tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

"Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá 3 – 5% trong năm 2016"

  • Cập nhật : 04/12/2015

(Tai chinh)

Đây là một trong những dự báo của TS. Lê Xuân Nghĩa tại hội nghị “Toàn cảnh thị trường tài chính – bất động sản 2015 và dự báo 2016” diễn ra mới đây.

ts. le xuan nghia, vien truong vien nghien cuu phat trien kinh doanh (bdi).

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI).

 

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) khẳng định, sự tăng trưởng chắc chắn của Việt Nam nhưng có 2 vấn đề vẫn đáng lo ngại là lãi suất có xu hướng tăng và tình hình tỷ giá hối đoái.

Theo ông Nghĩa, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam có lạm phát ngang nhau đều dưới 1% nhưng lãi suất cao nhất của Mỹ là 4,5%, Trung Quốc là 4,3% còn của Việt Nam là 11%. Điều này là do lợi suất trái phiếu Chính phủ ngày càng tăng lên, Chính phủ đang thu hút một lượng lớn trái phiếu.

Ông cho biết túi tiền trong toàn bộ nền kinh tế có hạn, Chính phủ hút quá nhiều thì doanh nghiệp tất nhiên phải ít đi. Tuy nhiên, trái phiếu Chính phủ của chúng ta có lợi suất cao như thế vẫn không huy động được, điều này là do lòng tin của nhà đầu tư đang bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng (CDS) của chúng ta ngày càng cao.

Về vấn đề nợ xấu, ông Nghĩa cho rằng nợ xấu quá lớn làm cho chi phí hoạt động trên tổng chi phí của ngân hàng Việt Nam rất cao, chỉ số này của các nước là 11%, trong khi đó Việt Nam lên đến 20%, trích lập dự phòng quá lớn đang đẩy lãi suất tăng.

Mặt khác, năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Điều này đang tạo áp lực tăng tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, Mỹ có thể điều chỉnh lãi suất và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục phá giá nhẹ đồng Nhân dân tệ. Ông Nghĩa đưa ra dự báo Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá hối đoái 3 – 5% trong năm 2016.

Trước đó, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, phát hành TPCP đã có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực trong tháng 11. Lần đầu tiên sau 1 năm đã diễn ra phiên đấu thầu TPCP kỳ hạn 3 năm do KBNN phát hành. Phiên phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm đã thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và đạt tỷ lệ trúng thầu 100%, 6.000 tỷ đồng đã được bán hết tại mức lãi suất 5,9%/năm. Nhu cầu của thị trường đối với kỳ hạn 3 năm hiện vẫn tương đối lớn.

Chỉ số CDS (đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ TPCP) sau khi tăng liên tục trong 5 tháng (từ tháng 05 đến tháng 09/2015) đã bắt đầu giảm từ đầu tháng 10. Chỉ số CDS đối với TPCP kỳ hạn 5 năm đạt mức cao nhất vào tuần đầu tháng 10 (298,7 điểm) sau đó bắt đầu xu hướng giảm và tới ngày 24/11 chỉ còn ở mức 254,7 điểm.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục