỏa thuận cấp chính phủ. Đứng trước bối cảnh đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, hỗ trợ quá trình di chuyển tự do của lao động có kỹ năng; quản lý lao động ở nước ngoài... là những vấn đề được các cơ quan, các nhà hoạt động chính sách và cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm.

Một trong những nội dung được hội thảo quan tâm, thảo luận đó là việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm - LĐ-TB&XH, đề nghị trong thời gian tới cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ việc làm cho lao động Việt Nam, sử dụng có hiệu quả lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xác định trách nhiệm và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc quản lý lao động ngoài nước, thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy phép lao động; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...


Tiếp tay cho người Trung Quốc lừa đảo: Bảy năm tù

Ngày 13-1, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Li Shi Min (tức Lý Thế Dân, quốc tịch Trung Quốc) và Huỳnh Thị Như Mai cùng mức án bảy năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, ở Trung Quốc, Li Shi Min nằm trong đường dây giả cơ quan công quyền gọi điện thoại lừa tiền người Việt Nam. Tháng 4-2014, qua sự sắp xếp, Minh cùng đồng hương tên Sán (chưa xác định được lai lịch) qua Việt Nam gặp Mai để thu mua thẻ ATM, cung cấp cho đồng bọn dùng lừa đảo.

Tháng 8-2014, nhóm này giả làm nhân viên tổng đài gọi điện thoại cho bà C. thông báo bà đang nợ cước điện thoại 8,6 triệu đồng và nói sẽ chuyển máy cho Công an tỉnh Tây Ninh. Vài giây sau, đầu dây bên kia khẳng định bà C. đã bán CMND, họ tên cho một đối tượng vận chuyển ma túy, hằng tháng chuyển 160 triệu đồng vào tài khoản của bà.

Nhóm này cho rằng đã điều tra về đường dây mà bà C. tham gia, có chứng cứ cho thấy bà này được chia tiền. Nếu muốn chứng minh trong sạch, bà C. phải chuyển tiền vào “tài khoản của cảnh sát” để xác minh, nếu không phạm tội sẽ được trả lại lập tức. Tin lời, bà C. đã chuyển 300 triệu đồng vào tài khoản của người mở tại Techcombank theo yêu cầu của “cán bộ điều tra”. Số tiền này bị nhóm lừa đảo rút ra ngay sau đó.

Công an xác định số tài khoản này cũng được nhiều nạn nhân chuyển vào hơn nửa tỉ đồng. Mở rộng điều tra, công an phát hiện Mai ở An Giang làm đầu mối thu mua hơn 90 thẻ ATM cung cấp cho Li Shi Min với giá 1-3 triệu đồng mỗi thẻ.


TP.HCM tăng đàn bò sữa lên 100.000 con

Ngày 13-1, tại hội nghị tổng kết năm 2015, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết GDP ngành nông lâm ngư nghiệp TP năm 2015 đạt 9.502 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và bằng 2,4 lần so với mức tăng cả nước.

Đáng chú ý là cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa một vụ, kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của TP như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa… Nhờ đó, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2015 ước đạt 375 triệu đồng/ha/năm, tăng bình quân 18,8%/năm.

Trong năm 2016, TP đề ra mục tiêu nâng giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 420 triệu đồng; diện tích hoa kiểng là 2.300 ha, diện tích gieo trồng rau an toàn 15.200 ha; tăng đàn bò sữa lên 100.000 con… Đồng thời TP sẽ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, cơ giới hóa nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục