tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 19-10-2015

  • Cập nhật : 19/10/2015

Lãnh đạo TP.HCM tiếp đoàn cấp cao Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc

ong le hoang quan, chu tich ubnd tp.hcm - anh tu lieu

ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM - Ảnh tư liệu

Ngày 17-10, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã tiếp đoàn đại biểu cấp cao Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc do ông Cảnh Huệ Xương, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, dẫn đầu.

Ông Lê Hoàng Quân cho biết hiện TP đã kết nghĩa với bảy địa phương, đồng thời có hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các địa phương khác của Trung Quốc. Mặt khác, TP có nhiều người gốc Hoa sinh sống. Do đó chuyến thăm của đoàn sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa đảng, nhà nước và nhân dân hai nước.

Ông Cảnh Huệ Xương nhìn nhận hiện nay sự hợp tác giữa Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc và Bộ Công an Việt Nam rất tốt đẹp và đang ngày càng phát triển, đặc biệt là về vấn đề an ninh, an toàn. Mối quan hệ này được hai bên rất coi trọng và tin rằng hai cơ quan nói riêng và hai nước nói chung sẽ tiếp tục thúc đẩy để sự hợp tác ngày càng phát triển.(PLO.vn)


Việt Nam có Đại sứ du lịch người Pháp

 Bổ nhiệm bà Anoa Suzzanne Dussol Perran làm Đại sứ du lịch Việt Nam tại Cộng hòa Pháp nhiệm kỳ ba năm. 

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có quyết định về việc bổ nhiệm Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2018.

 Theo đó, Bộ VH- TT&DL bổ nhiệm bà Anoa Suzzanne Dussol Perran, quốc tịch Pháp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch An Hoa, làm Đại sứ du lịch Việt Nam tại Cộng hòa Pháp nhiệm kỳ ba năm (từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2018).

Quyết định nêu rõ bà Ạnoa Suzzanne Dussol Perran thực hiện trách nhiệm theo Quy chế quy định về Đại sứ du lịch Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2115/QĐ-BVHTTDL ngày 8-7-2014 của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; chánh Văn phòng Bộ, cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bà Anoa Suzzanne Dussol Perran và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Trước đó, Bộ VH-TT&DL cũng đã bổ nhiệm đầu bếp Bobby Chinn làm Đại sứ du lịch Việt Nam tại châu Âu. 


Giá điện bậc thang sẽ tạo kẽ hở tham nhũng

“Biểu giá điện bậc thang lũy tiến như hiện nay sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng. Cách tính giá nhiều bậc sẽ khiến cho việc tính toán phức tạp, khó kiểm soát, dễ nảy sinh sai sót và tạo ra sự nhập nhèm”. GS-TS Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương, nhấn mạnh tại hội thảo tính giá điện do Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào ngày 16-10.

Theo GS Tăng, điện là hàng hóa dịch vụ nên người tiêu dùng sử dụng bao nhiêu kWh sẽ trả theo một mức chứ không thể 50 kWh trước lại có giá khác với 50 kWh sau. Từ đó, ông Tăng đề xuất cơ quan quản lý nên chọn phương án điện một giá và có chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo.

Theo đại diện Hội Năng lượng Việt Nam, phương án biểu giá điện bậc thang gây ra những khó khăn trong quản lý như ghi chỉ số điện, thanh toán tiền điện, người dùng điện khó kiểm tra, đối chiếu tiền điện. Trong khi đó, phương án một mức giá đồng nhất thì rất đơn giản, rõ ràng, dễ áp dụng, dễ quản lý và kiểm tra giám sát lại thuận tiện ghi chỉ số điện và tính tiền điện.

Đồng tình, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên chọn phương án điện đồng giá để thay vì áp dụng nhiều bậc thang hiện nay. “Mục đích của biểu giá điện bậc thang là để người dân tiết kiệm điện nhưng thực tế người tiêu dùng luôn có ý thức tiết kiệm dù ở mức thu nhập nào” - bà An nói.

Ngoài ra, bà An còn đặt vấn đề ở khâu đầu vào trong quá trình tính giá điện đã minh bạch chưa. Lúc EVN nói lỗ, lúc nói lãi vậy lỗ thì Nhà nước bù hay dân chịu. “Cử tri nói con phụ thuộc bố mẹ, bố mẹ nghèo thì con nhịn ăn nhưng sao EVN lỗ mà cán bộ, nhân viên thu nhập lại khá?” - bà An bày tỏ.

Ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết nguyên tắc lựa chọn phương án biểu giá điện là bảo vệ lợi ích của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình (chiếm đa số hộ sử dụng điện sinh hoạt); không làm tăng gánh nặng ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách…


Suy thoái kinh tế khiến án kinh doanh thương mại tăng

Báo cáo tại hội thảo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 16-10.

Bà Phan Thị Thu Hà, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao), cho biết từ tháng 10-2008 đến tháng 9-2014, TAND các cấp đã thụ lý 81.214 vụ án kinh doanh thương mại. Trong đó có 20.723 vụ án về mua bán hàng hóa. Số vụ án được giải quyết là 64.568 vụ.

Bà Hà cho hay các vụ án kinh doanh thương mại được thụ lý và giải quyết tăng đều qua các năm. Đặc biệt từ năm 2011 đến 2013, do ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế, các vụ án kinh doanh thương mại đã tăng rất nhanh với số lượng tăng lên tới 7.354 vụ. Tuy nhiên, tỉ lệ các vụ án này được giải quyết ở giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm rất cao, chiếm 80%-90%.

Đối với các vụ án về mua bán hàng hóa, bà Hà cho hay tỉ lệ giải quyết trong giai đoạn hòa giải đã chiếm tới 30%. Điều này chứng tỏ TAND các cấp đã chú trọng công tác hòa giải trong việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại nhằm đảm bảo sự nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Tại hội thảo, bà Trần Đỗ Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, nêu một số tồn tại của Luật Thương mại 2005 và cho biết Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét quyết định việc nghiên cứu, trình dự án Luật Thương mại sửa đổi trong năm 2017 và thông qua vào năm 2018.

Những nội dung cần sửa đổi như điều chỉnh nội dung quy định về xuất xứ hàng hóa cho phù hợp với thực tiễn cũng như cam kết quốc tế; rà soát sửa đổi các nội dung liên quan đến nguyên tắc, hợp đồng, đấu giá và một số nội dung khác để phù hợp với quy định của dự án Bộ luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản và các điều ước quốc tế dự kiến gia nhập, ký kết.


Vụ “đánh đố” vô tiền khoáng hậu

Thiên hạ té ngửa khi ông giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội ký văn bản truy ngược Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vì hôm 15-10, tại một cuộc họp, bộ trưởng cáu gắt “tôi nghe nói để được một “lốt” xe ra vào Bến xe khách Mỹ Đình thì phải chi 500-600 triệu đồng”.

Bộ trưởng đồng thời yêu cầu bãi bỏ ngay đăng ký luồng tuyến - yếu tố mà ông cho là nuôi tiêu cực. “Tôi đã chỉ đạo bỏ từ lâu mà các ông ngậm miệng ăn tiền, không làm...” - bộ trưởng trách Vụ Vận tải và Tổng cục Đường bộ tại một cuộc họp khác, trước đó.

Nội dung bộ trưởng đưa ra tại cuộc họp hôm 15-10 dù chưa phải là thông tin tố giác tội phạm nhưng còn có giá trị cao hơn thế nữa. Đó là mệnh lệnh của người đứng đầu ngành, buộc cấp dưới phải vào cuộc kiểm tra, nếu đúng vậy thì phải ngăn chặn, xử lý.

Cơ quan quản lý Bến xe khách Mỹ Đình là Sở GTVT TP Hà Nội. Thay vì ghi nhận và tổ chức kiểm tra, lãnh đạo sở lại làm chuyện ngược đời: Chất vấn bộ trưởng rằng tiêu cực ở đâu, hãy chỉ rõ để sở “xử”.

Sở GTVT TP Hà Nội hỏi vậy ngầm ý là muốn bộ trưởng trưng ra chứng cứ, đừng nói khơi khơi mà “oan cho anh em”! Vụ này gợi nhắc trường hợp vị Trưởng Ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội nói “có dư luận rằng muốn có suất công chức nhà nước ở thủ đô phải tốn 100 triệu đồng”. Lời cáo giác ấy gây xôn xao một thời gian dài rồi... thôi vì không có bằng chứng, chẳng ai xác minh, người tốn tiền “chạy” cũng chẳng dại gì lên tiếng “lạy ông tôi ở bụi này”...

Nhưng dư luận xã hội thì tin là có. Phải có người báo tin, có thể là ẩn danh, thì Bộ trưởng Đinh La Thăng mới nắm bắt hiện trạng ở Bến xe khách Mỹ Đình, nói rộng ra là hiện trạng ngành GTVT, để chỉ đạo điều hành và điều chỉnh chính sách. Đáng trách thay, là cơ quan quản lý trực tiếp nhưng Sở GTVT TP Hà Nội không nắm bắt (hoặc phớt lờ) dư luận về thông tin tiêu cực và tỏ ra đánh đố, thậm chí có phần thách thức chỉ thị của tư lệnh ngành. Với cách phản ứng như vậy, Sở GTVT TP Hà Nội càng khiến người ta hoài nghi về sự trong sạch của mình.

Thông tin do chính người quản lý đầu ngành phát ngôn mà còn như vậy huống gì người dân bình thường hay giới nhà xe. Từ đây mới thấy những cuộc vận động người dân cung cấp thông tin tiêu cực hoặc đóng góp ý tưởng để giám sát và nâng chất lượng hoạt động công vụ rất dễ rơi vào hình thức, giáo điều nếu chính những người thực thi công vụ không biết và không thèm lắng nghe...


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục