tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Người Việt khó yêu hàng Việt: Doanh nghiệp chọn yêu... nước ngoài?

  • Cập nhật : 26/09/2015

(Tin Kinh Te)

Để hàng Việt cạnh tranh được với hàng ngoại, cần khuyến khích người Việt dùng hàng Việt và các nhà quản lý hãy ưu tiên, thông cảm với doanh nghiệp Việt.

PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương chia sẻ như vậy xung quanh câu chuyện người Việt khó yêu hàng Việt.

Học Trung Quốc, Thái Lan cách đưa hàng đến tay người tiêu dùng

Nhìn nhận về thực tế người Việt cho đến nay vẫn khó yêu hàng Việt, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do tâm lý sính ngoại của người Việt nói chung và nền sản xuất của Việt Nam nói riêng. Theo đó, từ xưa đến nay người Việt đã có tư duy "buôn cau ăn chũm", "bán gà thì ăn gà toi", hàng tốt thì để xuất khẩu, còn hàng không xuất được, kém chất lượng thì tiêu thụ trong thị trường nội địa. Muốn thay đổi nếp nghĩ này đòi hỏi phải rất kỳ công, không thể ngày một ngày hai.

Gần đây, người kinh doanh Việt Nam bước đầu đã có sự thay đổi: chất lượng nhiều loại hàng hóa của Việt Nam tốt hơn, đặc biệt hàng tốt hơn hàng Trung Quốc. Thậm chí, thời gian qua hàng Trung Quốc còn núp danh hàng Việt để thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

song song voi phong trao van dong nguoi viet uu tien dung hang viet, cac nha quan ly can uu tien va thong cam voi cac doanh nghiep viet.

Song song với phong trào vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, các nhà quản lý cần ưu tiên và thông cảm với các doanh nghiệp Việt.

"Kể từ khi có cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" của Bộ Chính trị, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới, các doanh nghiệp Việt nhận ra rằng không thể chỉ chăm chắm xuất khẩu mà bỏ quên thị trường 90 triệu dân và họ bắt đầu có ý thức sản xuất cho người Việt. Các doanh nghiệp xây dựng các hệ thống sản xuất, phân phối, marketing cho hàng Việt. Dù chuyển biến chưa mạnh nhưng một điều đáng mừng là cho đến nay, ở các siêu thị lớn, danh tiếng, hàng Việt chất lượng cao đã chiếm 80-90%, còn lại một phần nhỏ là hàng nhập khẩu. Ngoài ra, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân ở khu vực này, thay thế một phần hàng giá rẻ của Trung Quốc", ông Thắng cho biết.

Dù vậy, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, việc tiêu thụ hàng Việt hiện nay vẫn còn một số vấn đề. Cụ thể, tại hệ thống phân phối truyền thống là chợ, kể cả các chợ phát luồng như Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Đông Ba (Huế), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Bến Thành (TP.HCM)..., hàng Trung Quốc vẫn thống lĩnh.

Gần đây, với sự mất uy tín của hàng Trung Quốc, người tiêu dùng dần ít tiêu thụ hàng này và chuyển sang tiêu thụ hàng Thái Lan. Sự lên ngôi của hàng Thái trên thị trường Việt Nam là do các nhà kinh doanh Thái Lan đã âm thầm tiếp cận thị trường Việt một cách bài bản. Hàng Thái Lan chất lượng tốt, giá cả phải chăng và được bán trong những cửa hàng tiện lợi nằm sâu trong khu vực dân cư. Các hội chợ giới thiệu hàng Thái Lan cũng được doanh nghiệp Thái tổ chức hết sức bài bản. Người Thái đã xây dựng được thương hiệu, chiếm được lòng tin của khách hàng đối với chất lượng hàng Thái Lan.

Trong khi đó, các nhà sản xuất chưa tìm ra cách đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối truyền thống.

"Muốn đưa dược hàng Việt vào hệ thống này, doanh nghiệp Việt phải học tập kinh nghiệm của các nhà kinh doanh Trung Quốc", PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được ông Thắng lưu ý, đó là doanh nghiệp Việt kinh doanh nông sản đang giẫm phải vết xe đổ của hàng công nghiệp Việt Nam khi cứ tìm đường ra nước ngoài mà bỏ quên thị trường nội địa. Điều này dẫn đến tình trạng: hoa quả ngoại chiếm ưu thế trong các siêu thị lớn của Việt Nam còn hàng Việt phải ra vỉa hè. Bằng chứng là các vỉa hè của Hà Nội, TP.HCM... đổ đống nào thanh long Bình Thuận, dừa xiêm Bến Tre, bơ sáp Đắk Lắk...

"Cần có sự thay đổi về mặt tư duy, hoa quả Việt Nam vào siêu thị như thế nào, với giá cả như thế nào để người Việt tìm đến. Bây giờ người Việt đang phải mua quả Việt trong siêu thị với giá đắt hơn ở vỉa hè rất nhiều. Ví dụ, một quả dừa xiêm Bến Tre trong siêu thị được bán với giá 20.000 đồng/quả nhưng ngoài vỉa hè chỉ 15.000 đồng/2 quả. Bởi thế không thể bảo người Việt Nam hãy yêu hàng Việt Nam đi, vào siêu thị mua hàng Việt Nam", ông Thắng bày tỏ.

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, hệ thống phân phối của Việt Nam chưa thích ứng để tiêu thụ hàng Việt Nam. Đặc biệt, hệ thống phân phối quá nhiều tầng, nhiều nấc dẫn đến tình trạng hàng Việt Nam ở gốc thì được người sản xuất bán với giá rẻ, còn ở phần ngọn thì người tiêu dùng phải mua với giá cao. Như vậy, mọi chi phí nằm ở các khâu trung gian. Đây là điều cần phải điều chỉnh ở tầm chính sách Nhà nước, tổ chức của các bộ ngành, nhận thức của các doanh nghiệp lớn và của người tiêu dùng.
 

Doanh nghiệp Việt đi trên... cầu khỉ

Cũng liên quan tới vấn đề hàng Việt thua trên sân nhà, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu quá nhiều sức ép, đặc biệt là các khoản thuế phí khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, giảm sức cạnh tranh của hàng Việt so với hàng ngoại.

"Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng đưa ra một con số cụ thể: Để có 1 đồng lợi nhuận, doanh nghiệp Việt phải chi 1,02 đồng phí bôi trơn. Để hàng Việt Nam đi từ nơi sản xuất ra thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp phải nộp không biết bao nhiêu các khoản lệ phí, làm luật...

Một doanh nghiệp nào đó vừa mới nổi lên, tiêu thụ được kha khá hàng hóa một chút lập tức bị các cơ quan chức năng đến "hỏi thăm", thậm chí có nơi cơ quan chức năng trở thành công cụ để các doanh nghiệp lợi dụng, cạnh tranh không lành mạnh với nhau. Chưa kể chi phí vay ngân hàng, thuế đất, chi phí làm "trách nhiệm" với cơ quan quản lý mỗi dịp lễ tết... đè nặng lên vai doanh nghiệp. Những hiện tượng đó là có.

Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương - TS Nguyễn Đình Cung cũng từng đánh giá, doanh nghiệp Việt đang đối mặt quá nhiều thách thức, khó khăn khi hội nhập. Ông so sánh hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam với cảnh một người cõng trên lưng một gánh nặng về chi phí và lại đang đi trên… cầu khỉ nên phải dọ dẫm từng bước để khỏi trượt chân rơi xuống nước nên khó có thể ngẩng đầu nhìn xa để vươn tới những thị trường rộng lớn bên ngoài.

Các doanh nghiệp nước ngoài ban đầu cũng kỳ vọng khi đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên kinh doanh được một thời gian họ cảm thấy thất vọng rồi bỏ của chạy lấy người. Vì thế nếu cứ giục các doanh nghiệp hãy cạnh tranh quốc tế, mở rộng kinh doanh, làm ăn bài bản nhưng các nhà quản lý, các ban ngành không thay đổi, doanh nghiệp bị "hành" ngày càng tinh vi, nặng nề hơn thì không thể nào phát triển nổi", ông Thắng thẳng thắn.

Một lần nữa, PGS.TS Phạm Tất Thắng nói rằng, để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường nội địa, song song với phong trào vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, các nhà quản lý cần ưu tiên và thông cảm với các doanh nghiệp Việt.


Thành Luân
Theo Báo Đất Việt

Trở về

Bài cùng chuyên mục