tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 25-09-2015

  • Cập nhật : 25/09/2015

Gần 21.000 xe ô tô “hết đát” bị cấm lưu hành từ 1/1/2016

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cả nước có 20.994 xe ô tô hết hạn sử dụng, trong đó có 2.061 xe chở người và 18.993 xe chở hàng sẽ bị cấm lưu hành từ 1/1/2016. Tweet

Theo đó, người dân có thể tra cứu chiếc xe của mình còn niên hạn sử dụng hay không, có thể truy cập vào trang thông tin của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại địa chỉ www.vr.org.vn tại mục “phương tiện hết niên hạn sử dụng” và “phương tiện sắp hết niên hạn sử dụng”.

Theo Nghị định 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ “Quy định niên hạn sử dụng đối với ôtô chở hàng và ôtô chở người”, niên hạn sử dụng đối với xe ôtô chở hàng là không quá 25 năm; đối với ô tô chở người không quá 20 năm; đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 1/1/2002 không quá 17 năm.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, cơ quan này đã yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc cung cấp số liệu cho phòng Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông vận tải, Thanh tra giao thông vận tải các địa phương.

Đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng tuần tra thực hiện kiểm tra liên ngành để kiểm soát trên đường, xử lý theo quy định tại Nghị định 171 của Chính phủ đối các chủ xe, người sử dụng xe hết niên hạn tham gia giao thông”.


Bà Nguyễn Thị Thanh tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình

Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng đã tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

ba nguyen thi thanh

Bà Nguyễn Thị Thanh

Ngày 24.9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 21, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới và các chức danh chủ chốt trong Đảng bộ tỉnh.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 51 người. Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng tái đắc cử chức Bí thư tỉnh ủy.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐND tỉnh được bầu làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy. Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy.

Phải công khai chế độ tiền lương, tiền thưởng trên website

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), có hiệu lực thi hành từ ngày 5-11.
phai cong khai che do tien luong, tien thuong tren website - anh minh hoa 

Phải công khai chế độ tiền lương, tiền thưởng trên website - Ảnh minh họa 

Theo đó, DNNN phải xây dựng báo cáo về chế độ tiền lương, tiền thưởng và thực hiện công bố trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của DN; đồng thời gửi báo cáo tới cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hai cơ quan này sẽ thực hiện công bố báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của DN trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ nhận được báo cáo của DN.

Ngoài ra, DNNN còn phải định kỳ công bố các thông tin về chiến lược phát triển của DN; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm; báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN hàng năm; báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN; báo cáo tài chính 6 tháng và cả năm của DN.
Theo nghị định 81, DNNN còn phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước và công bố công khai thông tin về các sự kiện bất thường như: Tài khoản của DN bị phong tỏa; tạm ngừng hoạt động kinh doanh; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy phép thành lập; thay đổi người quản lý DN; có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của Tòa án đối với một trong số các người quản lý DN…
Các sự kiện bất thường phải được báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong vòng 24 giờ và được công bố trên cổng hoặc trang điện tử của DN, ấn phẩm (nếu có), niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của DN trong vòng 36 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự kiện.

Khai thác cá ngừ sớm đạt chuẩn quốc tế

Khai thác cá ngừ sớm đạt chuẩn quốc tế

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có ban hành quyết định 3562 về kế hoạch quản lý nghề cá ngừ đại dương ở Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch quản lý là nghề khai thác cá ngừ đại dương được quản lý phù hợp chuẩn mực quốc tế thông qua áp dụng các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn lợi để phát triển bền vững nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam.

Các hoạt động thương mại và sử dụng cá ngừ đại dương tuân thủ các nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Kế hoạch này cũng bao gồm việc hợp tác với Ủy ban nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC) và các nước trong khu vực để thực thi có hiệu quả các giải pháp bảo vệ và quản lý cá ngừ đại dương ở các vùng biển chung và giáp ranh.

Hài hòa hóa các giải pháp quản lý nguồn lợi cá ngừ ở vùng biển cả và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Trong giai đoạn 2015-2020, mục tiêu hệ thống giám sát tàu khai thác cá ngừ đại dương (VMS) trên vùng biển Việt Nam được thiết lập và đưa vào sử dụng. Sản lượng lên bến của cá ngừ đại dương tại các điểm lên cá được thống kê đảm bảo truy suất nguồn gốc.

Đến giai đoạn 2020-2030, cá ngừ và sản phẩm cá ngừ được cấp giấy chứng nhận nhân sinh thái của Hội đồng quản lý biển quốc tế (MSC).

Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng phê duyệt Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Theo đó, mục tiêu đề án này đến năm 2016, sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to cho phép khai thác tối đa 19.000 tuấn (và tối đa 21.000 tấn, năm 2020). Sản lượng cá ngừ văn đạt 50.000 tấn/năm.

Theo V​asep, xuất khẩu cá ngừ 8 tháng đầu năm 2015 đạt giá trị hơn 300 triệu USD, trong đó các sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh, khô đạt hơn 165 triệu USD, các sản phẩm chế biến đạt hơn 138 triệu USD.

Kim ngạch 8 tháng đầu năm 2015 giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014 vì chất lượng sản phẩm sau thu hoạch kém hơn do ngư dân thay đổi hình thức đánh bắt.

Cá ngừ là mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu lớn của Việt Nam chỉ đứng sau cá tra và tôm. Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt trên 400 triệu USD.


Yên Bái hòa lưới điện quốc gia dự án thủy điện 1.200 tỷ đồng

yen bai hoa luoi dien quoc gia du an thuy dien 1.200 ty dong

Yên Bái hòa lưới điện quốc gia dự án thủy điện 1.200 tỷ đồng

Dự án Thủy điện Khao Mang Thượng chính thức hòa mạng điện lưới quốc gia với điện lượng tính trung bình năm trên 71 triệu kwh. Dung tích hữu ích để phát điện là trên 10 triệu m3 và diện tích mặt hồ rộng gần 850 m2.

Ngày 23/9, Công trình Thủy điện Khao Mang Thượng của Công ty Xuân Thiện Yên Bái thuộc Tập đoàn Xuân Thành đã chính thức hòa mạng điện lưới quốc gia. Công trình được khởi công từ quý II/2012 với tổng kinh phí gần 1.200 tỷ đồng. 

Nhà máy Thủy điện Khao Mang Thượng đã đảm bảo tiến độ hoàn thành và phát điện với điện lượng tính trung bình năm trên 71 triệu kwh. Sau ba năm thi công đến nay, công trình thủy điện Khao Mang Thượng đã hoàn thành các hạng mục xây dựng như đập dâng cao 68 m, đường hầm áp lực 02 tổ máy phát điện. 

Thủy điện Khao Mang Thượng xây dựng trên địa bàn các xã Mồ Dề, Kim Nọi, Khao Mang và Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Sau khi tích nước, dung tích toàn bộ hồ chứa khoảng trên 13 triệu m3. Trong đó dung tích hữu ích để phát điện là trên 10 triệu m3 và diện tích mặt hồ rộng gần 850 m2.

Hiện tại trên dòng Nậm Kim có 3 nhà máy thủy điện nhỏ đã đưa vào khai thác là Nhà máy Thủy điện Nậm Kim, Nhà máy Thủy điện Hồ Bốn và Nhà máy Thủy điện Khao Mang Thượng. Những nhà máy này góp phần cung cấp, ổn định cho hệ thống điện lưới khu vực ba tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái trong năm 2015, đồng thời đóng góp cho ngân sách của tỉnh Yên Bái trong những năm tới.
Được biết, sau khi hoàn thành công trình thủy điện Khao Mang Thượng, Tập đoàn Xuân Thành sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công thủy điện Khao Mang Hạ và dự kiến đưa vào phát điện trong năm 2016 với tổng công suất của 2 nhà máy là 55 MW.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục