tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 27-11-2015

  • Cập nhật : 27/11/2015

Việt - Đức cùng lo ngại về hoạt động tôn tạo ở Biển Đông

Tổng thống Đức Joachim Gauck cùng Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cho rằng các bên liên quan đến tranh chấp cần giải quyết theo luật quốc tế.
tong thong duc gauck tiep don chu tich nuoc truong tan sang hom qua. anh:dw

Tổng thống Đức Gauck tiếp đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm qua. Ảnh:DW

Trao đổi với Chủ tịch Trương Tấn Sang hôm qua sau lễ đón chính thức tại Berlin, Tổng thống Đức khẳng định những bất đồng ở Biển Đông cần được xem xét bằng các biện pháp hòa bình, thông qua kênh đa phương nhằm duy trì tự do hàng hải, hàng không và bảo đảm an ninh ở khu vực, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.

Hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các hoạt động tôn tạo bãi đá ở Trường Sa, cho rằng hoạt động này gây bất ổn cho hòa bình, ổn định và an toàn của tuyến hàng hải quốc tế lớn, kết nối thông thương giữa châu Âu và châu Á.

Chủ tịch nước đề nghị Đức tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong giải quyết tranh chấp phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Việt Nam cũng mong Đức duy trì tiếng nói tích cực trong khối G7 và Liên minh châu Âu (EU).

Tại Biển Đông, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Từ năm ngoái Bắc Kinh đẩy mạnh việc cải tạo các đá thành đảo nhân tạo, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng. Nhiều nước trên thế giới lo ngại Trung Quốc lập các căn cứ quân sự ở đây. Việt Nam cùng các nước đã lên tiếng phản đối, đề nghị Bắc Kinh dừng các hoạt động phi pháp này.

Tổng thống Gauck và Chủ tịch Sang thống nhất mở rộng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, duy trì vị trí của Đức là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại EU, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết. Hai nước đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2020, đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt 5 tỷ USD trong thời gian sớm nhất. Hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động và kinh doanh thuận lợi tại thị trường của nhau.

Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 10/2011, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm chính thức Việt Nam. Đức hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu trong nhiều lĩnh vực như thương mại, khoa học - công nghệ, hợp tác phát triển, môi trường, pháp luật, giáo dục và đào tạo nghề. Trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi, từ hơn 4 tỷ USD năm 2010 lên 7,8 tỷ USD năm 2014. Đầu tư của Đức tại Việt Nam cũng tăng hơn 70%, từ 824 triệu USD năm 2010 lên 1,41 tỷ USD hiện nay. 

Về giáo dục, hai bên sẽ đưa Đại học Việt - Đức trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, đạt đẳng cấp quốc tế. Chủ tịch nước cũng đề nghị Thị trưởng thành phố Berlin Michael Mueller chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các thành phố của Việt Nam trong phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, môi trường xanh, sạch. Thỏa thuận hợp tác giữa quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và quận Lichtenberg (Berlin) được coi là cơ sở cho hợp tác thời gian tới. Ông Mueller cũng cam kết tiếp tục tạo thuận lợi về sinh sống và kinh doanh cho cộng đồng người Việt.

Đây là chuyến thăm Đức cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam, nhân dịp hai bên kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.


Nhà máy xử lý rác gần 28 triệu USD 'đắp chiếu'

Từng được đánh giá có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam, đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc và ngân sách, nhưng Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát (Hải Phòng) đã ngưng hoạt động 2 năm nay.
nha may xu ly chat thai ran trang cat, hai phong co gia hang tram ty dong hien "dap chieu". anh: giang chinh

Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát, Hải Phòng có giá hàng trăm tỷ đồng hiện "đắp chiếu". Ảnh: Giang Chinh

Dự án quản lý và xử lý chất thải rắn TP Hải Phòng được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 8/1997 nhằm quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Dự án được triển khai tại phường Tràng Cát, quận Hải An, trên diện tích 60 ha, trong đó 40 ha làm bãi đổ rác, 20 ha xây nhà máy xử lý rác.

Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 27,786 triệu USD (tương đương 623 tỷ đồng theo tỷ giá ngoại tệ hiện tại), trong đó vốn vay ưu đãi của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc là 19,6 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và quyền sử dụng đất là 5,7 triệu USD. Chủ đầu tư là Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng (thuộc Sở Xây dựng Hải Phòng). Nội dung chính của giai đoạn 1 là sử dụng công nghệ ủ vi sinh để xử lý chất thải đô thị, gồm: Cung cấp thiết bị, kỹ nghệ để chuẩn hoá rác và bùn cống ga thành sản phẩm hữu cơ có ích; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ cho nhà máy chế biến phân ủ có công suất xử lý 200 tấn chất thải và 40 tấn bùn cống ga mỗi ngày…

nhung o cua kinh ben trong nha may cai con cai mat va cac khung sat deu da hoen ri, nga mau. anh: giang chinh

Những ô cửa kính bên trong nhà máy cái còn cái mất và các khung sắt đều đã hoen rỉ, ngả màu. Ảnh: Giang Chinh

Dự án được khởi công tháng 9/2003, nhưng do một số vướng mắc nên đến tháng 10/2004 mới được triển khai. Cuối năm 2008, sau rất nhiều trục trặc từ việc nhà thầu phá sản, công nghệ không đáp ứng, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Hải Phòng cuối cùng cũng được hoàn thành với dây chuyền công nghệ thiết bị được đánh giá tiên tiến nhất cả nước lúc đó. 

Nhà máy đã lắp đặt 4 dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn, sử dụng công nghệ vi sinh tiên tiến của Hàn Quốc, gồm: phân loại; lên men bằng phương pháp sinh học; công đoạn ủ chín và tự động sàng, đóng bao. Nhà máy có hệ thống điều khiển hiện đại, bãi chôn lấp chất thải rắn và 47 xe chuyên dụng, nhập khẩu từ Hàn Quốc phục vụ sản xuất.

Sau khi vận hành chạy thử theo công suất thiết kế, sản phẩm đầu ra là phân compost đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2013 đến nay nhà máy ngưng hoạt động.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng cho biết, nhà máy Tràng Cát có công suất xử lý 200 tấn rác/ngày, đáp ứng được 1/5 số lượng rác thải tại các quận nội thành Hải Phòng. Sau ngày khánh thành (6/12/2008), do thiếu kinh phí vận hành, sản phẩm đầu ra không tiêu thụ được nên nhà máy hoạt động cầm chừng được ít năm, rồi đóng cửa suốt từ năm 2013 đến nay trong khi gói thầu cuối cùng là xây dựng hệ thống thoát nước chung quanh chưa được thực hiện.

Trả lời bao giờ nhà máy mới tiếp tục hoạt động nhằm xử lý rác đúng như cam kết, ông Quý cho biết, một đơn vị Nhật Bản đang thăm dò để hợp tác đầu tư xử lý, tái chế rác thải với Hải Phòng. 


Trung Quốc đã đồng ý đưa thi thể bà Hà Linh về nước

Sau khi Trung Quốc thông báo cho phép tiến hành xử lý hậu sự đối với thi thể doanh nhân Hà Linh, gia đình đang tích cực để có thể đưa thi thể người thân về nước sớm nhất.

doanh nhan ha linh

Doanh nhân Hà Linh

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 16-11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã cung cấp những thông tin mới về vụnữ doanh nhân Hà Thuý Linh (thường gọi là Hà Linh) bị sát hại tại Trung Quốc.

Ông Lê Hải Bình cho biết theo thông tin mới nhất từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã thông báo cho phép tiến hành xử lý hậu sự đối với thi thể của bà Hà Thuý Linh.

Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã thông báo việc này với gia đình của nạn nhân và đang tích cực làm việc khẩn trương với các cơ quan chức năng để có thể đưa thi hài của bà Hà Linh về nước trong thời gian sớm nhất.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, bà Hà Thúy Linh (SN 1972, tên thường gọi là Hà Linh, quê Đồng Tháp), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh, bị sát hại Quảng Đông-Trung Quốc ngày 22-9. Ngày 23-9, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) có công điện khẩn thông báo về trường hợp một phụ nữ Việt Nam có tên Hà Thúy Linh bị cướp tài sản tại thôn Cửu Giang Thùy, thị trấn Thường Bình, TP Đông Quán, tỉnh Quảng Đông.

Công điện nêu rõ: “Bà Hà Thúy Linh được bạn hàng buôn bán mời uống nước, sau đó hôn mê và bị cướp toàn bộ tài sản, hộ chiếu. Sau đó, bà được đưa tới bệnh viện cấp cứu tuy nhiên không qua khỏi, tử vong vào sáng sớm 22-9-2015. Theo chuẩn đoán y tế, bà Hà Thúy Linh bị tổn thương tuyến tụy và vỡ trực tràng 12 do ngoại lực tác động…”.

Ngày 29-9, phía Trung Quốc đã tiến hành khám nghiệm tử thi để tìm ra nguyên nhân tử vong. Sau đó, các cơ quan chức năng của Trung Quốc cho biết sau khi có kết luận chính thức về nguyên nhân tử vong, trong vòng 3 tuần sẽ hoàn tất các thủ tục đưa thi hài bà Hà Thúy Linh về Việt Nam.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 12-11, ông Lê Hải Bình cho biết Bộ Công an Trung Quốc cũng như Công an tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc. Theo đề nghị của Bộ Công an Việt Nam, Bộ Công an Trung Quốc đã tăng cường đoàn về Quảng Đông để trực tiếp điều tra vụ việc.


Ngân hàng giải tỏa "cơn khát" ô tô của người Việt

 Lượng xe ô tô tiêu thụ trên thị trường những tháng qua luôn ở mức kỷ lục, trong bối cảnh đó các ngân hàng đua nhau tung ra các gói cho vay ưu đãi mua ô tô để thu hút khách hàng

Theo công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tình hình tiêu thụ ô tô tháng 10-2015 đạt mức kỷ lục tính từ đầu năm đến nay. Doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 22.368 xe, tăng 5% so với tháng trước và tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2014.

Thống kê của Tổng cục hải quan cũng cho thấy trong tháng 10, lượng nhập khẩu xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt mức cao nhất kể từ năm 2010, do các doanh nghiệp tiếp tục tăng nhập khẩu các dòng xe nhỏ, có giá thấp. Cụ thể, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại là 13.960 chiếc, tăng 62,7%, trị giá nhập khẩu là 230 triệu USD.

Tính chung 10 tháng đầu năm, lượng xe ô tô nguyên chiếc cả nước nhập về là 97.320 chiếc tăng mạnh 88,1%, trị giá là 2,33 tỉ USD tăng mạnh 101,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Các hiệp hội và doanh nghiệp đều dự báo thị trường ô tô sẽ tiếp tục tăng mạnh vào các tháng cuối năm, đặc biệt là dịp cận Tết, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, kinh doanh của người dân.

nhu cau mua sam o to tang manh, cac ngan hang cung day manh cho vay de day manh tang truong tin dung cuoi nam

Nhu cầu mua sắm ô tô tăng mạnh, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm

Trước nhu cầu mua sắm xe ô tô ngày càng tăng, các ngân hàng thương mại cũng không ngừng tung ra những gói tín dụng ưu đãi về lãi suất, đơn giản thủ tục để gia tăng tín dụng cuối năm. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa tung ra chương trình cho vay mua ô tô phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ 6,8%/năm.

Chương trình áp dụng cho cả xe ô tô mới và xe cũ đã qua sử dụng hoặc vay bù đắp vốn tự có đã dùng mua xe. Mức cho vay tối đa lên đến 75% khi bảo đảm bằng chính xe mua và 100% khi bảo đảm bằng tài sản khác. Ngoài ra, khách hàng còn được miễn hoàn toàn các khoản phí khi trả nợ trước hạn, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian duyệt hồ sơ.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng lại tung ra chương trình “vay mua xe ô tô siêu tốc” trong vòng tối đa 8 giờ sau khi nộp hồ sơ vay, áp dụng dành cho khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô mới.

Lãi suất vay mua xe cũng rất linh hoạt từ 7,49%/năm hoặc lãi suất cố định 9,5%/năm trong suốt thời gian vay tùy theo chương trình khuyến mãi. ABBANK còn liên kết, hợp tác với các đại lý, showroom của các thương hiệu ô tô nổi tiếng và uy tín cung cấp thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng, chính sách ưu đãi như: giảm miễn phí bảo dưỡng xe, phí làm đẹp xe, phí phụ tùng sửa chữa và bảo dưỡng…


15 cán bộ chủ chốt là họ hàng với Tổng giám đốc Hàng hải

Xác minh 30 người bị tố cáo, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải kết luận 15 người có quan hệ họ hàng với Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. 

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có kết luận xác minh đơn tố cáo 30 người có quan hệ gia đình với lãnh đạo đang làm việc tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South) và đơn vị thành viên từ năm 2005 đến nay.

Tổ xác minh làm việc trực tiếp với 30 người, kết quả 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với ông Phạm Đình Vận, nguyên Tổng giám đốc VMS-South (ông Vận về hưu năm 2014) và ông Phạm Quốc Súy (em trai ông Vận), Tổng giám đốc đương nhiệm.

Trong 15 người thì 8 có quan hệ gia đình (chị ruột, cháu ruột, cậu ruột, em họ) với Tổng giám đốc. Trong đó 5 người giữ các chức vụ như Phó tổng giám đốc Tổng công ty, Chánh Văn phòng, Phó giám đốc công ty, Trưởng phòng kế hoạch và Phó phòng kế toán công ty.

Ngoài ra, 7 người có quan hệ họ hàng (là cháu rể, anh rể, cháu dâu, cháu vợ) với Tổng giám đốc, giữ các chức vụ như Phó phòng Kế toán, Phó phòng Kinh tế kế hoạch Tổng công ty, Giám đốc công ty, Trưởng phòng Kế hoạch vật tư của công ty, Chánh Văn phòng Đảng ủy, Trưởng phòng Hành chính công ty.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, quy trình và hồ sơ bổ nhiệm đối với một số trường hợp còn thiếu sót. Tại thời điểm bổ nhiệm có 3 người thiếu bằng tốt nghiệp đại học, 2 người thiếu điều kiện là đảng viên, một người thiếu nhận xét cấp ủy nơi cư trú và chứng chỉ tin học. Đến nay 2 người đã có bằng tốt nghiệp đại học, còn một người chưa có.

Bộ Giao thông đã yêu cầu Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền do có thiếu sót trong công tác bổ nhiệm cán bộ.

Bên cạnh đó, VMS-South cần khẩn trương tổ chức rà soát điều kiện tiêu chuẩn của cán bộ, viên chức quản lý, lãnh đạo tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh đó thì phải bố trí, sắp xếp công việc khác phù hợp.

Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam trực thuộc Cục Hàng Hải (Bộ Giao thông Vận tải) có 18 đơn vị thành viên thuộc 3 khối: bảo đảm hàng hải, hoa tiêu hàng hải và trục vớt cứu hộ đóng tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, TP HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Tổng công ty có nhiệm vụ quản lý vận hành hệ thống đèn biển và hệ thống báo hiệu hàng hải luồng tàu biển; khảo sát, ra thông báo hàng hải; điều tiết đảm bảo an toàn hàng hải đối với các công trình thi công và hoạt động khác diễn ra trên vùng nước cảng biển và luồng hàng hải; nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải, vùng nước cảng biển...


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục