tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 21-12-2015

  • Cập nhật : 21/12/2015

Nhu cầu tuyển dụng người biết tiếng Nhật tăng 40%

nhu cau tuyen dung nguoi biet tieng nhat tang 40%

Nhu cầu tuyển dụng người biết tiếng Nhật tăng 40%

Ngày 19-12, Công ty Tuyển dụng trực tuyến Vietnamworks và trang mạng tuyển dụng tiếng Nhật Japanworks tổ chức ngày hội việc làm tiếng Nhật với chủ đề “Japanworks Job Fair” tại TP.HCM.

Sự kiện này đã thu hút 500 ứng viên biết tiếng Nhật và 14 công ty có nhu cầu tuyển dụng ứng viên nói tiếng Nhật. Hầu hết công ty này hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và có nhu cầu tuyển nhân sự lớn.

Ông Gaku Echizenya, Giám đốc điều hành Vietnamworks, cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân lực biết tiếng Nhật tăng trưởng và ổn định vài năm gần đây. Số liệu của Vietnamworks cho thấy số lượng công việc yêu cầu ngôn ngữ tiếng Nhật tăng 40% so với năm 2014. Kết quả khảo sát cho thấy hiện có hơn 50.000 ứng viên biết tiếng Nhật đang tìm kiếm việc làm trên trang Japanworks. “Japanworks Job Fair” là cơ hội để nhà tuyển dụng và người tìm việc tương tác với nhau, qua đó tham gia vào các hoạt động tư vấn nghề nghiệp và tìm hiểu môi trường làm việc của người Nhật.


Tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay năm 2015 giảm sâu so với năm 2014

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2015, tỷ lệ chậm hủy chuyến bay của các hãng hàng không nội địa chiếm từ 15-18%, giảm sâu so với năm 2014.

Giai đoạn cao điểm (tháng 7, 8), tỷ lệ chậm hủy chuyến bay tăng vọt lên hơn 22%. Trong đó, 90% là do tàu bay về muộn, do thời tiết, 5% là do lỗi kỹ thuật.

Vietnam Airlines cho biết, tổng số tiền phải bồi thường cho hành khách bị từ chối vận chuyển, hành khách có chuyến bay chậm kéo dài và hành khách bị hủy chuyến từ tháng 7 đến cuối tháng 11/2015 lên tới hơn 6,2 tỉ đồng, Vietjet Air là 3,8 tỉ đồng.

Các hãng hàng không cho rằng, lý do cơ bản là hạ tầng một số sân bay đang quá tải như Tân Sơn Nhất và Nội Bài, trong khi các hãng hàng không nội địa đều gia tăng mở các đường bay mới, mua sắm thêm tàu bay… các hãng hàng không nước ngoài cũng tăng tần suất bay, mở các đường bay đến Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sẽ thực hiện các giải pháp điều phối giờ cất hạ cánh hiệu quả, giảm ùn tắc, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Lễ và Tết Nguyên đán sắp tới.


Công an truy tìm chủ hụi bị tố quỵt nợ 26 tỷ

cong an truy tim chu hui bi to quyt no 26 ty

Công an truy tìm chủ hụi bị tố quỵt nợ 26 tỷ


Bà Chính với người thân bỏ nhà đi sau đêm tổ chức đám cưới cho con trai. Hàng trăm người dân huyện U Minh (Cà Mau) đã tố cáo thiếu phụ này quỵt tiền hụi khoảng 26 tỷ đồng.

Ngày 19/12, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Cà Mau ra thông báo truy tìm bà Lê Bé Chính (51 tuổi, tự Chính Hụi) để làm rõ nghi vấn Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nhà chức trách, vụ việc xảy ra từ tháng 9 đến 11, tại khóm 4, thị trấn U Minh. Quá trình điều tra, PC45 Cà Mau phát hiện bà Chính cùng người thân đi đâu không rõ.

Công an huyện U Minh cho biết, cuối tháng 11, hàng trăm người dân thị trấn U Minh và các xã lân cận đã tố cáo bà Chính quỵt tiền hụi. Thiếu phụ với người thân bỗng dưng "biến mất" sau đêm tổ chức đám cưới cho con trai.

"Chúng tôi chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Cà Mau phối hợp điều tra. Có trên 150 người tố cáo bà Chính bội tín, không trả nợ hụi với số tiền khoảng 26 tỷ đồng", lãnh đạo Công an U Minh nói.


Dự án di dân ở Nghệ An chậm do thiếu... tiền

Chiều 19-12, kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An khóa 16 bước vào phiên chất vấn các lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Y tế và Sở TN&MT tỉnh Nghệ An.

Trả lời câu hỏi về việc hàng chục dự án di dân ra khỏi các vùng sạt lở trên địa bàn tỉnh và định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chậm, thiếu hiệu quả, ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho rằng do thiếu nguồn vốn nên dẫn đến ách tắc tất cả dự án, dẫn đến chậm tiến độ. Ông Sỹ cũng trả lời việc này trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan chưa phân định rõ ràng nhiệm vụ, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, năng lực nhà thầu hạn chế; địa điểm dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận tiện cho thi công…

Được biết hiện ở Nghệ An có 12 dự án di dân tái định cư với quy mô bố trí, sắp xếp cho trên 1.000 hộ dân, tổng mức đầu tư hơn 516 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay giá trị khối lượng đã thực hiện ước chỉ đạt hơn 230 tỉ đồng, số hộ đã bố trí ổn định mới có 128 hộ (tức 12,4%).


Mỗi năm, 12.000 người Việt mất cơ hội làm việc ở Hàn Quốc

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ, TB-XH Doãn Mậu Diệp, người lao động nên có trách nhiệm bởi việc cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc sẽ làm mất đi cơ hội của hàng nghìn người khác.

Chia sẻ với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ, TB - XH) cho biết, phía Hàn Quốc đang yêu cầu Việt Nam phải giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại thị trường này xuống còn 30% mới có thể xem xét nối lại việc đưa người lao động sang làm việc. Các địa phương đang trong quá trình vận động đưa lao động về nước.

- Đến thời điểm này, tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm như thế nào?

- Trước đó, có những lúc tỷ lệ này lên cao khoảng hơn 40%. Nhưng hiện còn khoảng hơn 30%.

Trong 15 nước phái cử lao động tới Hàn Quốc thì Việt Nam có tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp quá đông (các nước khác chỉ khoảng 15-16%). Phía Hàn Quốc rất mong Việt Nam có những giải pháp, trước mắt là giảm xuống còn khoảng 30%.

Chúng tôi luôn hy vọng 15 tỉnh có số lao động ở lại đông nhất vận động con em họ về nước, để tạo cơ hội cho những người khác. Bên cạnh đó, vấn đề này còn liên quan đến thể diện quốc gia.

- Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?

- Chúng tôi cố gắng tuyên truyền vận động nhưng vẫn vấp phải những trở ngại nhất định. Bởi thu nhập tại Hàn Quốc của người lao động khá cao, từ 25 đến 40 triệu một tháng. Nếu họ về nước, trong tình hình kinh tế khó khăn thì khó có chỗ nào đảm bảo được mức thu nhập này.

Tuy nhiên, những năm 2010-2011, chúng ta đều có 14.000-15.000 lao động đi Hàn Quốc, nhưng từ 2012 đến nay, trong vòng 3 năm, chỉ được hơn 10.000 người đi. Tức là mỗi năm mất đi cơ hội của 12.000 người, 3 năm là khoảng 30.000-40.000 người không có cơ hội đi Hàn Quốc.

Vì thế, người lao động cũng nên chia sẻ. Việc mình ở lại sẽ làm mất đi cơ hội của rất nhiều ngàn người không đi được. Mọi người nên có trách nhiệm với người lao động khác.

- Theo thông tin từ Bộ LĐ,TB-XH, sau 31/12, nếu tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại thị trường này không giảm, thì nhiều khả năng lao động ở 15 tỉnh (chiếm 85% lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc) sẽ không được xét tuyển sang thị trường này?

- Theo chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ năm 2014, hiện Bộ cũng xây dựng chương trình trình Chính phủ. Theo đó, nếu nối lại được thỏa thuận thông thường, có thể lao động tại những tỉnh đông người ở lại bất hợp pháp sẽ không được tham gia. Còn căng hơn, các tỉnh có thể tham gia nhưng huyện đông lao động bất hợp pháp thì không được.

Mục đích của giải pháp này để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ví dụ tại sao tỉnh này đi được mà tỉnh kế bên không đi được? Theo đó, hội đồng nhân dân tỉnh này phải chất vấn Sở Lao động là tại sao lại có việc như thế? Trách nhiệm của họ ra sao, từ đó tạo ra sức ép cho cộng đồng cố gắng tuân thủ.

- Ngoài Hàn Quốc, ông đánh giá như thế nào về thị trường xuất khẩu lao động phổ biến như Đài Loan, Nhật Bản?

- Thời gian qua, thị trường Đài Loan cũng có nhiều vấn đề. Thứ nhất là về số đơn khiếu nại thu phí cao rất nhiều.

Câu chuyện này giải quyết không dễ. Bởi lao động Philippines đi Đài Loan chỉ mất 2.500-4.000 USD nhưng ngoại ngữ của họ tốt. Trong khi đó, lao động Việt Nam yếu ngoại ngữ nên nhiều khi khó cạnh tranh hợp đồng với lao động nước ngoài. Ngoài chất lượng còn khó cả về mặt tuân thủ luật pháp.

Còn Nhật Bản, con số lao động cư trú bất hợp pháp mới ở mức cảnh báo, tỷ lệ khoảng 4%. Nhưng phía Nhật cũng yêu cầu nếu quá 5% thì sẽ dừng thị trường này.

Chúng tôi cũng đã có một loạt yêu cầu doanh nghiệp trong việc công khai minh bạch thông tin trong việc đàm phán với các đối tác Nhật Bản để làm sao không tạo sức ép tài chính với người lao động. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo doanh nghiệp nào có số lao động ở lại hơn 5% sẽ phải rút khỏi danh sách cung ứng lao động.

Các doanh nghiệp phải công khai minh bạch tất cả hợp đồng cũng như thông tin lao động từ thời gian làm việc, nghỉ ngơi, lương thưởng, tiền điện, nước… Người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo khi không đúng với hợp đồng ban đầu.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục