tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 18-10-2015

  • Cập nhật : 18/10/2015

​Trung Quốc lại tuyên bố ngang ngược ở biển Đông

 Trong tuyên bố mới nhất được đưa ra vào ngày hôm nay, 17-10, các vị tướng cấp cao của Trung Quốc cho biết họ sẽ không “thiếu thận trọng” khi sử dụng lực lượng quân sự ở biển Đông, đồng thời khẳng định các đảo nhân tạo của họ “không ảnh hưởng gì đến tự do hàng hải”.

anh tu may bay do tham hoa ky cho thay tau trung quoc tran ngap tai ran da vanh khan o quan dao truong sa - anh: reuters

Ảnh từ máy bay do thám Hoa Kỳ cho thấy tàu Trung Quốc tràn ngập tại rạn đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa - Ảnh: Reuters

Hôm nay 17-10, tướng Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố hoạt động xây dựng phi pháp của họ ở Biển Đông không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, và khẳng định Bắc Kinh "không sử dụng vũ lực một cách khinh suất".

Tại diễn đàn này, Fan Changlong, một trong những phó chủ tịch Ủy ban chỉ huy quân sự Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi nỗ lực hết sức để tránh xung đột ngoài ý muốn. Trung Quốc sẽ không bao giờ dùng vũ lực một cách khinh suất, kể cả trong vấn đề chủ quyền”.

Ông nhấn mạnh những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng “sẽ không ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở biển Đông”. Ông cũng nói thêm rằng hai ngọn hải đăng vừa mới được hoàn tất xây dựng ở hai rạn Châu Viên và Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa “sẽ phục vụ lợi ích hàng hải cho tất cả các nước”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết tranh chấp và khác biệt trong tuyên bố chủ quyền với các bên khác thông qua đàm phán, và chúng tôi cam kết sẽ làm việc với các bên liên quan để đảm bảo an ninh khu vực” - ông Fan khẳng định.

Cũng tại diễn đàn này, cựu lãnh đạo các hoạt động hàng hải Hoa Kỳ, ông Gary Roughead buộc tội chính hành động xây dựng cảng biển và đường băng trong khu vực tranh chấp của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia khác lo ngại.

Trước những động thái khiêu khích ngày càng gia tăng của Trung Quốc, hồi đầu tháng 10, Mỹ đã tuyên bố sẽ tiến hành tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc để đảm bảo tự do hàng hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, một quan chức cấp cao cũng tham dự diễn đàn trên vừa qua cũng xác nhận Hoa Kỳ đã thông báo kế hoạch này cho chính phủ Malaysia.(Tuổi Trẻ Online)


Việt Nam nêu quan ngại về Biển Đông tại LHQ

Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga bày tỏ quan ngại trước các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
dai su, truong dai dien phai doan thuong truc viet nam tai lien hop quoc nguyen phuong nga. anh: bo ngoai giao.

Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nguyễn Phương Nga tham gia phiên thảo luận về đề mục "Pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế" do Ủy ban Pháp lý thuộc Đại Hội đồngLHQ khóa 70 tổ chức trong hai ngày 15 và 16/10.

Tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Bà bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trong tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhất là các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Đại sứ Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đại biểu các quốc gia thành viên LHQ trong phiên thảo luận nhất trí nguyên tắc tôn trọng pháp quyền là yếu tố cơ bản thúc đẩy quan hệ hợp tác, bình đẳng giữa các quốc gia, đảm bảo và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế và thịnh vượng trên thế giới.

Bà Nga cho biết Việt Nam ủng hộ thực thi pháp luật ở cấp độ quốc gia và quốc tế phù hợp với Hiến chương LHQ, cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của LHQ, quốc gia thành viên và đối tác trong quốc tế nhằm đảm bảo và thúc đẩy thực thi pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế.


Đề xuất đổi tên thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương

Đơn vị hành chính Phủ Lạng Thương ra đời từ năm 1888 và được tạc ghi trong hầu hết tài liệu văn tự quốc tế, từ địa lý, địa chất, khảo cổ, dân tộc học đến sử học, văn học, hành chính... 

Ngày 16/10, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp UBND TP Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học "Di sản văn hóa - từ Phủ Lạng Thương đến thành phố Bắc Giang". Tham dự có đại diện Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các nhà khoa học lịch sử đầu ngành cùng lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành của tỉnh Bắc Giang.

anh: bao bac giang.

Ảnh: Báo Bắc Giang.

PGS Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) đề xuất nên đổi tên TP Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương. Địa danh Phủ Lạng Thương hiện vẫn được tạc ghi trong hầu hết tài liệu văn tự quốc tế trong các lĩnh vực địa lý, địa chất, khảo cổ, dân tộc học, sử học, văn học, hành chính... do các học giả nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học Pháp dày công xây dựng.

Không chỉ là địa danh lịch sử, Phủ Lạng Thương đã trở thành những giá trị, văn hóa đặc hữu, góp phần quan trọng vào việc khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tạo lập những sức mạnh vật chất để xây dựng quê hương Bắc Giang. Vì vậy, PGS Bình cho rằng cần kiến nghị để Nhà nước sớm có quyết định đổi tên TP Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương.

Theo ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, ngày 11/7/1888, đơn vị hành chính "Phủ Lạng Thương" ra đời. Ngày 10/10/1895, tỉnh Bắc Giang được thành lập, Phủ Lạng Thương trở thành trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang. 

Từ Phủ Lạng Thương xưa đến TP Bắc Giang ngày nay, ở giai đoạn lịch sử nào, Bắc Giang cũng là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hiến. Nhiều di sản văn hóa trên địa bàn vẫn còn nguyên giá trị và đã được tôn vinh.(Vietnam+)


Luật sư trúng tuyển Hiệu trưởng chậm được bổ nhiệm vì bị khiếu nại

Việc chậm bổ nhiệm ông Lê Đình Vinh làm Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội là do Bộ Tư pháp phải giải quyết đơn khiếu nại và chờ ý kiến của Thủ tướng.

Ngày 16/10, ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho hay quá trình thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội không có bất kỳ đơn khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến luật sư Lê Đình Vinh. Bộ Tư pháp đã công bố toàn bộ quá trình này trên mạng.

Nhưng sau khi ông Vinh trúng tuyển, theo ông Dũng, xuất hiện một số đơn thư kiến nghị, khiếu nại gửi lãnh đạo Chính phủ. Bộ đã đề nghị ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Tư pháp làm việc với lãnh đạo nhà trường và các bộ ngành liên quan. Ban giám hiệu Đại học Luật khẳng định đơn tố cáo chỉ là nặc danh không đại diện cho tập thể nhà trường.

Bộ Tư pháp đã báo cáo với Thủ tướng và chờ ý kiến chỉ đạo. "Sau khi có ý kiến chỉ đạo chúng tôi lại tiếp tục các quy trình bổ nhiệm", ông Dũng nói.

Về việc tuyển dụng ông Vinh, Vụ trưởng tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) Lê Tiến Châu cho biết Luật sư Lê Đình Vinh có thể là công chức hoặc viên chức khi đảm nhận chức danh Hiệu trưởng. Ông Vinh có thể trở thành công chức theo quy định trong Nghị định 24 và Thông tư 13 cho phép tuyển dụng không thông qua thi tuyển. Ông Vinh cũng có thể là viên chức nếu tuyển theo cơ chế xét tuyển đặc cách. Nếu áp dụng những quy định trên, ông Vinh không được hành nghề luật sư nữa.

Ông Lê Đình Vinh trúng tuyển trong kỳ thi vào chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, được tổ chức đầu tháng 9. Ông Vinh vẫn chưa được bổ nhiệm chính thức trong khi những người trúng tuyển vào các chức danh khác trong cùng kì thi đã ổn định công việc.

Ông Lê Đình Vinh sinh năm 1972, làm Tiến sĩ luật ở Đại học Tổng hợp Kyushu, Nhật Bản. Ông Vinh từng làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội, Phó trưởng Ban thư ký lãnh đạo Văn phòng Bộ Tư pháp. Khi tham dự kì thi tuyển do Bộ Tư pháp tổ chức, ông Vinh là Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink.


Cà Mau:Cán bộ cố tình giấu lỗi, “ngâm” hồ sơ của dân

Hầu hết các sai phạm đều do lỗi chủ quan của cán bộ, dẫn đến có nhiều hồ sơ trễ hẹn hoặc bị “ngâm” với thời gian dài không giải quyết, thậm chí có hồ sơ còn không ghi giấy hẹn…

Mới đây, Đoàn kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Cà Mau đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Thới Bình và phát hiện có nhiều sai phạm trong kiểm soát TTHC ở huyện này.

Cụ thể, sau khi Thông tư 47 ngày 11/12/2014 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các cơ sở ăn uống ban hành, Chi cục ATVSTP tỉnh Cà Mau đã tổ chức tập huấn, triển khai các nội dung có liên quan cho cán bộ y tế tại các xã, phường trong tỉnh.

Qua thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Thới Bình có khoảng 360 cơ sở ăn uống thuộc đối tượng phải ký cam kết đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, thực tế tại 2 xã Biển Bạch và Tân Bằng thì hầu như không một nơi nào thực hiện việc ký cam kết nói trên.

Lý giải với đoàn kiểm tra, ông Hứa Thành Xây (Trung tâm Y tế huyện Thới Bình) lập luận: “Rất có thể do lãnh đạo Trạm Y tế xã quá bận nên “quên”, hoặc cũng có thể do cán bộ cấp dưới chậm tham mưu…”.

Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm của huyện Thới Bình: Có nhiều hồ sơ trễ hẹn hoặc bị “ngâm” suốt thời gian dài không giải quyết, thậm chí khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ còn không có phiếu hẹn, không có thời gian trả kết quả, một số lĩnh vực tỉnh đã có văn bản nhắc nhỡ nhưng vẫn tiếp tục sai phạm… Đặc biệt, có trường hợp cán bộ ngang nhiên đổi phiếu hẹn để lập thành tích.

Ông Phạm Quốc Sử - Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC (Sở Tư pháp Cà Mau) cho rằng, huyện Thới Bình rõ ràng đã thiếu sót trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của cấp trên. “Có những sai phạm cần phải được đánh giá một cách nghiêm túc, bởi không khéo sẽ là tiền đề cho những hệ lụy sau này”, ông Sử nói.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục