tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Sức chịu đựng tham nhũng của người dân tăng vọt trong năm 2015”

  • Cập nhật : 13/04/2016

(Tin kinh te)

“Sức chịu đựng tham nhũng của người dân tăng vọt trong năm 2015” là một trong những ý kiến được đưa ra thảo luận trong buổi công bố chỉ số PAPI.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

“Sức chịu đựng tham nhũng của người dân tăng vọt trong năm 2015” là một trong những ý kiến được đưa ra thảo luận trong buổi công bố chỉ số PAPI (Hiệu quả quản trị và hành chính công) năm 2015, được tổ chức vào ngày 12 tháng 4, tại Hà Nội.

Minh bạch giảm sút
Một câu chuyện được đưa ra thảo luận tại lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2015, do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12/4, đó là vụ việc xây dựng trái phép khu nghỉ dưỡng cao cấp giữa Vườn quốc gia Ba Vì gây chấn động dư luận năm vừa qua.
TS. Đặng Hoàng Giang, thành viên của nhóm nghiên cứu phân tích đã đưa ra kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có 12% số người dân trên toàn quốc biết đến kế hoạch sử dụng đất tại địa phương mình. Vụ việc xây dựng trái phét giữa Vườn quốc gia Ba Vì chính là hậu quả của việc người dân hoàn toàn không được biết và giám sát đất đai tại địa phương mình được sử dụng như thế nào.
Đây có thể coi là minh chứng điển hình về sự thiếu công khai, minh bạch trong quản trị và điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Đáng buồn là dấu hiệu tiêu cực này đã có xu hướng gia tăng trong năm qua, và thậm chí còn tiêu cực hơn nếu xét trong quãng thời gian 5 năm trở lại đây.
Kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2015 và so sánh qua các năm cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam có xu hướng suy giảm đáng kể. Điểm nhấn đáng chú ý nhất, song cũng đáng buồn nhất là chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đã giảm 3 điểm % so với năm 2014.
Kết quả khảo sát PAPI năm 2015 tiếp tục cho thấy tính chất kinh niên của vấn đề tham nhũng. Các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong trường tiểu học công lập và trong dịch vụ hành chính công về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều cho thấy có tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chung chi, bồi dưỡng thêm để nhận được dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng.
So với kết quả khảo sát năm 2014, có sự gia tăng đột biến ở tỷ lệ người dân cho biết phải cho “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ước tính ở mức 44%, tăng gấp đôi so với tỷ lệ 24% của năm 2014.
Ngươc lại, số người sử dụng dịch vụ y tế tuyến huyện/quận phải đưa lót tay cho cán bộ để được chăm sóc tốt hơn vẫn ổn định ở tỷ lệ 12% qua 2 năm 2014 và 2015, dù ngành y tế trong năm qua khẳng định đã có nhiều biện pháp kiểm soát tình trạng này.
Ngoài ra, khoảng 37% số người được hỏi cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương trong năm 2015, giảm so với tỷ lệ 39% của của năm 2014.
Nhìn chung, người dân ngày càng chấp nhận sống chung với tham nhũng hơn. TS. Đặng Hoàng Giang phân tích, mức độ chịu đựng vòi vĩnh, hối lộ của người dân đã tăng dần lên theo thời gian. Điều này thể hiện ở mức tiền bị vòi vĩnh dẫn tới tố giác tiếp tục tăng, và thậm chí là tăng đột biến trong năm 2015.
Nếu như năm 2011-2012, số tiền này dao động quanh mức 5,1-5,5 triệu đồng; năm 2013-2014 tăng lên 8,2-8,8 triệu đồng, thì năm 2015 đã vọt lên tận 23,7 triệu đồng.
“Đây là sự “đi lên” rất đáng quan ngại, thể hiện người dân có thái độ sống chung với lũ, chỉ khi bị hạch sách một lượng tiền khá lớn mới tố cáo, nếu không sẽ lặng lẽ cho qua”, ông Giang bình luận.

“Mức chịu đựng tham nhũng tăng lên”
Cùng với mức chịu đựng tham nhũng tăng lên, nhóm nghiên cứu cũng kết luận, kết quả phân tích cho thấy động lực và quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng trong giới chức và người dân có xu hướng giảm dần.
Bên cạnh đó, 3 chỉ số thành phần gồm Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Trách nhiệm giải trình với người dân, và Thủ tục hành chính công cũng giảm điểm nếu xét trong 5 năm qua. Chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở có sự sụt giảm nhiều nhất khi phần lớn các tỉnh giảm điểm khá nhiều, chỉ có 4-5 tỉnh tăng điểm ở mức nhẹ khoảng 5%. Chỉ có 13% số người được hỏi cho biết chính quyền địa phương đã lấy ý kiến của họ trong một năm qua trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Chỉ số PAPI năm 2015 của Việt Nam ghi nhận sự suy giảm ở 5 trong số 6 chỉ số nội dung chấm điểm, đó là Công khai, minh bạch; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Trách nhiệm giải trình; và Thủ tục hành chính công.
Chỉ số duy nhất có sự tăng điểm nhẹ là Cung ứng dịch vụ công. Bên cạnh đó, mặc dù nhiều tỉnh thành đã có điểm số cải thiện sau 5 năm thì vẫn có đến 13 tỉnh thành có mức sụt giảm về điểm số đáng kể so với 5 năm trước. 5 tỉnh/thành phố luôn ở nhóm 16 địa phương đạt điểm cao nhất qua các năm gồm Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Nam Định, Long An, Quảng Trị.
Những địa phương bị đánh giá có chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công thấp nhất vẫn là một số tỉnh ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong đó có thể kể tới là: Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Thuận…


NGUYỄN THOAN
Theo Bizlive

Trở về

Bài cùng chuyên mục