tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 04-11-2015

  • Cập nhật : 04/11/2015

Đà Nẵng giám sát hoạt động đầu tư khu vực biên giới biển

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị thường xuyên hướng dẫn, giám sát, quản lý các hoạt động đầu tư, kinh doanh, du lịch  trong khu vực biên giới biển.

Ngày 2-11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công văn yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện tổ chức quán triệt phổ biến những nội dung cơ bản về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển đến các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn trong quý 1-2016, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 10-4-2016.

Theo đó, các sở, ban ngành liên quan và UBND các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức quán triệt phổ biến đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức thuộc quyền.

Các phường biên giới biển (17 phường) chủ trì, phối hợp với các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức quán triệt phổ biến đến cán bộ các tổ dân phố, hội nông dân, các tổ tàu thuyền, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trên khu vực biên giới biển thuộc địa bàn phường mình quản lý để biết và tự giác chấp hành.

Ngoài ra, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, Công an và Bộ chỉ huy quân sự TP thường xuyên hướng dẫn, giám sát, quản lý các hoạt động đầu tư, kinh doanh, du lịch, dịch vụ trong khu vực biên giới biển để kịp thời tham mưu UBND TP xử lý theo đúng 
quy định.


PMI tháng 10 tăng nhẹ lên 50,1 điểm

PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 10 đạt mức 50,1 điểm, cao hơn mức 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ thay đổi một chút trong tháng.

Theo báo cáo mới nhất vừa được Nikkei công bố, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (Purchasing Managers Index-PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt mức 50,1 điểm, cao hơn mức 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ thay đổi một chút trong tháng.

Như vậy, chỉ số này đã tăng từ mức 49.5 điểm của tháng 9. Nhân tố giúp chỉ số chính tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm là do sản lượng đã tăng nhẹ. Đây là mức tăng có được sau khi giảm trong tháng trước.

Cụ thể, dữ liệu PMI mới nhất cho thấy sự ổn định của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 10. Số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm nhẹ trong hai tháng liên tiếp, trong khi sản lượng tăng nhẹ. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm làm lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm và mức độ tạo việc làm yếu hơn. Trong khi đó, cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tiếp tục giảm khi chi phí nguyên vật liệu giảm.

Số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể đã giảm nhẹ trong tháng 10, là tháng giảm thứ hai liên tiếp. Các thành viên nhóm khảo sát cho rằng nguyên nhân giảm là do nhu cầu khách hàng giảm, mà đây cũng là nhân tố dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tháng thứ năm liên tiếp.

Mức tăng việc làm gần đây nhất chỉ là nhỏ. Các nhà sản xuất ở Việt Nam tiếp tục báo cáo giá nguyên vật liệu trong tháng 10 giảm dẫn đến giảm cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra. Trong cả hai trường hợp, tốc độ giảm là mạnh, nhưng là yếu nhất trong thời gian ba tháng. Giá cả đầu vào đã giảm liên tục kể từ tháng 7.

Hoạt động mua hàng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết lượng lưu trữ hàng hóa đầu vào đã đủ để đáp ứng yêu cầu đầu ra. Điều này là phù hợp với việc tồn kho hàng mua đã tăng nhẹ, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài ba tháng.

Tồn kho hàng thành phẩm cũng đã tăng giống như trong tháng 9. Sản lượng tăng, số lượng đơn đặt hàng mới giảm và sự chậm trễ trong khâu phân phối sản phẩm đến khách hàng, tất cả đã góp phần làm tăng tồn kho hàng hóa sau sản xuất.

Trong khi đó, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp khi các báo cáo cho biết khối lượng công việc giảm đã giúp họ giảm thời gian giao hàng.


Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung được giới thiệu làm Chủ tịch Hà Nội

Ở cương vị tân Phó bí thư Hà Nội, ông Chung cho biết lòng tin của nhân dân với ngành công an là thuận lợi lớn nhất khi ông đảm nhận công việc mới.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung được đề cử làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Phó bí thư thành ủy Đào Đức Toàn cho hay tại cuộc họp báo sáng nay nhân kết thúc Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16.

ong nguyen duc chung, pho bi thu thanh uy ha noi. anh:giang huy.

Ông Nguyễn Đức Chung, Phó bí thư thành ủy Hà Nội. Ảnh:Giang Huy.

Chia sẻ tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết ông rất vinh dự vì được bầu vào cương vị Phó bí thư thành ủy. Theo ông, sự tín nhiệm của đại biểu và người dân những năm qua với ngành công an là thuận lợi lớn nhất khi ông đảm nhận công việc mới. “Ai cũng có khó khăn, nhưng lòng tin của nhân dân sẽ giúp tôi vượt qua những khó khăn thách thức trong nhiệm kỳ mới”, ông Chung nói.

Tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 16, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội đã trúng cử Ban chấp hành Đảng bộ thành phố và được bầu giữ chức Phó bí thư thành ủy.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (48 tuổi, quê ở Kinh Môn, Hải Dương) là điều tra viên cao cấp, tiến sĩ luật, cử nhân kinh tế, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới 37 tuổi.

Ông từng nhiều năm làm việc tại Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội). Sau khi lần lượt giữ chức Phó phòng rồi Trưởng phòng, ông làm Phó giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra.

Tháng 9/2012, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an Hà Nội.


TP HCM chi hơn 900 tỷ đồng xây hạ tầng công viên lịch sử

Số tiền này dùng để làm đường nội bộ, hệ thống cây xanh, chiếu sáng... cho Khu cổ đại thuộc Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TP HCM.

UBND TP HCM vừa phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu cổ đại (thuộc Khu công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, quận 9) theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư hơn 936 tỷ đồng. Dự án sẽ được khởi công trong tháng 12 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm xây dựng.Theo đó, có hơn 25 ha được san nền; xây mới hơn 8 km đường bêtông nhựa nóng, lòng đường rộng 6-64 m; xây đường đi bộ; bãi đậu xe; cây xanh vỉa hè, cây xanh công viên, hệ thống tưới nước, chiếu sáng; cầu bêtông cốt thép (qua rạch Đồng Tròn); nạo vét rạch, bờ kè hồ và bờ kè rạch...

cong vien lich su van hoa cac dan toc - cong trinh van hoa lon cua tp hcm. anh:sggp

Công viên Lịch sử văn hóa các dân tộc - công trình văn hóa lớn của TP HCM. Ảnh:SGGP

Về phương thức thu hồi vốn, sau khi xây dựng hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, khai thác và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác (dự án Xây dựng Khu Du lịch sinh thái tại Khu đất Cù lao Bà Sang).

Dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc được Ban thường vụ Thành ủy TP HCM lên ý tưởng từ năm 1992, nhằm tái hiện những cột mốc lịch sử - văn hóa của dân tộc làm điểm tựa cho công tác giáo dục lý tưởng, phát huy truyền thống dân tộc trong thế hệ trẻ và tạo điều kiện giới thiệu giao lưu văn hóa Việt Nam với nước ngoài.

5 năm sau, dự án được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 với tổng diện tích đất xây dựng 408 ha (381 ha thuộc phường Long Bình, quận 9, TP HCM) diện tích còn lại thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An (Bình Dương) và được khởi công vào năm 1998.

Công viên gồm các công trình giới thiệu những sự kiện lịch sử và những công trình văn hóa tiêu biểu của dân tộc từ thời các vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời xây dựng các công trình sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí và cảnh quan. Kèm theo việc xây dựng mỗi khu vực là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và các công trình có quy mô thích hợp.

Theo quy hoạch công viên có 4 khu chức năng gồm: Khu cổ đại rộng 80 ha; Khu Trung đại 33 ha; Khu Cận hiện đại 30 ha và Khu sinh hoạt văn hóa 265ha, bao gồm Cù Lao Bà Sang (40 ha). Khu Tưởng niệm các vua Hùng (giai đoạn 1) đã được khánh thành hồi tháng 4/2009 là nơi tổ chức các lễ hội, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc của các thế hệ, đặc biệt là nơi tôn nghiêm tổ chức lễ Giỗ Tổ hàng năm tại TP HCM.


Không được đưa lao động phổ thông vào Việt Nam

 Đó là một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo thông tư quy định về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

Dự thảo thông tư đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến nêu rõ: “Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép đăng ký đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và người có tay nghề cao mà Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng”.

Theo ông Bùi Trung Dung - cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), điều này đồng nghĩa với việc các nhà thầu nước ngoài không được phép đưa lao động phổ thông người nước ngoài vào làm việc tại các dự án trúng thầu ở Việt Nam.

Lao động phổ thông, công nhân phải được tuyển dụng ở trong nước.

Cũng theo quy định tại dự thảo thông tư, các nhà thầu nước ngoài sẽ bị xem xét không được cấp giấy phép hoạt động xây dựng nếu không sử dụng thầu phụ Việt Nam theo hồ sơ đã được cấp giấy phép hoạt động xây dựng trước đó hoặc vi phạm quy định về sử dụng lao động, an toàn lao động, nộp thuế, chất lượng công trình...


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục