tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 27-11-2015

  • Cập nhật : 27/11/2015

Phóng thủy lôi, bom chống ngầm trước vịnh Cam Ranh

tau 17 chuyen lam nhiem vu tac chien chong ngam (bang phuong phap tha bom chim, phong roc ket chong ngam) truc chien tai quan cang cam ranh

Tàu 17 chuyên làm nhiệm vụ tác chiến chống ngầm (bằng phương pháp thả bom chìm, phóng roc ket chống ngầm) trực chiến tại Quân cảng Cam Ranh


Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân vừa thông báo lịch phóng thả thuỷ lôi, bom chìm chống ngầm trên Đài duyên hải Việt Nam
Theo thông báo này, các toạ độ ném bom chống ngầm bao gồm: Điểm 1 là 12°40'00" Bắc - 109°40'00" Đông; điểm 2 là 12°40'00" Bắc - 110°18'00" Đông; điểm 3 là 11°20'00" Bắc - 110°18'00" đông; điểm 4 là 11°20'00" Bắc - 109°48'00" Đông. Trong khoảng thời gian từ 7h-11h ngày 28 và 29.11.2015.
Các điểm trục vớt thuỷ lôi cụ thể: Điểm 5 là 11°36'12" Bắc - 109°19'06" Đông; điểm 6 là 11°55'00" Bắc - 109°25'18" Đông; điểm 7 là 11°54'18" Bắc - 109°27'18" Đông; điểm 8 là 11°35'30" Bắc - 109°21'06" Đông. Thời gian từ ngày 29-30.11.2015.
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân yêu cầu các tàu thuyền hoạt động quanh khu vực đi cách xa khu vực có toạ độ nêu trên, tăng cường quan sát cảnh giới để đảm bảo an toàn.
Được biết, khu vực phóng thả thủy lôi, bom chìm chống ngầm nằm ở phía Đông Bắc Vịnh Cam Ranh, cách bờ từ 13 đến 60 hải lý và là hoạt động huấn luyện theo kế hoạch thường kỳ của các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.

Hơn 800 tỉ đồng làm đường, chống ùn tắc cho Biên Hòa

Theo Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP.Biên Hòa (Đồng Nai), hiện các tuyến đường chính của thành phố như Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi… thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Tại các điểm nút giao Amata, ngã tư Tân Phong, ngã tư Lạc Cường, ngã ba Vườn Mít cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự do lượng xe lưu thông qua đây rất lớn đặc biệt vào các giờ cao điểm. Vì vậy Phòng QLĐT TP.Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng thêm hai tuyến đường theo quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ở các điểm đen trên.
Cụ thể, đường Nguyễn Văn Hoài dài 1,5 km, có điểm đầu giao với đường Nguyễn Ái Quốc (cạnh Bệnh viện Tâm thần) điểm cuối tại ngã ba đường Đồng Khởi và Bùi Hữu Nghĩa; tuyến đường liên phường Trảng Dài và Tân Hiệp dài 3,2 km, điểm đầu giao đường Đồng Khởi (đối diện Đài truyền hình Đồng Nai) điểm cuối tại ngã ba đường Bùi Hữu Nghĩa và Bùi Văn Xá. Tổng kinh phí cho hai dự án này khoảng 861 tỉ đồng.
Riêng ngã tư Tân Phong, Phòng QLĐT TP.Biên Hòa cho biết UBND tỉnh đã có chủ trương xây dựng cầu vượt nại nút giao thông này, hiện đang triển khai xây dựng.

Đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa tống đạt kết luận điều tra, đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Trong số những người bị đề nghị truy tố có có ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấpnước sông Đà thuộc Vinaconex và Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thuỷ tinh Vinaconex.

Theo kết luận điều tra, dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Vinaconex làm chủ đầu tư được triển khai năm 2003. Đến năm 2009, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Hà Nội và vùng lân cận.

Trong 6 năm sử dụng, tuyến đường ống nước sông Đà đã vỡ 14 lần, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống hàng vạn hộ dân.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định 9 bị can nguyên là cán bộ quản lý, thi công và giám sát dự án đã vi phạm các quy định về chất lượng hàng hóa, quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

Họ đã sản xuất, thi công, giám sát và nghiệm thu ống composite cốt sợi thuỷ tinh và phụ kiện không đảm bảo tiêu chuẩn khiến tuyến ống truyền tải nước sạch liên tục bị phá huỷ, nguy cơ vỡ tuyến ống còn tiếp diễn.

Trước hàng loạt sự cố liên tiếp, doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng thêm tuyến ống mới thay thế.


Quân nhân chuyên nghiệp được kéo dài thời hạn tại ngũ tối đa 5 năm

Sáng 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Luật có 7 chương 52 điều. Đáng chú ý hơn cả là thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp đã có 1 số điều chỉnh.

Theo Luật này, thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau: Phục vụ có thời hạn ít nhất là 06 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp;  Phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm: Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;   Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm.

Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Theo Luật quy định, danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Theo Luật, hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân và viên chức quốc phòng được điều chỉnh như sau: Nam đủ 60 tuổi và Nữ đủ 55 tuổi.


Sắp có cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận

Ngày 13/11 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 1/2016, và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016).

Thông tin này được đưa ra tại báo cáo giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2015 của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Tại đây, cơ quan giám sát cho biết, do nhiều nguyên nhân, thời gian lập dự án đầu tư (FS) kéo dài thêm khoảng 2 năm và tiến độ tổng thể của dự án.

mo hinh du an nha may dien hat nhan tai ninh thuan.

Mô hình dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.


Theo đó, việc phê duyệt FS diễn ra vào tháng 3/2016, đến tháng 11/2019 phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tháng 2/2021 ký hợp đồng EPC.

Việc khởi công, (đổ mẻ bê tông đầu tiên móng lò phản ứng) dự kiến vào tháng 12/2022, đến tháng 7/2028 sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 và 1 năm sau sẽ vận hành thương mại tổ máy số 2.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, tiến độ nêu trên chỉ là dự kiến sơ bộ, theo thông lệ, tiến độ chi tiết và chính xác của dự án chỉ có thể xác định được sau khi đã ký hợp đồng tổng thầu EPC như đã được nêu tại hiệp định liên chính phủ Việt Nam - Nga: “Thời hạn đưa vào vận hành khai thác các tổ máy năng lượng của nhà máy điện hạt nhân được xác định trong các hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân được ký kết giữa các tổ chức được ủy quyền của các bên”.

Qua giám sát, ủy ban chuyên trách chỉ rõ, vẫn còn thiếu một số các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, đặc biệt về cơ chế, chính sách đặc thù đối với việc thực hiện dự án và thu hút, ưu đãi chuyên gia làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Đây cũng là lý do để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra yêu cầu như đã nói trên.

Báo cáo giám sát cũng thông tin về dự án di dân tái định cư để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Cụ thể, trong giai đoạn vừa qua, EVN đã chuyển cho UBND tỉnh Ninh Thuận 47.438,39 triệu đồng chi trả cho công tác điều tra, khảo sát, lập quy hoạch, lập dự án di dân tái định cư, chi phí Ban quản lý dự án của tỉnh và các chi phí khác.

Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đang xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền trước khi phê duyệt và công bố phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tái định canh khi thực hiện các dự án thành phần của dự án trên địa bàn và tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

Dự kiến từ quý 4/2015 đến hết quý 4/2016 sẽ hoàn thành công tác giải phóng và nhận bàn giao mặt bằng của toàn bộ dự án thành phần di dân, tái định cư của các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đến năm 2019, sau khi hoàn thành tất cả các hạng mục của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư sẽ tổ chức di dân đến nơi ở mới và bàn giao mặt bằng cho EVN thực hiện việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội kiến nghị Bộ Công Thương lập và xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật thiết kế, xây dựng công trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, bảo đảm an ninh, an toàn cao nhất cho công trình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam được đề nghị xây dựng thêm các kịch bản về sóng thần có thể ảnh hưởng tới vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân, để có căn cứ đảm bảo các nhà máy này hoạt động an toàn trong trường hợp có thể xảy ra động đất và sóng thần mạnh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục